Từ WTO đến TPP: Nhận diện sáu năm di căn kinh tế - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Từ WTO đến TPP: Nhận diện sáu năm di căn kinh tế



Gần ba tháng sau cuộc gặp Trương Tấn Sang – Barack Obama vào tháng 7/2013, vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan nào cho triển vọng Việt Nam được “đặc cách” vào TPP. Trong khi đó, đã thấp thoáng những cái nheo mũi phản biện từ giới chuyên gia trong nước về tương lai “TPP không phải là một đại tiệc dành cho Việt Nam”.

WTO đã là một phép thử đầy rẫy khó khăn, lồng trong bối cảnh các tập đoàn lợi ích lũng đoạn hầu như toàn diện tấm thân trơ gày của dân tộc. Một lần nữa, hãy nên nhận diện lại bức tranh ung thư di căn mà nền kinh tế và xã hội Việt Nam phải thấm trải trong sáu năm qua.

“Nước giàu dân nghèo”

Từ nhiều năm qua, nhức nhối thị trường nội địa đã trở thành cái gai đau nhức trong tròng mắt của doanh nghiệp Việt, khi giới truyền thông không ít lần phải lên án chuyện giới doanh nhân trong nước bị mất thị phần ngay trên sân nhà. Từ mảng vật liệu xây dựng luôn sôi động tính đầu cơ cho đến lĩnh vực dược phẩm được coi là “phục vụ an sinh xã hội”, đâu đâu cũng phổ cập những mất mát đầy tính hiển thị như thế.

Sáu năm tham dự vào WTO có lẽ đã quá đủ để rút ra một bài học thấm thía nào đó cho cuộc cạnh tranh không cân sức. Song một bài học lớn nhất lại vẫn chưa được rút ra: tính minh bạch thị trường bị hủ hóa đến mức tối đa đã khiến cho đến nay không có bất kỳ một số liệu nào từ giới điều hành kinh tế Việt Nam có thể lượng định được bao nhiêu phần trăm thị phần của các doanh nghiệp, cùng bao nhiêu ngành sản xuất và kinh doanh chủ chốt, đã “rơi vào tay nước ngoài”.

Một bài học xương máu khác cũng đang hiện thực hóa một cách khắc khoải và khắc nghiệt trong chính nền kinh tế của đất nước – nơi có tương phản “nước giàu dân nghèo” tương tự với thể chế Trung Quốc. Những con số được công bố mới nhất vẫn cho thấy chẳng khác mấy người bạn láng giềng còn chìm trong bầu không khí tư bản hoang dã với 300 tỷ phú đô la, giới tinh hoa tỷ phú đô la ở Việt Nam vẫn không ngừng tăng tiến lên đến gần 200 người cùng tài sản đến 20 tỷ USD, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng đã và đang diễn ra trong đất nước, ngược chiều với cảnh người dân bị nghèo đi tương đối.

Hố phân cực thu nhập càng ngoác rộng từ truyền thống trục lợi không ngưng nghỉ qua các kênh thương mại đa phương quốc tế.

Một nghịch lý phũ phàng vẫn tiếp tục làm lộn ngược mọi triết lý “do dân và vì dân”, với bối cảnh Việt Nam được xác nhận là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, nhưng trong vài năm qua lại phát triển hiện tượng nông dân trả ruộng hay bỏ ruộng ngay tại quốc gia này. Giá lúa bị thấp một cách vô lý ngay cả vào thời kỳ được mùa và tăng trưởng xuất khẩu, trong khi giới thương lái và các công ty xuất khẩu gạo vẫn ung dung thế trung gian lợi nhuận trên bờ vai rạc gày của những người một nắng hai sương.

Khác hẳn với thói quen tuyên truyền về “hiện tượng cá biệt” từ những người phát ngôn cho Chính phủ, chuyện người dân bỏ ruộng đã diễn ra ngày càng tràn lan từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đến đồng bằng sông Hồng và có thể còn xa hơn nữa về biên giới phía Bắc.

Rất thường là chuyện vài tấn thóc mới đủ đóng tiền học cho con cái, và cũng rất thường là vẻ bạc mặt của các gia đình nông dân khi phải cắn răng bán lỗ cho giới đầu cơ và không lối thoái dưới món nợ chống chất của ngân hàng. Đó là cái gì, nếu không phải là một hình ảnh quá ngược ngạo về điều được xem là thành tích trở thành thành viên thứ 150 của WTO với sự lao dốc chưa đến đáy của thành phần chiếm đến 70% dân số lao động?

Đa bào và đơn bào

Kinh tế lụn bại để gánh nặng cuối cùng đổ lên đầu nông dân, công nhân và người nghèo một cách chắc nịch – một hệ lụy kinh khủng của đường hướng “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” trong vài chục năm qua. Hệ lụy này lại quá đồng điệu với cuộc chơi cực kỳ sòng phẳng và tàn nhẫn của giới doanh nghiệp độc quyền nhà nước như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn diện lực Việt nam – những tác nhân chính của chiến lược đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán và bảo hiểm từ những năm 2006-2007 mà đã dẫn đến số lỗ khủng khiếp ít nhất 40.000 tỷ đồng, để cuối cùng những đợt tăng giá xăng dầu và giá điện bất chấp của các tập đoàn này càng tạo nên nguy cơ thúc đẩy nạn lạm phát động loạn không còn bị ràng buộc bởi bất cứ giới hạn nào, lại càng khiến cho đời sống người nghèo lâm vào thế khốn cùng.

Nhưng khi cái đáy thực chất vẫn chưa hiện ra, cơn suy thoái kinh tế di căn gần như toàn diện ở Việt Nam còn có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn lao hơn nhiều trong vài ba năm tới, với nhiều sắc thái vượt khỏi kìm nén từ phía người dân và cũng có thể dẫn tới những cuộc bạo đông do cùng quẫn về mưu sinh, tiếp dẫn nhiều mầm mống loạn lạc trong một xã hội đang dò đáy.

Niềm tin của dân chúng vào thể chế cũng vì thế bị “suy thoái tư tưởng” một cách kinh khủng, song ánh trực tiếp với sự ruỗng mục và nguy cơ sụp đổ của chân đứng kinh tế quốc gia. Vài năm gần đây, không quá khó hiểu khi bất chấp “rào cản kỹ thuật” từ phía Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin truyền thông, báo chí Việt Nam đã phải miêu tả một cách trực diện đến khoảng thời gian “hái quả” sau khi Việt Nam tham gia WTO, trong đó không quá giấu diếm về từ ngữ “thất bại” của nền kinh tế và dĩ nhiên của cả giới điều hành kinh tế trong chính phủ đối với những hệ quả ngập tràn do các nhóm lợi ích đa bào và nhóm thân hữu đơn bào gây ra.

Đa bào lợi nhuận và đơn bào chính trị lại kết tụ thành chuỗi nhiễm sắc thể nguy biến hơn bao giờ hết cho cơ thể dân tộc cùng cơn nguy kịch thoi thóp của người nghèo. Trong vài năm tới, nếu sự tình kinh tế không được cải thiện mà vẫn như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải cảm thán mới đây “ăn không chừa một thứ gì”, nhiễm sắc thể sẽ rất mau chóng chuyển độc tố của nó vào nơi mà sức kháng thể cuối cùng của người dân còn rơi rớt.

Khi đó, đa bào cộng đơn bào cộng với lời sấm “dân chủ xã hội chủ nghĩa gấp vạn lần tư bản” của bà Nguyễn Thị Doan sẽ rất mau chóng chứng nghiệm hình ảnh một thân thể bị phù trương toàn diện bởi cái không chỉ còn là chất độc.

Mẩu bánh và lối thoát

Trong bối cảnh khác xa với luận lý “kinh tế đang ổn định” của giới chức chính phủ, TPP dĩ nhiên là một lối thoát, thậm chí là một lối mở tươi lành nhất mà một chính thể có thể vận dụng để ít nhất cũng tạm làm yên lòng dân chúng, hạn chế được phần nào những phẫn uất của dân nghèo về các nhóm lợi ích, và cách nào đó tạm thời kìm giữ những ý tưởng hoặc hành động cần phải thay đổi thể chế chính trị.

Lối thoát từ TPP cũng có thể là một cơ hội nhằm tái hiện hình ảnh vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đổ vào Việt Nam từ 15-20 tỷ USD của những năm 2006-2007 - thời hoàng kim và cũng là đỉnh của nền kinh tế này. Bởi sau cái đỉnh ấy, bi kịch của nền kinh tế và cũng là bế tắc của đất nước mà đã dội ngược cho tới nay, khi lượng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã giảm đến ít nhất 2/3, tương đương với độ giảm của vòng quay vốn xã hội mà đã làm xáo động các khu vực sử dụng lao động. Logic tiếp theo của sự dội ngược này là tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam trong những năm khủng hoảng đã tăng vọt một cách thảm thương, khác hoàn toàn với số liệu công bố chỉ có 1,99% của Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Thậm chí, có đánh giá còn ước tính tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Việt nam có thể đang là vài chục phần trăm, không thua kém lắm tình cảnh mà những đứa con của thần Zeus phải đối mặt chỉ mới vào quý đầu năm 2013.

Vài tháng qua, một số chuyên gia trong nước đã bắt đầu công khai nói về “thất bại” của WTO, về sự lợi dụng không thương tiếc của các nhóm lợi ích đối với cơ chế thương mại đa phương, còn người dân đã không được hưởng ưu đãi nào về thực chất.

Còn với TPP, thói quen đánh giá cảm tính đã luôn kéo theo hệ lụy sách lược và chiến lược cũng chỉ có giá trị như một cảm giác. Còn hơn thế, rất nhiều khi chỉ giống như một cảm giác bất lực và bế tắc. Có lẽ đó là một trong những nguyên do vì sao đã trải qua 3 năm với 19 vòng đàm phán TPP mà lộ trình Việt Nam hầu như vẫn giậm chân tại chỗ khi cần phải đối chiếu với bộ tiêu chí xuất xưởng từ nội khối TPP.

Dù vẫn ngầm xem TPP là một lối thoát, song những điều kiện đặc biệt và có tính tiên quyết của TPP như cải cách kinh tế và giảm tính độc quyền của khối doanh nghiệp nhà nước, tăng tính minh bạch và tính hữu dụng chứ không phải hình thức hay mị dân cho cuộc chiến chống tham nhũng, kể cả một số vấn đề liên quan khác như môi trường, quyền lập hội lao động… vẫn chẳng mấy có hy vọng được Hà Nội đáp ứng đủ chi tiết hầu mong bổ túc cho hồ sơ ứng cử viên TPP.

Chưa có Hà Nội

Sau chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Washington vào cuối tháng 7/2013, những tin tức lạc quan nhất từ giới ngoại giao và thương mại Việt Nam đã như cố gắng ồn ào về khả năng đến cuối năm 2013 quốc gia này sẽ được “tháo khoán” vào TPP. Tuy nhiên, số ít quan chức tự trọng lại tỏ ra dè dặt hơn với cụm từ mơ hồ “sớm nhất có thể” mà Obama đã dùng trong bản thông cáo báo chí sau văn bản “đối tác toàn diện” giữa hai nước.

Tất nhiên, có không ít cách nhìn và cách suy diễn có thể hiện hữu đối với cụm từ này, trong đó khả năng xa vời hơn thuộc về một triển vọng không được hữu hạn về thời gian, tức trong kế hoạch công du các nước Đông Nam Á như Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines vào tháng 10/2013 của Tổng thống Obama, đã không có trạm dừng dù là trung chuyển ở sân bay Nội Bài.

Quay lại dĩ vãng tháng 5/2013, trong chuyến làm việc tại Hà Nội với một số giới chức ngoại giao, thương mại và cả ngành công an, một quan chức cao cấp thuộc khối Cộng đồng chung châu Âu đã nêu ra một dự đoán có tính kinh nghiệm: quy trình để Việt nam tham dự vào TPP sẽ phải mất từ một đến hai năm. Nếu đúng theo ngữ nghĩa này và không tương hợp với kỳ vọng khát khao của chính giới Hà Nội, mọi chuyện sẽ đều phải có lộ trình của nó, lộ trình lại phải có thời gian, được gắn liền với điều kiện về công đoàn độc lập và có lẽ còn lâu mới có chuyện kết thúc sớm sủa.

Cộng hưởng với những tin tức không mấy lạc quan của đoàn đàm phán TPP của Việt Nam vừa trở về từ Brunei, người ta càng nhận ra “sớm nhất có thể” chỉ là một cụm từ ẩn chứa vài tính toán mang tính chiến lược của Tổng thống Omama.

Bởi cho dù Ngoại trưởng John Kerry luôn hứa hẹn “Nơi nào có quyền lợi chung thì nơi đó Mỹ và Việt Nam có thể hợp tác”, điều được xem là “thành tâm chính trị” của Hà Nội mới là lời hứa có giá trị nhất trong bối cảnh nhập nhoạng hiện thời.

Một mẩu bánh hấp dẫn và một cô gái đẹp vẫn luôn là mơ ước của những kẻ phàm tục. Nhưng làm sao để nuốt được hai miếng thơm ngon đó thì lại là một câu chuyện khác, khác hoàn toàn.

Hoặc cho dù mọi chuyện có thể được nhìn nhận với thái độ bớt căng thẳng hơn, ứng với trường hợp Nhà nước Việt nam được “đặc cách” nhập tiệc TPP cũng như nghiễm nhiên sở hữu một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, cũng sẽ rất khó có một minh chứng đủ thuyết phục nào về nội lực kinh tế và nội tình chính trị để những tỷ đô la đăm đắm từ TPP bớt mù mờ hơn.

Phạm Chí Dũng
Theo VOA



Phạm Chí Dũng
Phạm Chí Dũng là nhà báo tự do hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad