Tòa Campuchia cáo buộc một người Việt gây bạo lực biểu tình - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Tòa Campuchia cáo buộc một người Việt gây bạo lực biểu tình


Nguyễn Văn Đức lúc đang bị tạm giam tại tòa án sơ thẩm Phnom Penh, ảnh chụp sáng ngày 28/2/2014.
Tòa án sơ thẩm thủ đô Phnom Penh sáng ngày 28/2, công bố bản án liên quan đến 5 người Campuchia và một người Việt tình nghi tham gia biểu tình cùng phe đối lập và gây bạo lực tại khu vực cầu Sài Gòn hồi tối ngày 15/9/2013. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình sau đây:

Gây bạo lực có tình tiết tăng nặng?

Thẩm phán của tòa sơ thẩm thủ đô Phnom Penh tuyên án cáo buộc một người Việt tham gia biểu tình cùng phe đối lập với tội danh ‘cố ý gây bạo lực có tình tiết tăng nặng’, theo điều 218 của Bộ luật hình sự Campuchia, và điều 410, 411, về tội danh ‘cố ý phá hoại tài sản’.

Nghe tường trình
Theo thẩm phán Seng Neang, Nguyễn Văn Đức, 21 tuổi, đã bị bắt vào tối ngày 15/9/2013 lúc tham gia biểu tình với hàng trăm người dân Campuchia tại Quảng trường Dân chủ nhưng sau đó kéo nhau đến khu vực cầu Chba Ompau hay còn gọi cầu Sài Gòn, nơi có đông người Việt sinh sống.

Thẩm phán này khẳng định, cảnh sát đã bắt giữ 5 người Campuchia và một người Việt. Do thiếu bằng chứng, phiên tòa quyết định trả tự do cho 3 người Campuchia, còn 2 người Campuchia khác bị phạt 3 năm tù cho hưởng án treo. Đối với Nguyễn Văn Đức, bị xử phạt tù một năm và hưởng án treo 2 năm.




Chúng tôi rất thất vọng với quyết định của tòa án đối với ba người nói trên. Bản án này bất công, đặc biệt là đối với người Việt.

-Ông Om Samath
Ông Om Samath, lãnh đạo tổ chức nhân quyền LICADO, một tổ chức nổi tiếng ở xứ chùa Tháp theo dõi vụ việc, tham gia trợ giúp pháp lý và cử luật sư biện hộ cho Nguyễn Văn Đức xác nhận với RFA sau phiên xử kết thúc rằng sáu người bị bắt nói trên là những người đi đường, không được tham gia biểu tình với đảng đối lập.

Ông nói: “Chúng tôi rất thất vọng với quyết định của tòa án đối với ba người nói trên. Bản án này bất công, đặc biệt là đối với người Việt. Theo nhân chứng và kết quả chất vấn tại phiên xử, họ là người tham gia giao thông trên đường gặp ách tắc đoạn đường, họ xuống coi rồi bị bắt.”

Vào tối ngày 15/9/2013, cảnh sát chống bạo động của Campuchia đã tấn công vào hơn một trăm người biểu tình thuộc phe đối lập, người đi đường tại khu vực cầu Sài Gòn. Xung đột xảy ra, lúc người ủng hộ phe đối lập trở về nhà sau khi tham gia biểu tình phản đối kết quả bầu cử khóa V, và đòi thành lập một Ủy ban điều tra bầu cử độc lập.

Cảnh sát đã dựng hàng rào chắn đường, cấm người và không cho phép xe cổ lưu thông trên các tuyến ra vào thủ đô Phnom Penh nhưng bị người biểu tình và người đi đường phá bỏ hàng rào. Cuộc đụng độ xảy ra khi cảnh sát đàn áp người dân bằng dùi cui, bắn lựu đạn cay và nổ súng giết chết một người Campuchia và hơn 10 người khác bị thương nặng và nhẹ; đồng thời bắt giữ 6 người nói trên.

Ông Om Samath, lãnh đạo tổ chức nhân quyền LICADO trả lời phỏng vấn RFA tại tòa án sáng ngày 28/2/2014. RFA PHOTO/Quốc Việt.
Còn nhóm người biểu tình, công nhân và người đi đường buộc phải đáp trả bằng gạch đá, chai nước và giầy về phía cảnh sát. Xung đột căng thẳng đã làm ách tắc đoạn đường dài trên tuyến đường dẫn vào Phnom Penh làm nhiều người lo sợ đã bỏ xe chạy tìm nơi trú ẩn. Vụ đụng độ này, cảnh sát Phnom Penh lên tiếng phủ nhận trách nhiệm về cái chết của người dân, họ khẳng định không hề bắn vào nhóm người biểu tình.

Hiện chỉ còn Nguyễn Văn Đức đang bị giam cầm tại nhà tù Prey Sar. Đức phát biểu với phóng viên Quốc Việt tại phòng tạm giam của tòa án sơ thẩm Phnom Penh sáng ngày 28/2 rằng Đức không có gia đình tại Campuchia. Từ lúc bị bắt đến nay không có đại diện bên Sứ quán và Hội người Việt kiều tại Campuchia đến thăm hỏi, hoặc trợ giúp vấn đề pháp lý…

Nguyễn Văn Đức khẳng định rằng đây là vụ án bất công vì Đức không tham gia biểu tình, gây bạo lực hoặc có liên quan đến các hoạt động chính trị tại xứ chùa Tháp. Nguyễn Văn Đức yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam giúp can thiệp và theo dõi vụ án này.

Nguyễn Văn Đức cho biết thêm: “Em không làm gì sai hết. Hôm đó, em đi chung với Chủ em. Đi tới đầu cầu bị kẹt xe. Em mới nhảy xuống xe coi nó kẹt tới đâu. Em đi vòng vòng, rồi bị người ta bắt luôn. Em lớn lên và sống ở Neak Loeung.”

Việt Nam chưa lên tiếng

Mặc dù Nguyễn Văn Đức đã bị cảnh sát bắt từ ngày 15/9/2013 đến nay tuy nhiên vẫn không thấy Hiệp hội người Việt kiều, Đại sứ quán Việt Nam hay chính phủ Việt Nam lên tiếng.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thông, Tham tấn phụ trách chính trị đối ngoại và phát ngôn viên của Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh nói chính phủ Việt Nam cũng như Sứ quán và Hội người Campuchia gốc Việt đều quan tâm và bảo vệ quyền lợi cho người Việt, người gốc Việt đang sinh sống và làm ăn ở xứ chùa Tháp.




Em không làm gì sai hết. Hôm đó, em đi chung với Chủ em. Đi tới đầu cầu bị kẹt xe. Em mới nhảy xuống xe coi nó kẹt tới đâu. Em đi vòng vòng, rồi bị người ta bắt luôn.

-Nguyễn Văn Đức
Trả lời câu hỏi chúng tôi tại sao Sứ quán Việt Nam không tham gia trợ giúp pháp lý hoặc tìm luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Đức, người phát ngôn Trần Văn Thông nói: “Không, phải tìm hiểu đã. Phải tìm hiểu xem thân nhân trong trường hợp đó như thế nào. Cần tìm hiểu xem nội dung, thông tin liên quan.

Chúng tôi sẽ tìm hiểu qua các thông tin tại Campuchia. Xem thân nhân của trường hợp đó liên quan thế nào trong vụ án này. Sau đó, chúng tôi mới có ý kiến được. Sứ quán hay Hội người Campuchia gốc Việt căn cứ trên cơ sở luật pháp của Vương quốc Campuchia, luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để xem xét cụ thể. Chỉ trên cơ sở đó thôi chứ không [làm] gì được đâu.”


Liên quan vụ án này, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Campuchia đồng loạt lên tiếng gọi đây là vụ án thất thường mà chính phủ Việt Nam hoặc Sứ quan Việt Nam cần quan tâm và can thiệp.

Ông Ang Chanrith, Giám đốc Tổ chức bảo vệ Quyền Dân tộc Thiểu số (MIRO) nói dù chính phủ Việt Nam không hưởng được lợi ích chính trị trong vụ án Nguyễn Văn Đức, nhưng ít nhất chính phủ phải theo dõi và thúc giúc phía Campuchia điều tra làm rõ cụ thể và xét xử công bằng.

Ông Ang Chanrith: “Vừa qua, vụ án một người Việt bị đám đông giết chết tại Campuchia, người ta thấy chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng, yêu cầu điều tra. Như vậy, để thể hiện sự quan tâm đến tất cả người Việt ở đây, chính phủ Việt Nam cũng phải can thiệp và giúp tìm luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Đức. Để thể hiện sự tôn trọng và nâng cao quyền người Việt tại Campuchia, Việt Nam cũng không nên nghĩ cái gì đem lợi cho Việt Nam mới giúp can thiệp.”

Vụ án Nguyễn Văn Đức đã được tổ chức bảo vệ nhân quyền LICADO và nhiều tổ chức khác quan tâm giám sát. Nguyễn Văn Đức và luật sư cho biết họ sẽ tiếp tục khiếu nại lên tòa phúc thẩm cho dù không nhận được sự can thiệp, giúp đỡ hỗ trợ về mặt pháp lý của Việt Nam.

Quốc Việt,
thông tín viên RFA

========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad