Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Lệ Quyên |
Sự việc lẽ ra cũng chỉ ồn ào lên trên mạng vài ngày, chỉ là một việc riêng của anh này với những người quan tâm (hâm mộ hoặc chán ghét), nhưng với việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (Cục Nghệ thuật Biểu diễn – Bộ VHTT&DL) ra một văn bản do Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương ký ngày 6/11, sự việc đã đi sang một hướng khác.
Văn bản số 918/ NTBD-PQL nói trên được gửi tới Đàm Vĩnh Hưng, có tiêu đề nêu “về việc nghiêm khắc rút kinh nghiệm và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức, hình ảnh của người nghệ sĩ”.
Văn bản từ Cục gửi Đàm Vĩnh Hưng. |
Nội dung văn bản có đoạn: “Cục Nghệ thuật Biểu diễn xét thấy thời gian vừa qua, Đàm Vĩnh Hưng đã có nhiều hành động, phát ngôn không phù hợp với quy định của pháp luật, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa Việt Nam. Hàng loạt các hành động như hôn môi nhà sư trên sân khấu biểu diễn; phát ngôn thiếu tôn trọng, thiếu chuẩn mực đối với thế hệ nghệ sĩ đi trước; gây ồn ào khi đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gần đây nhất là việc mặc áo blouse trắng mang biển tên “bác sĩ Cát Tường” trong đêm Halloween đã gây bức xúc trong dư luận”.
Giật mình khi thấy trong đoạn văn bản này, xuất hiện những từ quan trọng: “quy định của pháp luật”. Phản ứng tự nhiên, một câu hỏi bật ra:
1. Đàm Vĩnh Hưng đã vi phạm điều nào, khoản nào của luật nào?
Nếu quả thực chúng ta thống nhất với nhau rằng “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, thì việc đặt ra câu hỏi trên là cần thiết. Cục NTBD là cơ quan quản lý nhà nước, nhất thiết không thể làm việc theo cảm tính. Hành vi của Đàm Vĩnh Hưng có thể là lố lăng, kệch cỡm trong mắt nhiều người, không loại trừ cả với ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương và tôi. Nhưng khi quy kết một công dân (lạy trời, Đàm Vĩnh Hưng cũng chỉ là một công dân mà thôi) là vi phạm pháp luật thì không thể đùa được. Và không thể chỉ dựa vào cái gọi là (“gây bức xúc trong dư luận”) được.
Có lẽ cũng cảm thấy cái lý của mình hơi non, nên Cục NTBD bèn nèo thêm vào phần luận tội Đàm Vĩnh Hưng một số từ ngữ, rằng ca sỹ kia vi phạm “phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa Việt Nam”.
Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương |
Tôi thực sự e ngại khi một văn bản nghiêm túc về một con người của một cơ quan quản lý nhà nước lại sử dụng những khái niệm vô cùng trừu tượng như thế. Kiểu dùng từ này khiến liên tưởng đến cụm từ “vấn đề nhạy cảm” – khiến nhiều người sợ hãi mà không biết đang phải đối phó với cái gì, và cần phải gặp ai để giải quyết vấn đề.
Ngẫm nghĩ thêm về các hành động của Đàm Vĩnh Hưng khiến quý Cục nổi giận phải trách mắng, một câu hỏi nữa lại tiếp tục bật ra:
2. Cục NTBD có thẩm quyền can thiệp và điều chỉnh hành vi của một ca sỹ khi anh/ chị ta đang ở ngoài môi trường biểu diễn hay không?
Hỏi như thế là bởi trong hàng loạt những hành vi của Đàm Vĩnh Hưng được Cục NTBD nêu ra, duy nhất chỉ có hành vi hôn môi nhà sư diễn ra trên sân khấu, chính là môi trường “nghệ thuật biểu diễn” mà quý Cục mang tên. Những hành vi còn lại, đều diễn ra tại môi trường xã hội.
Đàm Vĩnh Hưng hôn môi nhà sư trên sân khấu |
Hành vi “mặc áo blouse trắng mang biển tên “bác sĩ Cát Tường” trong đêm Halloween” – giọt nước tràn ly khiến Cục NTBD nổi giận – diễn ra trong khuôn khổ một cuộc vui có phần nhí nhố và được một số báo mạng lá cải lăng xê. Tôi thấy đây là trò đùa hơi vô duyên, và người thiệt hại đầu tiên chính là Đàm Vĩnh Hưng. Chủ thể thứ hai có thể thấy thiệt hại vì bị giễu cợt, chính là những người trong ngành y. Nhưng chẳng thấy ai trong ngành này lên tiếng, họ án binh bất động kiểu chán chẳng thèm nói gì, hoặc cũng chẳng thèm để ý. Và rồi Cục NTBD ra tay…
Có thể hình dung, nếu điều này là đúng đắn, hay và cần phải nhân rộng, sẽ giống việc Bộ GD-ĐT ra văn bản cảnh cáo một cô giáo chỉ vì ngoài giờ làm việc, cô dám mặc váy ngắn đi với bạn bè ra quán bia khiến phụ huynh xì xào. Hay Bộ Y tế ra văn bản nhắc nhở một bác sỹ vì dư luận đang lên án anh ta yêu vài cô gái một lúc. Hay Bộ Khoa học – công nghệ ra văn bản khiển trách một kỹ sư vì thói quen đi xe máy không đội mũ bảo hiểm; vân vân và vân vân…
Giá như…
Nói thật, tôi thấy văn bản này của Cục NTBD giống như giọng điệu của một ông bầu nhắc nhở kép hát của mình nhiều hơn. Kép hát hư đốn, chểnh mảng, có thể gây ảnh hưởng đến doanh thu của gánh hát, nên bầu cần nhắc nhở và không quên hăm, rằng nếu không cải tà quy chính thì có thể sẽ không được lên sân khấu nữa, thậm chí bị đuổi.
Trong một liên tưởng khác, tôi nghĩ sẽ thuyết phục hơn rất nhiều, nếu đây là một “tâm thư” của ông Nguyễn Đăng Chương gửi cho ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng. Tại thư này, ông Nguyễn Đăng Chương dĩ nhiên vẫn là Cục trưởng – theo nghĩa là một người đáng kính, có chức phận. Tuy nhiên, ông sẽ không lấy quyền hành chính của chức vụ ấy và cho đóng con dấu đỏ với tên mình. Ông chỉ nghiêm khắc, với tư cách cá nhân, nhắc nhở ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng. Hay biết bao!?
Lê Anh Hoài
Nguồn: SOI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét