|
Nghe bài tường thuật |
Bật đèn xanh cho công an?
Chân Như: Thật ra thì ai nghe qua lời phát biểu của ông Dũng cũng đều biết là ông đang nói đến các nhà dân chủ, những người có quan điểm ngược lại với chính quyền. Theo các bạn thì phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam đang bắt đầu lo sợ các hoạt động đấu tranh dân chủ của người dân?
Blogger Mẹ Nấm: Theo đánh giá cá nhân của tôi thì tôi không nghĩ rằng ông Dũng lo sợ các phong trào hoạt động dân chủ. Các phong trào hoạt động dân chủ đang rất phát triển và tuyên bố của ông Dũng sẽ là cái cớ rất tốt để bắt đầu một đợt trấn áp mới và đang dọn dư luận. Tôi không nghĩ rằng vì sợ mà nói như thế mà đây là động thái cho thấy sẽ có những đợt trấn áp mạnh mẽ đã được bật đèn xanh từ phía người đứng đầu chính phủ Việt Nam.
Phạm Thanh Nghiên: Tôi cũng đồng ý với ý kiến của blogger Mẹ Nấm và cũng xin bày tỏ thêm một chút quan điểm cá nhân. Hằng năm,thường cứ đến ngày kỷ niệm thành lập một lực lượng vũ trang nhân dân, ví dụ như công an hay quân đội thì các lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ có những bài phát biểu để biểu dương một trong những thành tích- thành tích trấn áp những tiếng nói đối kháng đòi dân chủ trong nước. Cá nhân tôi, tôi thấy không lạ bởi vì những lời phát biểu của ông Dũng và những người lãnh đạo cộng sản cấp cao khác, những năm trước họ cũng đã phát biểu tương tự như thế rồi.
Tôi không nghĩ rằng vì sợ mà nói như thế mà đây là động thái cho thấy sẽ có những đợt trấn áp mạnh mẽ đã được bật đèn xanh từ phía người đứng đầu chính phủ Việt Nam.
- Blogger Mẹ Nấm
Blogger Mẹ Nấm: Lúc nãy tôi có nói rằng là sợ, ở đây đang nói về sự sợ hãi của đảng cộng sản. Tôi có thể bổ sung như thế này: nỗi sợ đó nó không phải mới được biểu hiện đây. Cái sợ đó được dùng bằng bạo lực để dẹp đi những tiếng nói bất đồng chính kiến cũng giống như là các xu hướng phản biện. Ở thởi điểm này nếu nói phát biểu đó là bày tỏ sự sợ hãi thì tôi nghiêng về chuyện bật đèn xanh cho lực lượng công an trấn áp nhiều hơn.
Đọc kỹ tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng và trước đó ông Dũng có nói là ông muốn lắng nghe các tiếng nói phản biện. Sau đó khoảng 3-4 ngày, để chào mừng ngày 19 tháng 8, ngày thành lập lực lượng công an nhân dân thì lại phát biểu là không để các băng nhóm phản động thành lập.Như vậy là chính ông Dũng tự mâu thuẫn với bản thân mình bởi vì xu hướng phản biện luôn bị xem là xu hướng phản động ở Việt Nam trong mắt đảng cộng sản. Tự người cộng sản cho thấy họ sẽ không có bất kỳ một xu hướng nào mở ra cho dân chủ. Nếu như những người nào kỳ vọng vào cải cách ở ông Nguyễn Tấn Dũng thì tôi nghĩ rằng đã có câu trả lời chính xác từ phía ông Dũng rằng chúng tôi chưa sẵn sàng cho dân chủ qua hai tuyên bố trái ngược nhau vừa rồi.
Chế độ công an trị
Chân Như: Sau đây mời hai bạn cùng nghe lại lời phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lực lượng công an nhân dân phải bảo đảm cho an ninh chính trị của đất nước.
|
Qua phát biểu vừa rồi thì phải chăng ông Dũng đã mượn cái "mác" bảo vệ đất nước để trao thêm quyền hành cho ngành công an, tạo thêm cho họ phương tiện tiếp tục đàn áp, bắt bớ tùy tiện?
Phạm Thanh Nghiên: Tôi nghĩ rằng một phần sở dĩ họ vẫn thường nói rằng công an chính là công cụ để bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng và nhà nước; Tức là bản thân họ cũng thừa nhận như thế chứ không phải là để bảo vệ đất nước hay người dân. Thế thì kể cả có hay không lời phát biểu của ông Dũng thì chúng ta, một lần nữa, cũng đã chứng minh và phải khẳng định là thể chế này là một chế độ công an trị. Ông Dũng hay là tất cả những lãnh đạo cộng sản khác của ông ta, cái thể chế này đều dựa vào lực lượng công an để bảo vệ chế độ. Và thêm động thái vừa rồi của ông Dũng thì một lần nữa khẳng định là công an sẽ ngày một có nhiều quyền hạn hơn. Đó là những quyền hạn vô lối và rất tùy tiện để có thể trấn áp bất cứ một người dân nào mà họ muốn, chứ không riêng những người bất đồng chính kiến và đặc biệt ưu tiên cho việc nhắm vào tiếng nói đòi tự do, dân chủ.
Và như chúng ta đã biết trong thời gian vừa qua, rất nhiều người dân đã bị chết trong đồn công an. Lực lượng công an cũng hành xử, phải nói thẳng là hành xử rất là vô lối vô pháp luật; Đặc biệt là vô nhân đạo, côn đồ và coi thường sinh mạng của người dân. Lời phát biểu của ông Dũng vừa rồi một phần thể hiện bản chất côn đồ của chính quyền cộng sản cũng như là của công an nói riêng.
Blogger Mẹ Nấm: Thật ra chuyện yêu cầu lực lượng công an nhân dân phải đảm bảo cho an ninh chính trị của đất nước nó đặt ra câu hỏi nghiêm túc đó là thế nào là an ninh chính trị của đất nước? Nó là quy ước chung, đặt lợi ích dân tộc này lên trên hay là an ninh chính trị này là sự an ninh của hệ thống chính trị cụ thể là đảng cộng sản. Thực ra không cần phải giải thích nhiều hay nói nhiều thì người ta cũng đã thấy rằng lý do chung chung là an ninh chính trị đã được ông Dũng đưa ra như là một cái khiêng để bảo vệ cho đảng cộng sản bằng cách trao thêm quyền cho ngành công an. Đặc biệt, một cách trực tiếp ông Dũng đã tuyên bố rằng công an có thêm rất nhiều phương tiện cũng như thêm quyền lực để sẵn sàng bắt bất kỳ người bất đồng chính kiến nào qua tuyên bố vừa rồi.
... kể cả có hay không lời phát biểu của ông Dũng thì chúng ta, một lần nữa, cũng đã chứng minh và phải khẳng định là thể chế này là một chế độ công an trị.
- Phạm Thanh Nghiên
Theo bạn thì vì sao vai trò của công an VN quá lớn như vậy có thể nói là lấn sân của cả quân đội VN?
Phạm Thanh Nghiên: Đây là chế độ công an trị cho nên khi dùng đến từ công an thì nó đã bao gồm hết tất cả và có thể nói rất là bao quát, đúng theo bản chất của chế độ này. Vì thế tôi cũng không cần thiết phải nói nhiều hơn nữa trong câu hỏi của bạn. Và nói về việc lấn lướt một phần quân đội thì tôi nghĩ rằng có thể đúng nhưng cũng có thể chưa hẳn là đúng bởi vì họ đã nói công an là công cụ để bảo vệ chế độ này. Trên thực tế quân đội hay công an cũng đều là để bảo vệ chế độ. Quân đội nhân dân Việt Nam họ luôn luôn nói phải trung thành. Lời tuyên thệ của họ đâu có trung thành với tổ quốc, đất nước, người dân đâu mà là trung thành với đảng cộng sản Việt Nam. Do vậy, dù cho lực lượng quân đội hay công an chăng nữa thì họ không bao giờ đặt quyền lợi của đất nước này lên hàng đầu mà ngay trong lời tuyên thệ của họ cũng thế. Bản chất của họ là một công cụ để bảo vệ cho chế độ này. Thế nên cho dù công an hay quân đội cũng thế, người dân luôn luôn đứng trước nguy cơ do chính công an và quân đội đàn áp.
Blogger Mẹ Nấm: Thật ra tôi nghĩ rằng hệ thống công an liên đới đối với xã hội nhiều hơn là quân đội. Khẩu hiệu của công an nhân dân “còn đảng còn mình” là câu khẳng định rõ nhất cho thấy quyền lợi của đảng cộng sản đi liền với sự dung túng cho ngành công an. Bằng cách trao quyền như ông Trọng đã nói rằng công an là thanh kiếm và là lá chắn để bảo vệ chế độ, ông nói rất rõ.
Vai trò của quân đội khá mờ nhạt trong các hoạt động chính trị xã hội bởi vì thật sự trên thực tế công an và quân đội có những xung khắc đối với nhau. Bên công an thì bảo vệ an ninh chính trị. Từ đó họ nghĩ ra một số các thế lực thù địch như họ vẫn thường nhận xét; Tạo ra cho công an nhiều quyền hành và có sân rất rộng để bắt tất cả những người bất đồng chính kiến bất cứ khi nào họ muốn, bất chấp những can thiệp quốc tế cũng như những nỗ lực vận động ngoại giao của các đại sứ quán.
Thật sự ở thời điểm này, như chị Nghiên có nói rằng “chế độ này là chế độ công an trị”. Đã đến lúc họ sử dụng bạo lực để giữ vững vị trí độc tôn của đảng cộng sản. Tôi nghĩ đó là lý do duy nhất mà công an hiện tại có rất nhiều quyền hành hơn là quân đội.
|
Phạm Thanh Nghiên: Chân Như, Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) cũng như quí vị quan tâm đến các hoạt động trong nước thì cũng đã biết rồi: Tôi đã từng trải qua 4 năm tù giam và hiện nay tôi cũng đang bị cái án quản chế 3 năm và mới có hết 2 năm. Tôi luôn luôn bị sách nhiễu, bị khủng bố, bị triệu tập...
Hiện nay, khi tôi nói chuyện với hai bạn và đang truyền âm đi đến với quí thính giả của đài RFA thì ngoài kia cũng có một nhóm công an canh gác tôi từ ngày hôm qua. Đó là một phần cuộc sống hàng ngày của những người tranh đấu, những chiến sĩ dân chủ ở trong nước. Nói như thế không có nghĩa rằng là tôi đã đi tù một lần và không có lần thứ hai.
Tôi không mong chờ cái ngày đó nhưng tôi luôn luôn chuẩn bị tinh thần cho mình để đón nhận những điều ngoài ý muốn, những điều rủi ro lớn nhất. Và tôi rất là vui vẻ để đón nhận cái điều như thế vì tôi khẳng định rằng là cái giá của tự do và dân chủ do mình là một trong những người tham gia cuộc tiến hành thì việc đầu tiên là mình phải có sự hy sinh mặc dù sự hy sinh đấy rất là nhỏ. Tuy nhiên, để có tự do thì mình phải hy sinh cho sự tự do của mình trước. Và cho dù phía trước có là cái gì chăng nữa thì tôi vẫn kiên định với con đường mà mình đã chọn và sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro cũng như chông gai để đi đến đích cuối cùng. Cái đích cuối cùng đó là sự tự do cho bản thân mình và ngày tự do cho toàn dân tộc Việt Nam.
Blogger Mẹ nấm: Thật sự, tôi nghĩ rằng ở vị trí này, chuyện chuẩn bị tinh thần và đón nhận những bất trắc, rủi ro xảy đến cho mình thì bất kỳ người nào mà dấn thân cũng đều chuẩn bị. Tôi nghĩ, thực tế, đi tù cũng không đáng sợ như mình nghĩ. Không ai thích đi tù nhưng nếu phải trả giá để mà có tự do thì tôi sẵn sàng thôi.
Chân Như: Vâng, một lần nữa xin cảm ơn blogger Mẹ Nấm cũng như Phạm Thanh Nghiên đã bỏ thời gian để đến với chương trình DĐBT trong ngày hôm nay. Luôn cầu chúc mọi điều may mắn đến cho hai bạn. Và Chân Như cũng cảm ơn quí thính giả đã lắng nghe chương trình. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình DĐBT vào tuần tới.
Chân Như cũng hy vọng các bạn đang nghe/xem chương trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.
Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi Chân Như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rfa mến chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào chương trình kỳ sau.
Chân Như,
phóng viên RFA
Theo RFA
========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét