Nợ công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD, 106% GDP, gấp đôi mức công bố - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Nợ công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD, 106% GDP, gấp đôi mức công bố


Cần có những giải pháp xử lý trước khi quá muộn. Để khỏi bị động trong việc xử lý, VN cần theo thông lệ quốc tế trong cách tính nợ công.


Thế giới nói 128,9 tỉ USD, VN tính 66,8 tỉ USD

Dẫn tính toán của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, trao đổi với PV bên lề hội thảo, TS Nguyễn Trọng Hậu, Đại học Almamer, Ba Lan, cho biết nếu theo chuẩn quốc tế thì nợ công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD, bằng khoảng 106% GDP năm 2011 - gần gấp đôi mức VN công bố chính thức.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cũng đồng tình và chỉ ra rằng năm 2011, ước tính theo quốc tế thì nợ công của VN là 128,9 tỉ USD, tương đương 106% GDP. Nhưng con số mà Bộ Tài chính công bố chỉ 66,8 tỉ USD và bằng 55% GDP.


Các nhà khoa học cũng đồng tình với nhận định của TS Hồ khi cho rằng cái khó nhất nói về thực trạng nợ công của VN là thiếu số liệu và không đủ tin cậy. Thời gian cập nhật nợ công của các nước là hằng quý, còn ở VN Bộ Tài chính mới chỉ công bố đến năm 2010 và ước tính đến năm 2011 thôi.

"Cứ thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại, cứ vay nợ không sử dụng hiệu quả chắc chắn khủng hoảng nợ công sẽ xảy ra"

» PGS.TS Nguyễn An Hà.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ThS Đinh Mai Long - Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước - nêu trong 10 năm trở lại đây, nợ công tại VN tăng nhanh một cách đáng lo ngại và có cơ cấu kém bền vững, bị tác động mạnh của những cú sốc từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các cú sốc tỉ giá. Cơ cấu đồng tiền vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là các đồng tiền chủ chốt như JPY chiếm khoảng 39%, bằng SDR khoảng 27%, bằng USD khoảng 22%, bằng EUR khoảng 9%. Đối với vay nước ngoài của doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước - DNNN) được Chính phủ bảo lãnh) chủ yếu tập trung vào USD (chiếm từ 70-80%). Kể từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 6-2011, ba đồng tiền chủ chốt gồm EUR, USD và JPY trong giỏ nợ nước ngoài của VN đã lên giá lần lượt khoảng 12%, 13% và 26% so với VND. Điều này cho thấy gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ đang tăng với tốc độ chóng mặt và gây sức ép đối với thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ.

Mặt khác, ông Long cũng lưu ý là vay nợ từ Trung Quốc gia tăng nhanh trong mấy năm gần đây - khoảng 1,2 tỉ USD. Ngoài ra, tốc độ gia tăng nợ công khoảng 15%/năm đang dần "bắt kịp" tốc độ tăng thu ngân sách khoảng 17-21%, có nghĩa là vài ba năm nữa nguồn tăng thu chỉ đủ để bù trả nợ - ông Long nhấn mạnh.

Bỏ qua nợ của DNNN

Nợ công của VN vì sao lại chỉ bằng một nửa so với cách tính của thế giới? TS Nguyễn Trọng Hậu cho rằng thế giới có tiêu chí nợ công chung, họ có năm thành tố thì VN chỉ có ba. Có hai yếu tố chưa được tính vào nợ công của VN đó là nợ của DNNN và khoản Nhà nước vay của quỹ hưu trí. Ông Hậu cho rằng với cách tính nợ công của VN thì thực tế những khoản nợ nước ngoài cả tỉ USD như của Vinashin không được tính vào nợ công trong khi các nước, doanh nghiệp nào có vốn nhà nước dù chỉ một vài phần trăm, khi vay nước ngoài cũng phải tính vào. Một khoản nữa VN chưa tính vào nợ công là khoản tiền Nhà nước vay của quỹ hưu trí (nếu có), vì về thực chất đây cũng là nợ của dân.

Cũng theo ông Hậu, kinh nghiệm hiện nay cần cảnh giác là rất nhiều khoản nợ tư cũng có thể biến thành nợ công. Như hiện nay có rất nhiều "đại gia" bất động sản có thể vay nợ nước ngoài. Đây không phải nợ công nhưng khi các "đại gia" phát triển đến quy mô rất lớn mà nếu để các doanh nghiệp này đổ vỡ có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy cho nền kinh tế. Trong nhiều trường hợp, các "đại gia" không trả được nợ, Nhà nước sẽ phải đứng ra cứu. Như thế cũng tạo nguy cơ rất lớn khiến phình nợ công rất nhanh.


Còn ông Long thì cho rằng trên thực tế, dù được hay không được Chính phủ bảo lãnh nhưng nếu những DNNN không thể thanh toán một phần hoặc toàn bộ thì Chính phủ với vai trò chủ sở hữu vẫn phải gánh nợ cho các DNNN này.

Cần tính theo chuẩn quốc tế

Ông Hậu khuyến cáo VN cần theo thông lệ quốc tế trong cách tính nợ công bởi để đến khi "cái kim trong bọc lâu ngày lộ ra" thì khi đó ứng xử rất bị động. Đặc biệt, ông Hậu khuyến cáo nguy cơ vay nợ nhiều nhưng nếu sử dụng không hiệu quả thì rất nguy hiểm. Trong khi đó, nhiều khoản vay nợ của VN được phân bổ bởi Nhà nước lại có hiệu quả sử dụng không cao...

PGS.TS Nguyễn An Hà - Viện Nghiên cứu châu Âu - cho rằng với tình hình nợ công và quản lý nợ công của VN có thể thấy rằng nền kinh tế VN hiện đang có một số đặc điểm giống với các nước PIIGS (các nước châu Âu có tỉ lệ nợ cao, bao gồm Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý) khi lâm vào khủng hoảng nợ công. Đó là tăng trưởng GDP giảm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đến nay, lạm phát luôn có xu hướng tăng mạnh, luôn cao trên 8% kể từ năm 2006-2011... Do vậy, cần có những giải pháp xử lý trước khi quá muộn.

Theo GS.TS Đỗ Hoài Nam - chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội VN, điều quan trọng là tìm ra được nguyên nhân của tình trạng đáng báo động về nợ công ở VN. "Phải chăng đó là vấn đề liên quan đến mô hình tăng trưởng kinh tế quá nóng, dựa quá nhiều vào vốn, phát triển theo chiều rộng. Điều đó đúng nhưng đã đủ chưa. Người ta còn nói mô hình tăng trưởng dựa vào DNNN làm ăn kém hiệu quả. Gần như là con nợ lớn nhất của nợ công. Thế thì chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu?" - ông Nam băn khoăn.

Ông Nguyễn An Hà cũng cho rằng nợ công là nguồn lực quan trọng nhưng chất lượng sử dụng nợ còn quan trọng hơn. Rút ra các bài học từ nghiên cứu, ông Hà cho rằng con số tuyệt đối nợ công cần minh bạch, rõ ràng. Trong hội nhập quốc tế, VN phải theo luật chơi quốc tế. Bởi theo ông Hà, các khoản vay đến hạn thì nước ngoài họ xiết nợ theo luật quốc tế. VN sẽ khó lờ đi được bởi ông Hà ví dụ trường hợp Vinashin, khi phải trả lãi, ban lãnh đạo mới của Vinashin lờ đi, nhưng chỉ cần các tổ chức xếp hạng đưa định mức tín nhiệm của VN xuống một bậc, thành B- lãi suất cho các khoản vay đến VN tăng, thiệt hại có thể lớn hơn nhiều.

Đầu tư công cho nông nghiệp, y tế, giáo dục giảm

Ngày 25-4, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - đầu tư) cùng Đại sứ quán Ireland đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả đầu tư công. Theo báo cáo nghiên cứu, tỉ trọng đầu tư công của VN còn bất cập. Ví dụ, trong giai đoạn 2006-2010, đầu tư công cho nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 6,51% trong tổng đầu tư công thì đến năm 2011 chỉ còn 5,6%; giáo dục - đào tạo giai đoạn 2006-2010 là 3,1% thì năm 2011 chỉ còn 2,93%; y tế và hoạt động trợ cấp xã hội từ 4,62% xuống 4,05%. Trong khi đó, đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế lại theo xu hướng tăng, ngay khách sạn nhà hàng cũng tăng từ 0,76% giai đoạn 2006-2010 lên mức 1,39% vào năm 2011. Cao nhất là vận tải, kho bãi, thông tin - truyền thông với tỉ lệ 22,95% lên 23,3%...

Báo cáo cũng khẳng định đầu tư công đã tác động tích cực tới tăng trưởng của VN nhưng chỉ tác động trong khoảng thời gian năm năm, sau đó giảm dần. Trong dài hạn, đầu tư tư nhân mới là yếu tố tác động mạnh nhất đến tăng trưởng kinh tế VN.

Theo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad