Số là gần đây lê la trên mạng tôi được đọc hai bài báo rất hay của ông Lê Hiếu Đằng. Nhiều người ủng hộ quan điểm của ông. Nhưng đồng thời ông cũng bị đả kích, mắng xéo, mỉa mai từ nhiều phía. Ngoài những bài lý luận xà quành đến khôi hài của những tay bồi bút phục vụ chính quyền Việt Nam còn có những biểu hịện thù hằn với ông Lê Hiếu Đằng và những người như ông từ một số người Việt đang sống tự do ở nước ngoài. Đại khái là họ không chấp nhận bất kỳ một sự cải thiện chính thể hay xã hội nào ngoại trừ sự lật đổ hoàn toàn Đảng CSVN và kết tội tất cả những ai mà theo họ thì tay đã "lấm bùn" hay "nhúng chàm". Đã gần 40 năm rồi mà lòng "chuyên chính" của họ không hề bị lay chuyển. Ai không đồng quan điểm với họ là quân phản động. Oops! Lộn rồi. Phải nói là "quân thân Cộng". Phản động là từ ngữ bên kia, thân Cộng là nhãn hiệu bên này.
Tôi cứ hay lẫn lộn, thật là nguy hiểm. Thời trước có thể phân biệt bên này, bên kia, bên kia, bên này dễ dàng hơn. Thời nay thì ông nào cũng còm lê, cà vạt, bảnh chọe như nhau. Bà nào cũng váy ngắn, váy dài khó mà phân biệt. Dân trong nước thì tôi nghe là thời nay cũng như thời trước, đa số đầu tắt mặt tối kiếm sống. Phần thì sợ chính quyền, phần thì thờ ơ chính trị. Tự do, dân chủ đối với họ có lẽ chỉ những khái niệm không thực tế. Không hiểu có phải vì ý đồ xâm lấn lãnh thổ của Tàu và thái độ bán nước ôm tiền của quan chức VN mà dân chúng phẫn nộ ra mặt. Đặc biệt là một số nhà văn, nhà báo, trí thức, và đảng viên bỏ đảng đòi tự do và dân chủ thật. Họ dám nói, dám làm, dám chịu. Họ bị chính quyền bố ráp, đánh đập, và giam cầm nhưng vẫn không ngán. Đáng phục như vậy mà những người từng là đảng viên bị cả hai bên ném đá. Thật là khó hiểu.
Viết thuê để hưởng tài lộc của độc tài đương quyền thì không có gì lạ. (Hình như bây giờ người ta gọi những tay này là "dư luận viên". Nghe vừa Tàu Tàu, vừa trịnh trọng quá. Tôi thích hai chữ "bồi bút" hơn. Nghe vừa Tây Tây, vừa tục tục.) Nhưng lúc đầu tôi không hiểu tại sao một số người cứ cố khích động hận thù không nhìn lại quá khứ một cách khách quan. Họ không phải là bồi bút vì ở đây thời này chửi Obama may ra còn kiếm chác được chứ những quan điểm cay cú này thì đâu có đem lại lợi lộc gì cho họ. Xem ra họ rất thật tình, không thể "rũ bỏ hận thù và ràng buộc chính trị" như lời kêu gọi sáng suốt của ông Tây nghiện thuốc lào Jonathan London. Thì ra cả hai bên đều bị một tên gián điệp nhị trùng nằm sâu trong lòng, lũng đoạn đầu óc. Sau những đố kỵ vì tham vọng và xôi thịt thì tên Ấu Bồ Hòn là thủ phạm chính gieo rắc hận thù. Tối nay tôi phải nốc một ly rượu để có thêm dũng khí góp phần lật mặt nạ tên này. Nhiều người vẫn còn nhắm mắt, hai tay cầm đá ném chọi lung tung để che chở cho hắn.
Ngày xưa bà ngoại tôi thường hay ru cháu với câu tục ngữ "Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo". Thật không sai. Bên nào cũng vậy, các nhà ái quốc của họ thật toàn vẹn trung dũng, nhân nghĩa, tài trí và những tên địch thì bao giờ cũng hèn hạ, độc ác, vừa lưu manh vừa ngu. Cuộc xung đột về tư tưởng và chính kiến giữa người và người vì vậy mà trở thành trường quyết đấu giữa thiên thần và ác quỷ. Làm gì có thể có sự cảm thông, chứ đừng nói gì đến hoà giải, đoàn kết giữa thần và quỷ. Thực tế thì thiên thần không có mà ác quỷ cũng hiếm. Mà đã là người thì tốt xấu thường không được phân chia rõ ràng như chiến tuyến. Bên nào cũng có người đáng trọng, có kẻ đáng khinh. Nhiều ngưòi Việt hiện nay không chấp nhận được điều này.
Những dân tộc khác thì lập trường lại không được chuyên chính như vậy. Những năm đầu trong Đệ Nhị Thế Chiến, danh tướng Đức Erwin Rommel tung hoành từ Âu sang Phi. Thủ tướng Anh, Churchill, thẳng thắn công nhận đối phương tài ba và dũng mãnh. Phát-xít Đức là một chế độ tàn độc, môt vết nhơ đậm trong lịch sử Đức, nếu không nói là lịch sử nhân loại. Nhưng sau này Tây Đức lại lấy tên Rommel cho môt chiến hạm của họ để tưởng niệm tài năng và nhân cách của ông. Chẳng thấy các nước đồng minh có "quan ngại" gì. Năm 1990 Nữ hoàng Anh lại phong cho Manfred Rommel, con trai duy nhất của ông, tước Honorary Commander of the British Empire. Họ thật chẳng biết "tính sổ" gì cả. Nếu mà nói về "nợ máu" thì ba mươi đời nhà Rommel cũng trả không hết.
Không phải chỉ có kẻ chiến thắng mới rộng lượng chơi đẹp. Sau trận nội chiến Nam Bắc thảm khốc ở Mỹ, tướng cầm đầu quân Nam Robert E. Lee đã nói với người miền Nam rằng "Hãy nhớ rằng chúng ta là một nước. Hãy bỏ đi những cay đắng để dạy con chúng ta thành người Mỹ". Ông đã sống theo đúng như vậy, thật xứng đáng được dân Mỹ kính trọng.
Đối với những người này, không những thắng bại bất luận anh hùng, mà còn chiến tuyến bất phân trọng khinh nữa. Hình như họ đánh giá và chấp nhận nhau qua nhân phẩm và tư cách trước, lập trường chính trị, tôn giáo và phe phái sau. Khi cần thì choảng nhau, và choảng nhau thật ra trò. Nhưng xong rồi lại không giữ hận thù truyền kiếp. Không hiểu có phải vì vậy mà xã hội của họ tiến bộ và dân chủ mặc dù lúc nào cũng ồn ào ba người năm ý.
Thật ra thì người Việt cũng có khả năng phân biệt quân tử, tiểu nhân một cách khách quan khi không bị nhãn hiệu làm choáng mắt. Hai ông Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh đánh nhau để giành làm vua. Quang Trung có công đánh tan giặc Thanh. Gia Long được danh thống nhất đất nước. Bên nào cũng có anh hùng hào kiệt. Danh tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đem quân đánh thành Qui Nhơn. Thế cô, biết không giữ được thành, tướng của Nguyễn Ánh là Võ Tánh viết thư cho Trần Quan Diệu rằng "Ta là tướng, phải chết để trọn lòng trung. Xin ngươi hãy tha cho quân sĩ của ta." Ông lên lầu rồi sai lính đốt. Văn quan là Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Trần Quang Diệu cảm phục, khi vào thành cho chôn cất tủ tế và thả cho lính nhà Nguyễn đi. Hậu thế chúng ta kính phục cả ba người.
Nhưng khi nói đến giai đoạn lịch sử bắt đầu từ thời Việt Minh chống Pháp thì người ta phải xem thuộc phe nào trước rồi mới theo đó mà lý luận xà quành, uốn nắn dữ kiện để khen chê theo sự giật dây của tên Ấu Bồ Hòn.
"Láo thật! Anh vớ vẩn đông tây một hồi mới lòi ra là người của bọn..." Sẽ có người mắng tôi.
"Dốt thật! Anh đã đọc ông... chưa? Đã xem sách... chưa?" Về nhà học lại đi, đừng để bọn... nhồi sọ, tẩy não.” Người khác lại chê.
Hượm tí đã quý vị. Mặt tôi đang xanh như đít nhái đây. Để tôi nốc hết ly rượu này cho bớt run trưóc khi tiếp tục. (Ha ha, chơm được mấy chữ ngộ nghĩnh của ông Bọ Lập. Định sửa lại là "tái như trôn cóc" để dấu tội đạo văn, nhưng thấy nó cục bộ điạ phương quá, lại không vui tai bằng.)
Khà... Không biết rượu Việt ngon dở ra sao chứ cognac Tây uống đã thật, lại làm gan to hơn, mật lớn hơn đúng như bác sĩ thường nói, tuyệt quá.
Trước hết phải thưa rằng tôi ít đọc các sử gia hay "nhân chứng lịch sử" người Việt vì không biết ai thực, ai hư, ai khách quan, ai bào chữa. Những người mà tác phong hay cuộc đời của họ khiến tôi tin cậy như Nguyễn Hiến Lê và Doãn Quốc Sỹ lại chuyên về dịch thuật, sáng tác, không phải là sử gia. Tôi đành phải đọc sử liệu Mỹ vì tiếng Pháp thì tôi “toi moi” cũng chưa đưọc, mà sách dịch thì tôi vẫn ngờ ngợ không dám tin. Và không phải cứ sách Mỹ là tôi tin đâu. Bồi bút thì xứ nào mà chẳng có, biết đâu các ông Cộng Sản trong nước hay Cộng Hoà lưu vong lại chẳng tung tiền mua một tay tiến sĩ sử học Mỹ viết nhăng đề lừa hậu thế thì sao. Tôi có thì giờ, khả năng đâu mà đi tìm tòi, so chiếu, giám định như sử gia thứ thiệt được. Cứ đem ra dẫn chứng sách ông Mẽo này, bài bà Mỹ kia với quý vị thì chỉ để khoe mình có đọc sách chứ có bảo đảm gì đâu. Nan giải như thế nhưng tôi đã có cách. Tôi tìm ngay sách trung học phổ thông xem họ dạy con nít về chiến tranh VN như thế nào. Dân trí thức ở đây rất coi trọng chuyện giáo dục trẻ em đúng đắn. Những gì còn chưa rõ ràng thì phải chú thích như vậy. Mà vấn đề đã sáng tỏ thì cũng không được lập lờ như là còn nghi vấn. Cách đây không lâu một nhóm dân sùng đạo với rất nhiều tiền và thế lực định "bổ túc" sách giáo khoa sinh vật về "giả thuyết" tiến hoá của Darwin. Thế là rất nhiều nhà khoa học, trí thức đùng đùng chống lại, lôi họ ra toà. Tuy không hiểu vì sao các vị học rộng, tài cao, Nô Beo, Nô Biết lại bỏ thì giờ, hạ mình lo cho chuyện dạy bọn nhóc, nhưng nhờ vậy mà tôi đã yên tâm để hầu chuyện đôi bên với vài trang trong sách giáo khoa "The American Past: A Survey of American History" của Joseph Conlin.
Sau chín năm lãnh đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh được đa số dân Việt tôn trọng là lãnh tụ dân tộc. Trong lúc cộng sản và tư bản đối đầu, họ Mao đã đánh đuổi họ Tưởng qua Đài Loan, Mỹ quyết tâm chận làn sóng cộng sản và đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về. Nếu dịch sát nghĩa nguyên văn "Ngo Dinh Diem was a CIA creation" thì bẽ bàng quá và chắc cũng không hoàn toàn đúng ý Conlin. Nhưng khó mà phủ nhận được ông Diệm là con cờ người Mỹ chọn (với sự cố vấn của Hồng Y Spellman) trong ván bài chống cộng quốc tế của họ. Không có ông Diệm thì họ chọn ông khác. Ông Hồ thì theo quan điểm và đường lối của Nga, Tàu. Họ lợi dụng ông. Ông lợi dụng họ. Ông tay trắng phải đi xin họ nên tôi nghĩ phải nhượng bộ nhiều hơn. Nhưng không thể nói Hồ Chí Minh là tay sai, nhận lệnh và chỉ hành sự cho lợi ích của Nga, Tàu được. Còn đã chọn phe thì phải ủng hộ phe mình chứ, ít ra là bằng miệng. Một bên nói ta đánh cho cả Liên Xô, Trung Quốc như Lê Duẫn, một bên xưng là tiền đồn của thế giới tự do. Miền Nam còn có lính Đại Hàn (Hàn Quốc) sang trợ chiến. Ta đánh cho cả Singapore, Mã Lai, Phi, Úc, Tân Tây Lan, Anh, Pháp, Mỹ chừ đâu phải kém cỏi gì. Những người phản chiến như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận ra chân tướng của "hai mươi năm nội chiến từng ngày" vì ý thức hệ thì đương thời bị cả hai bên ném đá.
Không biết ông Diệm có phải lên tiếng xin Mỹ trợ cấp không vì Mỹ vốn nghĩ rằng không có họ thì chính phủ của ông không đứng được nên đã tự động viện trợ. Ông Hồ thì phải thơ từ xin xỏ Nga Tàu. Nhưng thật ra thì ai danh giá hơn ai? Trong mắt Conlin và trẻ con Mỹ, kể cả Mỹ gốc Việt học sách của ông, thì Hồ Chí Minh hơn hẳn Ngô Đình Diệm.
Xin ngoại quốc trợ lực là chuyện thường tình. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Liên Xô cũng nhận nhiều viện trợ của Mỹ. Chẳng ai suy luận rằng Stalin là tay sai của Mỹ cả. Nguyễn Ánh cũng có thời gởi con sang nhờ Pháp giúp. Nếu nói đó là hành động mở đầu dẫn đến sự đô hộ của thực dân Pháp thì cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Thế nhưng Saigon ngày trước vẫn có trường nữ trung học Gia Long, nhìn hình trên Facebook thấy các em thời đó áo dài tha thướt mà mê. (Chết thật, mấy "em" này tôi gặp chắc phải vòng tay chào thưa dì, thưa cô. Xin thứ lỗi - quý... bà ngày xưa đẹp quá).
Nữa, Hồ Chí Minh và những người theo ông đã vào tù ra khám, có người bị thực dân giết trong tù, có người chết trận. Khi về Hà Nội thì cũng không thấy thu vào ngựa xe, vàng bạc gì. Cũng không nghe nói họ tẩu tán của cải ra nước ngoài, không thấy vợ con họ xa hoa phung phí. Tối ngày họ hì hục tính chuyện gian khổ. Tay sai gì lạ thế, chỉ có Trời mới thu được những tay sai như thế thôi. Còn chuyện bọn kế thừa đổ đốn, bán nước cầu an thì đâu phải lỗi của tiền nhân. Ta trước nay đâu có lôi vua Lê Lợi, Thánh Tôn, Nhân Tôn ra mắng vì Lê Chiêu Thống đâu. Thôi, xin đừng bị tên Ấu Bồ Hòn đánh lừa mà đổ tội ông Hồ là tay sai của cộng sản quốc tế nữa nhé. Tên này lừa đảo cả hai bên.
Trước ngày Mỹ-Việt có quan hệ ngoại giao, những người từng làm trong chính phủ hay quân đội miền Nam đều chính thức bị coi là ngụy quân, ngụy quyền, tay sai cho giặc Mỹ. Vấn đề này rất tế nhị. Logic một chiều thì đại khái là như sau. Thực dân Pháp đang thua, Mỹ tiếp viện cho Pháp. Vẫn thua, Pháp rút đi, Mỹ lại nhảy vào, là quân giặc xâm lược chứ còn gì nữa. Về phe với giặc, không ngụy là gì. Lý luận chặt chẽ, sắt bén và tên Ấu Bồ Hòn đứng cạnh vỗ tay hoan hô: "Nội chiến quái gì. Đây là chiến thắng chống xâm lược và tay sai. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Mỹ đã cút. Ngụy đã nhào. Hãy đem chúng ra xử lý."
Những người Ngụy yêu quê hương, dân tộc, từng suy tư về số phận "... cho Việt Nam này nhiều sóng gió, trôi dạt lâu dài" tức anh ách. Những người ở lại thì phải im lặng. Người ra đi được tự do mơ tưởng và lên tiếng. Nhưng ngoài việc rất dễ dàng là kết tội Cộng Sản VN, họ đã nói gì, có thể nói gì với những thanh thiếu niên lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, ở miền "đất cày lên sỏi đá", ở những nơi đã đi vào lịch sử dân tộc để phản bác lý luận đơn giản nhưng hùng hồn của CS - Mỹ nhảy vào xâm lược; theo chúng giết hại đồng bào là phản quốc - để kêt tội người miền Nam chống lại họ? Họ nói gì với những gia đình có người "sinh Bắc tử Nam"? Tên Ấu Bò Hòn vội nhắc "Quân CS xâm lược. Chúng ta nhất định phải chống tay sai CS quốc tế đến cùng". Thế là đôi bên lại tiếp tục chia cách, vẫn hận nhau, vẫn khinh nhau. Những người chống Cộng ở hải ngoại với cờ xí và khẩu hiệu có lẽ không thấy rằng nếu chì đấu lý một cách hời hợt với những từ "xâm lược, tay sai," v.v.. thì họ thua lâu rồi, tình ngay mà lý gian. Sự thật thì phức tạp hơn, vàng thau lẫn lộn.
Sinh ra ở miền Nam, tôi lớn lên gần những "ngụy quân, ngụy quyền" trong gia đình, làng xóm. Có nhiều người tôi kính yêu vì nhân cách và quan điểm về dân tộc cũng như cách họ nghĩ về tiền tài, danh vọng. Không thể nào họ là kẻ kế thừa của Trần Ích Tắt hay Lê Chiêu Thống, nối giáo cho giặc. Nhưng tôi vẫn thắc mắc là họ dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đã hỗ trợ cho "quân xâm lược Mỹ". Một vấn đề tế nhị mà du côn như tôi cũng không dám hỏi. Ngày nay là một người ăn cơm Thái Lan, uống rượu Tây, thờ Phật, sống ở Mỹ, tôi nghĩ tôi có thể có câu trả lời thay họ để "rũ bỏ hận thù và ràng buộc chính trị".
Trước hết hãy nhìn lại "tên giặc xâm lược" cho rõ. Mỹ đổ rất nhiều tiền của vào VN, nướng đến hơn năm chục ngàn thanh niên Mỹ, nên theo lệ thường của quân xâm lược thì phải bóc lột cho tận cùng mới hợp lý chứ. Đằng này không thấy chúng phá rừng Tây Nguyên lấy gổ quý, không chiếm đất lập đồn điền hút máu dân phu, hay kéo tàu đánh cá qua vơ quét biển Đông. Cũng không thấy chúng giành đất của dân để bán cho thương lái tư bản kiếm tiến. Lại càng không đưa dân Việt đi lao động nước ngoài để có thêm ngoại tệ. Làm ăn gì kém thế. Về mặt nghề nghiêp chuyên môn mà nói, đi xâm lược kiểu này thì ở nhà lau bàn quét bụi còn khá hơn. Mà nào có phải chúng sợ mất lòng dân phải màu mè lừa bịp gì đâu. Khi nghĩ cần dội bom là ồ ạt kéo B52 tới rải thảm, đâu thèm xin phép xin tắc gì ai. Đến khi rút đi cuối tháng tư 1975. cái bọn vắt chanh bỏ vỏ, bán đứng đồng minh này lại đẩy hàng loạt máy bay của chúng xuống biển để có chổ chở thêm gia đình những nguời Việt đã từng có liên hệ với Mỹ và sợ bị trả thù. Lại tốn thêm một mớ tiền chu cấp cho họ trong những năm đầu nữa nhé. Cái bọn tư bản đế quốc này thật là dở hơi nếu ta cứ nhìn họ theo bài bản "quân xâm lược".
Nguời Mỹ nhảy vào VN vì họ sợ CS. Nhiều người ở miền Nam có lương tâm, có tinh thần dân tộc cũng không muốn sống dưới một chế độ CS. Những người miền Bắc di cư năm 1954 cũng thế. Có người yêu nước chống CS cũng như có người CS yêu nước.
"Đừng nghe hắn ba hoa, CSVN Mỹ sợ gì? Giả vờ thôi các đồng chí. Bọn tay sai cho Mỹ đã sát hại đồng bào ta." Tên Ấu Bồ Hòn la hoảng. Sự thật thì từ lâu Mỹ vốn có nhiều người chống CS, nhưng cũng có môt số một số nhà văn, nhà khoa học, phim ảnh... tham gia hoạt động hay có cảm tình với CS. Hà hà, trí thức có tâm hồn thường hay lãng mạn một cách ngây thơ đáng yêu. Einstein luôn luôn khâm phục Lenin là người hết lòng phục vụ dân tộc và xã hội nhưng chê là đuờng lối không đúng. Mỹ là đồng minh của Liên Xô cùng chống Đức. Tôi nghĩ Mỹ thật sự sợ CS từ đó. Họ khâm phục sức chịu đựng, lòng can trường, sẵn sàng hy sinh của người Nga. Trận Stalingrad để lại một ấn tượng mạnh của sự anh hùng cũng như sự tàn nhẫn của độc tài CS. Sắt máu không những với kẻ thù mà cả với đồng đội. Chống lại sự bành trướng của CS trở thành một mục tiêu chiến lược của Mỹ. Khi đã có nhận định Hồ Chí Minh là CS, Eisenhower tìm cách ngăn cản. Đầu tiên là giúp Pháp. Pháp thua thì giúp những người Việt chống CS. Nhưng họ thật không có dã tâm với VN cũng như với những dân tộc khác. Ta cứ nhìn Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Đức, Phi Luật Tân thì biết. Là dân thực tiễn, họ cũng chịu nếu đồng minh của họ trở thành độc tài, tham nhũng miễn là chống CS cho mạnh. Vì vậy mà lúc đầu họ tung ông Diệm lên là Washington của VN. Đến thời Johnson thì hơi ngượng nên chỉ tung tới Churchill của VN thôi. Còn thật sự họ nghĩ gì thì bây giờ đã rõ. Thế mà ta cứ tưởng... Cái tên Ấu Bồ Hòn này thật là ghê gớm.
Người trong quân đội và chính quyền miền Nam không coi Mỹ là cấp trên, mà là đồng minh, dù là đồng minh mạnh hơn, giàu hơn. Nếu quan hệ không được như Mỹ-Pháp thời Đệ Nhị Thế Chiến thì cũng như Mỹ-Hàn Quốc. Mỹ đối với miền Nam cũng vậy. Tuy có lúc hành sự ngang tàng, đối với Mỹ, VNCH là đồng minh trong chiến lược đối phó với CS. Có những nhân vật họ kính trọng, có những tay họ coi thường. Người lính VNCH không cầm súng để đánh thuê cho Mỹ mà để tránh phải sống dưới chế độ độc tài của CS. Mầm mống của sự chống CS của những người yêu nước đã có từ lâu, trước khi Mỹ xuất hiện.
Đến năm 1945 thì ông Hồ và Việt Minh đã trở thành thế lực chống thực dân mạnh nhất. Có lẽ trong quá trình cũng cố lực lượng đó, nhiều người yêu nước chống thực dân khác đã chống lại phương pháp chuyên chính và chủ trương độc tài của người CS. Chín năm kháng chiến, nhiều người đã bỏ Việt Minh về. Trong cuộc di cư vào Nam, có những người từng sát cánh chiến đấu với người CS, không muốn sống dưới chế độ độc tài và ra đi để chống CS vì dân tộc vì tự do. Có những người ra đi vì sợ CS. Và cũng có những tay từng theo thực dân chống CS. Vàng thau lẫn lộn, nhưng để tiện tuyên truyền CSVN cho tất cả mọi người chống họ đều là Việt gian bán nước.
VNCH là một chính thể và xã hội tuy có tự do hơn các nước CS vẫn còn nhiều vấn đề từ nhân quyền đến tham nhũng. Những tác phẩm của Phan Nhật Nam, vừa là nhà văn, vừa là chiến sĩ, phơi bày một số tệ nạn, trong đó có sự xa hoa khi đất nước khói lửa điêu tàn, những điều ngày nay không được nói đến khi nhiều người hồi tưởng lại. Sự có mặt của người Mỹ lại cũng là một vấn đề được CS lợi dụng. Chống ngoại xâm bảo vệ đất nước là một điệp khúc của dân tộc từ ngàn xưa. Nhiều người có tâm hồn yêu nước nhìn những nghịch cảnh đó mà bỏ vào chiến khu, nằm vùng, hay hay tham gia đấu tranh CS chống lại chế độ miền Nam. Ngày nay khi họ lên tiếng chống độc tài thì bị những kẻ một thời vô cảm mắng là đáng kiếp bọn ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản.
Thôi nhé, xin đừng chia phe thiên thần và ác quỷ nữa nhé. Xin hãy nhìn nhân cách, đời sống, quan điểm và động lực của mỗi người mà đánh giá.
“Hừ, anh ba hoa vớ vẩn một hồi chỉ để đưa đến một kết luận ba phải. Ông Hồ và đệ tử đưa đất nước vào tình trạng lầm than hôm nay thì anh bảo thế nào? Tội ác của ĐCSVN làm sao chối cãi được. Họ còn ngồi sờ sờ ra đấy. Đất nước càng ngày càng nghèo khổ trong lúc họ vơ vét. Theo anh thì phải làm sao? Hãy nói cụ thể xem nào."
Về tội ác thì xin thưa rằng người ta đã nói nhìều rồi. Tôi khâm phục ông Hồ là người có tài trí quy tụ được nhân tài theo ông và đã đánh đuổi được thực dân Pháp rất oanh liệt. Trong cuộc nồi da xáo thit từ 1954 đến 1975 mà đã gây ra rất nhiều tang thương và đưa đến hậu quả tai hại cho đất nước không biết bao giờ mới hết, ông Hồ và nhiều người trong hàng ngũ ĐCSVN, những người họ cho là "người CS chân chính", đã tranh đấu quyết liệt, sẵn sàng hy sinh, rất can trường. Họ quả là những người anh hùng yêu nước. Cả thế giới khâm phục. (Miền Nam cũng có nhiều người yêu nước, dũng cảm chống lại CS. Thắng bại bất luận anh hùng)
Nhưng dù khâm phục, những người quen sống trong xứ tự do không thể không cảm thấy rờn rợn. Người CSVN chân chính giống như những dũng sĩ dù thế cô, sức yếu vẫn quyết tâm thống nhất giang hồ. Họ tìm đươc một kiếm phổ cực kỳ lợi hại và ngày đêm không nề cực khổ để tu luyện. Mà đã luyện Tịch Tà kiếm pháp thì phải biến tính. Vung kiếm tự thiến thì dù đạt được võ công thượng thừa thống nhất giang hồ cũng mất đi một chút... người.
"Láo thật! Anh dám nói Bác Hồ..."
Ấy, quý vị đừng nóng. Tôi nói tỉ dụ cho vui thôi, mượn chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung tí mà. Bác thì tôi không biết, còn các ông kia thì vợ con có nhiều đấy chứ. Tất phải còn đủ bộ sậu. Xin cho phép tôi bàn tiếp.
Người ta nói nhiều vế những ngưòi chết oan, bị thảm sát trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, trong Biến Cố Mậu Thân. Nhưng theo tôi thì đó chẳng qua vì thù hận, vì thiếu suy nghĩ. Những nước trong chiến tranh đều có những chuyện tương tự như vậy, dù có thể không thảm khốc bằng. Người ta vẫn có thể hối hận, xin lỗi nhau. Trái lại, dù hầu như không có cảnh máu đổ đầu rơi, nhưng cuộc đánh Nhân Văn Giai Phẩm chính là tuyệt chiêu tàn độc nhất.
Kiểm duyệt văn nghệ báo chí trong thời chiến là chuyện thường. Nhưng khống chế văn nghệ sĩ để khuất phục họ, để rập khuông những suy tư sáng tác của họ theo chính quyền tới mức đó thì chỉ có độc tài CS thôi. Tiếng nói chân thật, tiếng nói của lương tâm nhất định phải theo đường lối của chính quyền. Khổ nổi là dù đúng hay sai, lương tâm chỉ thức dậy và lên tiếng khi cần đi ngược lại đám đông, chính quyền thôi. Người có khí phách trở thành câm lặng, những tay "hữu văn vô dõng" trở thành bồi bút. Thế là có thể khống chế tư tưởng. Khi nới bên này khi thắt bên kia để phục vụ chế độ. Một thời không có tình ca, cấm hết nhạc vàng để hun đúc hận thù, chiến đấu cho hăng. Ngày nay không biết ai dám phổ biến hùng ca, hay chì hát nhạc vàng, yêu đương không chống đối, váy ngắn chân dài lưng tưng nhảy múa "cuộc đời vẫn đẹp sao..." để ngơ đi những tệ nạn xã hội gây ra bởi sự độc tài thối nát của CSVN.
Nhiều người chống CS cũng học chiêu này nhưng nội lực chưa đủ nên chỉ múa máy giúp vui thôi. Nhưng nếu có một ngày nào đó các ông bà này có quyền lực thì cũng là hoạ lớn đấy. May đây chỉ là chuyện không tưởng, đừng lo.
Nào, CSVN đời nay bị nhiều người cho là CS thoái hoá. Đất nước sẽ khá nếu họ là "CS chân chính". Quý vị hẳn là thấy luận điệu này không ổn rồi chứ. Còn ai chân chính hơn cụ Hồ và các cụ nay đã ngỏm? Nhưng quý vị có thể tưởng tượng được phép ngồi khề khà với tôi tán hưu tán vượn, đùa cợt các cụ thiến mình luyện công không? CS thoái hoá thì đáng khinh, CS chân chính thì đáng sợ, càng chân chính càng đáng sợ cho lý tưởng tự do, dân chủ.
Người CS chân chính sẽ đưa ra đinh nghĩa thế nào là tự do. Tự do gì, dân chủ ra sao, lý luận ghê gớm lắm nhưng ta chỉ có cái tự do mà họ quyết định là ta có thể có thôi. Dân được làm chủ nhưng không có quyền thay đổi và phải nghe lịnh đầy tớ. Tôi thì lập trường bất nhất, nay thích có quyền làm cái này, mai lại thích cái kia bị cấm. Từ lâu tôi quyết đinh phải có một thứ tự do trước hết. Tôi muốn được quyền chê bai chỉ trích bất cứ điều luật gì hay ủng hộ bất cứ ý kiến gì trong lúc vẫn tuân theo luật pháp hiện hành mà không ai có thể bắt bớ đánh đập tôi, chỉ có thể lên TV hay viết báo mắng chửi tôi mà thôi. Và nếu đại đa số dân chúng cũng muốn như tôi là a-lê-hấp ta có "quyền" mới hay mất "quyền" cũ. Đại khái là thế. Định nghĩa thế nào là "đại đa số", chính thể ra làm sao, tam quyền phân lập, tứ cước hồi nghi gi gì đó thì tuỳ quý vị. Cái này ở các nước tiến bộ, người ta có từ tám hoánh mà ta cứ lẹt đẹt mãi. Đơn giản như vậy thì làm gì mà quý vị trí thức và chức sắc CS không biết. Có điều là làm theo thì các vị ấy sẽ mất quyền, mất lương. Chuyện lợi ngưòi thiệt ta cần phài đắn đo thật kỹ, văn hoá chính trị khác biệt mà. Hmmm, bọn bán nước chính hiệu thới xưa cũng đắn đo như vậy đó.
"Chuyện quốc gia đại sự mà anh cũng xen vào đùa cợt, không sợ người ta cười là dốt à? Đã có những chuyên gia chính trị, giáo sư, tiến sĩ bên này cũng như bên kia nghiên cứu, phản biện, phản phản biện nghiêm túc, chứ đâu có khi đùa khi thật linh tinh, không thuyết phục."
Vâng, vâng. Xin quý vị thứ cho. Tôi ở Mỹ lâu ngày nên nhiễm tính xấu của dân trợn trạc xứ tự do. Chúng thường không chịu nghiền ngẫm nhưng suy luận chính trị sâu xa mà chỉ nhe răng ra cười đểu: "Hay nhỉ? Thế tiền sẽ vào túi ai?" Cao siêu đến đâu mà tiền vào túi quan là chúng nhất định không chịu. Đúng là bọn chỉ biết nghĩ đến tiền mà không bận tâm đến lãnh đạo, lý tưởng gì cả. Khổ nổi gần mực thì đen. Tôi quen thói tưởng dân là chủ của chúng mất, tệ quá. Tịch Tà lâu ngày thì tịt luôn.
Hôm nay là ngày lễ Lao Động bên này, Quốc Khánh bên kia. Xin chúc đồng hương mọi nơi được tự do hạnh phúc.
Chanh Nguyen
Theo FB Chanh Nguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét