|
Minh bạch để dân giám sát
Việc tìm ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung vừa qua rất đáng ghi nhận, song đây cũng chỉ là kết quả bước đầu, điều quan trọng tới đây là việc phải khắc phục hậu quả. Ý kiến bà ra sao?
Trước tiên, cần phải thừa nhận việc tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung lúc đầu còn hơn chậm. Nhưng sau khi các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt, đã huy động tổng lực trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam và chất xám của các nhà khoa học quốc tế. Cuối cùng chúng ta đã chỉ ra được nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt một cách thuyết phục. Chúng ta cứ tạm coi đây là một “kết thúc có hậu”, điều này rất tốt và rất đáng hoan nghênh.
Nhưng tìm ra nguyên nhân là một chuyện, điều quan trọng hơn cả là phải khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài ra sao. Về trước mắt, tôi cho rằng 5 điểm mà Formosa đã đưa ra cam kết, muốn khắc phục thì phải kèm theo người giám sát, xem họ khắc phục ra sao, bằng công nghệ gì, thời gian trong bao lâu, bao giờ chấm dứt... Bên cạnh đó là việc khắc phục tức thời, tức là các chính sách hỗ trợ cho ngư dân tiếp tục đánh bắt hải sản, nếu không đi đánh bắt cá thì đào tạo nghề ra sao. Còn về lâu dài là vấn đề kinh tế, du lịch biển.
“Số tiền 500 triệu USD họ đưa ra dựa trên cơ sở nào? Chúng ta có thể nhân nhượng, nhưng để khôi phục lại sinh thái biển sẽ phải mất bao nhiêu tiền? Hệ sinh thái biển chính là sự sống của tảo, của cá, tôm... Các sinh vật đó lại liên quan đến sự sống con người. Chuyện đó quan trọng lắm và có thể nói là vô giá”. PGS.TS Bùi Thị An |
Tất cả phải được thể hiện trên một lộ trình cụ thể, bài bản rõ ràng trên cơ sở kết hợp các biện pháp, kể cả khoa học công nghệ và khoa học xã hội. Do vậy, việc khắc phục hậu quả về trước mắt và lâu dài cần phải có người giám sát và giám sát một cách thường xuyên.
Bà suy nghĩ gì về số tiền 500 triệu USD Formosa cam kết bồi thường?
Vấn đề là số tiền 500 triệu USD họ đưa ra dựa trên cơ sở nào? Chúng ta có thể nhân nhượng, nhưng để khôi phục lại sinh thái biển sẽ phải mất bao nhiêu tiền? Hệ sinh thái biển chính là sự sống của tảo, của cá, tôm... Các sinh vật đó lại liên quan đến sự sống con người. Chuyện đó quan trọng lắm và có thể nói là vô giá.
Tất nhiên, chúng ta không thể chi li, yêu cầu họ phải đền bù cho bằng đủ, nhưng họ cần phải khôi phục lại tương đối, và quan trọng nhất vẫn là khôi phục bằng cách nào, bao giờ khôi phục được? Việc này phải làm rõ và minh bạch để dân giám sát, nếu không thì sẽ lại “đánh bùn sang ao”.
Từ vụ việc Formosa, phải chăng đã bộc lộ ra những lỗ hổng trong quản lý, cấp phép đầu tư?
Chính xác. Cái này thì rõ rồi, đây chính là một yếu kém và phải thừa nhận chuyện đó đi. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là phải làm đến cùng. Cần phải làm quyết liệt và minh bạch, từ kêu gọi đầu tư, người phê duyệt, đến chuyện nhà đầu tư sản xuất cái gì, áp dụng công nghệ gì, lượng tiền ra sao.
Chúng ta phải nhấn mạnh đến yếu tố minh bạch, vì chỉ có minh bạch thì dân ta mới giám sát được. Chỉ minh bạch thì chúng ta mới chấm dứt được những sự cố môi trường nghiêm trọng như vừa qua. Không bao giờ chúng ta đánh đổi môi trường lấy bất kỳ điều gì.
|
Khi đi kiểm tra một số nhà máy tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói, từ bài học của Formosa, phải luôn cảnh giác, luôn ý thức bảo vệ môi trường. Theo bà, từ vụ việc của Formosa, vấn đề gì cần phải làm ngay?
Về phía Chính phủ, tôi đề nghị bây giờ phải tiến hành rà soát lại toàn bộ các khu công nghiệp hiện có. Cần phải đánh giá, xem những khu công nghiệp nào tuân thủ tốt vấn đề môi trường của Việt Nam, hay việc giám sát thiết kế, thi công xem còn nơi, chỗ nào làm chưa tốt. Nếu đơn vị nào làm chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu cần mạnh dạn đình chỉ ngay sản xuất chứ không thể nương nhẹ.
Vậy còn việc xem xét trách nhiệm cấp phép, quản lý, giám sát có cần phải thực hiện ngay lúc này?
Điều đó rất cần thiết. Phải truy lại toàn bộ trách nhiệm của những người đã ký phê duyệt dự án, người đánh giá môi trường, giám sát thi công, vận hành của Formosa. Điều chúng ta cần phải hết sức lưu ý, đây mới chỉ là vận hành chạy thử thôi, còn khi Formosa khai thác thật sẽ thế nào? Vấn đề này vô cùng quan trọng, chỉ khi tìm ra nguyên nhân chính xác và truy trách nhiệm chính xác thì người ta mới sợ và từ giờ trở đi không bao giờ cho một dự án như Formosa lặp lại nữa.
Chúng ta cũng phải nói thẳng thắn rằng, đất nước tôi luôn luôn mở cửa, luôn trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, nhưng đã vào đất nước tôi thì anh phải tuân thủ đúng theo luật pháp của chúng tôi. Việc tìm ra nguyên nhân là tốt rồi, họ đã có cam kết và hứa khắc phục rồi, vấn đề còn lại bây giờ là giám sát thực hiện như thế nào, tất cả cần phải được minh bạch, rõ ràng.
Liên quan đến vụ việc này, theo bà có cần thiết phải khởi tố vụ án?
Quan điểm cá nhân tôi thì nên khởi tố, bởi đây không đơn giản là vấn đề kinh tế, dân sự nữa mà đây là vấn đề hình sự. Mặc dù Bộ luật Hình sự mới đang lùi thời hạn, nhưng luật hiện hành vẫn đang có hiệu lực, và theo Luật Môi trường, nếu vi phạm môi trường tức là vi phạm sự sống, mà Hiến pháp quy định, mọi người dân phải được sống trong môi trường trong lành.
Tất nhiên vấn đề này hơi khó, vì trước nay chúng ta chưa có chuyện khởi tố pháp nhân, chính vì thế mà cần phải kết hợp khéo léo và làm việc này cho đến cùng. Nhưng trước mắt cần phải làm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải làm quyết liệt đến cùng và xử lý đến cùng, quy rõ trách nhiệm cụ thể, không loại trừ ai. Tôi nhấn mạnh thêm rằng, tất cả những việc này cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch để dân giám sát.
Cảm ơn bà!
Dũng Nguyễn
Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét