Vấn đề tư cách đại biểu quốc hội của 1 doanh nhân dẫn đến tranh cãi về luật quốc tịch - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Vấn đề tư cách đại biểu quốc hội của 1 doanh nhân dẫn đến tranh cãi về luật quốc tịch


Vấn đề tư cách đại biểu quốc hội của 1 doanh nhân dẫn đến tranh cãi về luật quốc tịch.  Một cử tri đọc hồ sơ của các ứng viên tại một trạm bỏ phiếu ở Hà Nội, 22/5/2016.

Trong một diễn biến bất ngờ, đã có thêm một người trúng cử không được công nhận là đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14. Báo chí Việt Nam hôm 17/7 đưa tin Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp đột xuất và đưa ra quyết định không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – một nữ doanh nhân, từng là đại biểu Quốc hội các khoá 12 và 13.

Theo Văn phòng Quốc hội, bà Hường không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội vì vi phạm Luật Quốc tịch của Việt Nam.

Nữ doanh nhân 46 tuổi này là chủ tịch Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam, một doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp. Trong hai khóa Quốc hội vừa qua, bà Hường tỏ ra là một đại biểu tích cực phát biểu ý kiến tại tổ đại biểu địa phương cũng như tại các phiên toàn thể, nhất là về các vấn đề kinh tế.

Bà Hường là người thứ hai bị bác tư cách đại biểu trước khi Quốc hội khóa 14 nhóm họp. Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh cũng đã bị bác tư cách đại biểu vì bị dư luận và báo chí nêu ra những việc vi phạm pháp luật gần đây cũng như các sai phạm lớn khi nắm các vị trí quản lý nhà nước trong quá khứ.

Tuy nhiên, trong khi công chúng hoan nghênh việc bác tư cách đối với ông Thanh, trường hợp của bà Hường lại dẫn đến những tranh cãi xoay quanh cả quy trình khai báo thông tin ứng cử viên lẫn Luật Quốc tịch của Việt Nam.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói với đài VOA rằng việc bà Hường không khai báo với các cơ quan rà soát về quốc tịch thứ hai gây ra sự mất lòng tin của người dân vào đại biểu quốc hội. Song các quy định không rõ ràng là nguyên nhân đã dẫn đến điều đó. Ông Doanh nói:

“Điều này đã gây tranh cãi trong giới luật sư, vì thực ra trong bản kê khai về đăng ký bầu cử thì không có phần quốc tịch. Thứ hai, trong điều về quốc tịch của Việt Nam, cũng không loại trừ hoàn toàn cái việc có thể có hai quốc tịch. Vì vậy cho nên là người ta lấy làm ngỡ ngàng và ngạc nhiên, và cho rằng đây là một quyết định tuy đã được bỏ phiếu 100% nhưng cũng vẫn đang gây ra các luồng ý kiến khác nhau”.

Việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là đại biểu Quốc hội đồng thời là chủ doanh nghiệp lớn có quốc tịch thứ hai đã dẫn đến nhiều bàn luận trong công chúng Việt Nam. Họ cho rằng một người như bà có nhiều thông tin và tài sản, khi bà có thêm một quốc tịch nước ngoài, điều đó có thể báo hiệu một sự chuẩn bị nào đó cho một “tình huống xấu” ở Việt Nam.

Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng những luồng dư luận như vậy không hẳn là vô lý, song việc một doanh nhân có thêm quốc tịch nước ngoài có thể đơn giản chỉ vì điều đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho công việc kinh doanh. Ông nói thêm về vấn đề này với VOA:

“Để nói cho thật hết nhẽ và công bằng, cũng có thể hiểu là bà Nguyệt Hường bà ấy là một doanh nhân, có thể bà ấy đầu tư ở nước ngoài, bà ấy muốn có quốc tịch nước ngoài để đầu tư thuận tiện hơn chăng”.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng chia sẻ với ý kiến của ông Thuyết. Ông Doanh nói thêm về những khó khăn với tấm hộ chiếu Việt Nam:

“Với cái hộ chiếu của Việt Nam hiện nay, thủ tục đi ra nước ngoài hết sức là khổ sở và [nước ngoài] người ta đòi hỏi một đống giấy má hết sức là phiền phức. […] Tất cả các cái thủ tục đó là tất cả các cái hạn chế và tôi cảm thấy hết sức là khổ sở, nếu không muốn nói là nhục nhã”.

Trong hai năm gần đây, có hiện tượng ngày càng nhiều doanh nhân và người giàu của Việt Nam xin thêm quốc tịch nước ngoài và chuyển tài sản sang các nước, Tiến sỹ Doanh nói một mặt đó là nhu cầu làm ăn trong bối cảnh toàn cầu hóa, mặt khác còn do môi trường kinh doanh trong nước đang kém hấp dẫn. Ông cho rằng nhà nước Việt Nam nên xem xét thay đổi luật để chính thức công nhận người có hai quốc tịch, tránh những trường hợp gặp rắc rối như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cũng như trên bình diện rộng hơn là tạo thuận lợi cho người Việt Nam khi đi lại, làm ăn ở các nước khác. Ông nói:

“Theo tôi thì nên xem xét bổ sung để cho những người nào muốn có quốc tịch thứ hai cũng có thể có điều kiện thuận lợi để họ vừa kinh doanh ở Việt Nam và kinh doanh ở nước ngoài. […] Trong khi chưa có thể tạo điều kiện cho tất cả các công dân Việt Nam làm được điều đó, tôi nghĩ nên xem xét đến các trường hợp để tạo điều kiện cho các nhà khoa học, cho những doanh nhân có thể có được hai quốc tịch để họ có điều kiện đi ra ngoài và tham gia vào các hoạt động quốc tế một cách dễ dàng hơn”.

Trong khi hai ông Lê Đăng Doanh và Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận nhu cầu thực tế của doanh nhân Việt Nam có thêm quốc tịch nước ngoài, hai ông cũng lưu ý rằng cả gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đều có quốc tịch Malta và “điều đó là không bình thường”. Malta lâu nay được biết đến như một nơi có chính sách cấp quốc tịch dễ dàng để thu hút tiền của giới người giàu trên thế giới, đồng thời được xem là một thiên đường trốn thuế.

Sau khi bà Nguyệt Hường và ông Trịnh Xuân Thanh bị bác tư cách đại biểu, Quốc hội khóa 14 của Việt Nam có 494 đại biểu. Ngày 20/7, Quốc hội khóa mới sẽ họp phiên đầu tiên.



An Tôn
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad