Siêu vũ khí, vũ khí độc sẽ làm sôi sục Biển Đông? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Siêu vũ khí, vũ khí độc sẽ làm sôi sục Biển Đông?


Tình hình Biển Đông: Các nước quanh khu vực Biển Đông đang bước vào thời kỳ chạy đua những vũ khí độc nhằm khắc chế lẫn nhau.

Đài Loan, Nhật Bản không ngừng trang bị vũ khí khủng

Trang mạng Đông phương của Trung Quốc ngày 22/9 cho rằng Đài Loan sắp sửa tiếp nhận chiếc đầu tiên trong lô 12 chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion mua từ Mỹ.

Trước đó, ngày 21/9, một vị quan chức cao cấp của cơ quan quân sự Đài Loan cho biết, cơ quan quân sự của hòn đảo này sẽ tiếp nhận chiếc đầu tiên, trong loạt 12 chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion trong ngày 23 hoặc 24 tháng này.

Các máy bay tiếp theo sẽ lần lượt bàn giao trong các tháng tiếp theo. Cả Đài Loan và Mỹ đều khẳng định, sẽ hoàn tất hợp đồng bàn giao 12 “sát thủ săn ngầm” P-3C Orion trong năm 2015, bình quân mỗi năm sẽ bàn giao 4 chiếc.

Trước đó, hồi tháng 7, Mỹ cũng triển khai máy bay P-3C tiến hành các cuộc tuần tra Biển Đông. Theo một báo cáo của quân đội Philippines, lần điều máy bay P-3C này là theo đề nghị của Manila.

Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion

Trong khi đó, Nhật Bản cũng tăng cường các hoạt động diễn tập, huấn luyện kết hợp với quân đội Mỹ. Vừa qua, Nhật Bản đã hạ thủy một tàu sân bay trực thăng siêu hiện đại. Với tàu sân bay này, năng lực chống ngầm của Nhật Bản trở nên mạnh nhất khu vực Biển Đông và Hoa Đông.

Đồng thời, ưng biển Osprey V-22B của Mỹ cũng đã có mặt ở Nhật Bản. Giới chức quân sự Nhật cho biết, với những siêu máy bay vận tải này, Nhật Bản có thể triển khai số lượng lớn quân sĩ và khí tài vũ khí bất cứ lúc nào cần thiết.

Đáp lại, Trung Quốc cũng đưa vào biên chế siêu tàu đổ bộ lớn nhất thế giới “bò rừng" Zubr.

Trung Quốc tiết lộ vũ khí “chuyên khắc chế” Mỹ

Đáp lại những động thái vừa qua của Mỹ trên Biển Đông và việc Đài Loan nhận máy bay trinh sát, chống ngầm hiện đại của Mỹ, Trung Quốc cũng tiết lộ những thành tựu về hệ thống vũ khí A2/AD được cho là dành riêng để đối phó với Mỹ.

Được biết, Trung Quốc đã tập trung phát triển hệ thống chống tiếp cận/từ chối xâm nhập (A2/AD) từ năm 1996, sau khi xảy ra sự việc nước này tuyên bố thử nghiệm hệ thống tên lửa nhằm đe dọa Đài Loan buộc Mỹ phải đưa tàu sân bay vào vùng biển này.

Việc làm của Mỹ đã buộc Trung Quốc dồn rất nhiều công, của vào việc sản xuất ra thứ vũ khí khắc chế những chiến hạm của Mỹ.

Hệ thống vũ khí thuộc loại A2/AD mà Trung Quốc đang phát triển là DF-21D, tên lửa đạn đạo chống tàu chiến (ASBM), Defense News tiết lộ hồi cuối tuần trước.

Việc phát triển tên lửa này đã bước sang giai đoạn vận hành sơ bộ, trong đó tên lửa đã có thể hoạt động ở mức thấp nhất. DF-21D được cho là “độc nhất vô nhị” vì chưa có quốc gia nào thành công trong việc phát triển tên lửa đạn đạo thông thường mà có khả năng triệt hạ được chiến hạm.

Trung Quốc còn được cho là đang phát triển tên lửa và hệ thống phóng tia laser để tiêu diệt vệ tinh Mỹ.


Tên lửa đạn đạo DF-21C, phiên bản trước của vũ khí được cho là độc nhất vô nhị DF-21D của Trung Quốc/td>

Chiến lược phát triển A2/AD của Bắc Kinh được cho là nhằm ép quân đội Mỹ phải hoạt động cách xa hơn nữa lãnh thổ Trung Quốc và cản trở các chiến dịch tấn công của quân Mỹ vào lực lượng trinh sát của Trung Quốc.

Đồng thời, truyền thông Trung Quốc cũng đồng loạt đăng tải nhiều bài viết, dẫn lời các học giả mang hàm tướng, tá thuộc phe “diều hâu” về việc máy bay P-3C xuất hiện ở Biển Đông.

Những tướng tá này cho rằng việc Mỹ đưa máy bay vào vùng biển này mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế thay vì lo lắng. Hải quân, không quân nước này sẽ có dịp cọ xát với loại máy bay này, đồng thời, những chiến thuật đối phó với những siêu trinh sát của Mỹ cũng có dịp được trải nghiệm.

Đỗ Văn Long, một chuyên gia quân sự của Trung Quốc không ngại khẳng định: “Càng có cơ hội thực tế, quân đội sẽ càng chủ động và vững vàng khi có tranh chấp.”

Việt Nam giương cao lá cờ hòa bình

Những động thái vừa qua của Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, và cả Nhật Bản đã thể hiện những chính quyền này đang từng giờ từng phút chạy đua vũ trang với những loại vũ khí nhằm khắc chế lẫn nhau, với một mục đích không hề che đậy.

Trong khi đó, Việt Nam cũng là một quốc gia kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo trên cơ sở vì hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.

Việt Nam trước sau vẫn giữ nguyên quan điểm không thành lập liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào, không tham gia liên minh quân sự với một quốc gia để chống lại quốc gia khác.

Tàu ngầm Kilo mang tên Hà Nội của Việt Nam

Hồi đầu tháng 6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có cuộc đối thoại với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Thích Kiến Quốc. Qua cuộc đối thoại này, Việt Nam nêu rõ quan điểm ưa chuộng hòa bình và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thượng tướng Vịnh nhấn mạnh: “Sự phát triển của Trung Quốc cũng là sự phát triển chung của thế giới. Nếu sự phát triển này đem lại hòa bình, ổn định và trên tinh thần hợp tác. thì Việt Nam ủng hộ sự phát triển của Trung Quốc.”

Thời gian qua, Việt Nam đã mua sắm 6 tàu ngầm tấn công lớp Kilo, hệ thống tên lửa phòng thủ S-300, nhiều chiến đấu cơ Su-30, và các chiến hạm Gepard. Tuy nhiên, tướng Vịnh đã chỉ rõ số lượng và chủng loại vũ khí ấy phục vụ hiệu quả việc bảo vệ bờ biển, thềm lục địa và lãnh thổ của Việt Nam.

“Điều quan trọng là vũ khí nằm trong tay ai! Nó có thể giết người, nhưng cũng có thể để tự bảo vệ mình; thậm chí có những lúc, vũ khí đó là để bảo vệ hòa bình. Vấn đề là người cầm vũ khí đó là ai, đường lối của người đó như thế nào” tướng Vịnh đã nói.

Minh Tú (Tổng hợp)
Theo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad