Cuộc triển lãm "Cải cách ruộng đất 1946-1957" phải vội vã đóng cửa sau và ba ngày khai trương mà không có lời giải thích lý do một cách minh bạch và rõ ràng chứng tỏ sự thất bại của công tác tuyên truyền của Đảng CSVN. Đồng thời nó cũng chứng minh sức mạnh của truyền thông lề trái và dư luận xã hội, đã buộc cơ quan tuyên truyền của nhà nước đã phải lùi bước.
Cuộc cách mạng Cải cách ruộng đất (CCRĐ) do Đảng CSVN khởi xướng và thực hiện, với khẩu hiệu "Người cày có Ruộng" nhằm tịch thu tài sản, đất đai của những thành phần địa chủ bị kết tội Việt gian chia cho bần nông, cố nông. Đây được cho là không chỉ là mục đích của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của Đảng CSVN, mà còn nhằm nâng cao sự ủng hộ của dân chúng đổi với cách mạng để dồn sức cho công cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn cuối (1953-1954). Chủ trương như thế ta thường thấy ở các cuộc cách mạng và chắc chắn nó sẽ nhận được sự hưởng ứng của số đông dân chúng, đặc biệt là nông dân.
Tuy nhiên, cuộc CCRĐ ở miền Bắc Việt nam dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, do áp dụng một cách máy móc và giáo điều từ mô hình "Cải cách Điền địa" của Trung quốc, đồng thời chịu áp lực từ các cố vấn Trung quốc. Đặc biệt với chỉ tiêu áp đặt phải đạt chỉ tiêu số người bị quy là địa chủ chiếm 5% tổng số dân, đã dẫn tới tình trạng truy bức địa chủ, mớm lời cho các bần cố nông trong đấu tố trở nên phổ biến và ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan, mất kiểm soát. Theo Tạp chí Xưa&Nay, Hà Nội, số 297, 2007 thì tổng số người bị đưa vào danh sách đấu tố vào khoảng 172.008 người; trong đó số người bị oan sai lên tới khoảng 123.266 người. Cuộc cải cách và đấu tố này đã gây nên biết bao oan sai cho những người nông dân hiền lành và vô tội, đã khiến rất nhiều gia đình lâm vào cảnh tan cửa nát nhà.
Nếu cuộc CCRĐ nhằm mục đích để cho "Người cày có Ruộng", nhưng chỉ một vài năm sau Đảng CSVN lại có chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, thậm chí cho đến bây giờ đất đai vẫn là sở hữu toàn dân thì người nông dân hầu như chẳng có lợi ích gì đáng kể. Nghĩa là họ vẫn trắng tay, cho nên CCRĐ thời đó ở Việt nam thực ra là cuộc cách mạng mà công thì ít nhưng tội thì nhiều.
Trên thực tế ban lãnh đạo Đảng CSVN lúc đó đã phải thừa nhận những sai lầm do họ gây ra và tiến hành sửa sai, đồng thời xử lý kỷ luật đối với các cá nhân chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo chiến dịch CCRĐ. Cụ thể là tháng 9 năm 1956 lãnh đạo Đảng CSVN, đã buộc ông Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư và cách chức Bộ Chính trị của ông Hoàng Quốc Việt, cũng như cách chức Ủy viên TW Đảng của ông Hồ Viết Thắng. Đến tháng 10 năm 1956, ông Võ Nguyên Giáp, thay mặt ông Hồ Chí Minh đã phải thừa nhận sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai.
Hậu quả của cuộc CCRĐ ở miền Bắc Việt Nam đã gây ra nhiều hậu quả vô cùng to lớn cho nền kinh tế và xã hội thời ấy. Có thể nói CCRĐ đã trở thành một thất bại không chỉ của Đảng CSVN mà là của cả dân tộc Việt nam, vì nó đã gây nên bao đau thương tang tóc cho rất nhiều người bị tử hình một cách vô lý và rất nhiều gia đình do bị đấu tố và xử lý oan sai, với hơn 70% người đã bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông là do bị quy sai. Và CCRĐ đã không chỉ giết dã man nhiều người vô tội, kể cả những người đã từng tham gia hoạt động hay từng hết lòng ủng hộ cách mạng. Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, người mà trong dịp "Tuần Lễ Vàng" năm 1946 đã hiến cả trăm lạng vàng cho chính quyền khi mới thành lập. Không những thế, gia đình bà có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam và bản thân bà là mẹ nuôi của các ông Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và Lê Đức Thọ, đã bị mang ra xử lý điểm và bị kết án tử hình.
Song tội ác lớn nhất của nó là những việc làm mù quáng của ban chỉ đạo cũng như các cán bộ CCRĐ, như việc khuyến khích con tố cha, vợ tố chồng, điều đó đã chà đạp lên luân thường đạo lý, phá hoại toàn bộ nền tảng đạo đức xã hội của người Việt thời ấy đã được xây dựng qua biết bao thế hệ. Do đó đã có không ít ý kiến cho rằng CCRĐ những năm 1953–1956 ở miền Bắc là một trong những tội ác chống nhân loại của Đảng CSVN và cần được đưa ra xét xử ở Tòa án Quốc tế.
Đó chính là lý do trong nhiều chục năm qua, các thông tin về cuộc CCRĐ hầu như đã bị chính quyền giấu kín, đặc biệt là mặt trái của cuộc cách mạng long trời lở đất này, hơn thế nữa vấn đề này chỉ được đề cập đến một cách sơ sài trong hệ thống giáo dục, kể cả sách báo truyền thông của nhà nước cũng vậy. Vả lại ngay sau khi kết thúc CCRĐ là thời điểm khởi đầu cho vụ đánh Nhân văn Giai phẩm cũng là một trong những lý do chủ đề CCRĐ rất ít được sách báo lúc đó đề cập tới. Đó chính là lý do vì sao hiện nay ở Việt Nam, thế hệ những người ở lứa tuổi 40 trở xuống hầu như rất ít người có hiểu biết về vấn đề CCRĐ.
Gần đây, sự kiện Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội khai trương một triển lãm về cải cách ruộng đất, mang tên "Cải cách ruộng đất 1946-1957" và vội vã đóng cửa sau và ba ngày khai trương mà không có lời giải thích lý do một cách minh bạch và rõ ràng. Theo dư luận đánh giá, đây là lần đầu tiên Việt Nam có triển lãm về sự kiện lịch sử được coi là một trong những thất bại trầm trọng của Đảng CSVN, với hy vọng để kể công ơn của Đảng CSVN đối với nông dân. Song do không lường hết được phản ứng của dư luận xã hội nên cuộc triển lãm này đã gây nên một phản ứng ngược, hại nhiều hơn lợi đối với Đảng CSVN. Điều mà theo nhà báo Bùi Tín đánh giá rằng, vô tình ban lãnh đạo Việt nam đã hé lộ ra tử huyệt của chính bản thân họ và chế độ. Họ đã đánh thức sự tò mò của dân chúng, để cho quần chúng nhân dân có một lần có dịp để so sánh tài sản của địa chủ ngày xưa và "đầy tớ nhân dân" thời nay. Và điều quan trọng là chắc gì đa số người dân hiện nay lại không mong có một cuộc cách mạng long trời lở đất như CCRĐ lặp lại một lần nữa vào thời điểm bây giờ? Đây chính là lý do cuộc triển lãm "Cải cách ruộng đất 1946-1957" phải vội vã đóng cửa.
Vấn đề CCRĐ là vấn đề không ít nhạy cảm mà nhiều chục năm qua chính quyền Việt nam không muốn nhắc tới và hầu như nó cũng đã bị người ta vô tình quên đi. Bây giờ hầu hết những người lớn lên sau CCRĐ, nếu gia đình họ không có liên quan hoặc không thuộc đối tượng đã bị quy kết, đấu tố trong thời kỳ CCRĐ thì bản thân họ chẳng mấy quan tâm đến sự kiện lịch sử kinh hoàng này. Với họ, hầu như những vấn đề về CCRĐ hầu như họ chẳng biết gì, cho dù trước đây 60 năm trước bản thân ông bà, bố mẹ họ đã từng rất phấn khởi và ủng hộ cuộc cách mạng này. Song ngược lại, những người là con, cháu của những người trước đây từng bị quy kết là địa chủ thì lại biết rất rõ và họ không muốn quên đi sự kiện đau thương này. Đây không chỉ là những ký ức về cuộc đấu tố kinh hoàng đã xẩy ra với gia đình họ, mà cả những cái đã xảy ra đối với những người khác cùng cảnh ngộ như họ ở trên mọi miền của đất nước thì họ đều rất quan tâm và muốn chia sẻ cùng mọi người.
Đó có lẽ là lý do sự ra đời của một loạt các bài viết về chủ đề CCRĐ gần đây xuất hiện trên mạng internet, đó là các bài như "Mẹ tôi trong cải cách ruộng đất" của tác giả Trần Mạnh Hảo, "Cải cách ruộng đất với nhà ông ngoại tôi và nhà tôi " của tác giả Từ Anh hay "Cuộc hành hình cụ Nghè Cơ" và "Đám tang Mệ nội tôi, một nghịch lý của CCRĐ" của tác giả Lê Quang Vinh v.v... đã được các trang mạng đăng tải và loan truyền. Xét về mặt nội dung, các bài viết mang tính người thật, việc thật như thế đã phần nào giúp làm sáng tỏ mặt trái của bức tranh CCRĐ mà nhiều người muốn biết, đồng thời cũng giúp cho ta thấy sự thật và toàn cảnh của cuộc cách mạng đầy kinh hoàng này trong quá khứ. Đáng chú ý tác giả của những bài viết về chủ đề này là những người được trực tiếp chứng kiến hoặc nghe kể lại thì tuổi hết thảy cũng đã cao, nếu như không được nhanh chóng làm công việc này e rằng sẽ lỡ và không có dịp khác để thực hiện.
Tuy nhiên, các câu chuyện như thế còn quá ít, chưa thể phản ảnh hết được đầy đủ mặt thật của CCRĐ tại miền Bắc Việt Nam. Do đó nhân dịp này, thiết nghĩ một số tổ chức XHDS ở trong nước như Phong trào Con đường Việt nam, Hội nhà báo Độc lập, Văn đoàn Độc lập... nên biết tranh thủ dư luận để phát động một cuộc vận động thi viết về chủ đề CCRĐ, trong đó có xếp hạng và trao giải thưởng cho các bài viết, các tư liệu phản ảnh trung thực các sự việc, con người đã xảy ra trong giai đoạn CCRĐ 1946-1957 ở Miền Bắc Việt Nam. Việc làm này không chỉ sẽ giúp cho người dân hiểu rõ hơn về sự thật, đặc biệt là thấy rõ đâu là mặt trái của cuộc cách mạng long trời lở đất này. Mà nó còn là nguồn tư liệu mới làm phong phú thêm bức tranh về cuộc CCRĐ. Về nguồn quỹ để trao giải thưởng sẽ do các tổ chức và cá nhân có hảo tâm đóng góp.
Đây là một việc làm hết sức hữu ích và sẽ gây tác dụng lớn nếu xảy ra vào thời điểm này, là thời điểm trong lúc chính quyền đang hết sức lúng túng và bối rồi sau sự kiện triển lãm CCRĐ phải vội vã đóng cửa. Đặc biệt nó sẽ diễn ra và đáp ứng cuộc vận động "Chúng tôi muốn biết" do Mạng lưới bloggers Việt nam vừa phát động.
© Kami
Post Top Ad
Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014
Từ khóa tìm kiếm:
# Chính Trị - Xã Hội
# Kami
Share This
About
Tiến Bộ
Kami
Labels:
Chính Trị - Xã Hội,
Kami
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét