|
Nhưng những dấu hiệu cảnh báo cho sự tăng trưởng trong tương lai là rất rõ ràng: tỉ lệ đóng góp thấp (29%) của tăng trường về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng chung; tốc độ tăng trưởng về vốn con người yếu ớt; thâm hụt ngân sách dai dẳng, nợ công gia tăng; và có thể có sự mất ý chí trong việc tiếp tục đẩy mạnh các chương trình cải cách.
Các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam (DNNN) đều có góp phần vào cho từng vấn đề này và, như thế, tiếp tục ngăn chặn đất nước hiện thực hoá tiềm năng tăng trưởng đầy đủ của mình. Với đặc quyền vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục hút 49% vốn đầu tư, mặc dù chỉ góp một phần rất bé nhỏ vào việc tạo thêm việc làm mới và hầu như chẳng đóng góp gì vào thu nhập từ xuất khẩu. Với tư cách một nhóm, DNNN vô cùng kém hiệu quả: hiệu suất vốn trung bình (average capital productivity) của họ, chỉ dùng một thước đo, chỉ khoảng một nửa so với các ngành công nghiệp ngoài quốc doanh.
Việc vay vốn DNNN lấn áp hết đầu tư của khu vực tư nhân và do đó làm giảm khả năng mở rộng của các công ty tư nhân. Tinh tế hơn, chi phí vốn cao cũng đẩy các doanh nghiệp tư nhân vào việc lựa chọn công nghệ thấp, và điều này ức chế sự tăng trưởng năng động. Điều này tới lượt nó lại sẽ góp phần làm giảm đi một khoản nhỏ về tay nghề trong tiền lương đối với người lao động không có trình độ đại học vì không có công nghệ hiện đại nên trình độ trung học không có nhiều giá trị đối với người sử dụng lao động. Theo đó, một thiếu niên Việt Nam tiêu biểu sẽ chọn cách ngưng học vào khoảng 15 tuổi hơn là thực hiện một bước nhảy tốn kém, khó khăn và không chắc chắn, lên trình độ cao đẳng.
Dù hiệu suất kém, DNNN hầu như không thể phá sản. Nợ của chính phủ Việt Nam đã tăng từ 38 % lên 62 % GDP từ năm 2011 đến năm 2015, cao hơn so với nhiều nước ngang bằng, và chỉ hơi thấp hơn trần 65% do Quốc hội bắt buộc. Nợ của DNNN có thể gần gấp đôi con số này, tổng số lên tới khoảng USD 180 tỉ hay 97 % GDP.
Phần lớn nợ của DNNN được nhà nước bảo đảm, trong khi kinh nghiệm gần đây với các doanh nghiệp nhà nước có vấn đề, cho thấy rằng ngay cả khi không có đảm bảo thì vẫn cho là sẽ được chính phủ đảm bảo trong trường hợp có thua lỗ. Với mục đích thực tế nợ của DNNN là một nợ phát sinh (contigent liability) của chính phủ Việt Nam. Như vậy, nó cần được thêm vào các chỗ phô lộ của cơ quan tài chính cho mục đích tính toán khả năng dễ bị tổn thất với một cú sốc kinh tế vĩ mô.
Chính phủ mới của Việt Nam sẽ đối phó với những thách thức này như thế nào? Trong số các cải cách cơ cấu được hoạch định chứa trong các văn bản chính sách hiện hành, những cải cách liên quan đến việc “cổ phần hóa” (một cách nói chệch đi của tư nhân hóa một phần) DNNN và cải cách quản trị đã liên tục thất bại trong việc đạt được mục tiêu của chúng. Các nhà đầu tư nước ngoài nói chung đã tránh xa các DNNN, nêu ra những quan ngại về thanh khoản và thiếu quản lý doanh nghiệp minh bạch – những quan ngại vốn cũng được nêu ra trong đánh giá riêng của chính phủ về cải cách DNNN.
Đại hội Đảng Cộng sản 2016 không đề ra biện pháp mới nào để tăng tốc độ cải cách DNNN. Thay vào đó, có vẻ như Hà Nội đang thực hiện bước đi dễ dàng hơn và ít gây tranh cãi hơn trong việc thúc đẩy (hoặc ít nhất chỉ nói tới) các tổ chức phi nhà nước. Ví dụ, sau chuyến viếng thăm tháng 5 năm 2016 của Tổng thống Obama – gồm một buổi tiếp xúc ấm cúng với các doanh nhân trẻ – chính phủ mới công bố kế hoạch về luật mới và các sáng kiến mới để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích cạnh tranh và thúc đẩy việc khởi nghiệp. Tất nhiên, một trong những cách hiệu quả nhất về mặt kinh tế để hoàn thành những điều này và nhiều mục tiêu phát triển nữa sẽ là theo đuổi một cách tích cực việc cải cách DNNN, nhưng hai chương trình đó không liên kết trong thảo luận công khai.
Trì hoãn quá trình cải cách và hy vọng nó sẽ biến mất (hay hy vọng lãnh đạo nào đó sẽ giải quyết vấn đề đó sau này), chắc chắn sẽ hủy hoại DNNN. Tăng trưởng kinh tế ngày càng được thúc đẩy bởi các hoạt động ngoài nhà nước và có dấu hiệu có những liên kết sâu giữa doanh nghiệp trong nước với mạng lưới sản xuất toàn cầu. Những liên kết này chắc chắn sẽ ngày càng quan trọng trong việc thu hút các nguồn vốn và công nghệ mới. Nhưng với DNNN yếu kém vẫn còn chi phối các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ hậu cần, việc thiếu vắng cải cách sẽ tiếp tục tăng chi phí khu vực tư nhân và làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm.
Hơn nữa tốc độ cải cách thể chế chậm chạp cũng ném cát vào những bánh răng của các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán với các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương và châu Âu. Cùng với nhau, hai hiệp định này chiếm hơn 50% xuất khẩu của Việt Nam.
Vì cơ hội cho sự phát triển ‘dễ dàng’ trong việc chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường giảm đi, Việt Nam cần phải tự định vị mình trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai với công nghệ, đổi mới và vốn con người. Các DNNN của Việt Nam về mặt cấu thành không thích hợp giữ vai trò chủ đạo trong cuộc chuyển đổi này. Khi nào DNNN còn có thể dựa vào những người ủng hộ họ trong đảng và nhà nước để giữ nguyên hiện trạng, thì họ sẽ tiếp tục làm chậm nỗ lực của các doanh nghiệp khác trong việc nắm vai trò chủ đạo.
Ian Coxhead là giáo sư và trưởng Khoa Nông nghiệp và Kinh tế Ứng dụng, Đại học Wisconsin-Madison.
Tác giả: GSTS Ian Coxhead | East Asia Forum
Đại học Wisconsin-Madison
Dịch giả: Song Phan
Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét