Hơn một ngày sau khi giá bán lẻ trong nước được đưa lên mức kỷ lục 24.580 đồng, nhiều người dân vẫn chưa hết sốc nhất là khi giá thế giới đang trong chiều hướng giảm. Tại một vùng quê miền biển Thanh Hóa, những người dân ít được tiếp xúc với thông tin thậm chí còn lũ lượt mang can, mang thùng đi mua xăng vì lo ngại giá còn tăng nữa.
Nhiều thắc mắc được gửi tới phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 29/3 khi câu chuyện điều hành giá xăng dầu trở nên nóng hổi. Nhiều câu hỏi xung quanh chuyện tăng giá xăng để “chống buôn lậu”, có chăng việc cơ quan quản lý “bỏ quên” lợi ích của người tiêu dùng khi không tính đến phương án giảm thuế hay câu chuyện minh bạch trong giá xăng dầu… được chuyển tới đại diện của Chính phủ cũng như các cơ quan điều hành trực tiếp.
Người dân ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) đổ xô mua xăng ngày 29/3 do lo ngại giá sẽ còn tăng. Ảnh: L.H |
Lý do cho quyết định tăng giá là điều tương đối dễ trả lời ngay từ thông cáo phát đi trước giờ điều chỉnh, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã cho biết bên cạnh mục tiêu chống buôn lậu (do giá xăng ở Việt Nam hiện thấp hơn các nước láng giềng 2.000 - 3.000 đồng một lít), nguyên nhân quan trọng hơn là việc quỹ bình ổn đã cạn sau nhiều tháng “gồng mình” ghìm giá. Bên cạnh đó, giá thế giới dù đã giảm, nhưng khi nhập thành phẩm vẫn cao hơn mức bán lẻ (xăng RON 92) khoảng hơn 1.400 đồng.
Những luận điểm này một lần nữa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ tại buổi họp báo. Ông dành khá nhiều thời gian để nhắc lại những nỗ lực bình ổn của Chính phủ trong giai đoạn cuối 2012, đầu 2013, đồng thời nhấn mạnh việc điều hành giá đều tuân thủ chặt chẽ theo Nghị định 84 và được cân nhắc rất kỹ, trước mục tiêu bình ổn thị trường, kìm chế lạm phát.
“Chính phủ khẳng định điều hành giá xăng dầu là đúng quy định, đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo lợi ích chung chứ không phải vì lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”, Bộ trưởng khẳng khái khi nhắc tới bài toán lợi ích khi điều hành giá.
Chia sẻ quan điểm với người phát ngôn của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết cơ quan điều hành đã tính toán kỹ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trước khi ra quyết định. Mức tăng giá trong lần điều chỉnh vừa qua cũng vừa bằng với chênh lệch giữa giá thành phẩm và giá bán sau khi dừng sử dụng quỹ bình ổn giá và khôi phục lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp.
Riêng về lý do không giảm thuế nhập khẩu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 12%, dầu diesel 8%, dầu hỏa và madút 10% đều thấp hơn nhiều so với barem tối đa mà luật cho phép (25-30%). Đại diện Bộ Tài chính cho rằng mức thu này đã thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người tiêu dùng.
Một vấn đề khác cũng gây chú ý là câu chuyện minh bạch trong điều hành khi Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng với tính chất nhạy cảm của xăng dầu thì giải pháp tốt nhất là phải rõ ràng, công khai. “Cần minh bạch tất cả, từ việc quỹ bình ổn có bao nhiêu, các doanh nghiệp sử dụng quỹ như thế nào, giá nhập khẩu bao nhiêu…”, ông nói.
Tuy vậy, cũng chính tại phiên họp báo, nhiều phóng viên đã đặt vấn đề với Bộ trưởng về việc tính giá xăng dầu trước nay mới được công khai trong những lần điều chỉnh, còn quỹ bình ổn giá còn ít hay nhiều là điều dư luận tuyệt nhiên không bao giờ biết. Chính điều này đã gây ra tâm lý bất ngờ khi giá xăng đột ngột tăng với lý do hết quỹ bình ổn. Trong khi đó, ngay từ cuối tháng 1/2013, nguy cơ cạn quỹ đã hiển hiện khi cơ quan điều hành cho phép nâng sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng lên 500 đồng một lít, trong khi chỉ trích quỹ 300 đồng. Mức sử dụng sau đó còn được nâng lên một lần nữa vào cuối tháng 2, trong khi mức trích không thay đổi.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết trong quá trình điều hành, cơ quan quản lý luôn cố gắng đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng ghi nhận những thông tin liên quan đến quỹ bình ổn hiện vẫn chưa được công khai. “Trong thời gian tới, Liên bộ sẽ tiến hành công khai để báo chí, nhân dân cùng giám sát, giúp cho việc điều hành xăng dầu được tốt hơn”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cam kết.
Trao đổi với báo sau phiên họp báo, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết quyết định tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 thêm 0,127%. Tuy nhiên, theo trao đổi trước đó của lãnh đạo Bộ, các con số cụ thể (tác động trực tiếp, gián tiếp) sẽ chỉ được công bố trong một vài ngày tới.
© Nhật Minh
(VnExpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét