Tư tưởng Quyền Con Người trong Tuyên Ngôn Độc Lập của Bác Hồ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Tư tưởng Quyền Con Người trong Tuyên Ngôn Độc Lập của Bác Hồ


Nhân sự kiện buổi dã ngoại tìm hiểu về Quyền Con Người của các Công Dân Tự Do ngày Chủ nhật 5/5 vừa kết thúc, Dân Luận xin giới thiệu tới độc giả một bài viết đánh giá quan điểm của Hồ Chí Minh về Quyền Con Người để thấy rằng chính quyền và Đảng CSVN hiện nay có phải thực sự học theo tư tưởng Hồ Chí Minh hay không.

Trong tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, vấn đề quyền con người đã chiếm vị trí quan trọng đặc biệt. Trong dòng chảy của lịch sử tư tưởng Việt Nam về quyền con người, Bác Hồ là người đã tiếp cận một cách khoa học nhất, đầy đủ nhất và nhân văn nhất. Nó bắt đầu bằng Bản yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919 và phát triển đến đỉnh cao xán lạn là Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945.


Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versailles vào đầu năm 1919, sau cuộc thế chiến lần thứ nhất, do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, gồm 8 điểm mà điểm thứ hai là yêu cầu “cải cách nền công lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu”, bảo đảm “tự do báo chí và tự do ngôn luận; tự do lập hội và hội họp; tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”. Nội dung đấu tranh đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là đòi hỏi thực dân Pháp cải cách nền công lý nhằm bảo đảm các quyền con người.

Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam, Bác Hồ đã gắn liền vấn đề “độc lập dân tộc” với vấn đề “các quyền tự do dân chủ của nhân dân”. Bác Hồ vừa biết chiếm lĩnh đỉnh cao về “quyền dân tộc” và “quyền tự do dân chủ”, vừa biết kết hợp tài tình hai mặt tất yếu không thể tách rời đó: quyền sống, tự do của dân tộc và quyền sống, tự do của con người.

Ngày 2.9.1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là kết quả tuyệt vời của trí tuệ, điểm hội tụ tư tưởng thời đại, tư tưởng nhân văn cách mạng tư sản cận đại Âu - Mỹ, tư tưởng nhân văn truyền thống phương Đông và tư tưởng nhân văn Mác-Lênin hiện đại.

Mở đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập là hai câu được trích dẫn từ “Tuyên ngôn Độc lập” của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776) và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của cách mạng Pháp (1791) đều nói đến quyền con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trong hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng này những giá trị vững bền, đó là “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một sự thật hiển nhiên, đó là “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do”. Người đã mở rộng quyền của con người thành quyền của dân tộc. Quyền lợi của mỗi cá nhân được coi là cơ sở cho quyền lợi của dân tộc. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Đó là sự thống nhất giữa quyền sống của mỗi con người và quyền độc lập của dân tộc.

Một trong những tư tưởng nổi tiếng, mang tầm vóc thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập là đã nêu lên một luận điểm hoàn toàn mới về quyền con người: Quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân mà còn là quyền tự quyết của mỗi dân tộc, thể hiện rõ tính thống nhất biện chứng không thể tách rời giữa quyền con người, quyền công dân và quyền dân tộc thiêng liêng.

Luận điểm nhân quyền nói trên là kết quả kiểm nghiệm và nghiên cứu lý luận, lịch sử trong hơn 30 năm của Người, kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước (1911).

Trước toàn thế giới, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 là hòn đá tảng pháp lý đầu tiên khẳng định cả trên nguyên tắc, cả trên thực tế, quyền sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm cao mới về chất, dưới ánh sáng của thế giới quan khoa học, phản ánh đúng thực trạng đặc thù của dân tộc Việt Nam. Người đã nhận thức hết sức đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa tự do cá nhân và tự do của cộng đồng, giữa giải phóng cá nhân và giải phóng toàn xã hội. Người khẳng định rằng, muốn giải phóng toàn bộ những lực lượng xã hội, muốn xã hội phát triển, thì trước hết phải giải phóng toàn diện cá nhân - con người, tạo ra những tiền đề cho sự phát huy cao độ những khả năng tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Và chỉ khi đó, quyền con người mới được hiện thực hóa.

Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh một cách hùng hồn rằng: Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ bảo vệ quyền con người chân chính. Và cũng chính vì vậy mà bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 có thể được coi như là bản Tuyên ngôn về quyền con người của các dân tộc thuộc địa.

Sau bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào ngày 10.2.1948, Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua “Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền”. Nhưng rất tiếc là, văn kiện này đã không tránh khỏi khiếm khuyết cơ bản, đó là, khái niệm nhân quyền chỉ là quyền của cá nhân, không tính đến các điều kiện chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa... của mỗi dân tộc, trong đó có quyền dân tộc tự quyết.

Năm 1966, Liên hiệp quốc lại thông qua 2 công ước quốc tế được coi là “Bộ luật nhân quyền quốc tế”. Đó là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966). Năm 1993, Liên hiệp quốc lại ra Tuyên bố Viên và Chương trình hành động. Những văn kiện này đã xác định: Quyền dân tộc tự quyết là một quyền con người. Điều 1 của hai công ước trên đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết...”. Tuyên bố Viên và Chương trình hành động đã nhấn mạnh: “Việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền”. Như vậy, rõ ràng, tư tưởng về quyền dân tộc tự quyết trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi trước nhận thức chung của Liên hiệp quốc hơn 20 năm. Đó là đóng góp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát triển sáng tạo tư tưởng quyền con người của nhân loại trong thế kỷ 20.

Tư tưởng quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ở trong Tuyên ngôn Độc lập mà còn được thể hiện phong phú trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài của Người, cả trên lĩnh vực lý luận và thực tiễn, là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta.

NGUYỄN XUYẾN

__________________________

Nguyễn Ái Quốc - Yêu sách của Nhân dân An Nam (1919)

Từ ngày Đồng minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hy vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của Văn minh chống Dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định là phải đến với họ.

Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông – Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây:

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Đưa ra những yêu sách trên đây, nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc và đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả, tức là của những người đang nắm vận mệnh của nhân dân An Nam, của những người, do chỗ nước Pháp là một nước Cộng hoà, nên được coi là những người bảo hộ cho nhân dân An Nam. Khi nhân dân An Nam nhắc đến sự “bảo hộ” của nhân dân Pháp, thì không lấy thế làm hổ nhục chút nào mà trái lại còn lấy làm vinh dự: vì nhân dân An Nam biết rằng nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình là tình bác ái toàn thế giới. Vì thế, nghe theo tiếng nói của những người bị áp bức, là nhân dân Pháp sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nước Pháp và đối với Nhân loại.

Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam
NGUYỄN ÁI QUỐC

__________________________

Diễn Ca "Mười chính sách của Việt Minh" của Hồ Chí Minh

Việt Nam độc lập đồng minh
Có bản chương trình đánh Nhật, đánh Tây.
Quyết làm cho nước non này,
Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền:
Làm cho con cháu Rồng, Tiên,
Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta.
Có mười chính sách bày ra,
Một là ích nước, hai là lợi dân.
Bao nhiêu thuế ruộng, thuế thân,
Đều đem bỏ hết cho dân khỏi phiền.
Hội hè, tín ngưỡng, báo chương,
Họp hành, đi lại, có quyền tự do.
Nông dân có ruộng, có bò
Đủ ăn, đủ mặc, khỏi lo cơ hàn.
Công nhân làm lụng gian nan,
Tiền lương phải đủ, mỗi ban tám giờ.
Gặp khi tai nạn bất ngờ,
Thuốc thang chính phủ bấy giờ giúp cho.
Thương nhân buôn nhỏ, bán to
Môn bài thuế ấy bỏ cho phỉ nguyền.
Nào là những kẻ chức viên,
Cải lương đãi ngộ cho yên tấm lòng.
Binh lính giữ nước có công,
Được dân trọng đãi, hết lòng kính yêu.
Thanh niên có trường học nhiều,
Chính phủ trợ cấp trò nghèo, bần nho.
Đàn bà cũng được tự do,
Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền.
Người tàn tật, kẻ lão niên,
Đều do chính phủ cất tiền ăn cho.
Trẻ em, bố mẹ khỏi lo,
Dạy nuôi, chính phủ giúp cho đủ đầy.
Muốn làm đạt mục đích này,
Chúng ta trước phải ra tay kết đoàn.
Sao cho từ Bắc chí Nam,
Việt Minh có hội muôn vàn hội viên.
Người có sức, đem sức quyên,
Ta có tiền của, quyên tiền của ta.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Ấy, là sự nghiệp, ấy là công danh.
Chúng ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh
Rồi ra sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng
Khuyên ai nên nhớ chữ đồng,
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh ».

Nguyễn Xuyến
Theo Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad