Người dân không hiểu tại sao chúng ta phải “tự vệ” để những “ngành công nghiệp em chã cứ bám mãi bầu sữa mẹ”.
Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện “tự vệ chính thức”, khi Bộ Công thương quyết định áp dụng áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng dầu thực vật.
Vậy là từ ngày 7.9.2013, tất các các mặt hàng dầu nành, dầu cọ ở bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào muốn vào Việt Nam sẽ bị áp thuế phá giá 5%.
Nguyên nhân của việc “tự vệ” là việc Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, ngay từ 2012, khi theo cam kết Việt Nam- Asean, thuế suất mặt hàng này “về 0%”, đã nộp đơn xin áp dụng các biện pháp tự vệ trước tình trạng dầu nước ngoài “ Giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới công nghiệp sản xuất dầu thực vật trong nước, người lao động mất việc làm”.
Thị phần, chỉ còn lại 14%, công xuất buộc phải cắt giảm xuống 31% khi giá hàng nhập khẩu “thấp hơn nhiều so với các sản phẩm trong nước”.
Thiệt hại nghiêm trọng đối với DN trong nước là điều không phải bàn khi các con số “doanh thu giảm 66% và lợi nhuận ròng giảm 197%” khiến DN không khóc không xong.
Tất nhiên, DN trong nước cần được bảo vệ, sản xuất cần được bảo vệ, nền kinh tế cần được bảo vệ. Nhưng cái cần được bảo vệ đầu tiên, và quan trọng nhất, phải là quyền lợi của người tiêu dùng.
Không khó để thấy là sau quyết định tự vệ này, người tiêu dùng chỉ có thể “tự vệ” bằng cách thọc tay sâu hơn vào túi.
Hãy thử nhìn sang ngành công nghiệp ô tô. Thậm chí, người ta đã phải dùng 2 chữ thất bại khi sau 2 thập kỷ uống bầu sữa bảo hộ ngành công nghiệp như một đứa “em chã không răng” này vẫn không chịu lớn. Và cái mà người tiêu dùng nhận được chỉ là giá ô tô lắp ráp trong nước cao hơn 20% so với khu vực.
4 ngày trước, khi Bộ thương mại Mỹ ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ bảy nước, trong đó có Việt Nam, đã có ý kiến “đấu tranh” bằng lý luận: Phán quyết này ảnh hưởng đến chính người tiêu dùng Mỹ.
Vậy còn quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam khi “sự kiện dầu ăn” có nguy cơ trở thành một tiền lệ để những “em chã” không chịu lớn suốt ngày đòi “tự vệ”?
Trước sự cạnh tranh trong chính ao nhà, DN có hai cách: “Tự bơi”, để tăng cường cạnh tranh, hoặc than vãn, kêu la xin tự vệ bằng thuế xuất. Còn cơ quan quản lý, thật sự cần cân nhắc khi giải bài toán khó giữa một bên là lợi nhuận DN, một bên là quyền lợi người dân, chứ không thể nay lắc mai gật. Người dân không hiểu tại sao chúng ta phải “tự vệ” để những “ngành công nghiệp em chã cứ bám mãi bầu sữa mẹ”.
Vì thế, nên nhìn sự kiện này như một tiền lệ nguy hiểm cho túi tiền người dân khi theo các cam kết quốc tế, thuế suất rất nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ “về 0” tùy vào lộ trình hội nhập.
Không nói đâu xa, năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ giảm chỉ còn 0-5%. Không lẽ tới lúc đó, sẽ là một “kịch bản dầu ăn”?
Đào Tuấn
Theo blog Đào Tuấn
Post Top Ad
Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét