...Nếu các đảo cũng như cả quần đảo Hoàng Sa không có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế dựa theo phán quyết của Tòa thì Trung Quốc không có quyền ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh cá tại các thực thể nằm dưới mặt nước khi thủy triều lên và ngoài phạm vi 12 hải lý của các thực thể nổi tại Hoàng Sa. Bằng không thì Việt Nam có quyền khởi kiện dựa theo tiền lệ của phán quyết. Câu hỏi là Đảng Cộng Sản Việt Nam có đủ can đảm vượt qua quan hệ anh em "4 Tốt và 16 Chữ Vàng" để kiện Trung Quốc hay không? Hơn nữa, hành vi xả thải tiêu diệt môi trường biển và hệ sinh thái của Formosa có thể dẫn đến hậu quả là hàng chục ngàn ngư dân miền Trung phải bỏ nghề đánh cá. Có lẽ Đảng sẽ rất vui nếu ngư dân bỏ nghề vì không phải bị đặt vào thế khó xử khi phải khởi kiện người anh cùng ý thức hệ từ phương Bắc...
Về hình thức, văn bản phán quyết dài 479 trang và có tổng cộng 10 chương. Đây là một phán quyết toàn diện và đồng thuận. Tức là cả 5 vị thẩm phán nhất trí đồng ký tên vào văn bản phán quyết và do đó nó có tính thuyết phục rất cao.
Thật ra, phán quyết của Tòa còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn so với dự đoán của nhiều chuyên gia theo dõi vụ kiện. Trọng tâm đơn kiện của Phi Luật Tân là yêu sách chủ quyền Đường 9 Đoạn và quy chế hàng hải của những thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng tại Trường Sa. Hai đề tài này được Tòa cứu xét kỹ lưỡng trong Chương V và VI của văn bản phán quyết. Tòa đã xem xét lịch sử của Công Ước và kết luận rằng mục đích của Công Ước là ấn định toàn diện quyền hạn của các quốc gia trong các vùng biển. Trong tiến trình đàm phán về việc hình thành vùng đặc quyền kinh tế, một số quốc gia muốn lưu giữ quyền lịch sử khai thác tài nguyên, đặc biệt là quyền đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Nhưng quan điểm này không được chấp thuận và Công Ước chỉ cho các quốc gia một quyền rất giới hạn là quyền tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế của nước khác trong trường hợp quốc gia đó không thể khai thác hết lượng cá cho phép. Ngoài ra không có quyền lịch sử nào đối với dầu khi hoặc tài nguyên khoáng sản. Do đó, yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên của Trung Quốc không phù hợp với quy định phân bổ chi tiết về quyền hạn và các vùng biển. Tòa cũng kết luận rằng nếu Trung Quốc đã từng có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông thì những quyền đó đã bị xóa bỏ khi Công Ước có hiệu lực vì không phù hợp với hệ thống phân định vùng biển của Công Ước.
Tòa cũng xem xét dữ kiện lịch sử để xác định là Trung Quốc thật sự có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở Biển Đông hay không, trước khi Công Ước có hiệu lực. Tòa nhận thấy rằng có bằng chứng ngư dân và thủy thủ Trung Quốc cũng như của những quốc gia khác trong lịch sử đã từng sử dụng các đảo ở Biển Đông. Nhưng trước khi có Công Ước, vùng biển này nằm ngoài phạm vi lãnh hải của các quốc gia và thuộc về biển cả là hải phận quốc tế mà tàu thuyền của bất cứ nước nào cũng có quyền tự do sử dụng và đánh cá. Do đó, việc ngư dân và thủy thủ Trung Quốc trong lịch sử sử dụng và đánh cá trong các vùng biển ở Biển Đông thật ra là thể hiện quyền tự do sử dụng biển cả chớ không phải là một quyền lịch sử. Hơn nữa, không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng độc quyền kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hoặc ngăn cản các quốc gia khác khai thác tài nguyên trong các vùng biển này.
Đề tài quan trọng thứ hai của phán quyết liên quan tới quy chế của các thực thể tại Biển Đông. Trước hết, Tòa tiến hành đánh giá kỹ thuật về một số bãi san hô mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền có nổi trên mặt nước khi thủy triều lên hay không. Theo Điều 13 và 121 của Công Ước, thực thể nào nổi trên mặt nước khi thủy triều lên thì được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý, còn các thực thể chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên thì không có quy chế hàng hải nào cả. Nhiều rặng san hô ở Biển Đông đã bị thay đổi đáng kể do việc cải tạo và xây dựng đảo trong thời gian gần đây nhưng Công Ước phân loại các thực thể này dựa trên trạng thái tự nhiên của chúng. Tòa bổ nhiệm ông Grant Boyes một chuyên gia thủy văn học người Úc để giúp Tòa xem xét các bằng chứng kỹ thuật của Phi Luật Tân. Nhưng Tòa chủ yếu dựa vào các tài liệu lưu trữ và các cuộc khảo sát thủy văn trước đây để đánh giá và xem xét các thực thể này. Tòa đồng ý với Phi Luật Tân là Bãi Hoàng Nham (Scarborough Shoal), Gạc Ma (Johnson Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef) và Chữ Thập (Fiery Cross Reef) là đá nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Còn Xu Bi (Subi Reef), Huy-gơ (Hughes Reef), Vành Khăn (Mischief) và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đều là các thực thể chìm trong trạng thái tự nhiên. Tuy nhiên, Tòa không đồng ý với Phi Luật Tân về đá Ga Ven (Gaven Reef) và Ken Nan (McKennan Reef) và kết luận rằng cả hai bãi đá này đều là thực thể nổi.
Tiếp theo, Tòa xem xét liệu có thực thể nào mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền có khả năng tạo ra quy chế hàng hải nhiều hơn 12 hải lý hay không. Theo Điều 121 của Công Ước, đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng "đá không thể tự nó duy trì cuộc sống con người hoặc đời sống kinh tế sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa". Điều khoản này gắn liền với việc mở rộng quyền tài phán của quốc gia ven biển với sự hình thành vùng đặc quyền kinh tế và nhằm để ngăn ngừa các thực thể không đáng kể tạo ra quy chế lớn xâm phạm vào quyền hạn của các quốc gia, lãnh thổ khác có người cư ngụ hoặc vùng biển cả và vùng đáy biển vốn là di sản chung của nhân loại. Tòa kết luận rằng theo Điều 121, quy chế hàng hải của một thực thể tùy vào khả năng khách quan của nó và trong trạng thái tự nhiên nó có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc đời sống kinh tế mà không phụ thuộc vào nguồn lực hoặc hỗ trợ từ bên ngoài và hoạt động kinh tế có thuần túy mang tính khai khác hay không.
Tòa nhận thấy có nhiều thực thể ở Trường Sa hiện đang có một số quốc gia ven biển kiểm soát đã có xây dựng một số công trình và duy trì nhân viên tại đó. Sự hiện diện mới mẻ này phụ thuộc vào nguồn lực và hỗ trợ từ bên ngoài và các thực thể này đã bị thay đổi để nâng cao điều kiện cư ngụ kể cả bằng cách cải tạo đảo và xây cất cơ sở hạ tầng như nhà máy khử muối. Tòa kết luận rằng sự hiện diện hiện nay của các nhân viên công quyền không chứng minh khả năng khách quan của các thực thể này trong trạng thái tự nhiên có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định. Tòa cho rằng bằng chứng lịch sử liên quan tới đời sống và hoạt động kinh tế có giá trị thiết thực hơn khi xác định khả năng khách quan của các thực thể này. Từ xem xét dữ kiện lịch sử, Tòa nhận thấy các đảo ở Trường Sa trong lịch sử đã từng được sử dụng bởi các nhóm nhỏ ngư dân từ Trung Quốc và các quốc gia khác và một vài công ty khai thác phân chim và đánh cá của Nhật đã có hoạt động tại đây trong thập niên 1920 và 1930. Tòa kết luận rằng việc sử dụng tạm thời các thực thể này bởi ngư dân không dẫn đến một cộng đồng dân cư ổn định và tất cả mọi hoạt động kinh tế trong lịch sử đều mang tính khai thác. Do đó, Tòa kết luận là tất cả mọi thực thể nổi tại Trường Sa bao gồm Ba Bình (Itu Aba), Thị Tứ (Thitu), Bến Lạc (West York), Trường Sa (Spratly), Song Tử Đông (North-East Cay) và Song Tử Tây (South-West Cay) đều là ''đá'' không có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Tòa cũng phán là Công Ước không công nhận một nhóm đảo chẳng hạn như quần đảo Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển như là một thực thể thống nhất.
Phán quyết của Tòa là ngay cả Ba Bình, đảo lớn nhất tại Trường Sa có nguồn nước ngọt vẫn không có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý vì trong trạng thái tự nhiên tự nó không thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định sẽ là một tiền lệ lịch sử có tầm quan trọng to lớn áp dụng cho các vụ kiện liên quan tới quy chế của các thực thể hàng hải trong tương lai. Ví dụ như vào ngày 28/4/2016, cảnh sát tuần duyên Nhật đã bắt giữ 10 ngư dân Đài Loan đánh cá trong phạm vi 150 hải lý của Okinotori - một đảo san hô có diện tích khoảng 7.8 cây số vuông nhưng không có người cư ngụ của Nhật. Đài Loan phủ nhận lập luận của Nhật Okinotori là đảo có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Theo phán quyết của Tòa đảo phải tự nó tạo ta một cộng đồng dân cư ổn định hoặc hoạt động kinh tế không chỉ thuần túy khai thác thì quan điểm của Đài Loan khá vững vàng về mặt pháp lý. Có khoảng 100 tàu cá của Đài Loan hoạt động trong khu vực này hàng năm. Đài Loan đe dọa là sẽ khởi kiện nếu Nhật tiếp tục bắt bớ ngư dân của họ. Có điều Đài Loan không phải là một quốc gia thành viên cho nên không biết sẽ lấy tư cách gì để kiện?
Riêng đối với Việt Nam, phán quyết sẽ có hệ quả quan trọng đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa nhưng Tòa Án được thành lập dưới Công Ước không có thẩm quyền xét xử tranh chấp về chủ quyền. Tuy nhiên, sự kiện ngư dân miền Trung đánh cá trong ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa thường xuyên bị các tàu hải giám Trung Quốc tấn công, đâm phá và cướp bóc là một nỗi đau nhức nhối và uất ức cho mọi người Việt ở trong và ngoài nước nhưng nhà nước và Đảng Cộng Sản Việt Nam không có biện pháp gì để bảo vệ cho họ ngoài những lời phản đối có tính ngoại giao hoặc chiếu lệ. Nếu các đảo cũng như cả quần đảo Hoàng Sa không có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế dựa theo phán quyết của Tòa thì Trung Quốc không có quyền ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh cá tại các thực thể nằm dưới mặt nước khi thủy triều lên và ngoài phạm vi 12 hải lý của các thực thể nổi tại Hoàng Sa. Bằng không thì Việt Nam có quyền khởi kiện dựa theo tiền lệ của phán quyết. Câu hỏi là Đảng Cộng Sản Việt Nam có đủ can đảm vượt qua quan hệ anh em "4 Tốt và 16 Chữ Vàng" để kiện Trung Quốc hay không? Hơn nữa, hành vi xả thải tiêu diệt môi trường biển và hệ sinh thái của Formosa có thể dẫn đến hậu quả là hàng chục ngàn ngư dân miền Trung phải bỏ nghề đánh cá. Có lẽ Đảng sẽ rất vui nếu ngư dân bỏ nghề vì không phải bị đặt vào thế khó xử khi phải khởi kiện người anh cùng ý thức hệ từ phương Bắc.
22.07.2016
Ls Nguyễn Văn Thân
DLB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét