Cấp phép Formosa 70năm: Nhiều Bộ đáp lời ông Võ Kim Cự - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Cấp phép Formosa 70năm: Nhiều Bộ đáp lời ông Võ Kim Cự


Sau khi ông Võ Kim Cự lên tiếng cho rằng việc cấp phép cho Formosa hoạt động 70 năm là đúng quy trình, nhiều Bộ đã lên tiếng.

Bộ KH&ĐT: Trái quy định và vượt thẩm quyền

Ngày 31/7, trao đổi với báo chí, đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh ký cho Formosa thuê đất 70 năm là trái quy định và vượt thẩm quyền.

Theo đó, thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa (tháng 6/2008) đã phân cấp xuống địa phương, tuân theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005.

Điều 52 Luật Đầu tư năm 2005 nêu rõ: Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá 70 năm.

Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng ký hợp đồng thuê đất ngày 6/2/2009 với Cty Formosa với thời hạn thuê đất là 70 năm và trả tiền thuê đất một lần.

Cap phep Formosa 70nam: Nhieu Bo dap loi ong Vo Kim Cu
Bể chứa nước thải của Formosa Hà Tĩnh.
Như vậy là trái quy định và vượt thẩm quyền. Vì vậy, cần xem xét lại toàn bộ hồ sơ quy trình cấp phép cho Formosa và trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Bộ KH&CN: Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Bộ Công Thương

Trước đó, theo ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH&CN), thời điểm Formosa xin giấy phép đầu tư, cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt đầu tư là UBND tỉnh Hà Tĩnh chứ không phải Bộ KH&CN.

Quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư, địa phương có gửi hồ sơ về cho Bộ KH&CN nhưng đây chỉ là giai đoạn xem xét tiền khả thi. Theo quy định, Formosa chỉ cần nêu sơ bộ lựa chọn phương án công nghệ chưa cần phân tích cụ thể.

“Ở giai đoạn đó, theo quy định, Bộ KH&CN chỉ làm được đến vậy. Sau đó, Bộ Công thương duyệt thiết kế công nghệ còn chúng tôi không tham gia vào trực tiếp thẩm định công nghệ của Formosa”, ông Nam khẳng định.

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ KH&CN trong việc thẩm định công nghệ của Formosa sau thảm họa môi trường, bà Trần Thị Tuyết Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ cho biết: “Giai đoạn thẩm định công nghệ chi tiết là do Bộ Công thương thực hiện. Việc Formosa đánh giá và xem xét thay đổi công nghệ là do Bộ Công Thương cho phép chuyển đổi để không ảnh hưởng đến môi trường.

Riêng đối với Formosa, Bộ KH&CN không thẩm định hồ sơ nên trách nhiệm hoàn toàn thuộc về… Bộ Công Thương”.

Bộ Công Thương: Đã có văn bản đánh giá về dự án

Ngay sau đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Quân - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đơn vị được giao trách nhiệm tham mưu giúp bộ trưởng thẩm định dự án Formosa thì cho rằng, Luật Đầu tư nước ngoài trước đây cho phép chủ trương phân cấp mạnh trong đầu tư.

Các dự án không phân biệt quy mô đầu tư, nếu đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất thì trưởng ban quản lý KCN - KCX được quyền cấp phép; nếu là dự án ngoài KCN thì chủ tịch UBND tỉnh cấp phép. Như vậy, dự án của Formosa khi đó vào Hà Tĩnh được Hà Tĩnh “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư là chuyện đương nhiên.

Sau khi có nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp phép của Hà Tĩnh là vượt thẩm quyền thì khi đó, bằng một văn bản trình Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

"Bộ Công Thương đã có văn bản đánh giá về dự án, trong đó cũng lưu ý cả vấn đề môi trường, bởi công nghệ khi Formosa xin đầu tư là công nghệ khô, sau này tự ý họ chuyển sang công nghệ ướt, nhưng các bộ ngành cũng không có ý kiến”, ông Quân nói.

Bộ TNMT cũng “trốn” trách nhiệm

Sau nhiều ngày đặt câu hỏi, ngày 27/7, TS Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, người ký phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Formosa ngày 30/6/2008, đã hơn 1 lần thừa nhận việc xét duyệt ĐTM các dự án trong đó có Formosa được thực hiện chủ yếu “trên giấy”.

Ông này từng nhận định “nhiều cái (ĐTM) không bằng lòng lắm nhưng cuối cùng cũng cho qua. Do trình độ, sức ép về kinh tế là một phần, nhưng cơ bản là “sự gửi gắm” của “ông to, bà lớn” yêu cầu châm chước cho các dự án, khuyến khích đầu tư của tỉnh nhà... thành ra các sở không dám làm “găng” và quan trọng hơn cả là đơn vị đứng ra thẩm định không có trình độ tương xứng”.

Dù là người ký phê duyệt bản ĐTM đó nhưng ông này khẳng định, “không trực tiếp tham gia thẩm định ĐTM của dự án này".

Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định đã xin ý kiến 11 bộ ngành (tháng 5/2008), thời điểm đó theo ông Võ Kim Cự tuyên bố tất cả đều có văn bản góp ý và không bộ ngành nào phản đối về thời gian thuê đất cũng như về thời hạn đầu tư.

Sơn Ca (Tổng hợp)

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad