Ai có thể kiện Formosa và toà án nào có thẩm quyền xét xử? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Ai có thể kiện Formosa và toà án nào có thẩm quyền xét xử?


Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung chiều 30/6/2016 ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cũng cho chiếu một đoạn video với lời phát biểu nhận lỗi của ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch hội đồng quản trị công ty gan thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.



Sự kiện thảm hoạ môi trường ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh do công ty nhà máy thép Formosa gây nên vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong dư luận, nhất là đối với những luật sư và những nhà hoạt động xã hội. Tất cả những gì họ cần là “một vụ kiện” vì họ cho rằng “Formosa có thể đã phạm luật hình sự Việt Nam.”

Một số luật sư đã tiến hành giúp các ngư dân là người bị thiệt hại trực tiếp làm đơn khởi kiện Formosa.

Hoặc có người với tư cách cá nhân đứng ra làm đơn “tố giác tội phạm” đối với Formosa.
Vấn đề khả thi của vụ khởi kiện này như thế nào, Toà án nào có thẩm quyền xét xử?

Kiện vì lý do gì?

Tiến sĩ Luật học Tạ Văn Tài, cựu giáo sư luật trường Đại học Havard, Hoa Kỳ cho biết về vấn đề mà ông rất quan tâm và theo dõi trong nhiều tháng qua. Theo ông, truyền thông trong nước tuy có những bài viết đề cập đến việc khởi kiện công ty Formosa, tuy nhiên không nêu rõ kiện vì lý do gì.

“Khi luật sư nói về vụ kiện, thì phải nói về kiện vì lý do, mục đích gì? Rồi mới nói đến dựa vào những văn bản pháp luật, toà án nào? Thứ hai là kiện ở toà án nào? Thứ ba, ai có quyền kiện?”

Từ sau khi chính phủ Việt Nam chính thức công bố công ty nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung trong mấy tháng qua, rất nhiều ý kiến chia sẻ trên truyền thông mạng cho rằng cần phải khởi kiện Formosa. Đối với giới luật sư trong nước thì cho rằng cần “có một vụ án hình sự” đối với thủ phạm gây ra thảm hoạ môi trường này.

  Theo như nhận xét của tôi thì Formosa vi phạm Bộ luật hình sự Việt Nam, cụ thể là tội chống loài người.

- Luật sư Hà Huy Sơn
Bên cạnh đó, những nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam cũng đưa ra quan điểm tương tự sau khi có kết luận điều tra của Bộ Tài nguyên môi trường. Phần nhiều những lý do họ yêu cầu khởi kiện là vì yếu tố môi trường. Từ Hà Nội, nhà hoạt động xã hội/Luật sư  Nguyễn Đình Hà cho Đài Á Châu Tự do biết:

“Formosa đáng phải bị khởi tố điều tra. Đây là một vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về tội gây ô nhiễm môi trường và huỷ hoại nguồn thuỷ sản, cũng như huỷ hoại nguồn nước.”

Luật sư Hà Huy Sơn, người đứng ra làm đơn “Tố giác về tội phạm” đối với nhà máy thép Formosa vì lý do “Tội chống loài người” theo điều 342 Chương XXIV Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi sổ sung 2009 của nhà nước Việt Nam cho biết:

“Theo như nhận xét của tôi thì Formosa vi phạm Bộ luật hình sự Việt Nam, cụ thể là tội chống loài người.”

“Đơn của tôi là đơn tố giác tội phạm. Tôi thấy có dấu hiệu là tội chống lại loài người thì tôi tố giác theo chức năng mà pháp luật qui định là thuộc cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an thụ lý vụ án. Nếu người ta khởi tố thì vụ này cũng xử theo cấp sơ thẩm là Toà án cấp tỉnh trước.”

Điều 342 Tội chống loài người mà luật sư Hà Huy Sơn đề cập đến có ghi rõ:

Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà có hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó, cũng như có những hành vi diệt chủng khác hoặc những hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Một cách nhìn khác liên quan đến luật nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết với Liên hiệp quốc được Luật gia Tạ Văn Tài đề cập đến trong trường hợp này.

“Về vấn đề môi trường thì chỉ là một mục đích thôi. Cái này nó có hậu quả là mất hết nguồn sống của gần mấy triệu người Việt Nam sống về nghề chài ở vùng biển Việt Nam, thì nó có vấn đề nữa là tước mất quyền sống, nghĩa là nhân quyền của những người chài đó thì chính phủ Việt Nam có đại diện cho những người đó để kiện và kiện ở toà án nào hay không?”

Theo Giáo sư luật Tạ Văn Tài, một văn bản mà Việt Nam có thể áp dụng để thực hiện việc kiện Formosa ở đấu trường quốc tế, đó là văn bản về nhân quyền quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Và lý do cụ thể được ông nêu ra là “mất quyền sống của nhân dân chài lưới”.

Kiện ở Toà án nào?

Với những mục đích được đưa ra như trên từ các chuyên gia và các nhà quan sát thì vụ kiện Formosa có thể thực hiện ở Toà án nào?

Theo trình bày của người đưa đơn Tố giác tội phạm đối với Formosa Hà Tĩnh là luật sư Hà Huy Sơn cho biết việc kiện Formosa ra Toà quốc tế, bao gồm cả Toà công pháp và Tư pháp đều không khả khi.

Khu chính nhà máy thép Formosa Đài Loan ở tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh chụp ngày 3 Tháng 12 năm 2015. AFP PHOTO
Nếu chúng ta nhìn lại hơn 20 năm qua, kể từ khi quan hệ ngoại giao Liên minh Châu Âu EU-Việt Nam được thiết lập lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1990, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác chính của Liên minh Châu Âu tại khu vực Đông Nam Á. Những hiệp định hợp tác song phương được ký kết với nhiều quốc gia và mở rộng ở nhiều phạm vi. Trong đó có hợp tác song phương với các đối tác về khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, cụ thể là với Thuỵ Điển.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 20 điều ước quốc tế có liên quan đến bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Đài Loan là quốc gia không nằm trong danh sách các nước cùng ký hiệp định hợp tác song phương với Việt Nam.

Do đó, Giáo sư Tạ Văn Tài nhận định rằng văn bản về môi trường không thể áp dụng trong trường hợp này nếu đưa ra Tòa quốc tế.

“Không có Đài Loan trong hiệp định đó, cho nên Đài Loan sẽ cho rằng không được áp dụng với nó vì nó không ký hiệp định. Cho nên hiệp định này sẽ không phải là căn bản để kiện về môi trường chống lại công ty Formosa, là công ty có gốc Đài Loan. Mặc dù tôi có nghe rằng trong đó có cổ phần của Trung Cộng, nhưng công ty này là gốc ở Đài Loan và do chính người Đài Loan ký với mình.”

Formosa Hà Tĩnh, chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa Đài Loan thuộc quốc gia không nằm trong những quốc gia mà Việt Nam đã ký hợp tác quốc tế song phương về môi trường với nội dung đề cập trong các Luật Bảo vệ môi trường và Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi.

Chính vì vậy mà cho dù Luật Bảo vệ Môi trường (2014) có ba điều trong chương 17 quy định rõ nội dung hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, cụ thể là Điều 156: Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về môi trường có ghi rõ:

Điều ước quốc tế có lợi cho việc bảo vệ môi trường toàn cầu, môi trường khu vực, môi trường trong nước và phù hợp với lợi ích, khả năng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ưu tiên xem xét để ký kết, gia nhập.

Cả Giáo sư Tạ Văn Tài và cả luật sư Hà Huy Sơn đều nói rằng “Không khả thi trong việc kiện Formosa ra Toà quốc tế.”

Ai có thể kiện Formosa?

Trong loạt bài phóng sự liên quan đến Formosa, chúng tôi có đề cập đến chi tiết Luật sư Trần Vũ Hải, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hiện nay các luật sư đang nghiên cứu để thực hiện đơn khiếu nại do những người dân chịu tác động trực tiếp từ vụ xả thải của Formosa gây ra. Nếu điều này diễn ra thì theo luật, đây sẽ là một vụ kiện tập thể được gọi là “class action”, là những cá nhân (có tên và nhân thân hợp pháp) đứng ra đại diện cho cả một tập thể.

Tuy nhiên, theo luật sư Lê Quốc Quân khi trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự do có cho biết, luật Việt Nam hiện chưa qui định về đơn kiện tập thể.

Giáo sư Tạ Văn Tài khi bàn luận về việc này cũng khẳng định rằng Việt Nam chưa có luật về kiện tập thể. Tuy nhiên theo ông, có một giải pháp để thực hiện mà vẫn phù hợp với bộ luật tố tụng hiện hành của Việt Nam, đó là Chính phủ Việt Nam vẫn có thể đại diện cho những người bị thiệt hại trực tiếp và những người dân Việt Nam bị thiệt hại gián tiếp để đứng nguyên đơn khởi kiện.

  Theo Luật Liên hiệp quốc, yêu cầu trước cơ quan quốc tế, từng người nhân dân không có tư cách đứng kiện nhưng có thể ủy quyền cho chính phủ. Cho nên chính phủ phải can đảm đứng ra kiện, nhận nhiệm vụ ủy quyền của nhân dân.

- Giáo sư Tạ Văn Tài
“Bây giờ có một cách là mình không kiện theo cách tập thể mà mình liệt kê những cá nhân bị thiệt hại và cử một đại diện, ví dụ như Bộ môi trường ở Việt Nam đại diện cho họ, hoặc là Hội nghề cá. Có thể giấy ủy quyền đó là mấy triệu người ký, và một người đứng nguyên đơn thôi. Đó là một giải pháp.”

Ông khẳng định đây là một cách chứ không thể áp dụng qui định về hợp tác song phương để kiện công ty Formosa Hà Tĩnh do Đài Loan làm chủ đầu tư.

Đài Á Châu Tự do đặt vấn đề này với ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản - Nafiqad và hiện là thành viên Hiệp Hội Nghề Cá Việt Nam, ông cho biết:

“Cuối tuần này trên tạp chí Thuỷ sản Việt Nam chúng tôi sẽ có đầy đủ ý kiến chính thức của Hội nghề cá về vấn đề Formosa.”

Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết là với vai trò là Phó Tổng Cục trưởng Cục Thuỷ sản thì ông có thể cho biết việc cơ quan này có thể đại diện người dân trong việc khởi kiện hay không, tuy nhiên, "ngay lúc này tôi không muốn trả lời bất cứ điều gì liên quan đến Formosa."

Giáo sư Tạ Văn Tài khi kết thúc phần trò chuyện với chúng tôi có nhấn mạnh thêm rằng:

“Theo Luật Liên hiệp quốc, yêu cầu trước cơ quan quốc tế, từng người nhân dân không có tư cách đứng kiện nhưng có thể ủy quyền cho chính phủ. Cho nên chính phủ phải can đảm đứng ra kiện, nhận nhiệm vụ ủy quyền của nhân dân.”

Khởi kiện Formosa là quan điểm của những luật gia, các nhà quan sát. Với những người ngư dân Hà Tĩnh đã mưu sinh cùng với biển từ mấy đời trong gia đình thì họ chỉ có một mong muốn đơn giản, đó là làm thế nào để trả lại biển sạch cho họ, trả lại nguồn sống mà từ đời ông cha của họ đã truyền lại đến giờ.

Những gì mà ngư dân miền Trung hiện tại mong muốn là “Chính quyền phải trục xuất Formosa rời khỏi Việt Nam. Nếu đang hoạt động thì vẫn còn xả thải chứ không có cách nào khác.”
Mong muốn này được luật sư Hà Huy Sơn cho biết

“Về nguyên tắc, Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư cho Formosa vào Việt Nam, nếu Formosa vi phạm thì Việt Nam có quyền rút giấy phép. Còn nếu lỗi ấy không phải thuộc của Formosa mà Việt Nam rút giấy phép thì Việt Nam phải bồi thường cho phía doanh nghiệp.”

Sau ngày 30 Tháng Sáu, nguyên nhân đã được công bố, “thủ phạm” đã cúi đầu nhận lỗi và chấp nhận bồi thường thiệt hại, sau tất cả những điều đó, câu chuyện Formosa Hà Tĩnh hay “BP của Việt Nam” có thể khép lại hay không, thì dư luận và những người làm luật, hiểu luật ở Việt Nam đã có câu trả lời bằng chính hành động của họ. Tuy nhiên, như những chia sẻ của các luật gia mà chúng tôi vừa có dịp trò chuyện, thì có vẻ như chặng đường tiếp theo đi tìm công lý cho ngư dân và biển Việt Nam sẽ còn rất nhiều gian nan.

Cát Linh
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad