Hà Nội, 1.1.2014
Kính gửi:
- Toàn thể người dân Việt Nam;
- Các cơ quan truyền thông;
- Các tổ chức bảo vệ nhân quyền;
- Chính quyền các nước quan tâm tới hiện trạng chính trị-nhân quyền của Việt Nam;
- Cơ quan công an huyện Thường Tín, công an thành phố Hà Nội và Bộ Công an.
Luật sư Lê Thị Công Nhân |
Khoảng 10h30 sáng ngày 31.12.2013, tôi và anh Ngô Duy Quyền-chồng tôi, bé Lucas-con gái chúng tôi 26 tháng tuổi đưa chú nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn (sinh năm 1959, sống tại huyện Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam), anh Phạm Bá Hải (sinh năm 1968, sống tại Hóc Môn-Sài Gòn) đến thăm anh Phạm Văn Trội tại xã Chương Dương huyện Thường Tín-cách Hà Nội 30km, nhân dịp chú Tuấn và anh Hải ra Hà Nội.
Vừa mở cửa xuống xe, một nam thanh niên trẻ chạy tới hỏi tôi giọng xấc xược “Này, chị là người ở đâu đến đây?”. Biết đây là những công an mặc thường phục luôn rình rập theo dõi nhà anh Trội, theo lẽ thường chúng tôi không bao giờ chấp nhận cách hành xử của nhân viên nhà nước che giấu tung tích đầy ám muội như vậy nên không đáp lời. Khi anh Trội mở cửa cho chúng tôi vào thì có nhiều công an đều mặc thường phục đã ập đến rất nhanh. Vừa đến họ đã văng tục chửi bậy. Anh Trội nhận ngay ra bộ mặt quá quen thuộc của họ-đều là công an xã trụ sở cách nhà anh gần 200m. Một tên công an khoảng hơn 50 tuổi, cao lớn, ngang nhiên xông vào nhà anh Trội, lượn lờ một vòng quanh nhà rồi sau đó đi ra. Anh Trội nói đó là Lê Văn Điệp-Phó công an xã. Sau đó người nhà anh Trội ra khóa cổng lại.
Chúng tôi ăn cơm trưa cùng gia đình anh Trội, đang ăn thì nghe công an đập cửa gọi anh Trội ầm ĩ bên ngoài, réo gọi điện thoại liên tục. Anh Trội đi ra hỏi có việc gì, họ đòi vào nhà làm việc, anh nói chúng tôi đang ăn cơm, không ai làm việc giờ này cả và bảo họ đợi. Anh dặn chúng tôi chuẩn bị tinh thần bị bắt ra công an xã như hồi tháng 5 vừa rồi khi các anh Phạm Hồng Sơn, Mai Xuân Dũng và Đỗ Việt Khoa đến thăm anh. Một lúc sau, đám công an này lại đập cửa, chúng tôi cũng quyết định chào gia đình anh Trội và ra về. Anh Trội vừa mở cổng thì bọn họ hùng hổ xông vào, miệng không ngớt chửi rủa văng tục.
Chú Tuấn nói họ không được làm vậy, chúng tôi là công dân Việt Nam, đi thăm viếng nhau là điều tự nhiên, Hiến Pháp và pháp luật cũng bảo vệ. Không để chú nói hết câu, bọn chúng đã vây lấy chú mà chửi bới đe dọa, xông vào định đánh chú. Tôi bám chặt vào tay chú, cố không cho bọn chúng đánh. Sau đó mấy người chúng tôi bị chúng vây bắt về công an xã, anh Trội cũng bị bắt đi, về phía anh đương nhiên cũng muốn đi cùng vì muốn chia sẻ với chúng tôi trong hoàn cảnh đáng sợ này.
Thấy những công an viên xã đều khá già, trên 50 tuổi nhưng lại rất côn đồ, ác ôn, tôi rùng mình ghê sợ, nghĩ “Trời ơi, họ đã đến tuổi làm ông nội ông ngoại mà lại cư xử mất dạy và hung ác vậy sao !” Khi ấy khoảng 12h30, ngày mùa đông hanh khô nắng chiếu vàng rực rỡ.
Trên đường, đám công an không ngớt mồm chửi rủa rất tục tĩu, vu khống chúng tôi “Chúng mày tụ tập uống rượu say, định chống đối bọn tao àh?”. Đến nơi, hóa ra công an xã, ủy ban xã, hội đồng xã, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên ..v..v.. đều ở trong một khuôn viên 3 khối nhà 2 tầng trên một diện tích khoảng 2000m vuông. Giữa trưa, trụ sở vắng lặng. Chúng định tách chúng tôi ra nhưng cả 4 chúng tôi và anh Trội đều bảo chúng tôi đi cùng nhau thì cùng vào làm việc. Chúng dùng số đông tách được chúng tôi ra, đẩy chú Tuấn và anh Hải, anh Trội vào trước. Một lúc lâu sau, chúng bắt vợ chồng tôi vào, anh Trội vẫn ngồi đó, chú Tuấn và anh Hải đã ra ngoài. Chúng bắt chúng tôi khai mình là ai, trình giấy tờ tùy thân. Hai vợ chồng tôi vẫn bế bé Lucas, không chấp nhận được hành xử côn đồ, mất dạy của đám người này nên nói “Chúng tôi đi thăm nhau, bị các anh bắt vào đây lại bảo khai mình là ai, trình giấy tờ cho các anh. Làm sao chúng tôi chấp nhận được cách làm việc đó. Chính các anh mới là kẻ vi phạm pháp luật. Chúng tôi không hợp tác gì với các anh cả.” Tôi còn gợi ý “Muốn làm việc nhanh, anh có thể hỏi tôi chị có phải là X không, nếu phải tôi đáp phải, không tôi bảo không.” Một công an trẻ mặc thường phục (anh Trội nói là an ninh trên công an huyện) có vẻ là người cấp cao nhất lúc đó thấy chúng tôi nói vậy thì ngoan cố nói “Chúng tôi có quyền bắt các anh chị vì đến thăm anh Trội, là đối tượng tiền án tội an ninh quốc gia đang bị quản chế.” Thấy chúng tôi mãi không nói gì, anh ta bảo chúng tôi ra ngoài. Tên Điệp là người ghi chép biên bản, vừa ghi vừa chửi dọa đánh chúng tôi. Trong phòng khi ấy còn có Trưởng công an xã (anh Trội chỉ cho chúng tôi nhưng tôi không nhớ tên). Anh này ngồi im ghi chép không nói năng câu gì, là Trưởng công an xã nhưng để mặc cho Phó công an xã tha hồ thi triển tính côn đồ mất dạy ngay trước mặt mình.
Vợ chồng tôi bế bé Lucas đi ra ngoài, thấy nhiều người cả nam và nữ mặc các loại quần áo màu xanh của dân phòng, dân quân tự vệ ra vào liên tục, rồi anh Trội chỉ cho tôi xe ô tô màu đen của bí thư xã về đến. Lúc ấy nhân viên các ban nghành đoàn thể xã quay về trụ sở làm việc. Thấy chúng tôi đi lại ngoài sân, tên Điệp điên cuồng chửi rủa oang oang “Đ.c.m Bố mày đéo có khái niệm thuyết phục đứa nào hết. Thuyết phục cái đầu b… Bố mày đánh chết hết chúng mày. Thích hiến pháp àh, luật àh, nhân quyền àh, bố mày dí c… vào. Đất này là của tao. Luật là tao.” Rất đông nhân viên xã cũng như một số người dân đến làm việc chứng kiến việc này, nhưng sự khiếp sợ và vô cảm đã khiến họ như điếc như câm. Tên Điệp người to lớn, giọng nói rất to không cần loa. Hắn lệnh cho đám công an xã bắt chúng tôi nhốt vào một căn phòng cạnh phòng chú Tuấn anh Hải đang bị giữ bên trong.
Trước sự thờ ơ bỏ mặc của các cấp nhân viên xã để cho một tên Phó công an thể hiện sự điên cuồng ác ôn của mình, chúng tôi nghĩ mình có thể bị chúng đánh nội thương mà chết, thậm chí đánh chết tại chỗ. Đẩy chúng tôi vào phóng chúng đòi đóng cửa lại, chúng tôi phản đổi kịch liệt nói “Đóng cửa để đánh người àh.” thì chúng không đóng nữa và đứng bên ngoài canh. Một lúc sau, bỗng dưng có một anh nhân viên xã vào phòng, cao giọng nói “Các anh chị phải biết là, đất nước ta, dân tộc ta là .. là .. là một” Trời! Chúng tôi đáp “Vâng. Đúng vậy.” Nói xong anh ta loay hoay ngượng nghịu một hồi, rót nước cho chúng tôi uống rồi bảo chúng tôi có muốn cho Lucas đi ngủ không thì lên trên kia có phòng có ghế dài. Chúng tôi khiếp đảm nghĩ nếu lại bị chia ra một lần nữa, lên trên tầng hai kia thì dám chắc đám công an xã đánh chết chúng tôi trên ấy, nên kiên quyết từ chối.
Khá lâu sau, hơn 3h tôi thấy chú Tuấn ra khỏi phòng, đám người canh nhốt chúng tôi cũng đi chỗ khác. Chúng tôi đi ra, thấy chú cầm một tờ biên bản đóng dấu đỏ. Anh Hải vẫn ngồi im trong phòng với đám công an, im lặng nhắm mắt, tôi đoán là anh cầu nguyện. Có lẽ lúc ấy đám công an bàn cách chia chúng tôi để đánh sao cho hiệu quả nhất, nên chúng để chúng tôi yên được một lúc. Khi ấy anh Trội mới có chút thời gian tranh thủ hỏi thăm mẹ tôi sức khỏe có tiến triển gì không (mẹ tôi bị tai biến não, bị liệt và câm). Thấy chú Tuấn có tờ biên bản, anh Trội dùng điện thoại chụp lại. Đi cùng ra công an xã với chúng tôi suốt từ trưa, anh Trội chỉ mặc quần áo mặc nhà, chân không tất, trời lạnh se sắt, anh quyết định về nhà mặc thêm quần áo và mang chăn, sữa, kẹo vitamin vào cho chúng tôi. Chúng tôi nghĩ đám công an hoàn toàn dám nhốt chúng tôi qua đêm, như tên Điệp không ngớt gào rú “Nhốt hết bọn này lại, tạm giữ hành chính luôn.”.
Đám công an xã côn đồ đến nỗi chúng tôi không thể nói với chúng bất kỳ một lý lẽ nào, dù là tối thiểu nhất. Sau này, anh Quyền nói với tôi “Mỗi giây phút anh đều chuẩn bị tinh thần phủ phục để che cho Lucas, để mặc chúng đánh chết anh.”
Chúng để cho anh Trội đi về. Vợ chồng tôi đứng hành lang ngay cạnh phòng anh Hải đang bị nhốt. Lúc này, người Trưởng công an xã ra nói chuyện với chúng tôi. Anh ta ăn nói tử tế, vẻ hơi ngượng ngùng. Chúng tôi đáp lời anh ta hỏi thăm chuyện nọ, chuyện kia. Cuộc nói chuyện kéo dài không đến 10 phút thì anh ta đi. Trong lúc nói chuyện, tên Điệp và đám công an tay sai lờn vờn xung quanh nhìn chúng tôi và anh Trưởng công an xã với ánh mắt đầy căm ghét, tôi không hiểu tại sao !?
Sau này mới biết Trưởng công an xã là em họ xa của chị Trang-vợ anh Trội, trước đây là cán bộ Đoàn thanh niên chuyển sang làm Trưởng công an xã. Thảo nào, anh ta gần như đơn độc so với tên Điệp-Phó công an xã và đám công an viên đã làm lâu năm lập phe cánh với nhau.
Để thị uy với Trưởng Công an xã, để chứng tỏ ta đây không sợ anh an ninh trên huyện về, để thỏa mãn thú tính say máu đánh người, tên Điệp và đám công an xã lao đến chú Tuấn đòi chú đưa lại biên bản, không thể chống cự lại chú đành đưa chúng tờ biên bản. Sau đó bọn chúng túm người chú Tuấn đẩy đi. Chúng tôi biết bọn chúng lôi chú đi để đánh nên chạy theo. Thật không ngờ chúng đẩy chú Tuấn vào phòng tiếp dân (treo biển hiệu) – là căn phòng đầu tiên của tòa nhà bên tay trái nhìn từ đường vào, ngay cạnh phòng trả hồ sơ hành chính. Tôi bám chặt lấy chú, lòng kinh hãi vô cùng, nhưng không làm gì được. Tên Điệp và 4,5 tên công an viên già tay sai của hắn cực kỳ hung hãn lôi tôi ra, đóng sập cửa phòng lại và ngay lập tức lao vào đánh đấm, đạp chú Tuấn. Tôi kêu gào lên “Công an giết người, công an đánh người.” thì bọn chúng ở ngoài bâu lại chửi tôi “Ah, áh, con này mày dám vu khống tao àh. Tao đánh chết mày bây giờ.” Lúc đó khoảng 4h chiều.
Thật ghê tởm! Không ngôn từ nào có thể tả được cảm giác của tôi lúc ấy, địa ngục là đây, quỷ dữ là đây, chúng có bộ mặt và hình dáng của con người nhưng nếu tinh ý sẽ nhận ra đó chỉ là vẻ ngoài, còn thần sắc thì là của ma quỷ. Anh Quyền chồng tôi kinh hãi đến độ không còn nói được gì nữa ôm chặt Lucas, cảm tạ Chúa khi ấy bé lại đang ngủ. Sau này anh nói với tôi, anh áy náy vô cùng vì đã không dám kêu gào lên. Anh chỉ còn nghĩ đến việc bảo vệ Lucas vì nếu anh kêu lên chúng sẽ đánh anh mà gây hại cho Lucas thậm chí là tử vong. Tôi cố kêu cứu một lần nữa ngay giữa sân nhưng tuyệt vọng trước sự vô cảm của các nhân viên xã và người dân đến làm việc xung quanh. Đám công an lôi đẩy chúng tôi vào căn buồng treo đầy cờ thi đua và bằng khen đỏ chói đối diện phòng nhốt anh Hải. Khi vào phòng chúng tôi hãi hùng chỉ còn biết cầu nguyện. Ở phòng bên bọn chúng không ngớt chửi rủa khích bác anh Hải để anh phản ứng “Đ.c.m thằng trọc, mày điếc àh, mày mù àh. Thích chết bố mày cho mày chết.” Anh vẫn im lặng nhắm mắt cầu nguyện. Sau này anh kể lúc đó anh đã chờ chúng đánh anh ngã xuống đất thì anh cũng đành để mặc vì chúng quá đông, không thể nào một mình chống lại bạo lực của đám ma quỷ đó được.
Rất có thể khi ấy tên Điệp và đám công an tay sai vì căm thù thái độ ôn hòa tuyệt đối của anh Hải, nên đẩy chúng tôi đi để đánh anh. nhưng rồi thấy đánh chú Tuấn tiện hơn nên đánh luôn, còn vợ chồng tôi luôn đi cùng nhau thì để sau.
Khi ấy tôi phát hiện mật vụ trẻ trên huyện không còn ở đó nữa, Trưởng công an xã cũng biến mất, tất cả trong lòng bàn tay tên Điệp và đám công an tay sai. Khả năng tên Điệp tự tung tự tác và khả năng an ninh huyện và Trường công an xã ra lệnh ngầm rồi đóng kịch bỏ đi để cho tên Điệp đánh đập chúng tôi là 50/50.
Khoảng 20 phút sau anh Trội quay lại, đã mặc đủ quần áo ấm. Tôi nói chú Tuấn đã bị bắt nhốt đánh ở phòng tiếp dân, anh chạy đi tìm. Một lúc lâu sau, bỗng dưng tôi nghe tên Điệp nói “Mang thằng Quyền ra.” Tôi vội nói với chồng tôi khi ấy đang nhắm mắt cầu nguyện “Nó định tách mình ra để đánh em đấy.” Vừa nói xong, một tên công an viên già đi vào hẳn bên trong phòng tìm cách đứng chắn giữa tôi và chồng tôi, nói “Thằng Quyền ra ngoài, con Công Nhân ở lại” Một tay hắn túm mạnh cánh tay tôi, tay kia cầm sẵn tay nắm cánh cửa chuẩn bị đẩy được chồng tôi ra là đóng sập cửa lại để nhốt đánh tôi. Cảm tạ Chúa lúc ấy, anh Trội quay lại, dõng dạc nói “Cả hai vợ chồng đều ra.” Tên công an già bối rối thoáng qua 2 giây, tôi bám chặt tay anh Quyền lách qua cánh cửa ra ngoài. Là người tin Chúa, tôi xác quyết giây phút ấy Chúa đã cứu tôi!
Tên Điệp thấy vợ chồng tôi ra ngoài với anh Trội, thì điên cuồng chửi rủa “Đ.c.m con Lê Công Nhân, bố mày là Điệp-Phó công an xã đây. Tao tát vỡ mặt mày, tao đánh chết mày. Mày thích loa lên àh (ý nói lúc tôi kêu gào chú Tuấn bị đánh). Đ.c.m chúng mày kiện thoải mái đi, chụp ảnh ghi âm thoải mái đi. Bố mày là người đàng hoàng tử tế nhá, bố mày làm bố mày đéo thèm chối. Chúng mày kiện mẹ nó lên Bộ công an, lên chủ tịch nước luôn đi, để xem bố mày có làm sao không, nhá?” Tên Điệp nhảy nhót trước mặt chúng tôi như một kẻ mất trí, dí sát bộ mặt quỷ của hắn vào mặt tôi (cách mặt tôi 30cm), chửi “Đ.c.m nhìn kỹ mặt bố mày đi. Hãy nhớ đây là đất của tao, luật là tao.”
Ra ngoài sân, tôi thấy chú Tuấn đứng run rẩy, gương mặt khắc khổ trở nên tím tái. Lòng tôi quặn đau, phẫn uất cùng cực, tôi hỏi chú bị đánh thế nào. Chú nói rất nhỏ “4,5 đưa chúng nó cùng đánh chú, đánh dã man lắm, giờ chú rất đau.” Lúc này hơn 5h, nhân viên xã đã về hết, cũng không còn người dân nào, chỉ còn chúng tôi với bọn quỷ dữ-công an xã Chương Dương.
Tên Điệp vừa chửi, vừa dọa ra lệnh cho anh tài xế taxi (tên Đào Quang Huy lái xe 7 chỗ số hiệu 737 của hãng taxi Thành công) “Đ.c.m thằng Huy. Tao bảo mở (cửa xe) là mở, đóng là đóng, đi là đi, dừng là dừng, rõ chưa. Nếu không bố mày xì lốp xe, hết đường về.” Rồi bảo chúng tôi “Thằng Tuấn vào xe, vợ chồng con Công Nhân vào xe. Bố mày thương chúng mày trời lạnh cho chúng mày vào xe ngồi. Thằng Hải, thằng Trội đi vào đây (vào lại trong phòng).” Chú Tuấn bị chúng đẩy vào xe ngồi ở ghế trên cùng với lái xe, chú rất đau và yếu ớt không nói được lời nào. Vợ chồng tôi kiên quyết không vào xe. Tôi nói xe không đi, cửa lại đóng kín mít sao lại bắt vào xe (tôi bị say xe nặng). Biết chắc bọn chúng chia chúng tôi ra để tìm cách đánh anh Hải bằng được thì thôi, vì chúng đánh chú Tuấn như thế vẫn chưa thỏa cơn say máu. Thấy chúng tôi không vào xe, anh Hải cũng không quay vào phòng, bọn chúng điên cuồng chửi chúng tôi “Đ.c.m chúng mày thích chết ở đây àh (vì chúng định đánh chết chúng tôi ở trong phòng cơ mà !). Chúng mày muốn đập đầu tự tử ở đây thì chúng mày cứ việc. Lũ phản động bán nước chúng mày là lũ chó, phải giết hết chúng mày.”
Sau đó chúng bắt anh Trội quay lại phòng làm việc, lúc này mới thấy tay an ninh trẻ trên huyện quay lại, chị Trang vợ anh Trội cũng đi làm về ra ngay chỗ chúng tôi. Chị rất phẫn nộ, không thể tưởng tượng nổi công an lại đánh người giữa ban ngày, đánh người dã man như vậy ngay tại trụ sở ủy ban. Khoảng nửa tiếng sau, chúng gọi chúng tôi vào phòng anh Trội đang ngồi. Bọn chúng định lôi cả chú Tuấn đang ngồi trong xe ra thì chị Trang đứng giữa ngăn lại, chị kêu to lên “Các anh không thấy chú ấy đang ốm àh, đau không nói được gì nữa.” Đám công an bảo “Ốm cái đéo gì?” chị Trang đáp “Các anh thừa biết tại sao chú ấy ốm. Các anh không còn chút tính người nào nữa àh?” Trước phản ứng mạnh mẽ quyết liệt của chị Trang bọn chúng bỏ đi.
Khi vào phòng, tay an ninh trẻ trên huyện rất đạo mạo nói “Các anh chị ở nơi khác đến đây, chúng tôi có quyền kiểm tra các anh chị, các anh chị đều là tội phạm có tiền án tiền sự, chúng tôi cấm các anh chị không được quay lại nhà anh Trội.” Anh Trội nói, “Tôi báo với anh việc tôi không chứng kiến nhưng tôi nghe các bạn tôi kể lại là chú Tuấn đã bị công an ở đây đánh đập.” Tôi nói tôi có ý kiến thì anh an ninh này nhỏ nhen gạt phắt đi, nói “Hồi nãy mời chị làm việc, chị bất hợp tác, giờ chị không được có ý kiến gì nữa.” Tôi nói “Anh là công an, dân nộp thuế trả lương cho các anh, anh phải nghe tôi tố giác tội phạm. Chính mắt tôi trông thấy chú Tuấn bị 4 công an đánh đập dã man trong phòng tiếp dân đằng kia.” Anh Quyền cũng tố cáo “Chính mắt tôi cũng trông thấy chú Tuấn bị nhiều công an đánh đập trong phòng đằng kia.” Tay an ninh trẻ luống cuống nói “Tôi ghi nhận việc này và sẽ báo cáo lên cấp trên.” rồi vội vàng ra khỏi phòng trước cả chúng tôi.
Lúc đó khoảng 6h30, trời mùa đông lạnh buốt tối đen. Chúng tôi ra về quyết định đưa chú Tuấn đi khám ngay tại một bệnh viện tư nhân có tiếng ở Hà Nội là bệnh viện Hồng Ngọc. Trên đường đi nhiều người gọi điện hỏi thăm chúng tôi đều nói đưa chú Tuấn đi khám luôn trước khi về. Hơn 1 tiếng sau chúng tôi về đến bệnh viện Hồng Ngọc thì hỡi ôi, mật vụ đã vây kín, đóng vai nhân viên bệnh viện, khách đến khám. Chú Tuấn được khám ở phòng cấp cứu ngoài cùng tầng 1 ngay lối ra vào. Chúng tôi đứng ngoài quan sát thì thấy người bác sỹ cư xử thật lạ lùng, hỏi han bệnh nhân với thái độ rất lạnh lùng và xấc xược.
Tôi nhận ra bộ mật tròn vo nhẵn thín của một mật vụ trẻ mà tôi gặp nhiều lần trước đây. Khi mật vụ này xưng là bảo vệ bệnh viện ngăn cản chúng tôi chụp ảnh, tôi đứng ngay cạnh anh ta, cách chỉ 50cm, tôi nói to“Thôi đi anh mật vụ àh. Thưa mọi người anh này là mật vụ, Công Nhân nhẵn mặt rồi. (cầm vào cánh tay anh bảo vệ thật của bệnh viện cũng đứng ngay bên cạnh, tôi bảo). Đây mới là bảo vệ thật của bệnh viện.” Các bảo vệ và nhân viên thật của bệnh viện không nói lại điều gì. Mật vụ trẻ này vẫn ngoan cố lố bịch khăng khăng mình là nhân viên bệnh viện.
Thật vui mừng vì kết quả ban đầu khám ở phòng cấp cứu, kết luận chú Tuấn không bị gì, cái gì cũng tốt, cái gì cũng bình thường !
Thật nực cười sau khi vào phòng khám siêu âm, X-quang, kết quả ghi “đám phổi không đồng nhất, kèm theo dải xơ, do tổn thương cũ.” Chú Tuấn nói “Trời! Chú không hề có bệnh phổi trước đây, họ cũng không hề hỏi gì chú về bệnh phổi.” Vậy là sao? Vậy là phổi có hình ảnh bị tổn thương, nhưng vì một lý do bất chính nào đó mà các bác sỹ ở đây liều mạng vu cho là “tổn thương cũ” trong khi không hề hỏi han bệnh nhân một lời nào về việc này, và cũng không dám khám xét kỹ hơn. Thật vô trách nhiệm và hèn nhát! Bác sỹ-nghề trí thức trong những nghề trí thức mà lại hành xử tối tăm như vậy thì đúng là đất nước này đến hồi kết của mạt vận rồi!
Chú Tuấn và chúng tôi đều thống nhất rằng với đám mật vụ dày đặc như thế này thì khám chữa bệnh ở đây chẳng có kết quả gì nghiêm túc, nên quyết định ra về. Hội Bầu Bí Tương Thân đã đón chúng tôi ngay khi về đến bệnh viện Hồng Ngọc. Chú Lê Hùng – Trưởng Ban Điều hành hội và anh Trương Dũng đã chia sẻ an ủi chú Tuấn, gửi chú Tuấn 2 triệu đồng để góp phần hỗ trợ việc khám chữa bệnh. Ngoài ra có nhiều bạn bè đã đón chúng tôi tại bệnh viện như anh Phạm Hồng Sơn, vợ chồng anh Nguyễn Lân Thắng, vợ chồng anh Lã Việt Dũng, chị Thanh Trần, chị Hạnh Hồ Tây …
Gần 10h tối vợ chồng chúng tôi về đến nhà. Hai vai và cánh tay tôi đau nhức. Chúng tôi mệt mỏi và căng thẳng đến mức không thể ăn được cơm, cảm giác như vừa thoát ra khỏi một cái địa ngục mang tên “công an xã Chương Dương” mà ở đó có những con quỷ tên là Lê Văn Điệp-Phó công an xã và đám công an già tay sai bá chủ toàn quyền coi dân như rơm như rác, coi người lên tiếng đòi tự do, dân chủ nhân quyền là thế lực thù địch.
Sáng nay hỏi thăm anh Hải (vì sim điện thoại của chú Tuấn đã bị đám Điệp cướp mất) được biết chú còn đau hơn hôm qua, bạn bè đang ở bên chăm sóc chú cho đến sáng mai chú về lại quê nhà ở Tam Kỳ, Quảng Nam.
Tôi tố cáo sự việc này lên công an Việt Nam các cấp và ra công luận quốc tế. Những điều tôi viết là hoàn toàn đúng sự thật, thậm chí mức độ của những hành vi côn đồ ác ôn vi phạm pháp luật của đám công an xã Chương dương chỉ bằng 70% so với sự thật do những hạn chế của ngôn từ không thể viết hết ra.
Nếu kẻ ác không sám hối, nếu người có thẩm quyền không giải quyết thì cái ác càng đắc ý tung hoành, xã hội đại loạn, người tốt lúc ấy cũng sẽ không còn sức lực để cứu người khác, đất nước sẽ sụp đổ, dân tộc sẽ diệt vong. Xin hãy làm một điều gì đó là đạo đức, là tử tế, là đúng thẩm quyền cho chính quý vị và cho quê hương Việt Nam.
Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi,
Kính thư
Lê thị Công Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét