Lầu Năm Góc |
Trong số 800.000 công chức bị buộc phải nghỉ việc tạm thời từ ngày 01/10 hôm qua, có một nửa là nhân viên dân sự làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Họ bị cho tạm nghỉ việc không lương. Theo các giới chức Quốc phòng Mỹ, trước mắt thì không sao, nhưng không lâu nữa thì Lầu Năm Góc sẽ phải đau đầu tính toán sao cho đảm bảo được công việc với một nửa nhân sự mà thôi.
Một sĩ quan cao cấp trong Quân đội – xin giấu tên – xác định : « Chắc chắc sẽ có tác động, nhưng phải mất một thời gian mới cảm thấy rõ tác động đó ». Theo nhân vật này, các quyết định cho tạm thời nghỉ việc đồng nghĩa với « công việc trong thực tế không được thực hiện ».
Đại bộ phận các nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm việc tại các căn cứ trên toàn quốc, và quân đội dựa vào lực lượng lao động này để bảo trì và vận hành mạng lưới hậu cần năng động.
Nếu guồng máy chính quyền Liên bang Mỹ tiếp tục bị buộc phải hoạt động hạn chế trong nhiều tuần lễ, kế hoạch làm việc dự trù tại các nhà máy đóng tàu hay các nhà chứa máy bay sẽ bị tạm gác qua một bên, công việc quản lý hành chánh thường nhật phải bị hủy bỏ và một số đơn vị quân đội sẽ phải từ bỏ công việc huấn luyện trừ phi việc tập huấn liên quan trực tiếp các đến hoạt động thiết yếu.
Phải nói là dù sẵn sàng gây ra tình trạng « đóng cửa Nhà nước Liên bang », nhưng vào giờ chót, Hạ viện Mỹ đã thông qua một biện pháp để đảm bảo tiền lương cho Quân đội, và Lầu Năm Góc đã khẳng định rằng không có hoạt động quân sự nào bị ảnh hưởng, kể cả các chiến dịch tại Afghanistan.
Mặt khác, đối với một số nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng, Lầu Năm Góc cũng có thể tìm cách cấp cho họ quy chế « nhân sự tối cần thiết », qua đó tránh được tình trạng bị buộc tạm nghỉ việc. Phương thức này có thể giúp giảm nhẹ tác động tiêu cực của tình trạng đóng cửa chính quyền.
Cho dù vậy, rút kinh nghiệm từ lần đóng cửa trước đây vào năm 1995, nhiều sĩ quan cao cấp cũng không tránh khỏi lo ngại. Khi ấy, Quốc hội Mỹ cũng thông qua luật cho phép tiếp tục cấp kinh phí cho quân đội, thế nhưng trong thực tế, nhiều vấn đề cũng đã nảy sinh.
Ông Paul Eaton, một viên tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, cho biết là lúc đó ông đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để triển khai được một đơn vị xe thiết giáp đến Bosnia. Theo ông, quân đội Mỹ lần này phải đối mặt với một tình huống chưa từng có, mà tệ hại nhất là việc không dự trù được bất kỳ điều gì : « Bản thân tôi không biết, và tôi không chắc là có người dự đoán được những gì sẽ xảy ra trong những ngày, những tuần hay những tháng tới đây ».
Từ Châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã lên tiếng cảnh báo là tình trạng chính quyền bị đóng cửa có thể làm tổn hại uy tín của Hoa Kỳ ở nước ngoài và làm gia tăng thái độ lo lắng nơi các đồng minh của Mỹ.
Còn ở Mỹ, tại ngay Lầu Năm Góc, cảnh tượng đã vắng vẻ hẳn kể từ hôm qua, với rất nhiều nhân viên dân sự không đến làm việc, để lại các phòng trống không và bãi đậu xe vắng hoe. Theo AFP, nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội cấp cao, từng bực tức trước quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng tự động trước đây, nay lại phẫn nộ thêm trước việc bế tắc chính trị đã tạo ra cuộc khủng hoảng.
Nói về ‘thảm họa’ đang diễn ra ở Bộ Quốc phòng Mỹ xuất phát từ việc chính phủ bị đóng cửa, một quan chức yêu cầu không nêu tên, đã tỏ ra tức tối : « Điều đó không phải do một đối thủ nước ngoài hay thiên tai – lại do con người gây ra ».
Trọng Nghĩa
Theo RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét