Đoàn tàu hải giám TQ tiến vào khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh ngày 23/04/2013 - Reuters |
Quan hệ Nhật-Trung đã trở nên căng thẳng từ khi Tokyo mua lại ba trong số năm hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật. Bắc Kinh thường xuyên đưa các tàu tới khu vực, và đôi khi cho cả phi cơ bay sang. Thường thì tàu Trung Quốc ở lại vùng biển này vài giờ rồi mới quay đi.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật, Yoshihide Suga tuyên bố : « Chúng tôi cực lực phản đối Trung Quốc ». Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đã bị triệu tập. Tại Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe khi được chất vấn đã cảnh báo, nếu Trung Quốc đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư thì đương nhiên Nhật Bản sẽ phải dùng đến vũ lực để xua đuổi.
Senkaku/Điếu Ngư nằm cách đảo Okinawa của Nhật Bản 400 km về phía tây, và cách đông bắc Đài Loan, vốn cũng đòi hỏi chủ quyền quần đảo này. Ngoài vị trí chiến lược, nơi đây còn có nguồn dầu khí. Dù cùng tranh chấp chủ quyền, Nhật Bản và Đài Loan vào đầu tháng Tư đã ký kết một thỏa thuận cho phép ngư dân Đài Loan đánh bắt xung quanh Senkaku/Điếu Ngư, gây lo ngại cho Trung Quốc.
Ganbare Nippon, phong trào dân tộc chủ nghĩa Nhật cũng loan báo đã gởi 9 tàu đánh cá đến gần Senkaku/Điếu Ngư để khẳng định chủ quyền Nhật Bản, các tàu này đến nơi hôm nay.
Việc đội tàu hải giám hùng hậu của Trung Quốc đến Senkaku/Điếu Ngư trùng hợp với chuyến viếng thăm đền Yasukuni của 168 đại biểu Quốc hội Nhật nhân lễ hội mùa xuân. Đền này nằm tại trung tâm Tokyo, là nơi thờ 2,5 triệu tử sĩ Nhật, trong đó có 14 người bị phe đồng minh kết án là tội phạm chiến tranh thời Đệ nhị Thế chiến.
Các dân biểu và nghị sĩ viếng đền Yasukuni hầu hết thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Đây là phái đoàn hùng hậu nhất đến thăm đền kể từ năm 1989. Vào cuối tuần qua, ba Bộ trưởng Nhật cũng đã đến Yasukuni, còn Thủ tướng Shinzo Abe không trực tiếp viếng thăm nhưng gởi một đồ vật bằng gỗ dùng để cúng tế, gọi là masakaki. Hôm qua Seoul đã phản ứng qua việc hủy bỏ chuyến công du Nhật Bản của Ngoại trưởng Hàn Quốc.
Quan hệ giữa Nhật Bản và hai nước láng giềng vẫn còn bị ảnh hưởng sâu đậm của thời kỳ quân Nhật đô hộ Triều Tiên (1910-1945) và chiếm đóng một phần Trung Quốc (1930-1945).
© Thụy My
Theo RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét