Trong buổi họp báo công bố kết quả điều tra nguyên nhân của thảm họa, chính quyền có cho chiếu một đoạn video cảnh Formosa xin lỗi về việc đã làm, bên cạnh đó một quan chức cao cấp của Việt Nam ra lời kêu gọi người dân Việt mở rộng lòng vị tha đối với Formosa.
Blogger Viết từ Sài Gòn bình luận sự việc đó:
Nhưng, vấn đề cốt lõi của việc phát video vẫn nằm ở chỗ đó là cái cớ để chính phủ Cộng Sản Việt Nam biện hộ cho Formosa, tha bổng cho họ cái tội mà lẽ ra chính phủ phải kiện họ ra tòa, thậm chí chính phủ và nhân dân phải đưa họ ra tòa quốc tế nếu họ không chịu nhận tội.
Đằng này, với một cái cúi đầu (mà trước đó là ngông nghênh, coi thường người Việt Nam) được bảo hộ với chính phủ Việt Nam, bỏ ra 500 triệu Mỹ kim để gọi là “đền bù, hỗ trợ” cho ngư dân tái sinh sống rồi sau đó thở phào thoát tội bởi đã có chính phủ Việt Nam che chở, đứng ra kêu gọi nhân dân hãy “mở rộng lòng vị tha, bao dung, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại…” để rồi hứa nhăng hứa cuội về việc xả thải, lại tiếp tục sản xuất…
Từ nay ai chụp mũ những người đấu tranh chống chế độ toàn trị của cộng sản là nhận tiền từ các thế lực thù địch nhằm chống phá đất nước, hãy nhìn vào số tiền 500 triệu USD. - Luật sư Lê Công Định |
Sau khi số tiền 500 triệu đô la được công bố, Luật sư Lê Công Định, người cựu tù chính trị, từng có mặt trong cuộc biểu tình ngày 1 tháng Năm, châm biếm:
Từ nay ai chụp mũ những người đấu tranh chống chế độ toàn trị của cộng sản là nhận tiền từ các thế lực thù địch nhằm chống phá đất nước, hãy nhìn vào số tiền 500 triệu USD.
Nhà cầm quyền này đã muối mặt vơ lấy số tiền to hơn bất cứ khoản nào mà các thế lực thù địch có thể tài trợ, để huỷ hoại tương lai đất nước và dân tộc. 50 năm nữa liệu con cháu chúng ta có thể khắc phục được thảm hoạ ngày hôm nay?
Từ một góc nhìn khác blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh lại thấy rằng giới cầm quyền Việt Nam, dù vẫn dưới danh nghĩa cộng sản đang dần dần coi đồng tiền là trên hết. Trong bài Quê hương này không phải để bán, Tuấn Khanh viết:
Có lẽ trong tư duy của những người lãnh đạo hiện nay, tiền là giải pháp quan trọng nhất, có thể đổi được mọi thứ. Việc đổi tương lai của người Việt bằng tiền, qua kịch bản giải quyết khủng hoảng cho Formosa, lại gợi nhớ rất nhiều về chuyện người dân bị chết nơi đồn công an, bị đánh đập vô cớ, bị nhổ vào mặt, luôn được giải quyết đơn giản bằng nụ cười thành khẩn đểu giả của kẻ gây tội, và một số tiền.
Mạng người hay số phận một quốc gia đâu thể đổi bằng tiền như suy nghĩ của những kẻ quen thói phủi tay. Tiền chỉ là đáp án của những kẻ trọc phú, lừa lọc, toa rập muốn xóa nhanh sự kiện. Việt Nam là một dân tộc có lòng tự trọng và có quốc pháp. Phương thức chọn đáp án nhanh, quy đổi đơn giản bằng tiền chính là một cách gây tổn thương cho lòng tự trọng của người Việt và sỉ nhục quốc pháp. Hãy nhớ, quê hương và tương lai dân tộc không bao giờ có thể để bị mặc cả bằng tiền!
Tai bay vạ gió
|
Quân đội Việt Nam bị mất hai chiếc máy bay hiện đại trong một hoàn cảnh khá bất ngờ, một nhà máy nữa do Trung quốc đầu tư đang có nguy cơ làm ô nhiễm sông Hậu Giang, hàng trăm thanh niên nam nữ bị bắt trong một vũ trường có dính tới ma túy,… Nhà bất đồng chính kiến, cựu Đại Tá Bùi Tín viết rằng dưới biển trên trời đang có nhiều ẩn số.
Trên trang blog của Thời báo kinh tế Sài Gòn, tác giả Nguyễn Quang Thân đặt câu hỏi thác loạn đến từ đâu nhân sự việc những người trẻ tuổi bị bắt trong một đêm mà báo chí Việt Nam gọi là đêm thác loạn. Nguyễn Quang Thân trả lời rằng nguyên nhân của thác loạn chính là một xã hội tham nhũng:
Không có tội ác nào trong xã hội loài người lại làm bại hoại văn hoá bằng tham nhũng. Đã ai đếm được có bao nhiêu người phải tự sát, phải sa vào vũng bùn bán rẻ thân xác và thất học, ngu dốt đi vì những đồng xu ít ỏi dành cho cuộc sống làm người của họ chui tọt vào túi bọn tham nhũng bằng những cái vòi vô hình và gián tiếp? Tham nhũng là nguồn gốc của tệ nạn xã hội và suy đồi văn hoá. Nó làm nản lòng những người muốn sống và đóng góp bằng mồ hôi và trí óc của mình cho sự phát triển lành mạnh của văn hoá và xã hội.
Khi “ăn của dân không thiếu thứ gì” mà người ta xây được biệt thự bằng đá, về hưu ngồi ghế dát vàng, ăn nói như một nhà đạo đức thì thanh niên sẽ coi chuyện ngáo đá trong quá bar hay chặt tay một kẻ đi đường cướp chiếc xe máy chỉ là trò mèo so với tội ác của kẻ tham nhũng kia.
Tham sân si và vô minh
Trở lại với câu chuyện thảm họa Vũng Áng, tác giả Nguyễn Quang Dy cho rằng hành động của nhà nước Việt Nam phạt tiền và cho Formosa tiếp tục hoạt động là một hành động vô cảm và vô minh, trong một xã hội tư bản hoang dã, hay một xã hội xã hội chủ nghĩa thân hữu đầy tham nhũng.
Ông viết tiếp rằng để tránh những thảm họa môi trường tương tự, giữ vững an ninh cho quốc gia thì phải chống tham nhũng, nhưng chống tham nhũng chỉ có kết quả nếu thể chế hiện tại được cải cách.
Không có tội ác nào trong xã hội loài người lại làm bại hoại văn hoá bằng tham nhũng...Tham nhũng là nguồn gốc của tệ nạn xã hội và suy đồi văn hoá. - Tác giả Nguyễn Quang Thân |
Bình luận câu chuyện nguy cơ bùng nổ một Formosa thứ hai tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn Thùy Linh khẳng định nước Việt Nam đang bị cứa cổ, đập đầu bởi búa và liềm.
Búa và liềm lại là biểu tượng của đảng cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam.
Bình luận về đảng cầm quyền này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy trong bài viết gửi nhà văn Phạm Đình Trọng, cho rằng dù ở thời kỳ thành lập, đảng này đã từng có những người nhiệt tâm vì quốc gia, nhưng khi nắm quyền thì đảng cộng sản tất yếu phải tha hóa, phải suy yếu, nó không thể không suy yếu khi mà nó nắm quyền lực tuyệt đối và quyền lực đó không phải chịu sự giám sát của pháp luật. Sự tha hóa của đảng cộng sản được quy định từ trong bản chất của nó, bản chất của một đảng độc tài.
Cũng Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, trong bài phỏng vấn ông Đặng Xương Hùng, từng là nhân viên ngoại giao Việt Nam, nay tị nạn ở Thụy sĩ, phát hiện ra cái cơ chế mà Nguyễn Quang Dy gọi là chủ nghĩa xã hội thân hữu:
Cái tệ hại của chế độ này là đảng cộng sản muốn mua sự trung thành và ngoan ngoãn của công chức nhà nước bằng việc ban phát bổng lộc nào đó cho từng ngành nghề, nếu không ban phát được họ bịt mắt cho qua những tiêu cực ngành nghề mà đó tạo ra. Thí dụ như họ bỏ qua cho công an những nhũng nhiễu mà công an gây ra cho nhân dân, thậm chí đổ lỗi là do người dân. Bỏ qua cho giáo viên việc dạy thêm. Bỏ qua cho bác sĩ trong việc nhận phong bì. Với ngoại giao chúng tôi được họ mua bằng những chuyến đi công tác nước ngoài và lệ phí visa.
Lương tâm và trách nhiệm
|
Nước Việt yêu quý của chúng ta rơi vào tình trạng ngày nay, tan hoang, mất độc lập như thế này, bởi vì đảng cầm quyền yếu kém và đầy tội lỗi nhưng lại không bị đào thải, bởi vì người dân vẫn chấp nhận nó, và bởi vì, đa số trí thức vẫn chấp nhận cái đảng ấy. Vì thế, chúng ta đã không thể hòa nhập vào dòng chảy lành mạnh của nhân loại. Và chúng ta đang mất hết mọi thứ, mất đến cả khả năng sinh tồn. Thật đau đớn cho dân tộc Việt. Và nếu nhìn nhận thẳng thắn, thì lỗi lớn thuộc về những người được gọi là trí thức, những người biết cái gì tốt, cái gì xấu, nhưng vẫn chấp nhận cái xấu, không bảo vệ và không ủng hộ và không xây dựng cái tốt.
Một trong những trí thức trẻ, nhà hoạt động dân sự Nguyễn Anh Tuấn, nhận thấy rằng chính mình có lỗi trong câu chuyện thảm họa Formosa, sau khi anh được biết rằng chính tại quê hương Đài Loan, Formosa cũng là một kẻ tội đồ:
Và nếu nhìn nhận thẳng thắn, thì lỗi lớn thuộc về những người được gọi là trí thức, những người biết cái gì tốt, cái gì xấu, nhưng vẫn chấp nhận cái xấu, không bảo vệ và không ủng hộ và không xây dựng cái tốt. - Tiến Sĩ Nguyễn Thị Từ Huy |
Tôi thành thật cảm thấy phần lỗi của mình trong thảm họa này. Có lỗi với mảnh đất này, với các thế hệ tương lai sau này.
Nói về những người trẻ tuổi đang dấn thân nhận lãnh trách nhiệm, nhà báo Đoan Trang tiếp lờ:
Dù còn ít ỏi, nhưng rõ là có một thiểu số người đã hiểu ra rằng chuyện môi trường và lợi ích của nhân dân không phải và không thể là chuyện “cứ để Đảng và Nhà nước lo”; không phải là Đảng và Nhà nước thì không thể sai hay không thể ngu dốt, mà thậm chí ngược lại: Họ không những sai, không những ngu dốt, mà còn bạo ngược và vô liêm sỉ nữa, một trong các bằng chứng là họ bán cả hiện tại và tương lai của dân tộc này chỉ với giá 500 triệu USD.
Có nhiều người đã đặt câu hỏi: Bây giờ phải làm gì? Đó là một câu hỏi rất đúng, nhưng thực ra chúng ta đã và đang làm rồi: Chúng ta đang học cách suy nghĩ độc lập, thoát khỏi sự định hướng của chế độ, chúng ta đang bóc mẽ bản chất bất tài, hại dân hại nước của độc tài…
Cô kết luận rằng đó chỉ là những bước đầu tiên, và những người dấn thân phải tiếp tục nhận lãnh trách nhiệm của mình.
Kinh Hòa
Theo RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét