Tôi muốn gửi bức thư này như một chia sẻ đến với những đứa trẻ, trong tầm tuổi học trò của tôi, có cùng hoàn cảnh như hai bức thư mà tôi đã đọc. Tôi muốn gửi tới các em với tâm tình của một cô giáo, một người đàn bà, một người trằn trọc với sự nhọc nhằn của xã hội và nhất là với các học sinh chưa tới tuổi rời khỏi mái trường nhưng xã hội đã đẩy chúng ra bằng sự thờ ơ lãnh đạm.
Trước tiên xin phép các em có tên tôi nhắc trong bài viết này được xưng hô bằng “cô” và “em”. Tôi muốn các em chia sẻ như mình đang cùng nhau ngồi trong lớp học, mặc dù cô biết chắc nhiều em đã rời khỏi mái ấm thân yêu thứ hai trong đời của mỗi con người.
Sự tin tưởng vững chắc
Các em yêu thương của cô.
Có dịp đọc bức thư của người tù bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức cô mới biết được phần nào tư tưởng và cách truyền dạy kiến thức cho hai người con của ông mà theo cô đoán chưa qua khỏi cấp ba. Nếu vậy cô xin gọi hai em là học trò của cô nhé, vì cô đang giảng dạy đại học và cũng sắp về hưu rồi.
Hai em có biết bức thư của ba hai em đã làm cô xúc động đến mực nào không? Chỉ có thể nói một câu ngắn, thật ngắn: nghẹn ngào.
Nghẹn ngào là trạng thái vừa vui vừa buồn mà không thể diễn dạt thành lời. Cô vui vì bức thư ấy trả lời cho cô một câu hỏi: những người can đảm và chấp nhận hy sinh thân thế sự nghiệp của mình cho lý tưởng dân chủ nhân quyền có thực hay không trong hoàn cảnh vàng thau lẫn lộn hiện nay?
Đọc xong bức thư của ba gửi cho hai em, cô tin là có. Sự tin tưởng ấy vững chắc đến nỗi làm cô nghẹn ngào vì những câu hỏi ứ đọng bấy lâu nay trong đầu đã được khai thông chỉ qua một bức thư ngắn.
Bức thư này, theo cô nghĩ nó sẽ là cẩm nang cho hai em trong suốt 16 năm ba bị cầm tù. Ba hai em tuy không gần gũi để chỉ ra con đường mà hai em sẽ đi nhưng lá thư này sẽ là một bản đồ “trực tuyến” không bao giờ sai và các em hạnh phúc biết bao khi có một người cha như thế.
Cô biết hai em rất sợ hãi khi nghĩ đến hoàn cảnh của cha mình nhưng cô tin rằng với một người có tâm thức như thế, sự sợ hãi sẽ ở phía khác, phía cầm chìa khóa nhà giam.
Mặc dù bản án 16 năm của cha sẽ là một vết thương rất lớn trong lòng hai em nhưng cô tin rằng vết thương nào rồi cũng thành sẹo, chỉ lo làm sao đừng để nó nhiễm trùng bởi những vi khuẩn độc hại của xã hội tác động lên vết thương. Hai em đã có một người cha tuyệt vời mà tư cách và tư tưởng của ông không khác nào một loại thuốc tự nhiên phòng chống lại môi trường đầy độc chất ấy.
Và hai em may mắn hơn hai người bạn cùng hoàn cảnh với hai em đó là bạn Ngô Minh Tâm và Ngô Minh Trí. Hai bạn này có cha là ông Ngô Hào cũng lãnh án 15 năm và người mẹ đang bị ung thư cùng những căn bệnh nan y khác.
Ngô Minh Tâm đã làm cô khóc trong những ngày cuối năm vì bức thư của em gửi cho cha sau khi cha bị dẫn vào trại giam mất dạng. Trong một đoạn của bức thư Tâm viết:
“Đã nhiều lần trong lúc xử án Ba, con liếc nhìn xuống phía dưới căn phòng mong tìm được một người quen, nhưng đáp lại điều mong chờ của con là một nỗi thất vọng rất lớn, đến khi kết thúc phiên tòa, vẫn không một ai thân quen đến chia sẻ cùng gia đình. Hai đứa con buồn và tủi thân vô cùng Ba ơi...!!!”
Tâm à lau nước mắt đi em. Những người mà em mong họ vào tòa án đâu hề bỏ rơi em và ba của em. Họ không được phép vào để nhìn gia đình em bằng mắt nhưng tâm hồn, ý chí và trái tim yêu thương của rất nhiều con người lúc ấy đang theo dõi phiên tòa bất công này.
Những người có mặt trong tòa án lúc ấy mới chính là những kẻ không hề hiện diện tại phiên tòa xử người công chính. Mắt của họ không nhìn vào cha em mà tất cả đang nhìn vào khoảng không vô nghĩa trong tâm hồn chính từng người trong họ. Vậy thì em đừng buồn mà cố gắng đứng lên. Cô tin bên cạnh em đang vẫn còn rất nhiều người khác âm thầm hỗ trợ tinh thần em trong những lúc em cần sự hỗ trợ nhất.
Bức thư của em nói sự ân hận của mình vào dịp cuối năm không biết làm cách nào xoay sở trong hoàn cảnh túng bấn của gia đình đã làm cô bừng tỉnh soi lại chính mình. Có bao giờ cô phí phạm thức ăn, mua sắm đồ dùng vượt quá nhu cầu của mình hay lạnh lùng với nỗi đau của người khác trong suốt một năm qua hay không?
Cô muốn chia sẻ bức thư của bạn Tâm cho các bạn khác cùng hoàn cảnh có người thân bị nhốt trong tù giữa những ngày cuối năm:
“Mùa mưa năm nay nhà mình dột nhiều lắm, không biết mái nhà sẽ trụ được bao lâu, nhà mình trước đã yếu nay lại xuống cấp nhiều. Mái nhà đã bị cơn bão lúc trước làm cho yếu đi, mưa dột nhiều không có chỗ nằm, con phải lấy thau hứng nước mưa dột vì chưa có tiền để lợp lại mái nhà. Chắc năm nay nhà mình không có Tết rồi Ba ạ. Ba thì ở tù, Mẹ thì bệnh nặng, tụi con không biết xoay xở vào đâu để có mâm cơm cúng Ông Bà ngày Tết. Xin Ba tha lỗi cho tụi con.”
Những giọt nước từ mái tranh ấy đã làm cho nhiều người tỉnh ngộ lắm Tâm ạ. Cô cám ơn bức thư của em và cô chỉ xin thượng đế ban một chút hồng ân nào đó cho gia đình em, cho ba em và cho những người giống như em.
Em tuy bất hạnh về cơm áo nhưng ít nhất vẫn còn một chốn nương náu tinh thần, bồi dưỡng kiến thức để mai này tiếp tục đấu tranh với chính bản thân mình và cuộc sống. Đó là trường học.
|
Sau khi ở tù ra nhưng không có bản án, bạn Phương Uyên trở lại trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TP Hồ Chí Minh để xin vào học lại vì trước khi bị bắt bạn đã học hết năm thứ ba tại ngôi trường này, nhưng các em biết không, bạn Uyên đã bị từ chối không cho vào học lại với lý do vi phạm pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên thế giới có nước nào cấm tù nhân đã mãn hạn không được tiếp tục việc học hay không các em?
Người ta xem việc giáo dục là ơn của nhà nước ban xuống cho dân vì vậy việc cho hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của nhà trường. Tư duy giáo dục đó sai trái từ căn bản bởi khi triệt tiêu kiến thức của người dân là phản bội lại một cách sâu sắc sự phổ cập giáo dục cho dân chúng. Người dân có quyền thụ hưởng giáo dục như thụ hưởng quyền con người. Khi giáo dục bị đem ra làm vật răn đe, trao đổi thì nền giáo dục ấy đã có chữ “phi” đứng trước. Có phải chính những điều tệ hại này đang làm nhiều thế hệ học sinh khinh bỉ âm thầm trong lòng đối với những người đang làm công tác giáo dục hay không?
Còn nhiều em nữa cũng bất hạnh, cũng khó khăn, cũng có cha hay mẹ đang nằm trong trại giam vì những tội danh chính trị như các em vậy. Đó là Đinh Phương Thảo con của nhà giáo Đinh Đăng Định. Đó là Nguyễn Trí Dũng con của người tù nổi tiếng Điếu Cày. Đó là Vũ Văn Bảo có mẹ là Mai Thị Dung với bản án 11 năm tù giam vì chống người thi hành công vụ khi đòi đất đai bị cưỡng chế....làm sao nói cho hết những em học trò bất hạnh đó của cô?
Cô muốn chia với các em niềm đau, nỗi hoang mang và sự tuyệt vọng trước con đường trước mặt. Cô muốn qua bức thư này các em sẽ có cái để mà vịn vào để mạnh mẽ hơn trước những gì khó khăn mà các em đối mặt hàng ngày.
Các em biết không, đáng lẽ cô kết thúc bức thư vì thấy không nên viết nhiều quá vì các em còn nhiều việc phải làm, phải lo toan. Nhưng cô không nhịn được vì câu chuyện của một học trò khác mới vừa xảy ra ngày hôm nay ngay khi cô viết cho các em bức thư này.
Đó là em Tu Ngọc Thạch, 14 tuổi, học sinh lớp 9 trường THPT Lương Thế Vinh thuộc xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh. Em bị công an đánh chết và báo chí đăng tải vào chiều hôm nay.
Cái chết của em càng làm cô buồn bã hơn. Em Thạch không có người thân nào bị giam giữ vì tội chống phá nhà nước. Em Thạch cũng không hề biết bốn chữ bất đồng chính kiến là gì. Em bị giết giữa lúc cuộc đời vừa bắt đầu chớm mọc một mầm hy vọng tương lai. Cái chết của em làm lòng cô quặn thêm một vết thương mỏng manh khác trong muôn vạn vết thương dần tím tái đâu đó trong mỗi con người Việt Nam chúng ta.
Dù sao thì những vết thương ấy cũng không kéo lại được cái ngày mới đang lừng lững tới. Năm mới là ân sủng của tạo hóa ban cho con người mà điều kỳ diệu nhất là xóa lành những vết thương, các em có đồng ý với cô không?
Cánh Cò
Theo Cánh Cò blog (RFA)
___
(*) http://huynhngocchenh.blogspot.com/2013/12/thu-cua-tran-huynh-duy-thuc-gui-con.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét