Truyền thông nói gì trước phán quyết? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Truyền thông nói gì trước phán quyết?


...Cho tới giờ, chưa có bên liên quan nào muốn đối đầu quân sự. Nhưng các bên đều tăng cường chuẩn bị sẵn sàng quân sự...

Nhiều quốc gia đang chờ đợi phán quyết của Tòa trọng tài tại The Hague                 

Báo quốc tế dành nhiều bình luận trước phán quyết của Tòa trọng tài tại The Hague về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông.

REUTERS

Tờ Hoàn cầu Thời báo chạy tin phản ứng của Trung Quốc với phán quyết sẽ “phụ thuộc vào khiêu khích”.

Cho tới giờ, chưa có bên liên quan nào muốn đối đầu quân sự. Nhưng các bên đều tăng cường chuẩn bị sẵn sàng quân sự, Reuters nói.

Các học giả Hoa Kỳ và các quan chức quân sự, tình báo ủng hộ phán quyết nói phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của tòa sẽ ảnh hướng rất nhiều đến phản ứng của Philippines, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, cũng như Hoa Kỳ.

Chẳng hạn, nếu Trung quốc tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực tranh chấp, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác không có lựa chọn nào hơn là phản ứng bằng các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải đa quốc gia và bay tuần tra, quan chức Hoa Kỳ ẩn danh nói với Reuters.

Kế hoạch dự phòng cho các cuộc tập luyện như vậy đã hoàn tất ở giai đoạn cuối, một quan chức nói và cho Reuters biết thêm: “Chúng tôi hi vọng mọi việc không đến mức đó.”

Quyết định của tòa về tính hợp pháp của đường chín đoạn sẽ là tín hiệu cho thấy các thẩm phán của tòa “quyết định làm lớn chuyện, ”Julian Ku, giáo sư Luật từ Đại học Hofstra nói. “Nếu đường chín đoạn bị công bố vô hiệu, thì về mặt lý thuyết tất cả các quốc gia khác đều sẽ bạo dạn hơn.”


Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vưc Biển Hoa Đông nói quân đội của họ sẽ giám sát hoạt động của Trung Quốc chặt chẽ sau khi Tòa tuyên phán quyết.

“Chúng tôi thúc giục các bên liên quan phản ứng theo cách không gây gia tăng căng thẳng,” Reuters tường thuật Bộ trưởng Quốc phòng tướng Nakatani nói trong cuộc họp báo ở Tokyo. “Chúng tôi sẽ quan sát chặt chẽ tình hình ở Biển Hoa Đông.”

Các quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters họ lo ngại Trung Quốc có thể tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, cũng như đã từng làm vậy ở Biển Hoa Đông năm 2013, hay tiếp tục xây dựng các cơ sở trên các đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, Tokyo lo ngại Bắc Kinh cũng sẽ có hành động ở khu vực Biển Hoa Đông, nơi hai cường quốc kinh tế ở Châu Á đang ở trong một tranh chấp khác.

AFP

Nhân Dân Nhật Báo của chính phủ Trung Quốc chạy bài trên trang chủ hôm thứ Ba 12/7 với bức ảnh Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, với dòng tít “Phán quyết vô hiệu”.

Hãng tin Tân Hoa Xã cũng chạy bài “Phán quyết Biển Đông vi phạm luật quốc tế: Học giả Trung Quốc nói”

“Tòa Trọng tài Thường trực phải tránh bị lợi dụng vì các động cơ chính trị” và “Ngư dân Trung Quốc sống chết cùng vùng biển” là một số tựa bài trên trang Tân Hoa Xã bản tiếng Anh.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên một bản đồ vẽ trong thập niên 1940 có một đường kéo dài từ Trung Quốc xuống phía nam và bao quanh hầu hết vùng biển.

Để tăng cường vị trí của mình, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng các rạn san hô thành đảo nhân tạo có thể đưa máy bay quân sự đến , và hãng tin Tân Hoa Xã nói hôm Thứ Hai 11/7, Trung Quốc đã xây dựng bốn ngọn hải đăng trên các rạn san hô trong vùng biển, và ngọn hải đăng thứ 5 đang được xây.

Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc này nói Bắc Kinh sẽ “không lùi một bước nào” sau phán quyết, và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hôm đầu tháng 7/2016 Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về chủ quyền và nói : “Chúng ta không sợ gặp rắc rối”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Trung Quốc vừa có thêm sự ủng hộ của Angola, Madagascar và Papua New Guinea, cho thấy “công lý và lẽ phải luôn được công chúng ủng hộ.”

Trung Quốc tập trận trên Biển Đông                 

“Những ai đang nắm tinh thần của luật quốc tế và ai đang phá luật quốc tế, tôi nghĩ mọi người đều đã rõ,” ông Lục Khảng nói.

Hãng tin AFP tường thuật Đại sứ Philippines tại Trung Quốc cảnh báo công dân cẩn trọng với “đe dọa cá nhân” và tránh các tranh cãi chính trị trước thềm phán quyết hôm thứ Ba 12/7.

Trong email gửi công dân Philippines ở Trung Quốc, Đại sứ quán cảnh báo công dân “cẩn thận”vì căng thẳng trước phán quyết.

Công dân được khuyên “tránh các cuộc thảo luận và tụ tập công cộng về vấn đề chính trị” và không ủng hộ hoạt động tụ tập và thảo luận nơi công cộng “đặc biệt là trên mạng xã hội,” AFP trích lại nội dung email.

Bức thư cũng cảnh báo công dân nên mang theo giấy tờ tùy thân “mọi lúc” và báo cáo ngay bất cứ đe dọa nào mà họ nhận được cho đại sứ quán hoặc cảnh sát Trung Quốc.

Các cuộc biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc không hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc, đôi khi rõ ràng có sự ủng hộ ngầm của chính phủ.

Năm 2012, người biểu tình Trung Quốc đã xuống đường ở các thành phố lớn sau khi Tokyo tuyên bố chủ quyền với Đảo Senkaku ở Nhật (Trung Quốc tên là Điếu Ngư).

Khi ấy người biểu tình tấn công các cơ sở ngoại giao và các công ty Nhật, quấy rối người Nhật và lật tung các biển quảng cáo xe hơi Trung Quốc trong các đợt biểu tình được nhà chức trách Trung Quốc bỏ qua, dù sau đó cuối cùng cũng phải cấm hoạt động này.

Hơn 20 cảnh sát Trung Quốc được triển khai bên ngoài Đại sứ quán Philippines hôm Thứ Ba 12/7, với nhiều xe tải nhỏ xung quanh – rõ ràng là nhiều hơn thông thường – với hai xe tải lớn đầy các thanh chắn kiểm soát đám đông, một chỉ dấu cho thấy nhà chức trách Trung Quốc trông đợi sẽ có biểu tình tại khu vực này.

INQUIRER

Tờ Inquirer của Philippines tường thuật Nhật Bản đang dàn xếp một thông cáo chung về phán quyết Biển Đông với các đối tác trong nhóm các quốc gia G7 có nền kinh tế phát triển như một phần của xu hướng "ngoại giao chủ động", mặc dù Nhật Bản có thể sẽ im lặng khi phán quyết được công bố.

Truyền thông Nhật Bản nói các nước G7 có thể sẽ ra thông cáo, là thông cáo thư ba về an ninh hàng hải của nhóm quốc gia này từ Tháng 4/2016, với áp lực buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết và tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế trong giải quyết tranh chấp.

Giáo sư Masashi Nishihara, chủ tịch của Viện Nghiên cứu Hòa bình và An ninh Nhật Bản cho biết Tokyo đang nỗ lực "đưa những người đồng nhiệm G7 lại gần các đồng minh Asean."

Ông nói: "Trước cuộc họp các nước G7, một số quốc gia Châu Âu không thực sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề Biển Đông, nhưng từ sau hội nghị họ đã bắt đầu tỏ ra quan tâm hơn."

Truyền thông Trung Quốc đăng nhiều bài báo trước thềm phán quyết này                 

Tuy nhiên Tiến sỹ Ryoko Nakano trong ngành Quan hệ Quốc tế từ Đại học Kanazawa của Nhật nói với tờ Inquirer Nhật Bản nên có phản ứng kiềm chế vì hai lý do.

Đầu tiên, Tổng thống Philippines mới đắc cử Rodrigo Duterte hiện chưa rõ sẽ phản ứng ra sao khi có phán quyết và Nhật Bản "sẽ không muốn trông có vẻ quá hào hứng".

"Chính phủ Nhật Bản muốn dành khoảng trống để chất vấn quyết định của tòa khi cần," bà nói.

"Nhưng Nhật Bản có lẽ sẽ lặp lại lập trường cơ bản, là tranh chấp trong khu vực nên xử lý theo cơ sở luật pháp."

BANGKOK POST

Học giả về Asean Somkiat Onwimon nói đường chín đoạn "như một cái lưới cá bao bọc toàn bộ vùng biển" trên tờ Bangkok Post của Thái Lan.

Thitinan Pongsudhirak, nhà nghiên cứu chính trị từ Đại học Chulalongkorn, nói phản ứng sau khi có phán quyết là "tối quan trọng".

"Manila có thể sẽ làm tốt cho quan hệ Asean - Trung Quốc bằng cách lùi lại dù có được phán quyết có lợi. Bắc Kinh xứng đáng có được không gian ngoại giao và hợp pháp, theo đó Singapore trong vai trò quốc gia điều phối có thể đóng vai trò trung gian," ông nhận định.

Các nước thành viên khối Asean đã chia rẽ trong vấn đề xử lý tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp giữa Trung Quốc và các ngoại trưởng Asean     

Campuchia không đồng ý với việc tuyên bố Asean ủng hộ phán quyết của tòa, nhưng Việt Nam hứa sẽ "tuân thủ đầy đủ" các quy ước.

Tháng trước, ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nói "chúng ta không thể ký vào một nguyên tắc có thể đúng" trong khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo tổ chức một cuộc họp nội các về một tàu chiến ngoài khơi Quần đảo Natuna sau khi hải quân Indonesia bắt một tàu cá của Trung Quốc.

Trong khi đó, với chính quyền quân sự Thái Lan, quan hệ với Trung Quốc đang ngày càng được tăng cường sau lệnh trừng phạt của phương tây sau cuộc đảo chính năm 2014.

"Dù chúng ta không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền, Thái Lan cũng không thể hành động như người trung gian, chúng ta đã mất ảnh hưởng ngoại giao sau hai cuộc đảo chính," ông Somkiat nói.

Ông Thitinan nói phán quyết của Tòa trọng tài sẽ cho Trung Quốc và Asean một cơ hội hàn gắn những rạn nứt bằng cách cùng hành động trên luật lệ chung. "Không đáng cho tham vọng lâu dài của Trung Quốc là trở thành một siêu cường quốc toàn cầu lại đi có tranh cãi về biển đảo với các quốc gia nhỏ láng giềng, và sau đó phớt lờ phán quyết quốc tế về tranh chấp. Đó sẽ là hành xử không thể trở thành cường quốc toàn cầu đáng được tôn trọng," ông Thitinan nói với Bangkok Post.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad