Khi nghe thông tin về bà mẹ ở Thanh Hoá chết, người ta nghĩ ngay chắc là do bà và người thân không đưa bao thơ tiền lót tay bác sĩ. Nhưng khi cả người phụ nữ xấu số kia đến hút mỡ bụng, bơm ngực trả tới 50 triệu đồng cho tay bác sĩ để rồi xác mình bị ném xuống sông như túi rác, thì thiệt là ác vô biên!
Cụm từ “ác vô biên” trong trường hợp này phần nào cho thấy sự bàng hoàng của dư luận. Người Việt vốn có truyền thống coi trọng thân xác người chết, chuyện mồ yên mả đẹp vốn là ước nguyện thiêng liêng. Trong những vụ án hình sự, chuyện thủ tiêu xác nạn nhân được xem là một yếu tố thủ ác hệ trọng hơn cả hành vi giết người cướp của. Việc một bác sĩ hành nghề y mà ngang nhiên vứt xác bệnh nhân xuống sông là một hành vi thủ ác chưa từng có và không có cơ sở nào để biện minh.
Tất nhiên, rồi đây bản án toà sẽ phán quyết nhưng có lẽ án toà cũng không thể làm rõ được câu hỏi lớn của dư luận: nguyên nhân nào mà tính mạng con người cùng thân xác thiêng liêng của con người bị khinh thường đến vậy!
Thử điểm vài lý do như: tác động từ những vấn nạn xã hội bên ngoài môi trường ngành y, lỗ hổng lớn trong giáo dục y đức ở các trường đào tạo bác sĩ, sự quá tải ở các bệnh viện khiến đội ngũ ngành y căng thẳng đến mức mắc chứng dửng dưng vô trách nhiệm... Nhưng dù có dẫn ra bao nhiêu nguyên nhân đi nữa cũng không thể thuyết phục được dư luận, nếu không nhìn thẳng vào sự thật: một bộ phận không nhỏ trong hệ thống y tế Việt Nam đang coi bệnh nhân như một thứ hàng hoá để kinh doanh thu lợi.
Khi tính mạng bệnh nhân bị những người vô lương nhìn nhận là thị trường với đủ quy luật cung cầu, quảng cáo, tiếp thị... thì hẳn nhiên ai cũng biết tính mạng con người được đối xử ra sao nếu không đáp ứng được lợi ích.
Việc bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông ở Hà Nội khiến dư luận nóng lên, cũng đưa ra một vấn đề: liệu sự quan tâm này có đủ mạnh để thành động lực từng bước chuyển hoá những cái đầu bệnh hoạn, coi bệnh nhân là đối tượng kinh doanh? Nếu giới truyền thông chỉ ồn ào khai thác sự việc theo dạng lá cải hoặc tám chuyện cho bớt tẻ nhạt đề tài... thì chính những cơ quan ngôn luận cũng coi tính mạng bệnh nhân như một đề tài thu lợi.
Một khi dư luận công chính bàng quan dửng dưng với cái ác, tức là đã mở đường theo cách mà cái ác muốn con người và những giá trị luật pháp, văn hoá, đạo đức... phải khuất phục.
Thanh Văn
(SGTT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét