“Không phải chỉ xin lỗi, cứ vi phạm pháp luật rồi xin lỗi là đủ”, một cựu đại biểu quốc hội nói về các vụ đánh nhà báo trong tuần qua xảy ra tại Việt Nam.
Phóng viên Quang Thế trong clip bị đánh |
Ông Lê Như Tiến từng là đại biểu Quốc hội khóa 12, 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 13.
Nói với BBC, ông Lê Như Tiến nhận định: “Luật báo chí của Việt Nam trước đây cũng như sửa đổi bổ sung cũng cấm xúc phạm thân thể, danh dự, không được xúc phạm đến nhà báo, và cũng nghiêm cấm thu giữ phương tiện hành nghề của nhà báo.”
"Có một số cá nhân ngang nhiên vi phạm luật báo chí, xâm phạm đến nhà báo, có lời nói xúc phạm đến nhà báo, thu giữ, lăng mạ, có người còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nhà báo"
"Tôi thấy đó là điều không bình thường," nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Việt Nam nhận định.
Trong tuần qua, tại Việt Nam xảy ra hai vụ phóng viên bị tấn công và có hình ảnh, video ghi lại vụ việc.
Một clip quay lại hiện trường cho thấy phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ bị người nghi là công an huyện Đông Anh đánh, đấm. Công an huyện đã xin lỗi tờ báo nhưng chỉ nói nhận đó là "hành vi không đúng mực", giải thích là do áp lực công việc.
Báo Tuổi Trẻ nói: “Ông Thế cho biết mình bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng.”
Cũng trong tuần, trong một video quay tại hiện trường một vụ cưỡng chế đất ở Đaklak, phóng viên Đỗ Thanh Hải của VTC News bị bóp cổ, giật máy ảnh. Phó chủ tịch ủy ban xã là người ra lệnh thu giữ phương tiện tác nghiệp của phóng viên này.
Ông Lê Như Tiến nói cần "làm rõ" các vụ việc đánh nhà báo |
Ông Lê Như Tiến nói cần phải "làm rõ việc này và đưa ra xử lý thật nghiêm những người vi phạm pháp luật báo chí. Trong khi ở Việt Nam, hiến pháp 2013 đã quy định bảo vệ quyền tự do ngôn luận với báo chí và công dân, và báo chí là một lực lượng để thông tin đại chúng vấn đề của cuộc sống.”
Khi BBC hỏi, khi các cơ quan xin lỗi nhà báo và các tờ báo, thì liệu điều đó đã đủ chưa, ông Lê Như Tiến nói:
“Không phải chỉ xin lỗi, cứ vi phạm pháp luật rồi xin lỗi là đủ. Mà cao hơn thế nữa là phải làm rõ trách nhiệm cá nhân với những cá nhân đã xúc phạm báo chí, với cá nhân đã vi phạm pháp luật về tự do ngôn luận, tự do báo chí, và quyền được hành nghề đúng pháp luật của nhà báo.”
Hiểu “thân phận”
Tuy nhiên, bình luận về vụ việc, phóng viên Trung Bảo từ Việt Nam nói: “Bênh vực đồng nghiệp dĩ nhiên cần thiết. Vừa bảo đảm an toàn về sau cho chính mỗi người làm báo, và lớn hơn là để bảo vệ quyền tự do thông tin."
"Nhưng, khi những nhà báo bị ăn đòn trào máu miệng thì họ có nhớ đến những vụ dân oan, người biểu tình bị đánh đập dã man?"
Họ có nhớ đến nhiệm vụ đưa tin của mình? Họ có nhớ mình đã ngoan ngoãn tự tránh xa những đám đông biểu tình, ngoan ngoãn vâng lời "cơ quan" để thậm chí một dòng trên facebook cá nhân cũng không dám viết?”
Ý kiến của nhà báo này nói: “Trận đòn hôm nay với các nhà báo nên xảy ra nhiều hơn nữa, và sẽ tất yếu như vậy thôi. Để các nhà báo hiểu rằng thân phận của họ thật ra không khác gì những người xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, chống Formosa...”
Bình luận về hai vụ việc, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang ở Hà Nội cho rằng những sự việc như thế “xảy ra từ rất lâu rồi”.
Vụ phóng viên Đỗ Thanh Hải bị bóp cổ và thu giữ phương tiện tác nghiệp |
“Năm nào ở Việt Nam cũng có hàng chục vụ nhà báo hay người làm báo nhưng chưa có thẻ bị công an và người của cơ quan công quyền nói chung, và/hoặc côn đồ, tấn công gây thương tích từ nhẹ đến nặng."
"Các vụ hành hung ấy, sau đó, có thể lên báo hoặc không lên báo nên rất khó có thống kê chính xác. Nhưng dù thế nào thì con số cũng là rất cao và chuyện công an và/hoặc côn đồ đánh đập người làm báo cũng đã xảy ra từ rất lâu rồi,” bà Đoan Trang viết.
Khi trao đổi với BBC, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Thậm chí nếu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự với những người xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm của nhà báo, thư giữ phương tiện hành nghề của nhà báo.”
Ông đặt câu hỏi: “Báo chí có thể đi đến các điểm có vấn đề để thông tin chính thức cho công luận, cho nhân dân. Vậy tại sao lại cấm báo chí? Tại sao lại có hành vi xúc phạm đến báo chí như thế?”
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét