|
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng đã khuyến cáo Hoa Kỳ cần tôn trọng cam kết không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền, thận trọng trong hành động và lời lẽ, không thực hiện bất kỳ các hành động nào xâm phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
Philippines đã nộp đơn kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Ðông tại Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 1 năm 2013. Dù Tòa Trọng tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đã vài lần yêu cầu Trung Quốc trình bày luận điểm, cung cấp chứng cứ nhưng Trung Quốc liên tục phủ nhận thẩm quyền của Tòa vì theo Trung Quốc, Trung Quốc có chủ quyền “bất khả tranh biện” ở Biển Ðông, tranh chấp về chủ quyền tại Biển Ðông là chuyện riêng giữa Trung Quốc với từng quốc gia có bất đồng trong vấn đề này. Trung Quốc không chấp nhận sự can dự của bên thứ ba.
Tuy Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chỉ xác nhận ngoại trưởng Hoa Kỳ có thảo luận với ngoại trưởng Trung Quốc qua điện thoại vào ngày 6 tháng 7 và không cho biết nội dung cuộc thảo luận nhưng ngày 7 tháng 7, Navy Times một ấn bản của Military Times loan báo, trong hai tuần gần đây, ba khu trục hạm USS Momsen, USS Spruance và USS Stethem đã liên tục thực hiện các cuộc tuần tra ở quần đảo Trường Sa.
Trước đó, Hải Quân Hoa Kỳ từng loan báo đã điều động ba khu trục hạm vừa kể thực hiện các cuộc tuần tra ở Biển Ðông nhằm bảo vệ an ninh hàng hải và duy trì sự ổn định trong khu vực nhưng không cho biết chi tiết. Nay, Navy Times tiết lộ, Momsen, Spruance và Stethem đã thực hiện các cuộc tuần tra quanh bãi cạn Scarborough và những thực thể khác ở quần đảo Trường Sa. Khoảng cách từ các chiến hạm Hoa Kỳ với những thực thể vừa kể nằm trong phạm vi từ 14 đến 20 hải lý.
USS Spruance – một trong ba khu trục hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đang tuần tra ở biển Ðông. (Hình: U.S Navy) |
Cho dù các chiến hạm của Hoa Kỳ không tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý (theo luật pháp quốc tế, phạm vi 12 hải lý quanh các hòn đảo là vùng biển bất khả xâm phạm vì thuộc chủ quyền của quốc gia sở hữu những đảo đó tuy nhiên từ tháng 10 năm ngoái đến nay, Hoa Kỳ đã ba lần điều động chiến hạm vào tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của cả các đảo tự nhiên lẫn nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và liên tục khẳng định là Trung Quốc có chủ quyền “bất khả tranh biện,” nhưng giới quan sát thời sự tin rằng, đó chính là cách mà Hoa Kỳ trình bày quyết tâm thực hiện lập trường của mình về vấn đề Biển Ðông.
Hoa Kỳ từng nhiều lần đề nghị các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Ðông không thay đổi hiện trạng Biển Ðông, ngưng bồi đắp-xây dựng-bài bố nhằm quân sự hóa Biển Ðông, đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực có hải lộ quan trọng với kinh tế của cả Hoa Kỳ lẫn cộng đồng quốc tế.
Tiết lộ của Navy Times cho thấy dường như Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thăm dò mức độ kiên định của nhau.
Sau khi Hoa Kỳ điều động một hải đội theo hàng không mẫu hạm Ronald Reagan vào Biển Ðông nhằm duy trì sự hiện diện tại khu vực Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc thực hiện cuộc tập trận được giải thích là “hoạt động thường niên” ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ 5 đến 11 tháng 7. (G.Ð)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét