Lạm bàn về dân quyền và dân chủ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Lạm bàn về dân quyền và dân chủ


Chuyện dân là những ai và dân có vị trí như thế nào thì từ khi xã hội loài người có tổ chức đến nay luôn luôn là vấn đề lớn của đủ các môn khoa học. Kể như Tôn tử ở bên tàu hay Hưng Đạo Đại vương bên ta bàn về học thuyết quân sự cũng nói đậm đà về dân; Ông Tần Thủy Hoàng cũng nói về dân với lòng kính trọng mặc dù dưới sự trị vì ngắn ngủi của ông, dân TQ thủa ấy đã chết nhiều vô kể dưới chân Vạn Lý Trường thành; Ông Hitler bên Tây cũng “chăm lo cho dân” mà cả triệu người thiệt mạng. Trong một số văn kiện quan trọng của đảng CS Việt nam cũng ghi “lấy dân làm gốc”. Đây là một câu quan trọng, cũng có tác dụng tuyên truyền nhất thời nhưng phải nói câu đó không chính xác. Người ta đã gạch bỏ chủ ngữ của câu trong sách xưa (quốc dĩ dân vi bản – phàm là nước phải lấy dân làm gốc), thành ra một câu có chủ ngữ ẩn mà không biết AI lấy? Nếu hiểu đảng cộng sản, TƯ đảng hay Bộ chính trị lấy dân làm gốc là không đúng, mà có vẻ các vị lãnh đạo đảng cho rằng mặc nhiên là như thế.

Rồi trong một số văn kiện của đảng và nhà nước hoặc bài nói của lãnh đạo thường dùng cụm từ “mở rộng dân chủ”! Cứ như dân chủ là của đảng, đảng ban phát đến đâu thì dân được hưởng đến đó. Ngược hoàn toàn với bản chất của một xã hội dân chủ bắt đầu từ những chủ thuyết lạ lùng như thế, mà nói cho cùng thì những thứ này đều chủ yếu “nhập siêu” từ Liên Xô cũ và Trung Quốc. Nói một cách khác, ở nước ta trong nhiều năm qua, tình trạng tham nhũng lớn nhất, nghiêm trọng nhất là biến rất nhiều quyền của dân thành quyền của đảng và nhà nước từ Trung ương cho đến cơ sở. Đó là một thể tham nhũng quyền lực nghiêm trọng; Càng nghiêm trọng hơn khi tệ tham nhũng quyền lực gắn với tham nhũng tiền bạc, đất đai, tài sản công thành ra một đại nạn càng ngày càng nặng, càng hô hào chống tham nhũng càng phát triển rộng khắp hơn trước. Tham nhũng đang là một căn bệnh lan tràn khắp các nước, nhưng tham nhũng kiểu Việt Nam thì là một căn bệnh ít gặp trên thế giới.

Người dân chỉ còn quyền lớn nhất là nghe theo sự giáo dục của đảng, làm theo nghị quyết của đảng. Tôi không dám bàn rộng ra các nước khác, nhưng để làm rõ nguồn gốc và bản chất của một xã hội chuyên quyền độc đoán, một chế độ độc tài hay toàn trị chắc rằng còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu và thảo luận sâu sắc hơn. Hitler là một nhà độc tài tiêu biểu, nhưng không có căn cứ nào để kết luận chính phủ của ông ta tham nhũng. Không thể nói ông Lý Quang Diệu là một nhà dân chủ mà ông lại là người có công lớn xây dựng một nước Singapore văn minh, thịnh vượng bậc nhất châu Á chỉ trong vòng 3, 4 thập kỷ. Chính thể XHCN toàn trị ở nước Nga đã sụp đổ nhưng một xã hội dân chủ đích thực thì vẫn chưa thể hình thành. Dù không còn đảng CS duy nhất cầm quyền mà đã có các đảng phái đối lập, nhưng ông Putin và chính phủ của ông đang bị chính nhân dân Nga lên án là nhà nước độc tài theo kiểu chuyên chính vô sản từ thời Stalin và tệ nạn tham nhũng đang phát triển nặng nề. Việt Nam và cả Trung Quốc thì tính chất toàn trị càng nặng nề hơn, mặc dù không mang sắc thái độc tài cá nhân kiểu Putin. Nếu nói về lý lẽ thì chắc chắn còn phải bàn nhiều lắm mới rõ được cái căn nguyên độc tài toàn trị mà “DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ” là nơi thích hợp để những ai quan tâm đến vấn đề xây dựng một xã hội dân sự trong sạch và tiến bộ ở nước ta có thể nêu lên những ý kiến xác đáng hơn cho vấn đề quá lớn này.

Tôi đem những băn khoăn thắc mắc của mình đi hỏi một người bạn học xưa, cũng có nhiều trăn trở và chúng tôi có chung một sở thích là nghiên cứu triết lý của đạo Phật, rằng làm thế nào để chuyển đổi hay xây dựng được một xã hội dân chủ thật sự của dân và vì dân. Ông ta tỏ ra ngạc nhiên rồi bảo điều này quá đơn giản. Đến lượt tôi không hiểu. Ông ta cười và nói các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước hãy chấm dứt ngay kiểu độc tài, kiểu lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối là lập tức có dân chủ, không cần chống đối nhau gì cả. Thein Sein bên Myanma làm như thế đấy.

Không sai. Đó là giáo lý của Đức Phật. Cái gì, dù lớn đến đâu đều có thể giải quyết được một cách rất đơn giản, kiểu như “bỏ dao giết người xuống là thành Phật”, “quay đầu lại là bờ”… Hãy dừng lại ngay lập tức, không tiếp tục cố bám víu vào những thứ đã chứng tỏ là sai; không tiếp tục cố làm theo những thứ đã cũ, đã bị thực tiễn bác bỏ và nhân dân không ủng hộ nữa thì tức khắc đã là mới rồi. Còn như cứ bơi tiếp thì… sẽ đi đến bờ mê bến lú rồi vậy. Nhưng… đó là cách nhìn của Đức Phật, của những người đã giác ngộ, có cái tâm từ bi, những người đã tự giải thoát được khỏi tham, sân, si chứ không phải là cách nhìn của những người tham quyền cố vị.

Khi mới giành chính quyền, Hồ Chí Minh khẳng định mọi quyền lực đều là của dân. Đây là tư tưởng rất hiện đại của một vị Chủ tịch không chỉ quá thông hiểu thiết chế dân chủ của xã hội phương Tây thời đó mà cũng là thấm nhuần đạo lý của các bậc minh quân trong truyền thống của dân tộc Việt dưới sự cai trị của các vị vua thực sự có tâm lo cho dân, cho nước. Đến thời Đổi mới, một lần nữa, nghị quyết của Đại hội đảng cộng sản lại viết xây dựng nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Đây là những từ ngữ chỉ có dưới chính thể của nhà nước pháp quyền, dân chủ. Vậy, trong hoạt động thực tiễn thì sao? Đảng coi nhân quyền, tự do, dân chủ như những từ ngữ “húy kỵ”, không ai được đem ra bàn thảo. Các đảng viên của đảng cũng như các công chức trong bộ máy công quyền đã quen với các giáo lý: tự do trong khuôn khổ tổ chức, dân chủ tập trung v.v.. Các nghị quyết của đảng cũng thường nhắc đến các từ ngữ này dưới các hình thức khác nhau nhưng chỉ như một thứ gia vị. Có lần đảng có nghị quyết về “thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, nhưng cũng như mọi nghị quyết khác, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không tạo ra cái gì mới từ cơ sở, nếu không nói là tình hình ở cơ sở vài năm gần đây đang có nhiều diễn biến xấu hơn, nhất là những căng thẳng từ đất đai và chênh lệc giàu nghèo. Một trong những nội dung quan trọng khi chủ trương thực hiện dân chủ ở cơ sở là thí điểm để dân bầu trực tiếp các chức danh chủ chốt của chính quyền ở một số xã. Việc thí điểm này đã kết thúc không kèn không trống vì đơn giản, một số xã làm thí điểm đã thất bại theo cách nhìn của đảng: Số đông dân không bầu những người do đảng cử mà bầu những người khác, họ giới thiệu để bầu cả những người ngoài đảng làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã là việc mà Trung ương, người khởi xướng làm thí điểm không thể chấp nhận. Một cuộc thí điểm do TƯ khởi xướng mà kết quả không được tổng kết và công bố công khai là việc làm không nghiêm túc. “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” cũng là một khẩu hiệu công khai, nhưng dân biết những gì? Chúng ta nói và thực thi về dân chủ như thế thì biết bao giờ mới đạt đến một nền dân chủ thực sự?

Nước ta chủ trương đổi mới cơ chế kinh tế và đã giành được những thành công nhất định bởi vì đây là công cuộc cải cách do đích thân dân làm là chính và bắt đầu từ cơ sở là hoàn toàn hợp lý. Nhưng việc đổi mới thể chế chính trị, dù đó chỉ là một mảng nhỏ như “thủ tục hành chính” thì chính các quan, cả hệ thống nhà nước quyền, đảng quyền phải làm. Không phải ai cũng thật lòng muốn đổi mới, cải cách để dẫn tới chỗ…thêm mệt cho mình mà lại mất quyền sách nhiễu để kiếm tiền bạc lo lót, hối lộ. Một bộ máy cán bộ đảng, nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các hội… hưởng lương ngân sách đã quá cồng kềnh mà đâu đâu cũng sách nhiễu dân là chính, thì không những tạo ra gánh nặng về chi tiêu ngân sách nhà nước mà còn là nguyên nhân gây ra sự bất bình phẫn nộ của người dân, những người lao động làm ra tiền để nuôi bộ máy ấy. Đây là một nguy cơ lớn mà lãnh đạo đất nước luôn đánh giá thấp.

Cần chú ý rằng, theo Tổ chức y tế thế giới thì phân bổ ngân sách nhà nước cho khám chữa bệnh của Việt Nam đứng ở nhóm cuối cùng trong số 191 nước được thống kê, nhưng tỷ trọng chi tiêu cho quản lý hành chính nhà nước trong tổng chi ngân sách lại ở nhóm dẫn đầu, thậm chí còn vượt cả Mỹ. Trên các diễn đàn và trong nhiều tài liệu chính thức đều đánh giá lương công chức hành chính VN quá thấp, thậm chí chỉ đủ ăn trong 20 ngày mỗi tháng v.v.. Vậy thì chuyện này cũng kỳ lạ nhất thế giới: Ở một lĩnh vực lương không đủ ăn và chắc khổ hơn cả nông dân mà sao để kiếm được một chỗ làm việc trong bất kỳ vị trí nào của bộ máy công quyền, dù là ở TƯ hay địa phương thì ai ai cũng đều phải đút lót hàng trăm triệu đồng? Chuyện này bây giờ không có gì là bí mật hay phạm húy cả vì đã có nhiều người nói, nhiều người viết và rất nhiều người…phải thực hiện, trong đó có người nhà của tác giả bài viết này. Họ mất tiền để mua nghèo mua khổ về mình mới là chuyện lạ. Còn lạ hơn, nếu có một số nhà thống kê, nhà xã hội học hay những ai nữa để có thể đánh giá xem: nhà lầu xịn, xe ô tô xịn, trang thiết bị nội thất và đồ dùng cá nhân xịn nằm ở nhóm nào nhiều nhất trong xã hội hiện nay? Tôi đoan chắc rằng khu vực cán bộ đảng, nhà nước, công an, sĩ quan quân đội từ trung ương đến cơ sở là nhiều nhất. Lương không đủ ăn mà số rất đông giàu có vậy thì lấy ở đâu ra ai mà không biết, kể cả Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước. Bây giờ bàn chính sách thì nên bớt chi tiêu công để khoan sức dân hay thêm chi tiêu ngân sách để tăng lương cho cả những người đã rất giàu rồi? Tất nhiên tôi hiểu rằng không phải tất cả công chức trong hệ thống công quyền đều giàu mà thật ra, trong khu vực này cũng đang diễn ra sự chênh lệch thu nhập đến mức bất công rồi.

Có thể chế dân chủ hay không, vì dân hay vì bộ máy cầm quyền đều bắt đầu từ những việc rất cụ thể như thế. Trước tình hình ngân sách quốc gia gặp khó khăn, nhiều nước, kể cả Mỹ đã phải giảm lương và cắt giảm nguồn nhân lực hưởng lương từ ngân sách thì ở nước ta chỉ thấy bàn tăng lương cho công chức và còn hô hào tăng lương nữa? Cũng có thể rồi đây sẽ có những “chuyên gia” nào đó sẽ trình bày rằng lương của công chức Việt Nam còn thấp thua so với lương của công chức các nước trong khu vực và thế giới, nên phải tăng nữa, giống như họ vẫn so sánh giá các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, sắt thép, điện và các dịch vụ công… của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực? Không thấy mấy chuyên gia công khai điều tra rồi báo cáo với đảng và chính phủ rằng dân, đặc biệt là bộ phận lớn cư dân nông thôn, không phải chỉ ở vùng núi, vùng xa xôi hẻo lánh đã nghèo, đã khổ lắm rồi, cần có chính sách mạnh tay cắt giảm và điều chỉnh cơ cấu chi tiêu công để hỗ trợ cho dân đỡ phần gánh vác về giáo dục, khám chữa bệnh, tạo việc làm… Phải mạnh tay xóa bỏ và cắt giảm nhiều loại thuế và phí đang là gánh nặng của người dân. Người dân trước hết đang rất cần những thứ như thế. Cứ khư khư giữ lấy một bộ máy và một hệ thống thể chế quan liêu, độc tài; không trên một nền tảng của một xã hội dân sự đích thực, lấy dân làm trung tâm thì không bao giờ giải quyết được những thực trạng bất công và vô lý nói trên. Bởi thế mà phải có nhiều tổ chức phi chính phủ, nhiều hội đoàn thật sự của dân để bảo đảm quyền của chính người dân, để bắt buộc công khai những việc làm dân cần biết và hiệu quả mà những người được nhân dân trả lương và ủy quyền cho họ quản lý các công việc xã hội. Không lý gì các công bộc ăn lương của dân để phục vụ dân mà muốn làm gì thì làm, cái gì cũng bí mật, không bao giờ công khai cho dân biết, không bao giờ nhận lỗi trước dân về những việc làm sai trái của mình, thậm chí sai ở chỗ này lại được thăng quan tiến chức ở chỗ khác.

Dĩ nhiên, dân phải kiểm tra, giám sát công việc của bộ máy công quyền. Đây là việc đương nhiên của bất kỳ quốc gia nào phát triển theo thể chế dân chủ. Ngay chuyện nhà của mỗi người chúng ta, khi thuê một tốp thợ xây dựng mới hoặc sữa chữa căn hộ của ta thôi thì cũng phải nhờ người hiểu biết ít nhiều về xây dựng để giám sát quá trình thi công. Không giám sát gì cả, cứ bỏ mặc thợ muốn làm như thế nào thì làm mới là chuyện lạ. Vậy dân giám sát bộ máy công quyền hoạt động bằng cách nào? Từng công dân riêng rẽ không thể làm được mà họ phải tự tổ chức, liên kết lại với nhau dưới nhiều hình thức. Xã hôi dân sự ra đời như một nhu cầu tất yếu, như một khu vực công trong cơ cấu xã hôi: nhà nước, thị trường, gia đình và các tổ chức phi chính phủ (ở nước ta còn có các quan hệ đồng hương, họ tộc cũng rất quan trọng) để bảo đảm tốt hơn sự thực thi luật pháp, sự quản lý nhà nước thật sự vì cuộc sống của người dân, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, góp phần ngăn chặn các tệ nạn, nhất là tệ lạm quyền và tham ô tham nhũng rất dễ phát sinh. Xã hội dân sự còn là nơi để các công dân bày tỏ các mối quan tâm về tư tưởng, chính sách, luật pháp, thể chế quản lý nhà nước; Là nơi mọi người trao đổi thông tin, tiến hành các hoạt động tự nguyện có tính chất tương trợ, từ thiện… Ngày nay đã hình thành một cộng đồng mới trên mạng Internet, nhiều chuyên gia gọi cộng đồng này là “Cộng đồng ảo” (Virtual Community). Ảo là bởi vì nó không giống với cộng đồng thật gắn với một không gian địa lý xác định. Nhưng cộng đồng này đang phát triển nhanh, cũng có sự tương tác liên kết giữa những người có cùng sở thích hay có cùng sự quan tâm về những vấn đề nào đó; cũng cần có sự chia sẻ, tranh luận, thông tin và sự trợ giúp của cộng đồng. Những mối tương tác như thế đã trở thành một phần của xã hội dân sự cần được quqn tâm.

Một xã hội dân sự như thế không có gì trái với cương lĩnh của đảng cộng sản Việt Nam, càng không có gì trái với bản chất một chế độ tất cả vì hạnh phúc của nhân dân mà mọi người Việt Nam hằng mong đợi. Đáng tiếc, trên báo Nhân Dân, số ra ngày 31/8/2012 lại đăng một bài chính luận có tiêu đề: “Xã hội dân sự” – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình”, của tác giả Dương Văn Cừ, nói nặng lời tất cả những ai, những gì liên quan đến xã hội dân sự. Diễn biến hòa bình thì lâu nay nghe đã quen, nhưng việc đồng nghĩa xã hội dân sự với “thủ đoạn diễn biến hòa bình” thì chắc không có một thế lực thù địch nào từ thế kỷ 16 đến nay dám đặt vấn đề đến mức đó. Dù có rất nhiều định nghĩa khác nhau và cho đến nay, không có một định nghĩa nào được cộng đồng các học giả thừa nhận là định nghĩa chung quyết về xã hội dân sự. Tuy nhiên, dù khác nhau đến đâu thì vẫn có một điểm thống nhất rằng xã hội dân sự vẫn lấy người dân làm trung tâm. Bởi thế không nên thóa mạ xã hội dân sự một cách đơn giản, vơ đũa cả nắm như thế. Dù đó là quan điểm cá nhân, nhưng vì đăng trên báo đảng mà viết đến mức: “Hiện nay, các nước, các tổ chức quốc tế, các NGO nước ngoài đang tìm mọi cách để hình thành, phát triển XHDS theo tiêu chí phương Tây ở Việt Nam, qua đó thực hiện mục tiêu lật đổ chế độ XHCN bằng phương pháp “bất bạo động”, “phi vũ trang”…”.

Trong khi các vị lãnh đạo đảng và nhà nước đang ra sức mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đang tích cực hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, càng khẩn trương hơn để 2015 hình thành “Cộng đồng ASEAN” mà cộng đồng này cũng theo “tiêu chí phương Tây”, mà viết và nói thế này thì rốt cuộc chúng ta sống với ai trên thế giới này? Có thể có ai đó có ý đồ xấu. Điều này là bình thường trong quá trình phát triển. Nhưng xu thế tiến bộ, những lực lượng tiến bộ vẫn là chủ yếu mà muốn phát triển, chúng ta cần phải nhận được sự hợp tác và ủng hộ từ các lực lương đó, chứ không đến nỗi “các nước, các tổ chức quốc tế (chắc tác giả không có ý chỉ cả Liên hợp quốc chứ?), các NGO…” đều nằm trong danh sách có âm mưu “thủ đoạn diễn biến hòa bình”. Tôi không tin đây là quan điểm của báo Nhân Dân.

Xưa nay, từ các ông vua đến các học sĩ, ai cũng nói hay về dân nhưng thực tế thì ở rất nhiều triều đại, nhiều nước, dù thịnh trị hay thối nát trị thì các thế lực cầm quyền thường coi dân không là cái gì cả ngoài việc làm ra của cải nuôi bộ máy cai trị, thậm chí còn ăn chơi phè phỡn và đàn áp lại chính người đã nuôi mình. (Theo các sử liệu của Trung Quốc, đời nhà Minh, mức chi cho ẩm thực của hoàng cung là 240.000 lạng vàng một năm. Riêng vua là 13.140 lạng, tức là xấp xỉ 36 lạng vàng mỗi ngày. Đời Càn Long thứ 25 (1760) chi cho vua 22.000 lạng, tức là có “tiết kiệm” hơn quy định chung của đời nhà Thanh là 30.000 lạng vàng. Đến đời Quang Tự 29, 1903, con số này là 38.839 lạng vàng…Đây đã được coi là những thời “Thái bình thịnh trị” rồi mà còn như thế đấy) Dân chỉ gọi là sung sướng nhất khi họ được tự do làm ăn sinh sống, sưu thuế nhẹ nhàng còn kẻ cai trị thì không nhũng nhiễu. Chỉ đơn giản thế gọi là thời thái bình thịnh trị rồi vậy.

Hà nội, ngày 28 tháng 9 năm 2013.

Nguyễn Thái Nguyên
Theo Xã Hội Dân Sự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad