"...Theo một nhà quan sát, vụ Phạm Quý Ngọ là đòn cuối cùng của "phe bảo thủ". Nếu việc điều tra gặp khó khăn, vụ đại án này có nguy cơ trở nên bế tắc, không khai thác thêm được gì nữa, và như thế khó thể đụng chạm đến "phe lợi ích"..."
Tướng Phạm Quý Ngọ qua đời (BBC, 18/02/2014)
Ông Ngọ được thăng chức từ trung tướng lên thượng tướng vào 22/07/2013. |
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời tại bệnh viện Quân y 108, Hà Nội, theo lời Phó chánh văn phòng Bộ Công an.
Tin này được Thiếu tướng Đàm Văn Tâm xác nhận với trang tin Một Thế giới, và cũng được các báo Tiền Phong, Người Lao Động đăng tải.
BBC được biết gần đây ông Ngọ đã sang Pháp chữa bệnh về gan, nhưng dường như không thành công và ông đã trở về lại Hà Nội khoảng ba tuần trước.
Cái chết của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ xảy ra trong lúc Bộ Chính trị đang cân nhắc việc xử lý những tố cáo đối với ông.
Tại phiên tòa xét xử vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, ông Dương Chí Dũng khai Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là người đã mật báo quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông, dẫn tới việc ông bỏ trốn theo sự trợ giúp một số người trong đó có em trai là Dương Tự Trọng, nguyên Phó giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng.
Từ những lời khai này, TAND TP Hà Nội hôm 8/1 khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Ông Dương Chí Dũng cũng cáo buộc ông Ngọ nhận 510 ngàn đôla Mỹ của ông Dũng để giúp “chạy án” và khai hối lộ ông Ngọ 20 tỉ VND trong một lần khác liên quan tới một doanh nhân tên là Lan, theo VOV.
Một nhà báo kỳ cựu tại TP HCM cho BBC hay từ trước rằng Bộ Chính trị đã quyết định cuộc điều tra lời khai của Dương Chí Dũng sẽ chỉ dừng lại ở ông Phạm Quý Ngọ chứ không mở rộng.
Một nguồn khác muốn ẩn danh cho hay mới đây Bộ Chính trị đồng ý khởi tố bị can đối với ông.
Vì thế hiện chưa rõ diễn tiến vụ việc sẽ ra sao sau khi ông Ngọ qua đời.
|
Năm 2006, ông được bổ nhiệm kiêm chức thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công an thay cho thiếu tướng Cao Ngọc Oánh.
Hai năm sau, ông giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát nhân dân, rồi trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm năm 2010.
Tháng Tám 2010, ông được phong chức Thứ trưởng Công an, và tại Đại hội Đảng XI đầu năm 2011, được bầu làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành trung ương Đảng.
Ông phong hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng vào tháng Bảy năm ngoái.
Mới hôm 17/2, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, nói “đã có một số ý kiến đề xuất đình chỉ công tác đối với Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ” để đảm bảo việc điều tra những nội dung tố cáo của cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng.
“Về nguyên tắc thì phải tạm đình chỉ nhưng ông Ngọ đang bệnh nặng nên việc này nhạy cảm. …nếu sốc mạnh thì cũng không lợi lắm, còn thực hư đúng sai thì vẫn phải chờ.
“Việc điều tra vụ án vẫn do cơ quan điều tra thực hiện theo quy trình tố tụng. Ban Nội Chính Trung ương chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Đảng chứ không làm thay cơ quan điều tra được. Đối tượng bị tố cáo thuộc diện Bộ Chính trị quản lý nên cơ quan điều tra, tố tụng vẫn làm theo quy trình về tố tụng", ông Phạm Anh Tuấn cho biết. (BBC)
Bộ Chính trị 'sẽ quyết vụ ông Ngọ' (BBC, 17/02/2014)
Ban Nội chính Trung ương nói Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ quyết định việc xử lý những tố cáo của ông Dương Chí Dũng với ông Phạm Quý Ngọ vì Thứ trưởng Công an "thuộc diện Bộ Chính trị quản lý".
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, được báo Người Lao Động ngày 17/02 dẫn lời cho biết "đã có một số ý kiến đề xuất đình chỉ công tác đối với Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ" để đảm bảo việc điều tra những nội dung tố cáo của cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng.
"Về nguyên tắc thì phải tạm đình chỉ nhưng ông Ngọ đang bệnh nặng nên việc này nhạy cảm. …nếu sốc mạnh thì cũng không lợi lắm, còn thực hư đúng sai thì vẫn phải chờ.
"Việc điều tra vụ án vẫn do cơ quan điều tra thực hiện theo quy trình tố tụng. Ban Nội Chính Trung ương chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Đảng chứ không làm thay cơ quan điều tra được. Đối tượng bị tố cáo thuộc diện Bộ Chính trị quản lý nên cơ quan điều tra, tố tụng vẫn làm theo quy trình về tố tụng", ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Tại một hội nghị của Bộ Công an vào ngày 15/1/2014, người ta thấy có mặt gần như tất cả các lãnh đạo chủ chốt của Bộ Công an, bao gồm Bộ trưởng Trần Đại Quang và các thứ trưởng, trừ Thượng tướng Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ.
Tại phiên tòa xét xử vụ án "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", ông Dũng khai Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là người đã mật báo quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông, dẫn tới việc ông bỏ trốn theo sự trợ giúp một số người trong đó có em trai là Dương Tự Trọng, nguyên Phó giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng.
'Tin lãnh đạo công an'
Ông Trần Duy Thanh, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an cũng bị ông Dũng cáo buộc nhận hối lộ để giúp ông trong việc bị triệu tập điều tra việc mua ụ nổi 83M.
|
Ngoài lời khai tại tòa, báo Tuổi Trẻ cho biết chiều 14/2/2014, một lãnh đạo Ban Nội chính trung ương xác nhận tố cáo của ông Dương Chí Dũng bao gồm cả đơn thư.
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cũng bị cáo buộc nhận ít nhất 1 triệu 500 nghìn đôla tiền hối lộ trong lời khai của ông Dương Chí Dũng.
Ngày 8/01/2014, Tòa Án Nhân dân TP Hà Nội quyết định khởi tố vụ án "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" đối với người đã mật báo cho Dương Chí Dũng thông tin sắp bị khởi tố nhưng chưa khởi tố cáo buộc liên quan tới đưa và nhận hối lộ.
- Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ
- Sinh năm 1954, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng
- Cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm
- Được tặng thưởng nhiều huân huy chương và chưa từng bị kỷ luật (theo báo chí Việt Nam)
- Từng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, hàm đại tá. Trong thời gian này, được giao xử lý những biến động tại Thái Bình.
- Sau này được Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ huy, xử lý vụ Tiên Lãng.
- Gần đây được giao làm Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)
Ngày 9/1 báo mạng PetroTimes đã đăng bài viết của Tổng biên tập Nguyễn Như Phong với lập luận ủng hộ Tướng Phạm Quý Ngọ rất rõ ràng và nói rằng lời khai của Dương Chí Dũng là điều mà ông gọi là "không đáng tin".
Ông Trần Đình Triển, luật sư bào chữa cho ông Dương Chí Dũng, cựu Tổng Giám đốc Vinalines, từng nói với BBC rằ̀ng thân chủ của ông không có động cơ để khai man cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là người đã mật báo cho ông bỏ trốn.
Báo Người Lao Động mô tả một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Nội chính Trung ương trong thời gian tới là việc giải quyết đơn tố cáo của ông Dương Chí Dũng.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã trực tiếp đến theo dõi phiên tòa xét xử các "đại án" gần đây, gồm cả vụ xử ông Dương Chí Dũng và ông Dương Tự Trọng.
Đầu tháng 01/2014, ông Thanh nói trong năm nay ''Ban Nội chính Trung ương sẽ tham mưu, thành lập và phục vụ các đoàn công tác nhằm kiểm tra, giám sát các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.''
Hiện chưa rõ cơ quan nào dược giao điều tra vụ án lộ bí mật nhà nước tuy dư luận dường như quan tâm nhiều hơn tới cáo buộc đưa và nhận hối lộ liên quan tới ông Phạm Quý Ngọ.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến từng nói với BBC ''dư luận e ngại nếu giao cho Bộ Công an làm thì thiếu khách quan vì một đồng chí [trong vụ này] là lãnh đạo của bộ nhưng tôi vẫn tin tưởng vào lãnh đạo ngành công an, nhất là Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và tập thể Đảng ủy công an Trung ương chắc cũng đủ sáng suốt để điều tra một cách khách quan".
Những câu hỏi đặt ra sau cái chết của ông Phạm Quý Ngọ (RFI, 18/02/2014)
|
Như tin chúng tôi đã đưa hôm qua, Ban Nội chính Trung ương đã cho biết ý định tạm đình chỉ công tác Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ nhằm đảm bảo việc điều tra về những tố cáo của Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Ông Dương Chí Dũng, người đã bị lãnh án tử hình trong vụ án tham nhũng Vinalines, hôm 07/01/2014 khi ra tòa với tư cách nhân chứng trong vụ xử Dương Tự Trọng "tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài", đã khai ra người bí mật báo tin cho mình bỏ trốn là Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ. Ông Dương Chí Dũng còn cho biết đã hối lộ cho ông Ngọ nửa triệu đô la.
Tòa án thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" liên quan đến vấn đề này. Dư luận cũng rất xôn xao vì nhiều tấm hình về đám cưới xa hoa của con trai ông Ngọ được tung lên mạng xã hội trong những ngày gần đây.
Hôm qua trả lời báo chí trong nước, ông Phạm Anh Tuấn, Phó ban Nội chính Trung ương đã nói rằng :"Về nguyên tắc thì phải tạm đình chỉ công tác ông Phạm Quý Ngọ, nhưng do ông Ngọ đang bệnh nặng nên việc này nhạy cảm".
Chỉ đến hôm qua mới có việc một quan chức Việt Nam khẳng định ông Phạm Quý Ngọ "đang bị bệnh nặng", và đây là lần đầu tiên. Nhưng hôm nay tin ông Ngọ qua đời đã được chính thức loan đi.
Ông Phạm Quý Ngọ sinh năm 1954 tại Thái Bình, từng được dư luận biết nhiều qua việc xử lý vụ nổi dậy ở Thái Bình năm 1997, vụ cưỡng chế đất đai của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng vào đầu năm 2012.
Với cái chết của ông Phạm Quý Ngọ - ngón đòn cuối cùng của "phe bảo thủ" tại Việt Nam đánh vào "phe lợi ích" - nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Trước hết, đây có phải là một cái chết bình thường hay không ? Và tại sao cái chết này lại xảy ra ngay sát thời điểm Ban Nội chính Trung ương tuyên bố có thể đình chỉ công tác đối với ông Phạm Quý Ngọ?
Như vậy với việc ông Phạm Quý Ngọ qua đời, có nghĩa là một đầu mối điều tra hết sức quan trọng có khả năng bị bế tắc hoàn toàn, không thể dẫn tới một "siêu án" như dư luận đang chờ đợi. Liệu đây có phải là "cú thoát hiểm ngoạn mục" của phe lợi ích, và từ nay phe này sẽ chuyển sang phản công?
Bên cạnh đó, cái chết của ông Phạm Quý Ngọ lại xảy ra trùng với ngày xử án luật sư Lê Quốc Quân, và dư luận cho rằng thân nhân của luật sư Lê Quốc Quân có thể vẫn chưa hết hy vọng vì vẫn còn thủ tục giám đốc thẩm.
Thụy My (RFI)
Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ có thể bị đình chỉ công tác (RFI, 17/02/2014)
|
Ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, người đã bị lãnh án tử hình trong vụ án tham nhũng Vinalines, hôm 07/01/2014 khi ra tòa với tư cách nhân chứng trong vụ xử Dương Tự Trọng, đã khai ra người bí mật báo tin cho mình bỏ trốn là Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó ban Nội chính Trung ương khi được hỏi về khả năng tạm đình chỉ công tác của ông Phạm Quý Ngọ để bảo đảm cho việc điều tra, đã nói rằng : "Về nguyên tắc thì phải tạm đình chỉ, nhưng do ông Ngọ đang bệnh nặng nên việc này nhạy cảm".
Đây là lần đầu tiên một quan chức Việt Nam khẳng định ông Phạm Quý Ngọ "đang bị bệnh nặng". Trong tình huống đó, không rõ việc điều tra sắp tới sẽ được tiến hành theo cách thức như thế nào.
Trả lời RFI Việt ngữ, luật sư Trần Văn Tạo, giám đốc TVT Lawyers ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết :
Nếu có dấu hiệu phạm tội thì dứt khoát phải bị điều tra, còn nếu trong lúc đó họ bị bệnh nặng thì phải có giám định pháp y. Khi người bị khởi tố mắc bệnh tâm thần, hoặc những bệnh hiểm nghèo khác - thường là bệnh ung thư, bệnh tim nặng, thì có thể phải đi giám định. Không có kết quả giám định thì cơ quan điều tra cũng không có quyền tạm đình chỉ đâu.
Điều 160 bộ Luật Tố tụng Hình sự nói là trong trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả, mà thời hạn điều tra đã hết, thì tạm đình chỉ điều tra. Trong khi tạm đình chỉ thì việc giám định vẫn phải tiếp tục cho đến khi có kết quả.
Nếu bệnh hiểm nghèo mà có chứng nhận của hội đồng giám định pháp y thì người ta có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra. Và nếu kết quả giám định nói rằng không bị bệnh hiểm nghèo, không bị tâm thần, thì lúc bấy giờ người ta lại tiếp tục phục hồi điều tra. Còn trường hợp bị tâm thần, bệnh hiểm nghèo ngược lại thì có thể yêu cầu cho đi chữa bệnh.
Thời hạn điều tra là bao lâu thưa luật sư ?
Có quy định thời hạn : Nếu tội phạm không nghiêm trọng là hai tháng, không nghiêm trọng là ba tháng, rất nghiêm trọng là bốn tháng. Khi khởi tố thì thời hạn điều tra đầu tiên được bốn tháng. Nếu sau bốn tháng mà điều tra chưa xong, thì Luật Tố tụng cho phép được gia hạn lần thứ nhất bốn tháng nữa. Và nếu đã tám tháng qua mà điều tra cũng chưa xong, thì luật cho phép gia hạn lần thứ hai thêm bốn tháng. Tổng cộng thời gian điều tra so với tội rất nghiêm trọng là mười hai tháng.
Trong trường hợp một nhân vật đương chức bị tố cáo một cách cụ thể thì việc đình chỉ công tác để điều tra là việc cần thiết phải không ạ ?
Giả dụ như trường hợp ông Phạm Quý Ngọ, ông Dương Chí Dũng đã tố cáo ông Ngọ tại tòa. Khi ông này tố cáo, người ta chưa có đủ chứng cứ để tiến hành về mặt hình sự, thì trước mắt phải xử lý bằng biện pháp tổ chức và hành chánh trước đã. Điều đó là cần thiết, vì người ta tố cáo một cách công khai tại tòa mà.
Trường hợp này bây giờ Ban Nội chính cũng yêu cầu tố tụng đó. Khi điều tra xác minh rõ là có hành vi phạm tội rồi thì phải khởi tố ông Ngọ thôi. Theo báo Người Lao Động, ông Phó ban Nội chính ngại đây là chuyện nhạy cảm. Ông Ngọ đang bệnh nặng, bệnh của ông là bệnh tim thành ra nhiều khi làm sốc quá có khi ông ấy bị chết. Cũng không biết chính xác ra sao, nhưng nghe nói là ông Ngọ bịnh rất nặng, bị ghép tim.
Trong tố tụng hình sự, cũng phải có biện pháp để khi điều tra nếu xảy ra sự cố gì thì sẽ rất khó.
Theo một nhà quan sát, vụ Phạm Quý Ngọ là đòn cuối cùng của "phe bảo thủ". Nếu việc điều tra gặp khó khăn, vụ đại án này có nguy cơ trở nên bế tắc, không khai thác thêm được gì nữa, và như thế khó thể đụng chạm đến "phe lợi ích". Câu hỏi đặt ra là, bị dồn vào tình thế hiểm nghèo như vậy, mà nếu "phe lợi ích" vẫn thoát hiểm thì hậu quả sẽ như thế nào đối với "phe bảo thủ"?
Nguyễn Văn Huy tổng hợp
ethongluan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét