|
VOA: Xin anh cho biết những điểm chính anh đã trao đổi với Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Xã hội Dân sự Việt Nam hiện nay?
Ông Phạm Chí Dũng: Tôi đã trình bày cho ông Scott Busby một số nét cơ bản về hiện tình xã hội dân sự ở Việt Nam. Hoạt động dân sự ở Việt Nam không nhắm đến việc tranh giành quyền lực đối với chính thể đương nhiệm, mà chỉ nhằm làm cho chính quyền nhận ra được những sai lầm trong chính sách và quá trình thực hiện chính sách, từ đó tiến hành hủy bỏ hoặc điều chỉnh những chính sách, nhân sự thực hiện.
Ôn hòa, bất bạo động, tránh đổ máu là những đặc trưng trong phương pháp hoạt động của xã hội dân sự và các phong trào dân sự. Chính phương châm này đang và sẽ loại trừ tâm trạng lo lắng đầu tiên của những người muốn tham gia phong trào dân sự là liệu họ có bị sách nhiễu hoặc thậm chí bị bắt bởi những hoạt động thuần túy xã hội của mình.
|
Xã hội Việt Nam đang hình thành những điều kiện ban đầu cho việc hình thành những phong trào dân sự. Kinh tế lụn bại, tham nhũng chưa từng thấy, xã hội nhiễu nhương đạo lý, chính trị bất nhất đạo đức, tình cảm của người dân chuyển từ bức xúc đến phẫn nộ rồi phẫn uất.
Có rất nhiều minh họa đậm nét về tình trạng đó, từ thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi vô lối, nạn tàn phá môi trường và môi sinh, cho đến quốc nạn tham nhũng. Cùng lúc, các nhóm lợi ích độc quyền về xăng dầu, điện lực, các nhóm lợi ích thị trường như bất động sản, chứng khoán, và các nhóm lợi ích chính sách như Vinashin và Vinalines đã lũng đoạn ghê gớm nền kinh tế và môi trường dân sinh.
Trong bối cảnh khủng hoảng toàn diện và sâu sắc như thế, những người muốn có một sự thay đổi lớn lao về thể chế chính trị không phải là ít.
Xã hội dân sự là một trong những phương cách tốt nhất để tạo nên sự thay đổi cấp thiết ấy. Đó cũng chính là nhu cầu xã hội đang gấp rút nảy sinh trong lòng xã hội Việt Nam đương đại, đòi hỏi phải có những tác động phi chính phủ, tức hoạt động nằm ngoài khuôn khổ của đảng và chính quyền, giúp cho người dân nhận thức được bản chất của những mâu thuẫn, khó khăn, xung đột và tìm cách giải quyết phần nào những mối nguy đó.
VOA: Theo anh, thành phần chính đóng góp trong Xã hội Dân sự Việt Nam hiện tại gồm những ai và xu thế phát triển trong tương lai sẽ như thế nào?
Nhà báo Phạm Chí Dũng. |
VOA: Như anh vừa trình bày, lực lượng chính của Xã hội Dân sự Việt Nam hiện nay là lực lượng dân chủ và bất đồng chính kiến. Với thành phần nồng cốt như vậy liệu Xã hội Dân sự Việt Nam có điều kiện phát triển chăng giữa bối cảnh nhà nước Việt Nam cương quyết không dung chấp quan điểm bất đồng?
Ông Phạm Chí Dũng: Tôi cho là đang có điều kiện để phát triển, nhưng điều kiện phát triển ở đây phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố đối ngoại chứ không phải là yếu tố nội lực từ các nhóm dân chủ. Bởi lẽ hiện nay ở Việt Nam có khoảng 10 nhóm dân sự đang hoạt động, nhưng họ không liên hệ mật thiết với nhau, tách rời, tản mác.
VOA: Ngoài ra, anh còn nhìn thấy những ưu-khuyết điểm nào khác của Xã hội Dân sự Việt Nam?
|
Ông Phạm Chí Dũng: Điểm duy nhất là tình trạng xa cách giữa hai nhóm trí thức trong và ngoài nhà nước, đây là yếu điểm nguy hiểm nhất trên con đường cải hóa các mục tiêu xã hội và chính trị, gây loãng tác động điều chỉnh chính sách và càng làm cho đời sống dân tình trở nên khốn khó, bức bách hơn. Các ý kiến của nhóm trí thức ngoài đảng, độc lập thường không được nhóm trí thức trong đảng quan tâm và ngược lại.
VOA: Làm thế nào có thể khắc phục những khuyết điểm đó?
Ông Phạm Chí Dũng: Phải liên kết, kết nối với nhau, không nên phân biệt ‘lề trái’ hay ‘lề phải’, mà phải theo một lề chung là lề của dân tộc, chia sẻ các vấn đề xã hội.
VOA: Những mục tiêu chính của Xã hội Dân sự Việt Nam cụ thể là gì?
Ông Phạm Chí Dũng: Ông Scott Busby cũng hỏi tôi ý này. Theo tôi, có hai nhóm mục tiêu chính là nhóm chính trị - xã hội và nhóm kinh tế - xã hội.
Những mục tiêu chính trị - xã hội là việc lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo, hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế và chính trị Việt Nam vào Trung Quốc; phản biện chống tham nhũng và các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu; thúc đẩy Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý; thúc đẩy tiếng nói của trí thức độc lập tại Quốc hội; thúc đẩy tính hợp hiến và hợp pháp hóa của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo; phản biện đối với các điều luật chính trị hóa hành vi phản phản biện như điều 79, 87, 88, 258 trong Bộ luật hình sự; phản biện đối với điều kiện giam giữ phạm nhân trong các trại giam; hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các gia đình có người bị giam giữ, liên quan đến yếu tố chính trị…
Còn mục tiêu kinh tế - xã hội là bảo vệ quyền lợi của nông dân trước hành vi trưng thu đất đai bất hợp pháp và vô lối; phản biện đối với chủ đề sở hữu trong Luật đất đai và cơ chế thu hồi đất đối với các dự án kinh tế - xã hội; bảo vệ quyền lợi của công nhân và thị dân về điều kiện làm việc và an sinh xã hội; đấu tranh chống tác động tiêu cực của một số doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên…
Xã hội dân sự cũng cần phản biện đối với một số vấn đề kinh tế gay gắt như nợ công quốc gia; nợ và nợ xấu; tính độc quyền của kinh tế quốc doanh và một số tập đoàn; ngân hàng; các thị trường đầu cơ như vàng, bất động sản; những ngành có liên quan mật thiết đến người tiêu dùng như điện, xăng dầu, nước…
Nhưng về phần mình, xã hội dân sự cũng phải thể hiện tính văn hóa qua việc phản biện với những tiếng nói thiếu tinh thần xây dựng và thiếu đoàn kết trong giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam và hải ngoại.
VOA: Nếu như có được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ, giới trí thức Việt Nam cần sự hỗ trợ đó từ khía cạnh nào?
Ông Phạm Chí Dũng: Xã hội Dân sự Mỹ phát triển và trở thành mô hình tiêu biểu cho Xã hội Dân sự trên thế giới. Tôi không nghĩ là Xã hội Dân sự Việt Nam cần sự hỗ trợ tài chính vì như vậy rất dễ bị quy kết là nhận tiền nước ngoài âm mưu lật đổ chính quyền. Theo tôi, sự hỗ trợ từ nước ngoài hay từ Mỹ với Xã hội Dân sự Việt Nam là sự giúp đỡ về mặt tinh thần, đứng ra bảo trợ những hoạt động thuần túy của Xã hội Dân sự như văn hóa dân sự. Trao đổi, giao lưu văn hóa cũng là một trong những mặt của Xã hội Dân sự, hay như thành lập các tổ chức nghiệp đoàn lao động liên quan đến quy chế vận hành Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, giới nhân sĩ trí thức Việt Nam cũng cần có sự hỗ trợ của trí thức hải ngoại và các chính phủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế về việc thành lập Diễn đàn Dân sự không chỉ trên mạng, nhằm trao đổi ý kiến chuyên môn.
VOA: Những nguyện vọng đó anh có dịp nêu lên trong cuộc gặp với Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ vừa rồi?
Ông Phạm Chí Dũng: Tôi đã đề cập tất cả những nguyện vọng đó. Ông Busby tỏ ra tán đồng với tôi về những đề nghị của tôi, kể cả đề xuất của tôi khi nói về kịch bản như Miến Điện.
VOA: Theo anh, cuộc gặp này có mang đến tín hiệu hứa hẹn gì không cho giới hoạt động Xã hội Dân sự ở Việt Nam?
Ông Phạm Chí Dũng: Qua cuộc gặp ông Busby, từ thái độ quan tâm chân thành của ông cho thấy ít nhất Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ cũng đang bắt đầu quan tâm tới vấn đề Xã hội Dân sự ở Việt Nam một cách thực tế, hữu hiệu hơn nhằm làm sao thúc đẩy vai trò của Xã hội Dân sự Việt Nam trong vài năm tới đây.
VOA: Xin chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Trà Mi
(VOA)
Hoa Kỳ quan tâm đến Xã hội Dân Sự ở Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét