Sao Ngọ lại về quê? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Sao Ngọ lại về quê?


Khi cắm được lá cờ nửa đỏ nửa xanh lên nóc Dinh Độc Lập thì các anh về quê lấy đít trâu làm thước ngắm.

Nơi quê nhà, các anh tự hỏi: Bí thư làm thế nào mà giàu nhanh thế? Chủ tịch ăn gì mà béo thế? Công an tiền đâu ra mà xa hoa thế? Trong khi một người mẹ trẻ với ba con thơ nheo nhóc, không may ngã gãy chân, phải bán hết mọi thứ để chạy chữa, trong nhà còn lại 20 kg lúa cũng bị tịch thu.

Các anh cay đắng nhận ra rằng các anh đã bị lừa. Các anh đi giải phóng miền Nam, nhưng chính quê hương của các anh đang quằn quại rên xiết trong thương đau tăm tối.

Các anh đã cùng với những người dân cùng khổ Thái Bình đứng lên phá bỏ mọi uy quyền thối nát. Bắt sống bọn cường hào ác bá. Kéo sập ủy ban. Tịch thu con dấu. Đập bỏ tượng Bác. Ngăn mọi ngả đường. Cả miền Bắc rung chuyển từ Nam Định lên Vĩnh Phú, từ Hải Hưng xuống Quảng Ninh.

Thái Bình – 1997 đã đi vào lịch sử.

Đúng thời điểm đó Phạm Quý Ngọ xuất hiện. Ngọ đương đầu với những người dân trên chính quê hương mình. Sau lưng Ngọ là đảng, trước mặt Ngọ là hàng ngàn cảnh sát, có súng đạn, có lựu đạn cay, có vòi rồng, có chó bẹc-giê, có dùi cui lá chắn, có roi điện, có nhà tù, và hiển nhiên là Ngọ cũng lưu manh hơn.

Nữ văn sỹ Dương Thu Hương, người Thái Bình, đã lăn lộn trên mảnh đất quê hương thấm đẫm mồ hôi và nước mắt kể: Trong một đêm hàng nghìn cựu chiến binh đã bị bắt, rồi bị phân chia vào các trại tù sống giữa đám tù hình sự. Bọn tội phạm được hứa hẹn giảm án theo thành tích: Giết được một người, án giảm hai năm. Giết hai người án giảm bốn năm… Cứ thế mà làm.

Những chiếc đũa ăn cơm được vót ra bằng gốc tre đực cứng như sắt, một đầu chuốt nhọn như kim đan. Khi các cựu chiến binh Thái Bình đang ngủ, bọn tội phạm bất thình lình đóng chiếc đũa này vào lỗ tai của họ. Đũa xuyên suốt từ tai nọ sang tai kia. Nạn nhân chết tức khắc, không kịp kêu một tiếng, không chống đỡ tự vệ, không ồn ào la hét.

Ngọ đã xóa sạch cả linh hồn và thể xác của cuộc nổi dậy. Từ đó, Thái Bình trở nên rất thái bình, không còn sức đứng lên như Văn Giang của Hưng Yên, như Vụ Bản của Nam Định, hay Tiên Lãng của Hải Phòng.

Ngọ bước lên đài danh vọng và quyền lực từ thành tích đàn áp cuộc nổi dậy trên quê hương mình. Nếu không có Thái Bình – 1997 thì không có thượng tướng công an Phạm Qúy Ngọ hôm nay.

Với kinh nghiệm đầy mình Ngọ được đảng tin giao điều tra, xử lý vụ Đoàn Văn Vươn. Nhiều người nhẹ dạ tưởng Ngọ sẽ làm một cuộc canh tân, một đột phá. Không! Ngọ vẫn là Ngọ. Vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng còn thối nát ngàn lần so với vụ án Nọc Nạn, Bạc Liêu của Pháp cách đây ngót trăm năm.

Ngọ lại được giao thụ lý đại án Vinaline. Dương Chí Dũng, có nick là “Dũng cảng” nhân vật chính của đại án đã mang một triệu rưỡi Mỹ kim biếu Ngọ. Ngọ hứa “Chỗ anh em, chú cứ yên tâm để anh lo”.

Ngọ báo cho Dũng ngày giờ bị bắt để tìm đường cao chạy xa bay. Ngọ phát lệnh truy nã. Dũng kỳ vọng Ngọ chỉ giả vờ truy nã, nào ngờ Ngọ làm thiệt. Dũng bị bắt mà vẫn ngây thơ tin rằng với số tiền lớn như vậy thì Ngọ chỉ giơ cao đánh khẽ. Ngọ sẽ giả vờ điều tra, giả vờ lấy cung, giả vờ truy tố, giả vờ công minh, giả vờ trong sáng. Không ngờ Ngọ ăn tiền. Ngọ hứa, nhưng Ngọ chẳng làm gì để cứu gia đình họ Dương.

Trong nháy mắt mà “Dũng cảng” lừng danh bỗng thành tử tội. Dũng mỉm cười. Dũng ngâm thơ, rồi lật ngửa lá bài cuối cùng trước mặt tòa.

Cao thủ cỡ Ngọ thừa biết mình đã thành vật tế thần xa xỉ cho Đại hội XII. Ngọ cao tay hơn, vượt ra ngoài sự tính toán của những bậc đa mưu. Ngọ làm một đám cưới hoành tráng cho con xong, chọn ngày lành tháng tốt rồi lăn đùng ra chết.

Ngọ chết hết chuyện. Chẳng ai làm chứng được Ngọ đã làm lộ bí mật nhà nước và nhận triệu rưỡi đô Mỹ tiền mặt. “Dũng cảng” là tử tù, tâm thần hoảng loạn, khai báo lung tung, tiền hậu bất nhất. Án bị đình chỉ. Vợ con Ngọ thở phào. Bao nhiêu đồng chí khác cũng rung đùi khoái chí.

Ngọ theo gương những đàn anh Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, không thèm nằm nghĩa trang Mai Dịch, mà về quê. Được tiếng là giản dị, về với dân, thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên mà bia mộ lại không bị bôi cứt mỗi đêm. Ông Thọ âm thầm về Nam Định. Tướng Giáp thì trống rong cờ mở vào cố thủ Quảng Bình. Hai ông về lại cố hương là đúng vì ít ân oán nơi quê nhà.

Còn Ngọ! Thái Bình – 1997 vẫn còn nguyên vẹn. Chẳng biết Ngọ có nhầm không mà lại về quê.

21/02/2014

©Trần Hồng Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad