Hỗ trợ ngư dân bằng tàu cá bọc sắt - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Hỗ trợ ngư dân bằng tàu cá bọc sắt


Một tàu cá bằng gỗ của ngư dân Phú Quốc.

Nghe bài này
Do tàu Trung Quốc liên tục tấn công và đâm vỡ tàu cá Việt Nam trên ngư trường Hoàng Sa Trường Sa hơn tháng qua, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ngãi đang tính đến việc gấp rút đóng tàu bọc sắt cho ngư dân thay vì đi bằng tàu thân gỗ như lâu nay.

Tàu vỏ sắt cho ngư dân ra Hoàng Sa và Trường Sa, thay vì những chiếc tàu gỗ mà cứ bị rượt đuổi và húc cho vỡ ra cả hơn tháng qua, đang là vấn đề được chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ngãi gấp rút thực hiện.




Mình tàu gỗ, thấy tàu sắt mình cũng phải sợ, khi bọn chúng đến thì mình bỏ mình chạy để tránh né chứ mình tàu gỗ so với tàu sắt thì ngư dân Việt Nam mình thua nhiều.

- Thuyền trưởng Trương Văn Nên
Kể từ lúc Trung Quốc ngang niên hạ đặt giàn khoan HD 981 tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhà nước đã khuyến khích ngư dân bằng mọi giá phải ra khơi nhằm khẳng định chủ quyền. Hàng loạt vụ truy đuổi va chạm đã xảy ra đối với những chiếc tàu cá thân gỗ của Việt Nam. Một tàu cá Đàng Nẵng bị đâm chìm, nhiều chiếc khác vỡ đuôi, vỡ thân tàu, hỏng buồng lái, phải nhờ tàu bạn lai về bờ:

Tàu đi ngày 11, cách Hoàng Sa khoảng 100 lý, đó là vùng của Việt Nam làm. Nói chung là lúc nào cũng bị xua đuổi miết, phun nước xong rồi chạy đến thật sát. Mình tàu gỗ, thấy tàu sắt mình cũng phải sợ, khi bọn chúng đến thì mình bỏ mình chạy để tránh né chứ mình tàu gỗ so với tàu sắt thì ngư dân Việt Nam mình thua nhiều.

Đó là lời anh Trương Văn Nên, mà chiếc tàu cá ĐN9005 do anh làm thuyền trưởng, phát xuất theo đội tàu 5 chiếc ngày 11 tháng Năm từ bãi Thanh Khê, Đà Nẵng, bị tàu Trung Quốc xịt nước rồi đâm hỏng, vừa trở về bờ ngày 4 tháng 6 vừa qua:

Thiệt hại một chiếc, tông là 4 chiếc, tông từ đằng sau tông tới thì thứ nhất là hở be, nói chung gỗ đóng tàu gọi là be, từ đó coi như là bị nước vào. Tông mà ví dụ như hắn sơ sơ thì mình còn làm lại được, còn nếu mà hắn tông nặng quá thì cũng nhờ đồng đội kêu cứu để dắt vào. Nói chung cũng bị 40%, bởi vì nếu phần trên chưa đến cái mực nước ngoài biển thì không vô nước bao nhiêu. Bị gãy diền hay be nói chung là ở cái phần trên. Cho nên nhiều lúc về cũng kêu gọi nhà nước làm thế nào cho bà con ngư dân ra làm chứ còn tàu gỗ chống với tàu Trung Quốc thì không được rồi.

Cũng ra khơi ngày 11 tháng Năm từ bãi biển Thanh Khê nhưng ở một điểm xuất phát xa hơn, trở về ngày 3 tháng Sáu vừa rồi, tàu cá ĐN90175 của thuyền trưởng Trương Văn Hay hai lần bị tàu Trung Quốc tấn công:

Khoảng ngày 15 thì anh đi ra cách đảo Tri Tôn về hướng Nam khoảng 25 lý. Ngày 15 chiều, hồi 6 giờ, đang thả lưới thì một tiếng đồng hồ sau anh phát hiện có một số tàu Trung Quốc đang chạy xuống. Anh lên ga anh chạy, chạy một đoạn là nó dí theo khoảng 6 chiếc. Thấy không ổn bắt đầu anh tăng tốc thì nó lao thẳng nó đâm va vào tàu anh làm hư hỏng nặng.

Đến ngày 20 tháng Năm, khoảng 14 giờ chiều, có một tàu vỏ thép Trung Quốc, tàu vỏ thép lớn đó, lao xuống xua đuổi tấn công mạnh luôn. Bị tấn công thì anh ra tốc độ hai máy anh chạy mà không kịp. Nó lao thẳng nó đâm tiếp vào mình là ngày 20 đó. Thế là anh em mới la làng lên, họ nói “quẹo phải, quẹo phải”. Nhờ sự khôn khéo và mưu trí của anh em thủy thủ nên anh quẹo phải một cái là lách được, hai tàu sát nhau coi như 30 centimét thì nó dừng lại. Thế là anh quẹo phải anh chạy xa cái đảo Tri Tôn 40 lý, anh làm để kiếm tổn rồi anh vô đất liền chiều ngày 3 rồi.


Hỗ trợ ngư dân

Tàu cá ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi. RFA photo
Hôm thứ Tư, lên tiếng với báo chí trong nước,  chủ  tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, cho rằng nhanh chóng chuyển tàu cá thân gỗ truyền thống sang tàu vỏ sắt công suất lớn có nghĩa là tiếp sức và tạo điều kiện an toàn hơn cho ngư dân khi đi đánh bắt cá trên ngư trường Hoàng Sa cũng như Trường Sa.

Số liệu từ trong nước cho thấy Quảng Ngãi có 40.000 lao động trên biển, 200.000 nhân khẩu sống nhờ vào biển qua các dịch vụ như hậu cần, thu mua và chế biến hải sản.

Bên cạnh đó, trong số 5.700 tàu cá Quảng Ngãi  thì khoảng  800 chiếc thường xuyên đánh bắt cá tại Hoàng Sa và Trường Sa, tất cả đều là tàu gỗ. Đây là điểm yếu khiến hầu hết tàu cá Việt Nam khó lòng chạy thoát khi bị tàu vỏ thép Trung Quốc rượt đuổi và cố ý đâm vào.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Sở Thông Tin Truyền Thông tỉnh Quảng Ngãi, cho biết:

Đúng vậy, nhiều năm nay vì kinh phí đóng tàu sắt là lớn, do đắt nên người dân chủ yếu đóng tàu gỗ. Vấn đề đóng tàu sắt thì trước mắt chính phủ cho vay với lãi suất thấp, thời gian trả là trong vòng 5 năm, và một phần là ngư dân bỏ ra nữa, không phải  nhà nước bỏ tiền  ra đóng toàn bộ. Cái này là do cái vấn đề điều kiện đi lại trên biển không 

bảo đảm an toàn. Hơn nữa là muốn đánh bắt xa bờ thì phải đóng những tàu có tải trọng lớn hơn và chắc chắn hơn. Phải kêu gọi các ngân hàng người ta cho vay với lãi suất thấp, lãi suất ưu đãi độ 3% một năm, còn lại cỡ 10 đến 20% là của ngư dân bỏ ra. 

Bước đầu của việc xây tàu vỏ sắt, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói tiếp, coi như đã được triển khai, hiện Quảng Ngãi đã làm thử một vài chiếc:

Qua kết quả đó thì thấy rằng nó cũng khả thi và cần tiếp tục hỗ trợ để cho người dân hiểu cần có công cụ và phương tiện đảm bảo tốt hơn khi đánh bắt xa bờ.




Bởi vì chủ trương của nhà nước Việt Nam là vẫn hỗ trợ ngư dân vùng biển khơi xa bờ xa bờ. Để đánh bắt an toàn thì phải có phương tiện hiện đại và chắc chắn hơn.

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng
Hiện nay thì tàu Trung Quốc vẫn ở xung quanh giàn khoan, tàu Việt Nam chấp hành pháp luật của Việt Nam ra cũng như tàu ngư dân ra thì bị Trung Quốc xua đuổi. Tàu của Trung Quốc chủ yếu là tàu vỏ sắt còn của mình tàu gỗ là chủ yếu.

Vừa qua, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên đã được chính quyền Quảng Ngãi giao cho Hiệp Hội Nghề Cá địa phương, trong lúc chuyện khuyến khích ngư dân vay tiền với lãi suất thấp và trả góp 5 năm để đóng tàu cá vỏ sắt được tiếp tục đẫy mạnh. Vẫn lời giám đốc Sở Thông Tin Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng:

Bởi vì chủ trương của nhà nước Việt Nam là vẫn hỗ trợ ngư dân vùng biển khơi xa bờ xa bờ. Để đánh bắt an toàn thì phải có phương tiện hiện đại và chắc chắn hơn.

Từ Qui Nhơn, Bình Định, ông Cao Hoài Bổn, thuyền trưởng một chiếc tàu cá bằng gỗ hạt động bao lâu nay, bày tỏ sự phân vân lẫn phấn khởi trước tin nhà nước sẽ hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ sắt có công suất lớn:

Điều đó thì tốt lắm, mình có làm ăn được thì mới dám làm chứ còn làm mà không có thì cũng đang phân vân đây. Nói chung làm sao gỗ mà chọi sắt, làm sao cầm cự với nó được, chỉ có điều mình luồn lách chứ còn đâm chọi với nó thì không đâm chọi được, nó chạy mau hơn mình rồi, mình chạy không lại nó.

Việt Nam mình thì chỉ vài chiếc tàu gỗ hai mé là 1.000 đến 1500 CV thôi chứ còn toàn bộ là 400, 500 đến 700 CV là nhiều nhất. Còn Trung Quốc nó là hai mé, từ 2000 tới 3.500 CV, riêng cái lực sắt của nó nữa nó mà thẳng tới nó va mình thì mình gãy làm hai nữa là cái chắc. Gỗ mà chọi sắt cứ như trứng mà chọi đá vậy.


Được biết với sự hỗ trợ của chính phủ, các tổ chức trong xã hội và tự bản thân ngư dân, Quảng Ngãi sẽ có 200 tàu cá vỏ sắt đóng mới công suất 1000CV. Cũng trong dự tính của địa phương, huyện đảo Lý Sơn được chọn làm thí điểm với vài chục chiếc. Phí tổn dự kiến cho việc đóng tàu cá vỏ sắt công suất lớn hơn là 7 tỷ đồng một chiếc. Hiện tại Quĩ Hỗ Trợ Ngư Dân ở Quảng Ngãi đang liên lạc với một đơn vị đóng tàu để lập thủ tục đóng mới.

Thanh Trúc,
phóng viên RFA
Theo RFA

=========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad