Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc trưng cầu dân ý ở Thái Lan? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc trưng cầu dân ý ở Thái Lan?


Ngày 07 tháng Tám năm 2016, Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới. Như tôi đã viết trong bài blog trước đây, Thái Lan đã có hai mươi bản hiến pháp khác nhau kể từ khi chế độ quân chủ kết thúc vào năm 1932.

Photo: Uk.Yahoo.com
Photo: Uk.Yahoo.com
Các bản hiến pháp trước đây đã bị các chính phủ quân sự hủy bỏ sau cuộc đảo chính, rồi sau đó được viết lại trong thời kỳ biến động chính trị, và thậm chí (như giữa thập niên 1990) được viết với nhiều tâm huyết cũng như có nhiều ý kiến của dân chúng và được thực thi dưới quyền các chính phủ dân cử. Nhưng hiện nay, chính quyền quân sự đã lên nắm quyền từ tháng Năm năm 2014, đang trong giai đoạn quản lý việc soạn thảo một bản hiến pháp mới. Bản hiến pháp mới này được soạn thảo bởi một ủy ban do quân sự bổ nhiệm.

Như tôi đã nhắc đến trong những bài viết trước đây, bản hiến pháp mới được đề xuất sẽ làm suy yếu đáng kể nền dân chủ tương lai của Thái Lan, vì nó sẽ làm suy yếu các đảng chính trị và có khả năng dẫn đến một quốc hội ít quyền hành hơn. Ngoài ra, các đảng chính trị lớn có thể phải hợp tác liên minh với các đảng nhỏ và vừa để hoạt động. Bản hiến pháp mới cũng sẽ củng cố sức mạnh lâu dài của các lực lượng vũ trang nhằm can thiệp vào chính trị. Sau một thời gian dài giữa năm 1992 và 2006, Thái Lan đã không có cuộc đảo chính nào và quân đội dường như đã thực sự rút về phía sau hậu trường, nhưng quân đội đã tổ chức hai cuộc đảo chính trong một thập kỷ qua.

Chính quyền quân nhân đã dùng tất cả các biện pháp có thể nhằm định hướng dư luận ủng hộ bản hiến pháp mới, kể cả việc cấm công chúng chỉ trích các điều lệ trong bản dự thảo và triển khai các sĩ quan quân đội cũng như nhiều nhóm khác để đôn đốc người Thái bỏ phiếu thuận. Tháng trước, chính quyền đã cáo buộc một nhóm các cô gái với tội “cản trở quá trình trưng cầu dân ý” vì đã xé mảnh giấy có in danh sách cử tri.

Chế độ quân nhân cũng đã thiết lập các trung tâm giám sát trên toàn quốc để theo dõi hành động của công chúng trong thời gian sắp đến ngày 07 tháng Tám, và đã bắt giữ ít nhất năm mươi người (không bao gồm các cô gái kể trên) với các cáo buộc biểu tình chỉ trích bản hiến pháp mới.

Nhưng như tôi đã nhắc đến trong bài trước đây, sự bất mãn đối với chính quyền quân nhân có thể dẫn đến kết cuộc không như ý muốn của giới cầm quyền. Hiện nay không có cuộc thăm dò nào về cách người Thái sẽ bỏ phiếu, nhưng bằng chứng cho thấy hàng triệu người Thái ủng hộ chính phủ được bầu trước đó đều không hài lòng với sự cai trị của giới quân phiệt. (Các cuộc thăm dò ý kiến được loan báo trước đây rất khó để tin một cách nghiêm túc, vì họ được tiến hành trong một nhà nước độc tài và trong thời gian đàn áp dữ dội diễn ra.)

Có rất nhiều lý do để nghĩ rằng nếu người Thái bỏ phiếu chống lại bản hiến pháp mới thì chính quyền quân nhân vẫn sẽ tiếp tục nắm quyền, có lẽ cho đến khi Vua Bhumibol Adulyadej qua đời và một cuộc nối ngôi diễn ra. Mặc dù nhà vua hiện đã tám mươi tám tuổi và trong tình trạng sức khoẻ không tốt, nhưng kế hoạch nối ngôi có thể mất nhiều năm. Vua Adulyadej trong những năm gần đây thường sống trong bệnh viện và nhận được một số các dịch vụ chăm sóc y tế bật nhất đất nước.

Lãnh đạo chính quyền quân nhân Prayuth Chan-ocha đã công khai tuyên bố rằng ông sẽ không từ nhiệm nếu người Thái bỏ phiếu chống lại bản hiến pháp mới ngày 7 tháng Tám, mặc dù các lãnh đạo của cả hai đảng chính trị lớn nhất tại đây đều phản đối bản hiến pháp. Đảng chính trị lớn nhất nước, Đảng Puea Thai, đã kêu gọi ông Prayuth từ chức nếu phần đông người dân bỏ phiếu chống lại bản hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu dân ý.

Thay vào đó, nếu người Thái bỏ phiếu chống thì ông Prayuth và chính quyền quân nhân sẽ tiếp tục ở lại với mốc thời gian vô hạn định. Trong trường hợp xấu nhất, quân đội có thể sẽ tiếp tục cầm quyền vào một thập kỷ tới cũng như tiếp tục điều hành chính quyền mà không có một bản hiến pháp mới. Họ sẽ tiếp tục dựa vào tòa án quân sự và các luật mới mà họ công bố để cai trị. Nếu như điều này xảy ra thì có nhiều khả năng Thái Lan sẽ không có bước tiến đột phá nào trong việc phân tán quyền lực chính trị – điều rất quan trọng để giải quyết một số xung đột phân chia khu vực của nước này, và cũng không có tiến bộ trong cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy ở miền nam. Prayuth và các lãnh đạo chính quyền quân sự khác đã thực hiện một đường lối cứng rắn về cuộc đàm phán với quân nổi dậy ở miền nam.

Có lẽ chỉ khi nhà vua không còn hiện diện trong chính trường và thái tử lên ngôi, ổn định tình hình và nắm quyền lực vững mạnh thì giới quân nhân mới cho phép soạn thảo lại bản hiến pháp mới, và sau đó mới mở ra quá trình hướng tới một cuộc bầu cử mới.

Và nếu người Thái bỏ phiếu đồng thuận đối với bản hiến pháp mới – điều mà nhiều chính trị gia cũng như lãnh đạo xã hội dân sự xem là một thiếu sót trầm trọng – thì có thể cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới, mặc dù bản hiến pháp mới không đảm bảo điều này sẽ xảy ra. Prayuth và các lãnh đạo quân đội khác đã hứa hẹn cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm sau.

Nếu vậy thì người Thái sẽ có nhiều đảng chính trị tham gia vào quốc hội, trong đó có nhiều đảng nhỏ và vừa, và vì vậy sẽ không có một thủ tướng nào lên nắm quyền có thể có sức mạnh như những người tiền nhiệm trong mười lăm năm qua. Thượng viện sẽ không được bầu và sẽ có vai trò lớn hơn trong việc hoạch định các chính sách, và có thể đóng một vai trò chủ chốt trong việc lựa chọn thủ tướng nếu thủ tục này gặp bế tắc ở hạ viện.

Vì vậy, việc bế tắc chính sách không chỉ gia tăng thêm sự thiếu tiến bộ về các vấn đề kinh tế và giáo dục quan trọng của nước này. Việc này cũng sẽ làm nhiều người ủng ở vùng nông thôn ủng hộ Đảng Puea Thai nổi giận và phần đông dân chúng tin rằng tiếng nói của họ không được chính quyền lắng nghe một cách nghiêm túc.

Nhìn chung, chống hay thuận cũng đều có thể dẫn đến sự hỗn loạn ở Thái Lan trong những ngày tới.

Joshua Kurlantzick, CFR

Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước

© 2007-2016 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad