Điều mà người dân khu vực miền Trung có thể làm và cần làm nhất trong lúc này là thu thập chứng cứ để kiện dân sự Formosa ra tòa đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Còn việc Formosa tự nguyện bồi thường 500 triệu USD là chuyện thương lượng giữa Formosa với nhà nước Việt Nam.
|
LS Thuận nói: “Tôi hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ đã cho điều tra và kết luận thảm họa môi trường, cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung là do Formosa gây ra.
Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường biển với số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng.
Theo tôi đây là sự cố gắng lớn của các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp trong việc điều tra, xử lý thảm họa môi trường ở các tỉnh miền Trung”.
Công bố bước đầu cho thấy thiệt hại do Formosa gây ra cho người dân và biển miền Trung là vô cùng nghiêm trọng. Có ý kiến cho rằng đã đến lúc phải khởi tố hình sự để điều tra làm rõ trách nhiệm những cá nhân gây ra thảm họa môi trường này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
– Như chúng ta đều biết, tại cuộc họp báo chiều 30/6/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nói: “Việc có đưa vụ án ra khởi tố không Việt Nam sẽ cân nhắc”, còn Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn thì cả quyết: “Việc khởi tố hay không sẽ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng có thẩm quyền, Chính phủ không can thiệp”.
Theo tôi, đúng như Bộ trưởng Tuấn nói, việc có khởi tố hình sự vụ án hay không tùy thuộc vào các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều mà người dân khu vực miền Trung có thể làm và cần làm nhất trong lúc này là thu thập chứng cứ để kiện dân sự Formosa ra tòa đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Việc đó tôi cho rằng sẽ tốt hơn và cần phải làm. Còn việc Formosa tự nguyện bồi thường 500 triệu USD là chuyện thương lượng giữa Formosa với nhà nước Việt Nam. Nhưng Nhà nước chỉ đại diện về quản lý nhà nước, chứ đâu có thể đại diện cho lợi ích dân sự của từng cá nhân được. Bởi vì quyền dân sự, lợi ích dân sự là lợi ích của từng cá nhân, mà cụ thể ở đây là của người dân của 4 tỉnh miền Trung.
Video: 5 cam kết của Formosa Hà Tĩnh
Công việc thu thập chứng cứ này nên được tiến hành cụ thể như thế nào, thưa Luật sư?
– Điều quan trọng bây giờ là hãy để người dân tự đánh giá những thiệt hại về vật chất, tổn thương về tinh thần, di chứng của thảm họa này để lại cho sức khỏe con người như thế nào trong tương lai, môi trường sinh thái biển bị hủy diệt ra sao, công ăn việc làm của người dân ở khu vực này bị ảnh hưởng như thế nào… Sau đó tổng hợp lại và cùng nhau khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại.
Người dân có thể đứng đơn riêng lẻ hoặc đồng đơn kiện. Theo quy định của pháp luật thì khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người khác để khởi kiện.
Vậy, trình tự và thủ tục kiện sẽ như thế nào, thưa ông?
– Về vấn đề này ở Việt Nam đã có tiền lệ rồi. Đó là vụ nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, Tp.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiện Công ty Vedan sau khi phát hiện công ty này xả thẳng chất độc hại ra sông Thị Vải (tháng 9/2008). Với sự hỗ trợ của Hội Luật gia Đồng Nai phối hợp với Đoàn Luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu, nông dân đã đứng đơn khởi kiện Vedan ra Tòa án huyện Long Thành (Đồng Nai).
Sau nhiều lần thương lượng, đàm phán, cuối cùng buộc Công ty Vedan phải bồi thường cho nông dân 3 tỉnh này (cho nông dân Đồng Nai: 119,5 tỷ đồng, Tp.HCM : 45,7 tỷ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu: 53,6 tỷ đồng – NV). Còn trong vụ Formosa gây ra thảm họa môi trường thì người dân 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế hoàn toàn có thể làm như nông dân Đồng Nai, Tp. HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo ông thì nông dân 4 tỉnh miền Trung nên nhờ tổ chức nào đứng ra giúp họ thực hiện vụ kiện dân sự này thì thuận lợi nhất?
– Về nguyên tắc thì người dân các tỉnh miền Trung có thể đề nghị một tổ chức nào đó đứng ra giúp họ thu thập chứng cứ và làm đơn tập thể khởi kiện ra tòa. Cá nhân tôi thì tôi nghĩ tổ chức đó nên là một tổ chức như hội luật gia hay liên đoàn, đoàn luật sư nào đó. Đây là công việc phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên vì cuộc sống hiện tại và tương lai của người dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, vì sự bền vững của môi trường biển, vì an ninh quốc gia, mất bao nhiêu công sức và bao lâu cũng cần phải làm.
Nhưng còn chuyện khởi tố hình sự để làm rõ trách nhiệm những cá nhân liên quan trong vụ việc này thì sao, thưa ông?
– Như tôi đã nói, nếu cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ trách nhiệm những cá nhân có liên quan thì cũng được, nhưng tôi thiên về việc khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại cho người dân như đã nêu trên. Bởi vì điều quan trọng nhất hiện nay là phải lo cho cuộc sống của người dân, môi trường biển, an ninh quốc gia.
Nhân đây tôi cũng muốn nhấn mạnh, tôi không cho rằng việc đề nghị để ngư dân chuyển đổi sang nghề khác như xuất khẩu lao động vì môi trường biển bị hủy hoại là một ý hay. Mà điều rất quan trọng là phải cải tạo, trả lại môi trường biển như cũ để người dân sống với biển, chứ chưa gì đã tính đổi nghề. Thế thì bỏ biển à? Cho nên việc kêu gọi chuyển nghề, bỏ biển như vậy là không tốt.
Tư tưởng đó là không ổn mà phải bám biển, khai thác biển, sống với biển. Kiên trì bám biển và sống với biển như ông cha mình đã từng làm. Vì tương lai của Việt Nam là tương lai hướng ra biển mà sống. Cái đó thì Nhà nước đã khẳng định rồi. Vì biển không chỉ là kinh tế mà còn là quốc phòng, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ nữa.
Xin cám ơn Luật sư!
Quỹ Ethecon, tổ chức bảo vệ môi trường của Đức (đơn vị đã từng trao giải thưởng “Hành tinh đen” cho Tập đoàn nhựa Formosa năm 2009) đã coi thảm họa môi trường mà Formosa gây ra cho các tỉnh miền Trung của Việt Nam không khác gì vụ tràn dầu của BP tại vịnh Mexico xảy ra ngày 20/4/2010. Bộ Tư pháp Mỹ đã kết luận BP phạm 11 tội trong đó có tội ngộ sát, lăng nhục và nói dối trước Quốc hội Mỹ. Sau nhiều lần thỏa thuận, tháng 7/2015, BP đồng ý trả 18,7 tỷ USD cho Mỹ. Riêng vụ tràn dầu này, BP đã thiệt hại tới 54 tỷ USD để làm sạch môi trường, trả những bên bị thiệt hại về kinh tế, và trả tiền phạt.
Lê Thọ Bình
VietTimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét