Quy định không cho phép tự ý quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ đã được chính thức hủy bỏ. Nhưng câu chuyện không dừng lại bởi đây chỉ là một trong nhiều trường hợp làm luật theo kiểu thấy cái gì không vừa mắt, vừa ý là ra lệnh cấm đang có dấu hiệu tràn lan, phổ biến thời gian qua.
Bên cạnh hiện tượng này là sự lặp đi lặp lại với tần suất ngày càng cao việc đề ra những quyết sách liên quan đến cuộc sống hằng ngày có tác dụng đẩy khó khăn về phía người dân. Tăng giá điện, điều chỉnh giá xăng dầu là những ví dụ điển hình. Tất cả những điều đó khiến người ta nghi ngại rằng quyền lực công có thể được sử dụng một cách tùy tiện, thoải mái, theo ý riêng, cho những mục tiêu riêng.
Thật ra, quyền lực luôn có xu hướng bị lũng đoạn, tha hóa, vì đơn giản nó có thể là chỗ dựa an toàn, vững chắc của con người trong quá trình mưu cầu lợi ích. Trong khi đó quyền lực công, theo lý thuyết, được đặt ra để thiết lập và duy trì trật tự, công bằng xã hội, phục vụ lợi ích chung.
Vấn đề bởi vậy là làm thế nào để quyền lực công luôn được biết đến, được thừa nhận và tôn vinh như là sức mạnh giúp con người thực hiện những mục tiêu cao đẹp, chứ không phải là thứ công cụ phục dịch cho một thiểu số và áp bức đa số người dân. Từ rất sớm, ở các nước người ta đã hiểu rằng để đạt được điều đó nhất thiết phải đặt quyền lực dưới sự kiểm soát, giám sát thường xuyên, chặt chẽ và nghiêm ngặt.
Trong lĩnh vực hoạch định chính sách, điều chắc chắn là không nên và không thể cấm việc vận động của các nhóm lợi ích đối với người có thẩm quyền. Cách tốt nhất là xây dựng khung pháp lý để các cuộc vận động diễn ra minh bạch, công khai, sòng phẳng và đúng luật. Người dân thường không yếu thế trong cuộc chơi này: họ có đại biểu dân cử được mình bầu ra, có tổ chức xã hội, nghề nghiệp và có thể thông qua đó truyền đạt nguyện vọng của mình tới người có thẩm quyền.
Trong trường hợp vận động không thành công và đối mặt với một chính sách, một quy định bất lợi, người dân vẫn còn cơ hội đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình bằng cách kiện ra tòa án yêu cầu xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của chính sách, quy định ấy. Nếu thắng kiện, người dân còn có quyền đòi bồi thường về những thiệt hại do việc thực hiện chính sách, quy định vi hiến, trái luật.
Cơ chế kiểm soát, giám sát vận hành hữu hiệu sẽ khiến người nắm quyền lực luôn cảm thấy chịu sức ép phải nghĩ đúng, làm đúng để không phải đối mặt với những rắc rối pháp lý, với nguy cơ bị trừng phạt do những sai lầm của mình.
Không có một cơ chế như thế thì các nhóm lợi ích sẽ có điều kiện thao túng và họ chẳng tội gì không tận dụng các điều kiện ấy để có được chính sách, quy định thuận lợi cho mình. Người nắm quyền lực, về phần mình, không cảm thấy vị trí, sự nghiệp của mình bị đe dọa do làm sai, sẽ có xu hướng làm ẩu, làm càn. Nếu có chính sách, quy định nào bị xã hội phản đối mạnh quá thì thu hồi, sửa đổi; nếu chính sách, luật pháp đã sửa đổi vẫn bị phản đối thì lại thu hồi, sửa đổi tiếp. Rốt cuộc trong hoàn cảnh đó, chỉ có người đóng thuế (nghĩa là người dân) chịu thiệt hại, vì phải đóng góp để trả chi phí cho những vòng quay liên tục, bất tận của quy trình xây dựng chính sách, luật pháp, và rồi cứ chờ đợi mãi mà chẳng thấy ra đời chính sách, luật pháp hợp lòng dân.
Nguyễn Ngọc Điện
Theo báo Tuổi Trẻ
Post Top Ad
Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013
Từ khóa tìm kiếm:
# Bình Luận - Quan Điểm
# Pháp Luật
Share This
About
Tiến Bộ
Pháp Luật
Labels:
Bình Luận - Quan Điểm,
Pháp Luật
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét