Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa, ‘răn đe’ Việt Nam? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa, ‘răn đe’ Việt Nam?


Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Trung Quốc khẳng định chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với quần đảo Hoàng Sa, và nói rằng cuộc tập trận thường niên diễn ra trên lãnh thổ của Trung Quốc.

Trung Quốc bác bỏ lời kêu gọi ngưng tập trận trên biển Đông của Hà Nội, trong khi có ý kiến nói chính quyền của ông Tập Cận Bình đang phô trương sức mạnh trước khi Tòa Trọng tài (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.

Sau khi Bắc Kinh thông báo thực hiện cuộc diễn tập quân sự gần quần đảo Hoàng Sa từ ngày 5 – 11/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ngay lập tức “phản đối mạnh mẽ”, đồng thời yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt ngay”.

Đáp lại, hôm 6/7, người phát ngôn viên Hồng Lỗi của Trung Quốc khẳng định chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa], và nói rằng cuộc tập trận thường niên diễn ra trên lãnh thổ của Trung Quốc.

Ông Hồng nói: “Trong khi cuộc diễn tập không nhắm vào bất kỳ một nước thứ Ba nào, chúng tôi hy vọng nước qua ngại nên nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan”.

Một số người trong giới phân tích cho rằng Bắc Kinh tổ chức tập trận để thị uy nước khác, ngay trước khi Tòa ở La Haye, Hà Lan, đi tới quyết định được trông đợi.

  Tôi nghĩ thông điệp của Trung Quốc gửi ra không hẳn rõ ràng, và nếu như, Trung Quốc thực sự có ý đồ nào đấy, dùng sức mạnh quân sự để răn đe các nước khác và tòa PCA, nó sẽ không thành công như Trung Quốc mong muốn. Phán quyết của PCA vẫn có giá trị, bất chấp hành động của Trung Quốc trên biển Đông, cụ thể là cuộc tập trận ở Hoàng Sa.

TS. Lê Hồng Hiệp
Khi được hỏi rằng Trung Quốc muốn gửi tới các nước có tranh chấp thông điệp gì qua hoạt động quân sự kéo dài một tuần tại vùng biển tranh chấp, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định rằng “khó khẳng định được ý đồ của Trung Quốc”.

Ông nói thêm:

“Cho dù Trung Quốc có những cuộc tập trận ở quy mô như thế nào, với phạm vi ra làm sao, tôi nghĩ nó không thay đổi bản chất phán quyết của PCA cũng như tình hình trên thực tế. Hành động của Trung Quốc thể hiện sự cứng rắn, diễn ra từ trước đến nay rồi, chứ không phải tới thời điểm bây giờ mới xuất hiện. Tôi nghĩ thông điệp của Trung Quốc gửi ra không hẳn rõ ràng, và nếu như, Trung Quốc thực sự có ý đồ nào đấy, dùng sức mạnh quân sự để răn đe các nước khác và tòa PCA, nó sẽ không thành công như Trung Quốc mong muốn. Phán quyết của PCA vẫn có giá trị, bất chấp hành động của Trung Quốc trên biển Đông, cụ thể là cuộc tập trận ở Hoàng Sa”.

Không chỉ đáp trả Việt Nam trên bình diện ngoại giao, Trung Quốc còn công kích Việt Nam trên “mặt trận” báo chí do nhà nước kiểm soát của nước này.

Tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 6/7 tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không ngừng tập trận “chỉ vì Hà Nội phản đối”.

“Sự phản đối này không khác gì những tuyên bố của Việt Nam mỗi khi Trung Quốc có bất kỳ động thái nào ở Tây Sa [Hoàng Sa]. Thách thức Trung Quốc về Tây Sa có thể là một trong các chiến thuật của Hà Nội nhằm có thêm trọng lượng trong việc tranh chấp Nam Sa [Trường Sa]”, tờ báo theo chủ trương dân tộc cực đoan nói.

Hoàn cầu Thời báo còn cho rằng Việt Nam sẽ không duy trì được sự ổn định “nếu thiếu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc”.

Bắc Kinh thời gian qua tuyên bố đã nhận được sự hậu thuẫn của hàng chục quốc gia về vấn đề chủ quyền biển Đông, nhưng theo tờ The Wall Street Journal, chỉ có 8 nước công khai ủng hộ.

  Trung Quốc khi khắp nơi để họ vận động các nước không liên quan gì tới biển Đông ủng hộ họ. Trung Quốc muốn tạo dư luận trên thế giới, nhưng bản thân họ muốn dùng thông tin đó để tạo dư luận của Trung Quốc, cho người dân tin tưởng vào chính sách của [ông] Tập Cận Bình, và Trung Quốc sẽ sẵn sàng bảo vệ những cái gì Trung Quốc coi là của mình.

TS. Vũ Quang Việt
Về nỗ lực này, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định rằng Trung Quốc đang “tiến hành các hoạt động ngoại giao để bảo vệ lợi ích của mình”.

Nhà nghiên cứu này nói thêm:

“Những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc có hiệu quả hạn chế. Bản chất vấn đề ở đây chính là phán quyết pháp lý của Tòa Trọng tài Thường trực, và nó sẽ làm suy yếu về mặt pháp lý cũng như chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, cụ thể là ở khu vực Trường Sa. Cho dù các quốc gia ủng hộ, hay phản đối, phán quyết của PCA vẫn có giá trị, và vẫn sẽ được nhiều các quốc gia khác ủng hộ. Chính vì thế, đây sẽ là một gánh nặng đối với Trung Quốc trong thời gian tới”.

Trong cuộc họp báo hôm 23/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng ít nhất 47 quốc gia đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở biển Đông.

Ông Vũ Quang Việt, một cựu nhân viên của Liên Hiệp Quốc, và hiện nghiên cứu vấn đề biển Đông, nói rằng những việc làm của Trung Quốc thời gian qua nhằm mục đích “trấn an dư luận trong nước”.

Ông Việt nói thêm:

“Trung Quốc đi khắp nơi để họ vận động các nước không liên quan gì tới biển Đông ủng hộ họ. Trung Quốc muốn tạo dư luận trên thế giới, nhưng bản thân họ muốn dùng thông tin đó để tạo dư luận của Trung Quốc, cho người dân tin tưởng vào chính sách của [ông] Tập Cận Bình, và Trung Quốc sẽ sẵn sàng bảo vệ những cái gì Trung Quốc coi là của mình”.

Ông Việt nhận định thêm rằng Hà Nội sẽ tính toán các bước đi tiếp theo “tùy theo phán quyết của tòa”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 4/7 cho biết rằng Việt Nam “luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện và mong muốn Tòa Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông”.



VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad