Các kệ hàng siêu thị trống trơn ở Venezuela. Nguồn: ibtimes.co.uk |
Đó “cơ bản là lao động cưỡng bức”, Tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố, đồng thời phê phán nghị định này là “bất hợp pháp.”
Trong một sắc lệnh có câu chữ mơ hồ, các quan chức Venezuela cho biết các nhân viên khu vực công và tư có thể bị buộc phải làm việc trên các cánh đồng của đất nước trong khoảng thời gian ít nhất 60 ngày, có thể lâu hơn “nếu hoàn cảnh bắt buộc.”
“Cố gắng để giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng của Venezuela bằng cách bắt dân làm việc trên các cánh đồng thì chẳng khác gì việc chữa một cái chân bị gãy bằng một miếng băng keo cá nhân”, Erika Guevara Rosas, Giám đốc Châu Mỹ tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, phát biểu trong một tuyên bố.
Tổng thống Nicolas Maduro đang sử dụng quyền hành pháp của mình để tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế. Bằng cách sử dụng một nghị định, ông có thể qua mặt một cách hợp pháp Quốc hội Venezuela, vốn do phe đối lập kiểm soát và kiên quyết chống lại mọi hành động của Maduro.
Theo nghị định, từ ngày 22 tháng 7, người lao động sẽ vẫn được trả lương bình thường bởi chính phủ và họ không thể bị sa thải khỏi công việc thực tế của mình.
Đó là một dấu hiệu mạnh cho thấy điều kiện khó khăn ở Venezuela, nước đang vật lộn với việc thiếu các mặt hàng lương thực cơ bản như sữa, trứng và bánh mì. Mọi người xếp hàng chờ đợi hàng giờ bên ngoài các siêu thị để mua thực phẩm và thường chỉ bắt gặp các kệ hàng trống trơn.
Venezuela đã từng có một ngành nông nghiệp mạnh mẽ. Nhưng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa bắt đầu với Hugo Chavez hồi năm 1999, đất nước giàu dầu mỏ này bắt đầu nhập khẩu thực phẩm nhiều hơn và đầu tư ít hơn cho nông nghiệp. Gần như tất cả doanh thu xuất khẩu của Venezuela là từ dầu mỏ.
Do giá dầu xuống khoảng 41 đô la một thùng từ mức hơn 100 đô la khoảng hai năm trước đây, Venezuela đã nhanh chóng hết sạch tiền mặt và không thể chi trả cho nhập khẩu thực phẩm, giấy vệ sinh và các nhu yếu phẩm khác. Các trang trại bị bỏ rơi đang được yêu cầu phải nâng cao hiệu suất.
Hành động của Maduro rất giống với chiến lược mà chính phủ cộng sản Cuba sử dụng trong những năm 1960 khi tìm cách phục hồi sản lượng đường sau khi bị giảm mạnh do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Cuba. Chính phủ đã buộc người dân Cuba làm việc tại các trang trại mía để trồng loại hàng hóa chủ chốt của đảo quốc này.
Điều quan trọng cần lưu ý là Maduro đã từng ban hành các nghị định trước đây và chúng thường không có hiệu lực. Vào tháng Giêng, chính phủ của ông đã ban hành một nghị định đặt ra các cơ chế để hạn chế việc tiếp cận và chuyển tiền trong các tài khoản. Nói cách khác, đó là một cách đóng băng ngân hàng. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa xảy ra.
Quốc hội dự kiến sẽ thảo luận về Nghị định vào hôm thứ Ba. Nhưng đó phần lớn chỉ mang tính tượng trưng bởi theo luật Venezuela, Quốc hội không thể bác bỏ một nghị định hành pháp.
Hành động mới nhất này của Maduro cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy ít nhất một lãnh đạo khác có thể đang ra quyết định về vấn đề này. Hồi đầu tháng 7, Maduro đã bổ nhiệm một trong các vị bộ trưởng quốc phòng của đất nước, Vladimir Padrino, làm lãnh đạo một nhóm quan chức để kiểm soát nguồn cung cấp và phân phối lương thực của đất nước.
Đó là một chức vụ quyền lực, đặc biệt là tại một thời điểm khan hiếm lương thực như ở Venezuela hiện nay.
“Theo quan điểm của chúng tôi, quyền lực giao cho Padrino trong chương trình này là bất thường, và có thể cho thấy Tổng thống Maduro đang cố gắng để nhận được sự hỗ trợ lớn hơn từ quân đội trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xã hội sâu sắc,” Sebastian Rondeau, một nhà kinh tế tại Bank of America, đã viết trong một bản thảo nghiên cứu.
Venezuela là nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới, theo IMF. Nền kinh tế nước này được dự đoán sẽ suy giảm 10% trong năm nay và lạm phát được dự kiến sẽ tăng hơn 700%. Ngoài tình trạng thiếu lương thực thực phẩm, các bệnh viện cũng đang cạn kiệt vật tư, khiến nhiều bệnh nhân không được điều trị và một số đã tử vong.
Biên dịch: Phan Nguyên
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét