|
Để tăng cường yêu sách đầy gây tranh cãi của họ ở biển Đông, Trung Quốc đang ngày càng dựa vào các lực lượng không chính quy như thế này, cùng nhau chúng hình thành cái mà Trung Quốc gọi lực lượng dân quân biển. Trong những năm gần đây, các đơn vị dân quân biển đã đóng vai trò quan trọng trong một số cuộc chạm trán và đụng độ ở vùng biển quốc tế: chẳng hạn hồi năm 2012, họ đã tham gia vào việc chiếm lấy bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, và vào năm 2014, họ đã giúp đẩy lùi các tàu Việt Nam khỏi một giàn khoan dầu mà Trung Quốc đặt gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.
Dân quân thể hiện một công cụ hữu ích trong kế hoạch của Trung Quốc thúc đẩy không đổ máu các yêu sách biển, vì vẻ bề ngoài thường là dân sự, cho phép Bắc Kinh phủ nhận sự dính dáng của họ trong những vụ chạm trán như vụ hồi cuối tháng 10 và khai thác quy tắc can dự của Hải quân Mỹ về việc hạn chế các hành động mà tàu chiến Mỹ có thể thực hiện đối với các tàu dân sự. Dù có tiềm năng, dân quân biển ít được hiểu biết nhất trong các lực lượng trên biển của Trung Quốc, và cho đến nay, chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa thừa nhận sự có mặt của họ trong các báo cáo công cộng hoặc tuyên bố quan trọng chính thức. Điều đó cần phải thay đổi. Bằng cách chỉ cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy rằng, trò chơi của họ đã được biết rõ, Washington có thể ngăn cản Bắc Kinh sử dụng dân quân thậm chí còn quyết đoán hơn so với từ trước đến nay — một bước quan trọng trong việc ngăn chặn Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát đối với một tuyến đường biển quan trọng cần phải giữ để mở cho giao thông quốc tế.
MỘT ĐỘI QUÂN TRÁ HÌNH
Một số nước có dân quân biển góp phần vào việc thực thi pháp luật, khắc phục thảm họa, an ninh địa phương, và các nhiệm vụ tương tự như vậy. Hoa Kỳ, chẳng hạn, có lực lượng dân quân biển khiêm tốn giúp đối phó với những tình huống khẩn cấp trong vùng nước ven biển không có tranh chấp và cung cấp nhân sự dự bị cho các nhiệm vụ quân sự khác của đất nước. Nhưng lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh là khác biệt: với hàng ngàn thành viên, nó là lực lượng dân quân biển lớn nhất thế giới và là một trong chỉ có hai, cùng với dân quân biển Việt Nam, được biết có phái lực lượng không chính quy ưu tú để quấy rối về tàu thuyền nước ngoài hoạt động hợp pháp.
Các đơn vị dân quân biển được các bộ chỉ huy quân sự PLA địa phương quản lý và được chính quyền địa phương và cấp tỉnh cấp kinh phí. Để khuyến khích người dân địa phương tham gia, chính quyền địa phương thường hứa trả cho dân quân một khoản trợ cấp vài ngàn đô la mỗi năm nếu họ bị thương tật khi làm nhiệm vụ—một khoản tiền tương đương với mức trợ cấp của chính phủ Trung Quốc và một nơi thu hút ở một ngôi làng đánh cá vùng nông thôn. Hải Nam, tỉnh đảo Trung Quốc nắm quyền quản lý hành chính hầu hết biển Đông, là nơi có rất nhiều đơn vị tiến bộ nhất mà trong số đó là các quan chức Trung Quốc, kể cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã đến thăm.
Các đơn vị dân quân biển được sắp xếp trông giống như các nhóm dân sự trong hầu hết các tình huống, và họ phải giằng co rất lâu để quyết định khi nào thì sử dụng quân phục mà các thành viên của họ thường mặc khi huấn luyện. Một bài báo hồi tháng 1 năm 2014 trên tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, tờ Quân đội Nhân dân, nắm bắt một cách ngắn gọn tác dụng mong muốn: “Mặc trang phục vào, họ hội đủ điều kiện là lính; cởi trang phục ra, họ trở thành những ngư dân tuân thủ pháp luật”. Tất nhiên, đó không phải là những ngư dân bình thường. Thành viên dân quân báo cáo cho Quân đội Trung Quốc và các cơ quan khác của chính phủ, và nhiệm vụ của họ được nhà nước Trung Quốc uỷ quyền và bảo trợ. Hơn thế nữa, theo cấp thẩm quyền trong chính phủ Trung Quốc và các ấn phẩm trực thuộc quân đôi, một số đơn vị dân quân biển tiên tiến nhất của Trung Quốc (có khả năng cũng những đơn vị này sẽ được giao phó những nhiệm vụ đòi hỏi tiếp xúc với lực lượng Hoa Kỳ và nước ngoài khác) do các sĩ quan Hải quân PLA đào tạo.
Quả vậy, trong một số vụ chạm trán quốc tế trong vài thập kỷ qua, các thành viên của lực lượng dân quân biển đã phối hợp chặt chẽ hành động của họ với hải quân và cảnh sát biển của Trung Quốc. Có lẽ màn diễn nổi tiếng nhất xảy ra năm 2009, khi một thuyền viên trên một tàu đánh cá—điều khiển bởi một dân quân và có đăng ký với một tổ chức dân quân—cố sử dụng một chiếc móc để chọc thủng mạng dò thuỷ âm (sonar) của tàu do thám USNS Impeccable của Mỹ, phía sau tàu đánh cá này là hai tàu cảnh sát biển của Trung Quốc, và một thuyền có vẻ dân sự chạy cắt ngang trước mũi tàu Impeccable buộc nó phải dừng lại—tất cả diễn ra khi một tàu chiến của Hải quân PLA quan sát gần đó.
Mặc dù thực tế rằng sự cố tàu Impeccable và các vụ chạm trán như thế đã được công bố rộng rãi, dân quân hết sức giấu giếm về các hoạt động của họ. Hồi đầu tháng này, một phóng viên Al Jazeera đến viếng thị trấn Đàm Môn (Tanmen) trên đảo Hải Nam, ở đó cô nhìn thấy một đội dân quân dáng vẻ mệt mỏi đang luyện tập cạnh bến cảng trong làng. Khi được hỏi họ đang làm gì, một quan chức địa phương nói với phóng viên rằng những người này là thành viên của một đoàn làm phim. Một người đàn ông nói rằng ông là một ngư dân địa phương nhưng sau đó được xác định là Phó chỉ huy dân quân của Đàm Môn còn đi xa hơn: ông tuyên bố không biết gì về những người đang luyện tập cạnh bến cảng ngoài việc họ là ngư dân mặc quân phục vì lý do an toàn che chắn họ khỏi bị nắng.
Khả năng có thể phủ nhận nhờ vỏ bọc dân sự mang lại không phải là lợi thế duy nhất của dân quân biển. Các đơn vị dân quân cũng cung cấp cho Trung Quốc một lợi thế bất cân xứng và giúp họ chủ động trong các vụ chạm trán với các lực lượng nước ngoài: khi các tàu nước ngoài phải vật lộn tìm cách để đáp ứng thì các đơn vị dân quân có thể quấy nhiễu các hoạt động của họ, đồng thời báo vị trí và hoạt động của họ cho các lực lượng khác của Trung Quốc biết. Và sau đó lại có giá trị về tuyên truyền: trong trường hợp có một vụ chạm trán giữa dân quân và tàu nước ngoài, các cơ sở của Trung Quốc có thể làm cho internet tràn ngập với một đoạn phim được biên tập một cách chọn lọc về những người có vẻ là ngư dân thường đang bị hà hiếp bất công. Tất nhiên, các thành viên của lực lượng dân quân biển không chỉ đơn thuần là thường dân, và việc họ có quan hệ trực tiếp với chuỗi chỉ huy quân sự của Trung Quốc mà từ đó họ nhận lệnh điều động và hành động, sẽ làm cho họ không còn đủ điều kiện để được đối xử như vậy.
VƯỢT LÊN PHÍA TRƯỚC VẤN ĐỀ
Các nhà quan sát không nên trông chờ lực lượng dân quân biển sẽ sớm giảm bớt hoạt động của họ vào một lúc nào đó. Động lực của Trung Quốc ép buộc các nước láng giềng ở biển Đông đang tăng lên, và việc phát triển và bồi đắp các đảo nhân tạo đang tiếp diễn trong khu vực sẽ cung cấp nhiều hậu thuẫn cho lực lượng dân quân. Đồng thời, những nỗ lực sắp xếp lại Quân đội của Bắc Kinh với việc cắt giảm 300.000 binh sĩ sẽ cung cấp nhiều thiết bị mới và nhân lực cho lực lượng dân quân: cựu chiến binh là nguồn tuyển quân rất thu hút. Đáp ứng với các tín hiệu từ Bắc Kinh, các quan chức địa phương dọc theo bờ biển của Trung Quốc đang mở rộng các đơn vị dân quân hiện có và xây dựng các đơn vị mới. Xét trường hợp Bắc Hải, một thành phố ở tỉnh Quảng Tây phía nam Trung Quốc. Năm 2013, thành phố này là quê hương của hai phân đội dân quân biển, với khoảng 200 nhân sự. Năm 2015, nó gia tăng lên tới í nhất 10 phân đội, với hơn 2.000 nhân sự.
Trước khi có một sự cố khác liên quan đến lực lượng dân quân biển của Trung Quốc và lực lượng của Hoa Kỳ, Washington cần phải đi trước vấn đề. Hoa Kỳ cần phải bắt đầu bằng việc công khai nhận thức của mình về sự nguy hiểm do dân quân gây ra, chẳng hạn qua việc bảo đảm rằng báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng về quân đội Trung Quốc năm 2017 có trình bày chi tiết về nhóm này. Các quan chức Mỹ cần công khai thảo luận về tính chất của dân quân, việc sử dụng nó, và những hậu quả mà nó và các diễn viên khác của chính phủ Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong một loạt các tình huống có dính dáng đến quân đội Mỹ, tỏ rõ rằng lực lượng dân quân biển sẽ không ngăn Hoa Kỳ theo đuổi việc tiếp cận hợp pháp ở biển Đông. Làm như vậy sẽ tăng cường tính minh bạch trong một khu vực dễ xảy ra khủng hoảng và giúp thiết lập những lối ra rõ ràng tránh leo thang trong trường hợp có một vụ chạm trán nguy hiểm. Thậm chí nếu các quan chức Trung Quốc từ chối thảo luận về vấn đề này với những người đồng nhiệm của Mỹ thì thông điệp của Washington vẫn sẽ có âm vang ở Bắc Kinh.
Hải quân Trung Quốc, về phần mình, không nên được phép tự thể hiện mình như là cảnh sát tốt của Trung Quốc qua việc hợp tác với các lực lượng Mỹ trong khu vực, trong khi cảnh sát biển và dân quân biển (một số người này do Hải quân TQ huấn luyện) của Trung Quốc lại làm trò bẩn thỉu. Thay vào đó, Washington cần kêu gọi cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc phải tuân theo quy tắc ứng xử như Hải quân TQ. Và để các quy tắc thích hợp điều phối mọi lực lượng không chính quy trong khu vực, Hoa Kỳ cũng nên yêu cầu lực lượng dân quân biển Việt Nam tuân theo các tiêu chuẩn tương tự.
Nếu Trung Quốc không hợp tác, Mỹ nên xem xét rút lại một số các đặc quyền mà Hải quân Trung Quốc hiện đang được hưởng với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, chẳng hạn như tham gia vào các cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương do Hoa Kỳ chủ trì. Bằng cách thách thức các hoạt động của dân quân biển, áp đặt cái giá phải trả cho việc sử dụng nó, và chuẩn bị cho những dự phòng khác nhau mà nó có thể kích động, Washington có thể vượt qua những thách thức nghiêm trọng do các lực lượng biển không chính quy của Bắc Kinh gây ra ở một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới.
ANDREW S. Erickson là giáo sư về chiến lược tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, của trường Cao đảng Hải chiến Mỹ. Theo dõi ông trên Twitter tại @AndrewSErickson. Conor M. Kennedy là trợ lý nghiên cứu tại trường này. Quan điểm trong bài viết này là của riêng hai tác giả, không đại diện cho quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ.
Tác giả: Andrew S. Erickson & Conor M. Kennedy | Foreign Affairs
Dịch giả: Song Phan
Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét