Hiu quạnh bãi đời - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Hiu quạnh bãi đời


Truyện ngắn của Đoàn Hữu Hậu

PHẾ LIỆU

Đó cũng là tên sách của ông Năm.

“Có những người dần dần trở thành phế liệu. Có những người từ phế liệu trở về”. Bốn mươi năm làm giám thị trại giam, tục gọi là “chúa ngục”, giờ đã nghỉ hưu ông Năm mới viết nên câu đó. Chắc hiếm có người nhìn được nhiều cảnh đời ngang trái như ông.

“Phế liệu, nói đơn giản, là đồ bỏ đi. Bỏ đi vì không xài được, hoặc giả vì không ưng ý nữa hay đã lỗi thời. Nói chung chúng không đạt. Hoặc bản thân chúng không đạt. Hoặc lòng người dùng chúng không muốn cho chúng đạt. Thế là chúng ra khỏi nhà, theo người mua bán ve chai đồng nát về cư ngụ ở vựa phế liệu, chờ ngày hóa thân hóa kiếp”.

“Vựa phế liệu, nói chung là bẩn thỉu. Bẩn thỉu là cái vựa, chỗ chứa đồ bẩn thỉu chứ không hẳn con người có dính dáng tới nó. Đôi khi người ta gặp mụ chủ vựa bóng bẩy vàng đeo nặng ỳ trên cổ, trắng nà trắng nõn, người thơm phưng phức mùi tiền nong. Còn tiền có bẩn hay không đố ai biết được. Đôi khi người ta thấy một con bé con chừng chín mười tuổi gì đó ngồi tại vựa, với xấp vé số trên tay, ghì đầu say sưa đọc những mảnh giấy rời xé ra từ những cuốn truyện cổ tích xếp đống chờ cân ký. Những hoàng tử và công chúa chen vô đời nhọc nhằn bươn chải quá sớm của nó lóe sáng cho nó chút gì của ước mơ. Trang sách mất tá lả. Không biết Thạch Sanh có cứu được công chúa hay không nữa. Vậy mà tiếp theo một chữ HẾT to đùng hiện ra. Theo thói thường cô bé cô bé tự đọc thầm trong đầu... họ sống hạnh phúc bên nhau đến trọn đời.

...Họ sống hạnh phúc bên nhau đến trọn đời. Cô bé lẩm bẩm. Ba má mình... họ có được như vậy không? Họ cãi nhau sằng sặc, như bầm bầu, như giận cá chém thớt, như nước đổ lá môn, như chịu đấm ăn xôi, như ăn xổi ở thì... Cái gì cũng nói được, cái gì cũng tấn công nhau được, bất kể bầy con nheo nhóc đói lả, đói meo, đói mốc. Con chị Bé Hai của nó thoát khỏi cảnh nhà nhang nhác, bầy hầy, thoát khỏi sự đay nghiến của cái nghèo là cao chạy xa bay, không một lần ngoái lại ghé thăm. Lúc đầu cũng từ cái vựa phế liệu này đây.

Bé Hai cặp bồ cặp bịch với gã chủ vựa này. Hai người nghe đâu trốn đi xây tổ uyên ương ở tận Sài gòn. Dân miền tây mà. Hễ có tịch, có rục rịch gì đều trốn đi Sài Gòn. Thành phố lớn... thân phận dễ dấu diếm. Mà người ta có săn lùng đuổi theo mặt mình cũng có dễ dàng gì. Vậy mà có lâu đâu. Một vụ lúa mất tầm bốn tháng. Lúa chưa chín rộ gã chủ đã quay về. Thân tàn ma dại, tiền mất tật mang, bé Hai đã theo thuyền khác! Gã định cố lỳ tính trong bụng sẽ đi nữa, đi luôn mà tiền nong đâu có chịu như vậy. Cái hèn của gã công tử nhà quê khiến gã khúm núm quay về đầu thú với vợ. Nhất bộ nhất bái, gã quì lại vợ như lạy tạ tổ tiên. Mụ chủ không thèm ngó tới mặt gã. Bãi cứt ven đường bả còn ngó, để tránh, khỏi dẫm đạp. Còn cái mặt thằng chồng... bả tuyệt nhiên không. Cứ tới bữa vứt cho tô cơm, con cá khô chiên, gọi là làm phước. Người dưng mình còn bố thí được huống hồ thằng chồng mất dạy của mình! Cứ coi hắn trả nợ trăng hoa đi. Cứ coi hắn là tù giam lỏng đi. Một cắc cũng không có thì làm sao mà gái với gú?

Đó là người tính. Trời thì tính khác. Một hôm trời cướp đi một nửa thân mình của thằng hư hỏng. Gã bị liệt một bên. Mồm miệng méo sẹo, hễ nói là nói ngọng, như chọc tức như lêu lêu nháy lại người ta. Đi đứng lựng sựng. Chân bên liệt trên bảo dưới không nghe, khi đi cứ đá ngang vẽ một chữ C trên mặt đất. Gã nằm nhiều hơn đi. Đời lang bạt kỳ hồ, hư nhiều hơn nên, giờ phải nằm nhiều hơn đứng. Hắn gần như chết mẹp, chèm nhẹp ở trên giường. Có đợt nặng còn tiêu tiểu tại chỗ. Có chết cũng không xong. Quả là trời trả báo!

Còn mụ chủ vựa ngày càng thơm phưng phức, da dẻ càng nõn nà hơn xưa nữa. Cả ngày phe phảy đung đưa trên võng, mắt dán vô cái ti vi nghĩa địa, tức cũng đồ phế liệu. Phim tình cảm Hàn quốc. Những cuộc tình tay ba, tay tư... Nói chung nước mắt tràng giang đại hải, hận tình chất cao như núi, cao hơn cả lời thoại. Thỉnh thoảng mụ cũng quét mắt vào góc nhà, chỗ con bé đang đọc ké truyện, tóc còn lơ thơ. Mụ chẩu mỏ. Lơ thơ... lơ thơ cái con khỉ. Chỉ cần vài năm là nó nhổ giò lớn xộn lên. Đít khu vồng lên mây mẩy. Rồi cũng lọ mọ giựt chồng người ta như con chị nó... May mà con dê đực kia đã bị liệt, nằm dài đễnh trong buồng. Nếu không... nếu không chắc cũng liếm láp tới ngữ này... Hứ! Dùng cái thứ... bản mặt nhà nghèo mà không sao ưa được. Nghèo mà trèo đèo chữ nghĩa. Bán vé số không lo mà ham đọc sách! Cúi rơm yên phận cúi rơm đi. Có đâu dưới thấp lại thèm trèo lên cao...
Đám xe tải về tới. Xe không, chờ chất phế liệu lên rồi quay đầu về Sài gòn. Đã nghe giọng mất dậy, mất nết phang vào bà chủ:

- Hôm nay hàng nhiều không em..em…m...bà chủ?

- Tắm rửa ăn uống gì đi rồi hãy tính. Bữa nay có bia nghe mấy anh...

- Trời ơi! Bà thương anh em tôi quá. A thì ra ba cái cáp đồng điện lực của thằng ăn cắp hôm qua chớ gì? Bà ém giá nó vừa vừa thôi nghe. Nó la lên thì nó cũng tù mà bà cũng trợn trắng vì công an đó!

- Nói nhỏ chút được không mấy cha!!!

Mụ chủ lừ mắt, liếc vào con bé trong góc nhà. Hai thằng tài xế xe tải nín thinh. Mụ gằn giọng nói với vô con bé:

- Ba giờ mấy chiều rồi đó mày. Ngồi cà kê đó hoài đi, vé số ế... rồi khóc mếu máo nghe con!!! Ý mụ là mày biến đi ngay để chúng tao hành sự. Dòm dòm... ngó ngó… hoài tụi tao mất tự nhiên.

Con bé lầm lũi bước về đời thật của nó.

Mấy gã tài xế xộc thẳng ra phía sau vườn, chỗ nhà tắm. Đó là cái vuông nhỏ đủ che ngang nách người đứng tắm, dựng tạm bằng ba miếng thiếc lủng lỗ đinh không có cửa đóng. Có thể nhìn thấy người tắm trong đó. Tiếng nước xối sàng sạc. Tiếng nói tục tỉu ằng ặc vọng vào trong nhà, vào chỗ gã chồng đang nằm. Gã đang thiu thiu ngủ. Hắn òi ọi muốn nôn. Chắc bữa trưa ăn không tiêu. Gã nghe tiếng đàn ông nói cười đôm đốp trong nhà. Gã nuốt tiếng thở dài sườn sượt vào trong cổ họng khô khốc vì nắng trên mái nhà thiếc dội xuống. Con vợ gã đang hơn hớn kiểu đó... thế nào cũng đú đởn với mấy thằng này cho mà xem. Đáng đời gã quá! Gã không muốn khóc mà cứ có cái gì âm ấm chảy ngang mắt chảy dài xuống gối. Mũi gã xịt lên như đỏ như nghẹt.

Gã nhớ tới bé Hai. Con nhỏ đẹp và cao ráo. Mắt nó to đen như một cái bẫy. Ghé nhìn vô là dính chấu với nó luôn không giãy giụa để rứt ra được. Cái miệng chúm chím ít khi cười lớn, chỉ nhoẻn, chỉ lơi lả buộc ràng những ánh mắt đàn ông, mà buộc chặt như sợi lạt mềm vướng víu chân ai. Môi bé Hai mọng lắm, hé ra ti tí khoe hàm răng hột bắp, khinh bạc mọi loại son môi. Sai lầm của gã là đã dẫn bé Hai vào một công viên nước. Úi trời ơi!Nó trút những quê mùa xuống, nội y lộ ra, là nó cao phổng lên liền. Chân tự nhiên thon dài mà trắng lên liền. Đố ai biết chân nó còn dính phèn! Hằng trăm con mắt xô nghiêng về cái mông căng mẩy như sợi dây căng treo nặng những phập phồng. Hàng trăm tia nhìn quét chữ chi trên bộ ngực kênh kênh trắng hồng của nó. Gã xốn mắt quá! Hổng lẽ biểu nó mặc đồ vô rồi về liền... Lỡ lần này thôi! Lỡ lần này thôi! Tắm ở công viên nước mà cứ niệm thần chú như vậy còn chi là hứng thú... Ở quê con gái cởi đồ tắm sông thường là về đêm. Bất quá có vài thằng mất dại nó rình em tắm là cùng. Đằng này giữa ban ngày ban mặt... thiên hạ tới một ngàn thằng đói mắt, nuốt bé Hai ừng ực như thế kia. Gã niệm chú là phải!

Sau đận đó gã cấm tiệt bé Hai đi bơi. Bé Hai vẫn cứ đi một mình. Con hươu biết đường chạy rồi cần gì người vẽ đường nữa! Bé Hai vẫn cứ đi một mình, mặc kệ lời càu nhàu, xỉa xói, như nhai giẻ rách của gã nhân tình. Có khi con bé mang luôn đến chỗ tắm những vết bầm dập thịt da, những căm hờn chất chứa. Có ở đâu nó được người ta tâng tiu, chào mời nịnh nọt như ở đây. Những thằng lông bông ở quê... tóc dài sùm sụp, nghêu ngao những câu nhạc tình rẻ tiền và lạt lẽo như nước luộc ốc. Ngay gã tình nhân chủ vựa phế liệu... ở quê thì như ông trời con về tiền nong, đã đến đây là biến ngay thành đồ vớ vẩn. Người ta mời bé Hai đi xe hơi, ăn nhà hàng sang trọng, đi bar, sắm đồ hiệu. Người ta ăn nói từ tốn dễ nghe. Có bị từ chối người ta cũng dịu dàng đằm thắm, không thượng cẳng chân hạ cẳng tay gì hết.

Rồi bé Hai đi tắm buổi trưa tối mới về. Rồi khuya về. Rồi không ăn cơm nhà nữa. Gã cứ nốc rượu bù vô nỗi trống trải. Nếu có điện thoại cho bé Hai gã cũng chỉ nghe tiếng kèn lá thổi trong đám ma ò í e đáp lại. Rồi điên tiết rồi lồng lộn... Rồi hắn lên phường lấy lời khai về tội bạo hành với phụ nữ. Một lần. Hai lần. Rồi bé Hai đi luôn. Lần cuối ra đi mắt con bé đeo tới hai cái kính râm. Một, vết bầm tím rịm quanh hai con mắt đẹp. Hai, cái kính râm thiệt hiệu Dior của một đại gia tặng cho. Chỉ chờ một tuần sau khi dấu bầm phai đi, phết lên mặt chút phù phiếm của son phấn, trút bỏ quần áo xuống như ngoài công viên nước cho người ta chụp hình quảng cáo này nọ, bé Hai kiếm được số tiền, sợ còn to hơn số tiền gã nhân tình đã mang từ quê lên.

Tiền gã cạn dần như sông kia tới hồi nước ròng. Gã càng cuống cuồng ráo riết lùng kiếm bé Hai. Sài gòn rộng lớn quá. Gái như bé Hai ở đây có trăm ngàn đứa. Hành trang của hắn chỉ có chiếc xe gắn máy và con dao cán vàng lận lưng. Hắn đo kỹ lắm rồi. Con dao bén ngót cạo râu được, dài 22 cm, phần cán 11cm, phần lưỡi 11cm. 11cm nếu đo từ vú vào lồng ngực dư sức trổ qua tim. Nhưng con sáo đã sang sông, con sáo đã sổ lồng làm sao gã tìm được? Có chạy hết hàng ngàn lít xăng cũng chưa giáp được hai quận của Sài Gòn, đó là lời của mấy cha xe ôm nói với hắn.M à ở đây có tới cả chục quận! Hai bà, một bà vợ lớn, một bà vợ bé chỉ ở cách nhau có một quận mà tám trăm năm chưa biết mặt nhau để đánh ghen! Sự việc chỉ vỡ lỡ khi thằng cha hung thủ đã nằm chình ình trong hòm. Con cái hai ba dòng lớn bé bu lại khóc cha! Chừng đó hai bà mới biết mặt nhau. Hê hê... À, hay vợ anh bỏ về quê... Quê vợ anh ở đâu, về đó thử coi... Thôi tìm kiếm làm gì. Con vợ anh đã quyết chí ra đi thì dù trời có sập xuống nó cũng không quay lại.

Bán xong chiếc xe ăn cầm hơi và nuốt rượu cầm hơi. Con dao thì không ai mua nên gã phải có giang những chiếc xe tải rồi lủi đầu về quê. Ở quê có chết cũng có đất chôn. Ở đây xác gã chỉ có nước vứt ra bãi rác... Một thằng nửa người nửa xác có con dao cán vàng lận lưng...

Giờ đây, từ chỗ gã nằm chết mẹp chết dí, gã khoét lỗ trông ra chỗ nhà tắm dừng ba tấm thiếc... Gã càng mệt, càng liệt bao nhiêu, vợ gã càng mởn càng trắng bấy nhiêu. Nhục tấm thân gã lắm. Phải chi gã chết đi để khỏi nằm rục rã, thiu ôi như vầy. Mông gã bắt đầu loét. Thịt thúi lai rai. Sinh thực ủ dột, liệu iệu như cọng bông súng nhúng vô cái lẩu nước sôi. Mỗi lần vệ sinh cho gã, mụ vợ phải đeo găng, gớm ghiếc sạc xà bông vô chỗ đó. Gã trước đây bị vô sinh. Hai vợ chồng đã tốn bao nhang khói cho chùa chiền tứ phương mà có được gì đâu. Thử tinh trùng đồ thì bác sĩ lắc đầu... Dòm qua cổ áo vợ thấy hai quả đào hưng hửng mà đành nuốt cái hận vào lòng. Bọn giang hồ kêu bằng đổ mồ hôi lưỡi mà giả bộ làm thinh. Nếu người ta đâm gã bằng chính con dao dài 22cm, chắc gã cũng không thấy đau bằng. Sao ông trời không bắt thằng công tử đã tuyệt tự này chết lẹ lẹ để khỏi phải khổ như vầy hả trời? Chả có ông trời nào ở trên kia. Chỉ có mái nhà thiếc thủng lỗ đinh, nóng hừng hực nhìn xuống hắn. Tiếc lắm! Bọn đàn ông khỏe mạnh đang tắm táp và nói tục tỉu ngoài kia.

“Có những người dần dần trở thành phế liệu. Có những người từ phế liệu trở về...” Khi viết những dòng trên ông Năm thường lẩm nhẩm câu nói ấy.

*** --- ***

Đây chỉ là một phần nhỏ được đưa vào sách của ông Năm. Ông còn chép nhiều câu chuyện khác từ những năm tháng làm quản giáo, cai ngục, giữ tù hay “chúa ngục” (chữ của ông, mượn tiếng dân gian để cười chơi).

Cuốn sách của ông Năm sau nhiều chi li tính toán, chắt mót từng đồng lụm khụm trong mớ lương hưu rồi cũng được in ra. In một ngàn cuốn. Đó là những cuốn sách da mịn như nhung, chữ in rõ đẹp. Nói chung là hoàn hảo vì nó là con mình đã mang nặng lâu rồi, mà mới đẻ đau đây thôi. Và nói chung, nó hay, vì nó là văn của mình, tỉ như vợ người thì đẹp ấy mà. Ông mân mê hun hít chúng nhiều đêm. Ông chăm bẳm chúng như mẹ chăm con còn nhỏ dại. Mùi sách mới đã trăm ngàn lần ngửi. Nhưng lần này ông quả quyết nó thơm hơn. Ký tặng bạn bè cho đã đời. Ai quen sơ hay thân gì đến nhà ông là ông tặng. Tới con bé bán vé số mới tí tuổi đầu ông cũng tặng.” Trong sách có cháu nữa đó.” “Vậy hả ông?” Thiệt ra ông tặng, để cho ông nói được một lâng lâng “Sách của tôi viết...”

Sách của ông có cái lạ. Ở nhà chúng đã đẹp, ra nhà sách chúng hiên ngang trên kệ sách trông chúng lại càng đẹp! Ông ngắm chúng ở đó hàng giờ. Nếu không kẹt chuyện đồng ruộng, nếu không kẹt con heo nái ở nhà phá chuồng đòi đẻ, ông chắc ở trong nhà sách luôn quá... Ông lởn vởn nhà sách nhiều hơn ở nhà. Bà năm nhằn dữ lắm. Coi bộ già sanh tật mê con mẹ nào ở đó!Kệ bả! Đàn bà biết gì cái sự văn chương! Ăn cơm không dòm tới mặt tui hả? Được, tui đi nữa. Đi chừng nào bà hết giận thì thôi... Các cô bán sách mặc áo dài hồng đi tới đi lui tha thướt như nàng thơ. Các nàng thơ đề phòng lão già ốm đeo túi dết kia ăn cắp sách nên cũng quấn quýt lấy ông, đeo đuổi lấy ông cho tới bến.Ông già khả nghi thiệt. Hôm nào cũng vào nhà sách vào tầm đó, ứng ngay quầy sách đó, cầm cuốn sách đó lên vân vê, rồi vờ đọc chăm chú. Thỉnh thoảng ông bắt chuyện với người mua sách đi đến gần ông. Ông chỉ chỉ chỏ chỏ rồi dúi vào tay họ cuốn sách ông đang cầm. Nhiều ngày như thế nhưng tuyệt nhiên ông không mua cuốn nào. Rồi ra về đúng giờ như mọi ngày. Các nàng thơ theo dõi chán mà không thấy ông lấy cắp món gì cả. Bên dĩa cóc chua lè chấm muối ớt họ kết luận rất nữ tính: Ông vô hại, và chắc bị tửng tửng từng tưng! Kệ họ! Đàn bà biết gì cái sự văn chương! Xem ra câu nói của ông lý thú ra phết.

Đã ba tháng. Số người mua sách của ông rất ít. Nó ế. Hình như ngày nay người ta ưa hình sự, trinh thám, tình yêu và tình dục, phong thủy, tôn giáo... hơn là chuyện nhân tình thế thái, chuyện của con người, mà nhất là chuyện gần với đời thật, như sách của ông. Sách ế lắm. Cô bán sách bảo với ông, cái ông “tửng tửng từng tưng”, hơn hai tháng rồi chỉ bán được dăm cuốn. Chắc phải thanh lý đám sách này... Trái tim ông vọt lên trên động mạch thái dương, đập bình bịch trên đó. Tự nhiên mặt nóng hừng hực như uống xong mấy cốc rượu đế Gò đen chánh hiệu. Bụng ông nó xót kỳ cục như nhai xoài chua vào sáng sớm vậy. Thanh lý là sao cô? Là đổ đống ra lề đường, ngay cửa nhà sách mình nè, bán giảm giá để thu hồi vốn, tái đầu tư vô sách khác nữa, có lợi hơn! Vào các dịp lễ, tết đó ông, ông muốn mua sách, chờ dịp đó mua sẽ rẻ, giảm từ 50% đến 80% tùy cuốn đó ông. Ông nuốt tiếng thở dài vô, ráng hít hơi sâu. Đương không ông bị mắc nghẹn lãng nhách. Có cục gì chận cổ họng ông vầy nè trời. Ông thờ thẫn bước về cái quầy sách mà ông vẫn thường tạm trú. Ông chạm vào những đứa con ông. Hôm nay sao chúng nặng nặng hơn mọi bữa. Ông lật ra coi. Cuốn sách cũng y như vậy mà...

Bà Năm cằn nhằn ông suốt. Khoản tiền lụm khụm như lương hưu để in sách, đáng ra, ông nên nghe bà, mua cho thằng con chiếc Dream hai, cho nó chạy đi làm, bằng anh bằng em. Ông đã không chịu. Bộ xe cà tàng chạy đi làm là chết hay sao mà phải là Dream hai. Đua đòi chứ gì? Con đàn bà bắt đầu đua đòi là làm đĩ dễ như chơi. Trại giam của ông chứa đầy thứ đó. Còn thằng đàn ông đua đòi... Hồi đó, tui là cán bộ, cũng chỉ lọc cọc đạp xe Phượng hoàng Tàu... Trời ơi đổi mới rồi! Ông Năm à, sao ông cứ cũ xì cũ mốc vậy ông Năm. Bà Năm bỏ đi dạo xóm không thèm cãi với cha già ngang như cua. Ông ngồi lại với bình trà xanh Thái nguyên không ướp. Trà ướp lài sen ngâu gì cũng không tốt cho người cao máu như ông. Nhìn theo lưng vợ lòng ông xuôi xị như người ta thõng tay vào chợ, không còn ham tí danh lợi nào, như các bậc thiền sư đã đốn ngộ chân lý. Bả cũng đúng. In sách... sách ế... mình sống cho mình nhiều quá. Phải chi để tiền mua chiếc Dream hai...

Cái ngày sell off, sách đổ đống trước cửa nhà sách. Lão già đeo túi dết xề xệ, đạp xe cà tang, nói chung là cái lão tửng tửng từng tưng... cũng lảng vảng bên cạnh những nàng bán sách mặc áo dài hồng. Họ quá quen mắt cái cảnh ông già rị mọ cầm sách lên, cũng cuốn sách ấy đọc mê say cả buổi mà không mua bán gì hết. Ông còn giúp các cô sắp xếp lại sách cho khách dễ lựa dễ mua. Ông còn thẳng thắn phê bình các cô cậu học trò nhỏ cầm sách lên mà không trân trọng, lại còn dùng sách mà đập vào đầu nhau đùa giỡn vô duyên. Các đồng chí… à không các cháu, phải nâng niu sách như vầy như vầy nè. Những con mắt non tơ không nhìn đời giống ông. Chúng nhìn ông rồi lắc đầu thè lưỡi rồi láo nháo kéo nhau đi nơi khác...

Sách ông bây giờ người ta giảm giá 80%. Giá một cuốn sách còn chừng một ổ bánh mì thịt, chừng nửa tô phở, chừng nửa giá hớt một đầu tóc. Miệng ông đắng như những đợt sốt rét trong rừng. Ông ẵm những đứa con của mình lên. Ông nhẩm đếm những hai mươi cuốn rồi dòm vô ví tiền. Ông chặc lưỡi rồi khẽ khàng đặt chúng xuống. Mắt ông muốn lên độ hay cái kính bị dính hơi nước mà ông thấy mờ mờ như mình đang khóc. Mình mà khóc chắc mặt mình vô duyên lắm. Ông dụi kiếng, dụi mắt rồi ghì đầu vô sách vờ đọc. Đúng cái đoạn nói về vựa phế liệu. Không vờ đâu, ông đọc thật.

“Chỉ có bọn trẻ mới nhìn ra được trong vựa phế liệu kia một thiên đường trong vắt. Nếu ta nhìn quanh chỉ thấy đời là một đống phế liệu lớn, mà không nhìn ra bất cứ gì tốt đẹp thì chắc cái sống của chúng ta cũng không còn mấy nả! Ta thành mụ chủ vựa kia mất rồi. Cân ký tất. Thành tiền tất. Hu hu đời thế mà là đời sao...

... Rồi sách. Cơ man là sách bị đem cân ký. Shakespeare và Hugo, Standahn và Tonstoi, Aristot và Platon, Kinh thánh và Thiền luận của Suzuki... đều bị xếp ngang hàng với những tạp chí lá cải, những tạp chí dạy người ta sống và yêu, mà người dạy thì chưa sống và yêu thực sự bao giờ. Nói là ngang hàng, bằng nhau tất nếu đem cân thành giấy lộn! Bà chủ vựa đúng là có phép thần thông. Có ai có thể biến những tri thức của nhân loại sánh ngang với đồ rác rưởi được không...”

Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay. Mình hèn như thế từ bao giờ? Ông chợt nghĩ vậy rồi đặt nhẹ cuốn sách xuống, xếp ngay ngắn. Thở dài. Lủi thủi bước ra lấy xe đạp. Ông ra về mà quên chào hỏi các nàng bán sách áo hồng như mọi khi.

*** --- ***

Chiều hôm ấy ông đi nhậu về đã ngà ngà say. Ông đi ngang vựa phế liệu. Ông tình cờ biết được chuyện về bà chủ vựa, cái kết thúc thực tế còn hay ho hơn những gì ông đã viết ra.

Cửa vựa khép hờ, đủ một người đi qua. Một thằng tài xế say mèm nằm vắt mình trên võng gần cái ti vi nghĩa địa mở to hết cỡ. Tiếng ngáy sồng sộc của nó sợ còn to hơn tiếng thuyết minh phim. Gần đó là một bàn nhậu ngổn ngang. Nào dĩa mồi thịt heo quay đỏ loẹt, nào dĩa trái cây xanh mét, nào những lon bia xanh xanh vất tứ tung, trên bàn có dưới đất có. Đại loại hiện trường trong nhà là thế.

Còn hiện trường ngoài sân... Một chiếc xe tải loại năm tấn đậu ngay cửa. Ủa tụi này đã chín giờ tối sao chưa chở hàng đi Sài gòn? Ông Năm đi bộ tà tà tới, đầu óc còn lâng lâng vì rượu. Kể ra rượu mà trộn với khô cá sặc bổi ướp lá sầu đâu trong dạ dày thì cũng khó say. Ông dừng lại bên xe tải, chỗ tối nhất, đứng đái.

Ông nghe rõ ràng tiếng hai người nói, một đàn ông, một đàn bà, trong thùng xe tải

- Em trễ kinh hơn tháng nay rồi... Thằng chồng em mà biết được, chắc nó sùi bọt mép, lên cơn suyễn rồi đi luôn...

- Là có bầu hả bà...?

- Sao không kêu bằng em? Ăn nằm với người ta biết bao nhiêu lần còn giả đò nữa hả?

- Nhưng... ai là cha nó? Thôi phá thai đi... Hay thằng chồng em nó làm?

- Nó liệt rồi, nó làm sao nổi? Vả lại nó vô sinh. Bộ anh hổng biết thiệt hả?

- Ừ, không nó thì hổng chừng thằng khác nữa. Không chắc là tui à nghe....

- Không anh thì thằng chó nào...?

- Ai biết được... không chừng là thằng Tám nằm trên võng trong kia...

- Anh chó má vừa thôi chớ. Tôi là con đàn bà gì mà chơi hai thằng cùng một lúc? Trời ơi là trời...

- Bà la lớn lên luôn đi cho hàng xóm biết! Đẹp mặt dữ hén! Thằng chồng nằm liệt chứ có chết đâu mà bà đã nhảy cựng với trai cho có bầu... Tui nói thiệt đó. Trong máy điện thoại của thằng Tám có hình chụp bà đang ở truồng. Trắng tươi hà. Chụp từ sau đít. Mông bên phải bà có một nút ruồi nhỏ nhỏ... Nó không gần bà... sao nó chụp được hình đó?

Tiếng khóc đàn bà to lên hù hụ, gần như rống.

Ông bỗng nghe một tiếng rầm, như tiếng tấm thiếc đổ phía sau nhà. Thằng tài xế đang ngáy lồm cồm bò dậy chạy thẳng ra phía sau nhà.Nó kêu lên:

- Trời ơi anh Tư!!! Sao anh té vầy nè?

Hai đứa trong xe tải tung cửa nhào xuống. Chúng cũng không để ý ông đang luống cuống chạy theo sau. Ông còn chưa kịp cài lại nút quần...

Thằng tư, chồng mụ chủ, đã ra đi. Bọt mép nó sùi hệt như lên cơn suyễn, y chang lời vợ nó nói! Tay nó chụp lên tấm thiếc nhà tắm rách một đường tứa máu. Vội vã tiếp khiêng thằng tư vào nhà, ông sờ đụng trong lưng quần nó con dao cán vàng thái lan, chiều dài 22cm. Ông liếc qua cổ áo con vợ nó. Hàng nút cài lụp chụp lệch xéo sang một bên... Ông buông mấy tiếng:

- Nó tắt thở rồi!!!

Rồi ông bỏ đi ra cửa. Tiếng rống của mụ vợ ống lên lanh lảnh. Hình như to hơn tiếng rống hồi nãy, trong thùng xe tải.

- Trời ơi là trời!!!

Nó khóc vì chồng nó chết hay nó khóc sướng rơn vì được tự do? Ông năm không biết. Ông định bụng đi về nhà ghi chép chút chút. Để dành sau này chỉnh lý bổ sung cho cuốn sách của ông! Văn chương nghiệp dĩ. Đã dính vô rồi phải dính luôn! Thôi kệ đời đi. Được viết ra là đã sướng rồi.

*** --- ***

Ông Năm viết tiếp một đoạn sau đây rồi tắt tị.

“Con bé đọc truyện Andersen trong mớ giấy lộn ấy. Truyện con ếch đã chán ngấy đầm lầy chỗ nó sinh sống nên mơ ước được đi xa. Qua lời bọn cò từng đi đây đó con ếch muốn đi Ai cập, nơi có hoàng hôn tuyệt đẹp trên sông Nil, có sa mạc mênh mông... Nó đã nhờ đàn cò cho nó bám vào chân để đi Ai cập. Vì ước mơ, nó quên nó là miếng mồi ngon của bầy cò... Cuối cùng nó chết trong bụng cò khi đang trên đường bay về Ai cập, khi nó đang mơ về nắng vàng của sông Nil và những sa mạc bao la…

Nhưng con bé không được đọc hết như vầy vì những tờ giấy mất đi ở vựa phế liệu. Nên nụ cười nó vẫn tươi, mơ ước của nó vẫn trong veo như mọi khi...”

Tôi bâng khuâng. Không biết vợ chồng bà chủ vựa, rồi bé Hai, rồi bọn lái xe tải, đang bám chân cò nào, đang mơ những giấc mơ nào...

Tôi hỏi ông Năm sao không viết tiếp. Bộ sợ sách làm ra bị ế nữa hay sao. Ông cười:

- Tôi bị tai biến mạch máu não. Có thể là bệnh trong đầu. Có thể là bệnh trong tâm. Tay cầm bút nó liệt rồi ông ạ... Khi nào nó khá tôi viết nữa. Mắc gì phải sợ!

Tôi chợt nghĩ. Có khi tôi chẳng bệnh hoạn gì mà tay cầm bút vẫn liệt đó thôi...

Đoàn Hữu Hậu,

Bài do tác giả gởi. VANGANH.INFO biên tập và minh hoạ.

Đoàn Hữu Hậu
Là nhà văn, nhà báo được đào tạo tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền TP Hồ Chí Minh, hiện đang sống và làm việc tại Rạch Giá - Kiên Giang, Việt Nam....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad