Hiếm có cuộc tiếp xúc với phóng viên báo chí nào giống như cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/4/2021 trước dịp nghỉ lễ. Tại đó, phó Phát ngôn viên (PNV) Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải liên tục đỡ đòn bởi hàng loạt những câu hỏi của các ký giả trong và ngoài nước.
Cực lực và kiên quyết...
Trước hết là với Trung Quốc, Phó PNV đã “cực lực” bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh vừa ban hành, vì xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại luật pháp quốc tế, trái với thỏa thuận giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.Kể cũng lạ, vì chỉ mới trước đó mấy ngày, trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà hôm 26/4, cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lẫn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vẫn say sưa nói về “môi trường hoà bình trên Biển Đông”, về “lòng tin chiến lược” giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Ông Phúc thậm chí còn cam kết, sẽ không theo chân các nước khác chống lại Trung Quốc.
Cũng tại cuộc điện đàm hồi trung tuần tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn còn “kiên quyết” với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Theo đó, ông Sơn nói Việt – Trung cần trao đổi, giải quyết bất đồng theo tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thỏa thuận, nhận thức chung giữa hai bên và luật pháp quốc tế.
Với Hoa kỳ của Tổng thống Joe Biden, xem ra mọi việc cũng không được suôn sẻ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 28/4 vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với vụ bắt giữ các thành viên của nhóm “Báo Sạch” và kêu gọi chính phủ Việt Nam thả tự do cho tất cả những ai đang bị giam giữ bất công, cũng như tuân thủ các điều luật quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam cam kết.
Bị phản đối như vậy song Việt Nam vẫn “kiên quyết” bác bỏ Báo cáo của Ủy ban Tự do tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) năm 2021; phê phán USCIRF 2021 không công bằng, thiếu khách quan và phó PNV Bộ Ngoại giao vẫn khẳng định, chính sách của Việt Nam luôn bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Lại nữa, 30/4 vừa qua Thương vụ Việt Nam phản đối doanh nghiệp Mỹ đăng ký nhãn hiệu gạo ST25. Được biết, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) sẽ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ. Việt Nam, vì thế phải tiến hành gấp các thủ tục phản đối việc đăng ký nhãn hiệu gạo ST25 của I&T Enterprise, Inc. Nếu không phản đối được, lúc đó, gạo ngon của ông Hồ Quang Cua sẽ không được dùng nhãn hiệu này ở xứ Cờ Hoa nữa.
Trung Quốc và Hoa Kỳ vốn là hai đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, không chỉ về kinh tế. Nhưng tại sao từ sau Đại hội 13 đến nay, bộ đôi đối tác “chiến lược” (với Trung Quốc) và “toàn diện” (với Hoa Kỳ) lại gặp một số trục trặc kể trên.
Giới chuyên gia từ lâu đã ví bang giao Việt – Trung – Mỹ là một tam giác trong hệ thống đa giác, tức là nối với nhiều tam tứ giác khác, tạo nên các mạng lưới quyền lực khác nhau. Từ khi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) trỗi dậy, Việt Nam có cơ hội di động trong một không gian nhiều chiều hơn để tránh bị Trung Quốc ăn hiếp. Đây là một thời cơ lớn, thậm chí rất lớn, nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa nắm bắt kịp.
Vì đâu nên nỗi?
Báo cáo ngày 16/2/2021 do Viện Nghiên cứu Chính sách công của Quốc hội Mỹ cho biết, đáng ra quan hệ Việt – Mỹ còn phát triển hơn nữa, nhưng nay vẫn còn đang phải đối mặt với một số hạn chế.Hạn chế thứ nhất là do lãnh đạo Việt Nam vẫn nghĩ rằng không nên thân thiện với Hoa Kỳ nhiều quá, vì đơn giản là Trung Quốc không muốn vậy. Hạn chế thứ hai – mà điều này mới quan trọng – vẫn còn khá nhiều nghi ngờ trong nội bộ về mục tiêu lâu dài của Mỹ là muốn chấm dứt quyền lực độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua “diễn biến hoà bình”.
Phân tích trên đây tuy đúng nhưng chưa đủ. “Trò đu dây” trong quan hệ với Tàu và Mỹ có căn nguyên sâu xa từ nền chính trị đối nội của Việt Nam. Nó gắn với thể chế độc tài – toàn trị, sợ dân hơn sợ cọp và hội chứng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Chủ nghĩa toàn trị Việt Nam giống mọi chế độ độc tài khác trên thế giới. Nó cần hai chủ thể, một để “thờ” và một để “thù”.
“Thờ” Mác – Lê Nin đang hết thiêng dần, vì mấy “ông tây phe ta” này đã bị vứt vào sọt rác lịch sử ngay trên xứ sở của họ. “Bác Hồ ta đó chính là bác Mao” (thơ Chế Lan Viên) giờ này nghe không ổn, vì các sử gia đang khui ra quá nhiều vấn đề. Tập Cận Bình thì chưa đủ tuổi để tượng ông “phơi những lối mòn” trên đường phố Hà Nội. Vậy chỉ còn cách “thờ” chủ nghĩa cộng sản Tàu đang “trỗi dậy”, dù biết rằng cái lõi bên trong nó là Đại Hán.
Còn không gian để “thù” thì mênh mông bát ngát, vì nó bao gồm đại bộ phận nhân dân, trong đó xã hội dân sự đóng vai trò nổi bật. Chừng nào trí thức và các nhóm dân sự còn đòi quyền biểu tình, quyền lập hội, đòi có nghiệp đoàn độc lập… chừng đó đảng và nhà nước còn đàn áp và coi họ là lực lượng thù địch phải triệt hạ, từ công khai đến dùng “xã hội đen” chơi các đòn bẩn.
Một chính quyền mà đối ngoại “thờ” Tàu, đối nội “thù” nhân dân, chính quyền ấy khó đứng vững trên đôi chân của mình, cho dù có xây nhà tù nhiều hơn trường học và lôi còng số 8 diễu khắp đất nước. “Tấm gương” Myanmar tạm thời làm yên lòng những người CSVN. Bắn giết, bắt bờ và đàn áp hàng ngàn người như thế, kể cả phụ nữ và trẻ em, mà thế giới cũng chỉ “quan ngại”.
Trở lại vấn đề chọn phe
Tuy nhiên khi tình thế buộc phải chọn bên giữa Tàu và Mỹ, chính quyền Việt Nam đứng trước tình huống nan giải. Nếu đi theo mô hình toàn trị như Trung Quốc, thì dù có tuyên truyền “nổ trời” là uy tín của Việt Nam đang lên rất cao trên trường quốc tế, thì cũng chẳng mấy người dân tin. Tại các cuộc họp báo kiểu như cuộc 29/4 vừa qua, PNV còn “cực lực” và “kiên quyết” dài dài.Nếu chọn thế giới dân chủ, thì làm thế nào để “còn đảng còn mình”? Ý kiến của dân Việt lại trái với người dân các nước ASEAN khác. Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, dân Đông Nam Á ngày càng lánh xa Bắc Kinh. Lựa chọn Trung Quốc đã giảm từ 46,4% năm ngoái xuống 38,5% năm nay. Lựa chọn Hoa Kỳ của khối tăng từ 53,6% năm ngoái lên 61,5% năm nay.
Trong khi đó, ở Việt Nam, chỉ số chọn Trung Quốc dường như tăng, từ 14,5% năm ngoái lên 16% năm nay, ngược lại chọn Mỹ thì giảm từ 85,5% năm ngoái xuống 84%. Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ cao ở Đông Nam Á, cao hơn hẳn tỷ lệ 61,5% của các nước lân cận.
Chính quyền phải nhìn vào dân, vào lợi ích quốc gia mà thiết kế chính sách đối ngoại. Một chính sách đối ngoại nặng về phiên thuộc và bài ngoại, không đặt niềm tin vào sự trưởng thành của dân chúng thì đương nhiên sẽ dẫn đến hậu quả là chính quyền lấy những quyết định tách khỏi thế giới tiến bộ. Việc Việt Nam cùng “toa rập” với Tàu và Nga ở HĐBA/LHQ về Myanmar là một chỉ dấu đáng báo động.
Cuộc khảo sát nói trên về người dân ASEAN – một nghiên cứu được coi là “phong vũ biểu” của chính trị Đông Nam Á – cho thấy gió đang xoay chiều, xu hướng gần Mỹ giãn Trung đang mạnh dần lên trong khối ASEAN. Quý 2 của năm “con Trâu” đã bắt đầu. “Trâu chậm sẽ uống nước đục”.
Tương lai, khi lợi ích quốc gia – dân tộc bị va chạm, thậm chí bị bách hại, Việt Nam một mình tiếp tục “kiên định”, “cực lực”… rồi vẫn sẽ bất lực, nếu cứ bám giữ khung khổ tư duy dựa trên hai trụ cột là “thờ” và “thù”. Việt Nam khó tìm thấy tiếng nói đồng cảm chứ đừng nói giành được sự ủng hộ.
© Lê Minh Việt
Blog RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét