Khủng hoảng, đảng trở thành tổ chức quan liêu, mafia - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Khủng hoảng, đảng trở thành tổ chức quan liêu, mafia


Nhận thức được nguy cơ xuất phát từ những khủng hoảng hệ thống nội tại về lý luận, tư tưởng, tổ chức, đạo đức cán bộ đảng viên, chất lượng và phương pháp lãnh đạo xã hội, dẫn đến sự mất niềm tin nghiêm trọng trong nhân dân, đảng đã tung ra giải pháp lớn là sửa đổi Hiến pháp 1992. Ngoài mục đích nhân dịp này đảng đưa ra một tu chính Hiến pháp thể chế hoá một số điểm trong cương lĩnh chính trị mới vừa thích ứng với những thay đổi của tình hình trong nước và thế giới, vừa thể hiện sự kiên trì giành quyền lãnh đạo tuyệt đối thông qua một qui trình hợp hiến hoá; đồng thời, ngay từ đầu, đảng cũng muốn tạo ra một kiểu sinh hoạt dân chủ có kiểm soát, nhằm xả xú páp những căng thẳng kéo dài trong thời gian qua thể hiện bằng những xung đột lợi ích có thực giữa nhà cầm quyền với nhân dân trong cưỡng chế thu hồi, bồi thường đất đai, tham nhũng, kinh tế suy thoái…

Với những ý đồ được thiết kế đó, đảng muốn nhốt toàn bộ công cuộc góp ý của nhân dân trong 02 tháng và chỉ bằng những kênh đã dự kiến là các cuộc hội thảo, họp đại diện “nhân dân” có tổ chức để bày tỏ sự thống nhất về nội dung và sự biết ơn vì đã được ban cho cái quyền góp ý. Tuy nhiên, sự kiểm soát của đảng đã bị vô hiệu hoá khi diễn biến của những cuộc góp ý tự phát nhưng hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ, có tính đại diện cao, có sức thuyết phục lớn đã đảo chiều trong các nội dung góp ý không có lợi cho đảng. Bản kiến nghị 72 cùng với dự thảo Hiến pháp tham khảo, Lời tuyên bố của nhóm các công dân tự do, Bản góp ý và kiến nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã điểm vào những hiểm huyệt của chế độ: bỏ hiến định về quyền lãnh đạo của đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền tam quyền phân lập, đổi quốc hiệu, phục hồi chế độ tư hữu và quyền tư hữu đất đai của nhân dân, xây dựng quân đội phi đảng hoá. Những kênh góp ý đó đã được chuyển đến một cách công khai, đúng luật cho các cơ quan chức năng của cuộc góp ý, đồng thời lan truyền mạnh mẽ trên mạng thông tin, ngấm vào dư luận xã hội và tạo ra một cơn lốc chính trị thật sự.

Đáp lại, đảng, thông qua người đứng đầu, cùng với bộ phận chóp bu chính trị của đảng, đã qui chụp cho toàn bộ các tổ chức góp ý đó là bộ phận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phải xử lý. Đồng thời, đảng cũng huy động một lực lượng đông đảo các nhà ăn lương làm lý luận, số trí thực kiên định với sổ hưu và sợ mất sổ hưu, một số Việt kiều giả danh hoặc dấu tên, đội ngũ dư luận viên cò mồi… tung ra cuộc phản công lúng túng, yếu ớt, thiếu trí tuệ, thiếu sức thuyết phục với những xu thế nói trên. Đơn cử, việc bảo vệ Điều 4 về quyền lãnh đạo của đảng, lập luận bảo vệ phải vận dụng đến cả lý và tình, kêu gọi sự mủi lòng của nhân dân, kể công lịch sử, lấy lịch sử để hợp lý hoá hiện tại, trong khi đúng ra vấn đề phải được giải quyết ở yêu cầu chính trị của nó, tứ là sự đồng thuận dân chủ, là trưng cầu ý dân, là sự đánh giá một cách trí tuệ của toàn dân với uy tín của đảng so với xu thế của thời đại.

Rốt cuộc, sợi chỉ đỏ của toàn bộ quá trình gọi là dân chủ, hợp hiến đó là đảng, bằng mọi cách, vẫn giành quyền lãnh đạo của mình. Đã giành cái quyền mà nhân dân không đồng thuận, tức là đoạt, cướp. Khi giành quyền lãnh đạo độc tôn, duy nhất, với định hướng xã hội chủ mù mờ, giả hiệu, tất sẽ không có một kiểu nhà nước tam quyền phân lập nào cả; quyền tư hữu đất đai lịch sử của nhân dân Việt Nam sẽ không được trả lại; quân đội phải trung thành với đảng. Cướp quyền lãnh đạo, sẽ cướp cả tự do, dân chủ, nhân quyền, cướp đi sự đa dạng, đa phương sinh động và sáng tạo trong đời sống tư tưởng, tinh thần của nhân dân, cướp tài sản lịch sử của nhân dân, và dĩ nhiên, muốn như thế phải cướp luôn công cụ bạo lực, biến nó thành một lực lượng bị khống chế, phải trung thành. Một nhóm lợi ích không còn nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân, tiến hành sự lãnh đạo của mình như một hình thức cướp đoạt bằng cách sử dụng quân đội, công an làm phương tiện bạo lực đe doạ và trấn áp, về bản chất, nó gần hoặc đã là một tổ chức mafia.

Khi thực hiện bước đi như vậy, đảng đã chấp nhận sự phi lý xét cả trên bình diện đồng đại và lịch đại. Về đồng đại, đảng bỏ qua nhu cầu tự do, dân chủ, nhân quyền như một nhu cầu tức thì, có thực, hợp thời và được thể hiện một cách công khai của nhân dân; bỏ qua xu thế chính trị được áp dụng một cách thành công, hợp lòng dân ở rất nhiều quốc gia phát triển và muốn phát triển bình thường. Về lịch đại, người dân Việt Nam chưa bao giờ phát ngôn, thể hiện ý kiến một cách có tổ chức, trực tiếp và tự do về việc trao quyền lãnh đạo cho đảng; cho đến nay, đảng cũng không dám tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề hết sức hệ trọng này. Tương tự, nhân dân cũng chưa bao giờ trực tiếp giao đất, giao quyền tư hữu đất đai để xây dựng cái chế độ sở hữu hết sức mù mờ là sở hữu toàn dân. Trong khi đó, cùng là đối tượng cải tạo xã hội chủ nghĩa, song khi đổi mới, đảng cho phục hồi quyền sở hữu tư sản và tư bản, hình thành một giai cấp tư sản kiểu mới trong hệ thống mafia, với các loại tài sản trừ đi đất; còn “giai cấp” nông dân, rủi ro sở hữu loại tài sản và tư liệu sản xuất đất đai, đã xem như vĩnh viễn bị cướp đoạt.

Song song với quá trình đấu tranh hiến pháp, đấu tranh chính trị không cân sức đó, một số động thái trong công tác cán bộ, nhân sự thời gian qua của đảng cũng góp phần chứng minh cho xu thế mafia và quan liêu.

Từ năm 1954 trên miền bắc và 1976 trên cả nước, công tác cán bộ của đảng được thực hiện trong hệ thống 4 cấp của đảng: trung ương, tỉnh, trên cơ sở và cơ sở. Tương ứng về lãnh thổ là trung ương, tỉnh/thành phố, huyện/quận và xã /phường. Toàn bộ nhân sự lãnh đạo của mỗi cấp là do đại hội thường kỳ của cấp đó bầu ra theo trật tự từ dưới lên trên. Theo cách đó, mặc dù vẫn có chỉ đạo nhân sự từ cấp trên và không thực sự dân chủ, những người được bầu ra ít nhất là tại chỗ, được chọn ra từ chính tập thể đó, là thế hệ lớn tuổi hơn, và cũng có chút ít uy tín để chọn cột cờ. Về nguyên tắc, công tác nhân sự như vậy là bảo đảm tính lêninít về chính đảng, vốn được xem là hình thức dân chủ phù hợp nhất cho những đảng cầm quyền độc tôn có hệ thống lấp đầy các cấp chính quyền / lãnh thổ.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do khủng hoảng chất lượng nhân sự, khủng hoảng thế hệ tuổi tác, nhắm trước những hẫng hụt cán bộ lãnh đạo trong tương lai và để xử lý những nhu cầu bộ máy mới, đảng đã đẩy mạnh việc đào tạo, qui hoạch và luân chuyển, điều động các bộ lãnh đạo một cách quan liêu, tập quyền và không tuân thủ cách thức bầu qua đại hội thường kỳ như trước. Bộ chính trị ở trung ương và Ban thường vụ ở cấp dưới đã sử dụng quyền chỉ định, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ như kiểu một tổ chức hành chính quan liêu không hơn không kém. Đơn cử như việc hình thành 02 ban mới ở trung ương đã ngốn vào đó hàng chục uỷ viên trung ương vốn là bí thư của các tỉnh; một số uỷ viên trung ương khác lại được luận chuyển từ trung ương về làm bí thư các tỉnh mà không cần phải so đũa gì. So với hệ thống nhà nước, sự luân chuyển lên xuống như vậy của đảng mạnh hơn nhiều và thực sự quá trình đó chứng tỏ cán bộ lãnh đạo không còn cần là đại diện ưu tú cho một cấp đảng và thuần tuý chỉ là một công chức chính trị có giá trị mặc nhiên và có thể cử bổ nhiệm bất cứ đâu trên cả nước.

Nghe đâu ở thời điểm giữa nhiệm kỳ này, ở một tỉnh miền trung nọ, người ta đang làm một cuộc náo động nhân sự với vài ba chục trường hợp luân chuyển lãnh đạo các sở ban ngành và các huyện. Hầu hết những trường hợp điều luân chuyển đó không chứng tỏ được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng hoặc nhằm mục tiêu ổn định, phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm kỳ gì; tất cả như một kiểu đánh cờ người tuỳ tiện. Một ông được vào thường vụ tỉnh uỷ, được cử tri bầu là đại biểu nhân dân, được các đại biểu nhân dân khác bầu là Phó chủ tịch tỉnh, bỗng dưng bị miễn nhiệm chức danh này vì chức danh phía đảng cao hơn so với yêu cầu của chức danh chính quyền và không đúng cái qui hoạch rất khoa học của đảng. Cái hội đồng nhân dân vốn 100% bầu ra ông bây giờ cũng 100% miễn nhiệm ông theo ý đảng. Rất dân chủ, tuy hài hước.

Cũng phải nói thêm là đàng sau cái công tác đào tạo, qui hoạch, luân chuyển, điều động đó là vô số những tiêu cực, chạy chọt chức tước hoặc chạy chọt để tránh chức tước. Đây cũng là mảnh đất ngon lành cho những toan tính nhân sự vì lợi ích nhóm, bè phái, đồng hương, đồng khoa và con cháu trong gia đình.

Thất bại trong triển khai nghị quyết chỉnh đốn, thất bại trong công cuộc góp ý Hiến pháp, thất bại khi phải tốn mỗi năm hàng trăm tỉ cho việc lập lại, vận hành Ban kinh tế trung ương, Ban nội chính trung ương , thất bại trong công cuộc chống suy thoái, tham nhũng…, những cố gắng đó chỉ chứng tỏ đảng ngày càng là một tổ chức quyền lực quan liêu và mafia thôi.

© Xích Tử


Nguồn Dân Luận, VAOL minh họa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad