Quảng Bình- mảnh đất của song kiệt - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Quảng Bình- mảnh đất của song kiệt


Quảng Bình Quan
Một buổi chiều thu lãng đãng lang thang, tôi ghé lại một ngôi thiền viện ở Cali. Viện nằm trên mô đất cao thoai thoải nhìn ra một con lộ nhỏ uốn quanh. Thiền viện vốn là chi nhánh của Trúc Lâm, do một vị tăng thống trong nước chuẩn y và giúp đỡ về đào tạo tăng sĩ. Cảnh trí yên lặng tĩnh mịch đến hơi rợn người. Tôi chọn ghế đá dọc theo lối lên chùa để ngồi nghỉ mệt. Cảnh vọng viễn hướng tâm như vậy làm tôi chợt nhớ đến những chiều Sài Gòn khi đi ngang qua mấy nhà thờ ngoài mặt tiền thấy hằng hà sa số con chiên đứng từ ngoài đường mà lòng vẫn hướng vào bên trong giáo đường, dù bên cạnh họ thì cuộc đời vẫn lao xao đến lộn xộn trên vỉa hè hay lòng lề đường. Mưu sinh vẫn ngay sát nơi Thánh Đường, ngay trong lúc chuông đã vang lên, không giống như cảnh chung quanh Thánh Đường Hồi Giáo nghiêm trang và vắng lặng ở một nước Trung Đông mà tôi từng ghé qua. Nhu cầu tâm linh của dân Việt lúc nào cũng quá khổ trong cái áo vô thần mà họ bị khoác lên mấy chục năm nay.

Đang thiu thiu ngủ vì gió mát dịu giữa cảnh trí yên bình mênh mang thì từ phía cửa chánh điện có một vị sư già chống gậy đi về phía mình. Thấy bước chân ông run run nên tôi cũng khó xử, chả lẽ thanh niên trai tráng lại không tới đỡ ông đi. Nhưng nghĩ lại tôi lại thôi, vì mình là khách vãng lai, còn chuyện đi đứng thì ông cụ phải lo mỗi ngày. Thế là tôi yên tâm mà đọc sách. Đúng như dự đoán, ông lão đi về phía mình, hóa ra ông muốn nhờ tôi đem lá thư ra để ở thùng thư ngoài đường, vì từ ghế đá đến đầu đường cũng khá xa và đường đốc đứng. Tôi vui vẻ nhận lời và sẵn dịp hỏi thăm sức khỏe ông luôn. Thấy tôi mở lời, ông có vẻ thích chuyện trò nên nửa muốn đi nữa không. Tôi mời ông ngồi xuống ghế đối diện và xếp sách lại để hầu chuyện.

Tổng thống Ngô Đình Diệm (Files photos)
Câu chuyện mênh mang lung tung không định hướng, từ chuyện di cư, tị nạn rồi chuyện nguồn cội. Nghe giọng ông giống Huế nhưng không phải Huế, tôi hỏi: "Ôn có phải người Huế không mà con nghe giọng nói ông hơi lạ?" Ông cười nói: "Mi hay đó, ai cũng nói tao là người Huế nhưng thiệt ra là dân Quảng Bình".

Sẵn cái tên Quảng Bình đang nóng lên vì chuyện ông Tướng lớn mới qua đời nên tôi gạ chuyện hỏi ông: "Ông còn bà con ở Quảng Bình không ? Vừa rồi tướng Giáp mới chết họ làm tang lễ lớn lắm". Ông mỉm cười nói: "Có nghe đứa cháu điện qua nói tang lễ lớn lắm. Mà ông là nhân tài Quảng Bình nên dân họ tự hào lắm". Trầm ngâm một chút rồi ông nói tiếp: "Nhưng ổng cũng gây nghiệp nặng lắm. Cả triệu người theo ông mà chết oan. Nhiều huynh đệ của ông bị trù ém tiêu diệt mà ông không cứu được, để họ oan ức còn ông thì làm thinh để sống cho yên thân, sống lâu quá trăm tuổi. Tôi nghĩ ông cũng không được an lạc trước khi ra đi. Mà linh hồn ông bây giờ biết đi đâu, Chúa không nhận vì có tội với con chiên của Chúa, Phật cũng không mở cửa Niết Bàn vì ông đâu có tâm hướng Phật, vì ông là cộng sản vô thần, từng gây nghiệp ít nhiều với con dân của Chúa và Phật Tử. Tội nghiệp lắm."

Chữ tội nghiệp nghe quen mà lạ, vì có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghe có người tội nghiệp cho một đại danh tướng của nước Việt, cũng có lẽ ông tội nghiệp cho người đồng hương tài ba nhưng chọn lầm chúa mà thờ. Vì bên kia người ta vẫn tiền hô hậu ủng, người người vô cùng thương tiếc, có người chỉ đáng tuổi chắt của ông cũng ông cột mà khóc, nước mắt ràn rụa trên mặt báo lề đảng, còn thơ văn phúng điếu thì tuôn rào rào còn hơn những cơn mưa tháng Sáu ở Sài Gòn. Nhưng chưa mãn hạn tang lễ thì họ đã cuốn cờ rũ để đón thiên triều Trung Cộng. Ôi cũng xong một kiếp người.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (qbvn.com)
Chuyển qua đề tài khác, khi tôi nói Quảng Bình đến giờ vẫn nghèo so với mấy tỉnh khác nhưng vẫn là địa linh nhân kiệt, ông nói: "Đúng rồi. Quảng Bình còn có ông Diệm, một hiền tài xuất sắc, một chí sĩ yêu nước, từng làm Thượng Thư Bộ Lại triều Nguyễn, tài năng học vấn và đức độ được dân biết ơn. Hàng triệu dân Bắc 54 và bọn tui là dân ăn theo chạy vào Nam mà có được cuộc sống no ấm thời 9 Năm, con cái được giúp đỡ học hành. Sau này qua Mỹ có được cuộc sống no đủ cũng vì tị nạn cộng sản lần thứ hai. Người Công Giáo biết ơn ông Diệm lắm. Khi cả triệu người vào Nam, gia đình và chính phủ ông Diệm cho cơm ăn áo mặc và giúp chúng tôi sống no ấm".

Lịch sử Việt Nam thế kỷ trước cũng ba bốn đường binh như trong trò xập xám chướng, ai muốn nói binh sao cũng được, kẻ thắng cuộc hay thua cuộc đều có phiên bản riêng của mình. Nhưng lòng dân, nhất là những người dân lành thấp cổ bé họng thì không thay đổi. Sống sao cho dân thương, cho hậu thế ngưỡng mộ qua chính sử, chứ tung hô hay bôi sơn trét phấn thì có ngày các lớp che giấu ấy cũng bong ra mà thôi.

Về tới Quận Cam lại nghe Radio Việt ngữ bàn về tổ chức ngày giỗ 50 năm của vị cố Tổng Thống trong mấy ngày tới, hay đúng ra là ngày cách đây 50 năm ông bị thảm sát, mà nghi án này được cho là có bàn tay của Mỹ muốn "thay ngựa giữa dòng" vì ông giữ vững lập trường dân tộc không cho Mỹ tăng quân số hay leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều khán giả lớn tuổi gọi vào chia sẻ lòng biết ơn và ngưỡng mộ. Nhiều người Công Giáo gọi ông là ân nhân cho dòng họ không bị chết đói vì đấu tố và khủng bố tinh thần ở miền Bắc. Quảng Bình đúng là địa linh nhân kiệt, cùng một giai đoạn lịch sử mà có đến hai đại nhân kiệt. Lịch sử Việt Nam sẽ không bao giờ để linh hồn của hai ông yên nghỉ, vì sẽ xét lại công và tội, một bên cứu cả triệu người khỏi cảnh đói ăn và đói thực hành đức tin tôn giáo nhưng vướng nghi án đàn áp Phật Giáo, còn một bên đẩy hàng triệu thanh niên vào sa trường và làm ngơ trước nỗi đau cũng đồng loại qua chính sách đấu tố, giết địa chủ và cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Quảng Bình ơi, còn nhân tài nào làm mẹ Việt Nam đau nữa đây ?

Du Sinh
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad