Việt Nam mất quân ở Campuchia: Vinh danh hay còn chờ “giải mật”? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Việt Nam mất quân ở Campuchia: Vinh danh hay còn chờ “giải mật”?


Những người lính Việt Nam rời Campuchia. Người lính nằm lại nơi đây lại được coi là “Tối mật”. Ảnh: Minh Tâm

Những đồng nghiệp báo chí từng khoác áo lính ở chiến trường Campuchia, chia sẻ rằng đã quá… sững sờ khi cầm trong tay “Quyết định 52/2014/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành”.

Sững sờ vì “Tin, tài liệu và số liệu mộ liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ và kế hoạch di chuyển mộ liệt sỹ làm nghĩa vụ quốc tế không công bố hoặc chưa công bố”, được coi là “Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội”.

Quyết định này sẽ có hiệu lực từ 05-11-2014.

Người sống còn chưa được vinh danh, huống hồ…

Cho đến nay, người dân Việt Nam vẫn không được biết chính xác có bao nhiêu “quân tình nguyện” đã hy sinh ở Campuchia. Con số bộ đội Việt Nam bị chết, bị tàn phế bởi mìn zip và mìn K58 trong mười năm ở xứ Chùa Tháp lên đến hàng trăm nghìn.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, cựu chiến binh chiến trường Campuchia, ngậm ngùi kể rằng theo quân sử thì ngày 26-9-1989 được coi ngày người lính tình nguyện Việt Nam cuối cùng rời khỏi đất nước Campuchia. Tuy nhiên 25 năm qua, kể từ khi người lính tình nguyện cuối cùng rời khỏi đất nước Campuchia, những hy sinh thầm lặng mà vô cùng đau đớn của nhân dân các tỉnh biên giới Tây Nam, và bộ đội vệ quốc làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia ít được nhắc đến. Những chăm sóc, ưu đãi cho người tham gia cuộc chiến, những gia đình có người thân hy sinh liệu đã làm họ yên lòng?

“Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam đã lùi vào quá khứ. Nhưng nhắc lại những hy sinh của người dân vùng biên giới và chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, phải là việc làm thường xuyên để xoa đi nỗi đau mất mát và cũng là để khẳng định cuộc chiến ấy đầy tính nhân văn, đã cứu một dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng.

Những hy sinh ấy, vẫn đang chờ đợi được Nhà nước Việt Nam chính thức công nhận bằng một văn bản chính thức khẳng định những đóng góp to lớn của cán bộ chiến sĩ đã bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Một lễ tuyên dương như thế nên được tiến hành sớm, bởi những người lính tình nguyện năm nào nay người nhỏ tuổi nhất cũng đã 45 tuổi rồi”. Cựu chiến binh Phạm Sỹ Sáu, kêu gọi: “Hãy vinh danh họ, dù muộn, cũng giúp họ yên lòng trong cuộc sống bởi những năm tháng tuổi trẻ họ đã không sống hoài sống phí”.

Những người lính ngã xuống không thể là “Tối mật”

Một chút quân sử. Cục trưởng Cục Tác chiến Lê Hữu Đức kể: Chưa đầy một tháng sau khi khởi binh, ngày 17-1-1979, bộ đội Việt Nam đã đánh đổ chính quyền cuối cùng của Pol Pot ở thị xã Ko Kong. Chúng ta chiếm được Phnom Penh và các thành phố, thị xã, nhưng chúng ra không diệt được sư đoàn nào của Pol Pot. Sinh lực địch bị tiêu hao không đáng kể.

Khmer Đỏ bỏ chạy nhưng chúng không phải là một tàn quân. Tướng Đức nói: “Chúng được các cố vấn Trung Quốc dạy rất kỹ, cứ thấy xe tăng là chạy rồi gài mìn lại. Mìn Trung Quốc không giết chết mà chỉ sát thương. Cứ một người trúng mìn, quân ta lại phải mất bốn người để cáng”. Khi tiến quân vào Phnom Penh, thế Việt Nam như “chẻ tre”, nhưng khi tới những vùng biên giới xa, các đơn vị Việt Nam lập tức bị Khmer Đỏ đặt trong tầm phục kích. Đây là giai đoạn quân đội Việt Nam bắt đầu chịu hy sinh lớn nhất…

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu kể rằng những người lính cùng thời với anh đã bước vào cuộc chiến tựa như “Kinh Kha một đi không trở lại”.

Không là Kinh Kha ngày xưa qua sông Dịch/ Không là thở than của khúc Tống biệt hành/ Tráng sĩ chừ qua sông, qua sông/ Sóng vỗ mạn phà hề sóng vỗ/ Trận tiền chừ là nơi súng nổ/ Cung kiếm chừ là khẩu AK/ Chung rượu chừ tráng sĩ hề không say/ Lòng say con mắt ai… (Hành tráng sĩ mới, Phạm Sỹ Sáu)

“Chủ kiến của tôi khi làm bài Hành tráng sĩ mới là muốn tự so sánh những người lính tình nguyện giống như Kinh Kha một đi không trở lại. Và chỉ có thể hành mới diễn đạt được tư tưởng, còn dùng hình thức thơ khác thì dễ trôi đi, nó không khảng khái, bi tráng…”. Nhà thơ nói.

Là người trong cuộc chiến, Phạm Sỹ Sáu đúc kết: “Đây là một cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng không ác liệt. Kẻ địch không mạnh. Nhưng quân ta hy sinh nhiều. Một phần vì chủ quan. Một phần do còn hậu phương để lui về. Tiến một trăm mét thì có thể hy sinh. Lùi một trăm mét lại sống cuộc sống hòa bình.

Cuộc đấu tranh tư tưởng của người lính trên chiến trường đối với bản thân mình mạnh mẽ hơn thế hệ chống Pháp và chống Mỹ. Hai thế hệ trước chỉ có một con đường là tiến thẳng ra mặt trận, vì hậu phương cũng là tiền tuyến. Còn đối với người lính tình nguyện ở Campuchia, hậu phương tuy có khó khăn khổ nhọc nhưng không đổi bằng mạng sống. Hơn nữa, nếu anh không can đảm, đủ bản lĩnh trên chiến trường mà “quay” về thì dư luận cũng không gay gắt. Cái lớn của người lính trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lẫn phía Bắc là vượt qua chính mình để chấp nhận điều đó!”.

Những người lính Việt Nam đã ngã xuống ở Campuchia cần được vinh danh, không thể là câu chuyện phải chờ đợi đến “ngày giải mật”!

Minh Tâm
Theo VNTB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad