Kỳ Duyên: Tác giả Nguyễn Quang Dy vừa gửi cho Blog một bài viết chủ đề Dân trí và ngộ nhận rất thú vị với cái kết bản chất vấn đề: Ngộ nhận có thể làm cho dân trí cao biến thành thấp, thế mạnh biến thành yếu. Hãy đánh thức sự tử tế và nhân cách của người Việt, để từng bước “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (như khẩu hiệu của cụ Phan Chu Trinh). Hãy từ bỏ cuồng tín và cực đoan, độc tài và bạo lực. Muốn hóa giải những lỗ hổng hệ thống, khôi phục lòng tin để hòa giải dân tộc và thoát Trung, nhằm chấn hưng đất nước, phải cải cách thể chế. Nếu không, Việt Nam sẽ tiếp tục mắc kẹt tại ngã ba đường, như vũng lầy của lịch sử.
.Cảm ơn tác giả và xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ
“Đừng tin những gì bạn nghe, và chỉ tin một nửa những gì bạn thấy” (“Believe none of what you hear, and only half of what you see” – Benjamin Franklin).
Từ lâu thường nghe nói “nước ta rừng vàng biển bạc”. Nay rừng hết, biển chết, tài nguyên cạn kiệt, đồng bằng hạn hán, ngập mặn. Lại nghe “người Việt Nam thông minh cần cù” và “không thua kém ai”. Nhưng tại sao dân phải xuất khẩu lao động, để làm thuê, đẻ mướn? Tại sao nhà giầu và các quan chức bỏ đất nước ra đi ngày càng nhiều? Tại sao hàng trăm ngàn doanh nghiệp chết hoặc ngắc ngoải? Tại sao bà phó chủ tịch nước kêu lên, “họ ăn không từ một cái gì”? Tại sao Chính phủ không biết “lấy tiền đâu để phát triển”? Tại sao cải cách mà đất nước vẫn tụt hậu, nợ công chồng chất, ngân sách thâm hụt, chỉ đủ trả nợ đến hạn? Tại sao xã hội bất an, trộm cắp, lừa đảo, bạo lực? Thật nghịch lý. Do dân trí hay do ngộ nhận?
Quá nhiều ngộ nhận
Vì muốn giàu nhanh, nhiều người đã khuynh gia bại sản vì chơi đề, chơi chứng khoán, vay tiền vô tội vạ. Nhiều người khóc dở mếu dở vì kinh doanh đa cấp (với giấc mơ “ai là triệu phú”). Vụ lừa “Liên Kết Việt” (2/2016) là một bài học. Hơn 45.000 người (có tin nói 60.000) tại 21 tỉnh thành, đã bị lừa với số tiền hơn 1.900 tỷ đồng. Một con số khó tin! Điều khó tin hơn là “siêu lừa” Lê Xuân Giang (giám đốc) trong vai “đại tá dổm” với “doanh nghiệp Quốc phòng dổm”, đã qua mặt các quan chức Bộ Quốc Phòng và Bộ Công Thương, lừa đảo “đúng quy trình”, thậm chí còn được Thủ Tướng tặng bằng khen (dổm).
Một chính thể chuyên chính do đảng lãnh đạo toàn diện, tại sao có nhiều lỗ hổng như vậy? Một xã hội được kiểm soát chặt chẽ từ trên xuống dưới, tại sao lại để họ lừa dễ và lừa nhiều đến thế? Người Việt dễ bị lừa phải chăng là do ngộ nhận?
Chưa hết. Gần đây tin tức lại rộ lên về những vụ lừa đảo mà nạn nhân là phụ nữ. Theo báo Tuổi trẻ (8/4/2016), hai phụ nữ Việt cấu kết với 3 đàn ông châu Phi, đã lừa 80 nạn nhân (là những phụ nữ nhẹ dạ cả tin, sính ngoại), chiếm đoạt 15 tỷ đồng và gần 24.000 USD. Ba người đàn ông châu Phi đã tạo ra những tài khoản facebook, skype, để kết bạn qua mạng với phụ nữ Việt. Họ giả danh làm người nước ngoài thành đạt nhưng thiếu thốn tình cảm, hứa hẹn chung sống, và muốn gửi quà cho bạn gái ở Việt Nam. Chúng giả làm nhân viên hải quan gọi điện cho những phụ nữ bị lừa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ATM để thanh toán phí nhận lô hàng giá trị từ nước ngoài gửi về cho họ. Ngộ nhận “đến thế là cùng”!
Không chỉ người dân ít học bị lừa, mà cả sinh viên, trí thức học nhiều cũng bị lừa, ngay tại nước Úc (người Việt lừa nhau). Tháng 1/2015, hơn 300 sinh viên Việt ở Sydney và Melbourne, đã bị một người Việt trên mạng Facebook lừa mua vé máy bay giá rẻ của Vietnam Airlines, với số tiền đặt vé lên tới trên 500.000 AUD (gần 8 tỷ VNĐ). Đây là vụ lừa đảo lớn nhất từ trước tới nay liên quan tới sinh viên Việt Nam học tại Úc. Họ bị lừa không phải do công nghệ cao mà do dân trí thấp, vì ham rẻ nên ngộ nhận. Thật là ngoạn mục!
Không phải chỉ có dân thường ngộ nhận, mà quan lớn cũng ngộ nhận. Điển hình là ông Võ Kim Cự (và một số quan chức khác) đã “quyết liệt” rước bằng được Formosa về Hà Tĩnh, để “đổi đời” cho quê hương, bằng cách “chọn thép bỏ cá”, dẫn đến thảm họa môi trường. Chẳng lẽ họ không biết Formosa có lý lịch hủy hoại môi trường nổi tiếng ở Đài Loan và một số nước khác? Phải chăng là do ngộ nhận nên họ không biết (tức vô minh)? Hay là có biết nhưng họ lờ đi vì hám danh, hám lợi (tức bất minh)? Hay là do cả hai? Nếu không diệt trừ tận gốc ngộ nhận về đầu tư và phát triển, thì sẽ còn nhiều Formosa khác.
Một ví dụ nữa, 6 trong 7 hãng viễn thông lớn (Viettel, MobiFone, Vinaphone, Vietnamobile, SFone, G-Tel) đều sử dụng công nghệ viễn thông của Huawei và ZTE. Có tới 30.000 trạm phát sóng (BTS) của các nhà mạng sử dụng thiết bị của hai tập đoàn này. Vì thế hackers TQ mới dễ dàng tấn công và kiểm soát mạng thông tin của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất (29/7/2016). Một ngày nào đó, tin tặc TQ sẽ tấn công và kiểm soát mạng thông tin của các cơ sở còn quan trọng hơn (cũng sử dụng công nghệ của Huawei và ZTE).
Chẳng lẽ các chuyên gia và quan chức VN không biết Huawei và ZTE là ai, và không biết hệ quả thế nào nếu TQ bắt chẹt (blackmail)? Đừng ngộ nhận về “đại cục” và “16 chữ vàng”. Việt Nam đã trả giá quá lớn cho ngộ nhận về chủ nghĩa Mao, nay đang trả giá lớn hơn cho ngộ nhận về Thành Đô. Hãy tỉnh ngộ trước khi quá muộn!
Lý giải nguyên nhân
Việt Nam có tỷ lệ giáo sư, tiến sỹ vào loại cao nhất thế giới. Sinh viên Việt cũng nổi tiếng học giỏi. Đất nước có hơn 90 triệu dân “không thua kém ai” là một nguồn tài nguyên lớn, nhưng tại sao vẫn nghèo và tụt hậu? Phải chăng người Việt cực đoan, bảo thủ, không chịu lắng nghe nhau, nên không hiểu nhau, dễ mâu thuẫn. Phải chăng người Việt ích kỷ, không ai tin ai, hay dối trá lừa gạt nhau, khó hợp tác, nên “ba người thua một”? Dân tộc nào không biết tự soi gương và nhận ra mặt xấu của mình để sửa, thì không thể tiến bộ.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nói ngắn gọn chỉ có ba chữ là “Tham, Sân, Si”. Tham là hám danh, hám lợi, nên dễ bị lừa. Sân là định kiến, ghen ghét, thù hận, cực đoan, nên dễ biến bạn thành thù. Si là vô minh, không chịu lắng nghe, nên thiếu thông tin và kinh nghiệm. Vì “tham, sân, si” nên người ta hay cố chấp và ngộ nhận.
Ví dụ, sau chiến tranh, nhiều người đánh nhau giỏi nhưng ngộ nhận, tưởng mình làm kinh tế cũng giỏi, nên đã mắc phải những sai lầm ấu trĩ. Nhiều người chuyên môn giỏi nhưng ngộ nhận tủởng mình quản trị cũng giỏi, nên nhẩy ra điều hành công ty, nên dẫn đến thất bại. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, không phải vì họ dốt cả, mà chủ yếu vì họ không chịu đổi mới tư duy, ngộ nhận về kinh tế thị trường và hội nhập.
Có nhiều người điều hành công ty nhỏ còn chưa xong, nhưng do chạy chọt, được bổ nhiệm điều hành công ty lớn hoặc tập đoàn, mà không qua đào tạo nghiêm túc. Có người mua bằng cấp giả, hoặc học đối phó để có bằng cấp, mà không có năng lực thực sự. Họ thường ngộ nhận, tưởng mình “không thua kém ai”, mà không biết mình là ai.
Không có gì tai hại hơn là ngộ nhận và lẫn lộn về bạn và thù (vì không có bạn và thù vĩnh viễn), và ngộ nhận, lẫn lộn về lợi ích quốc gia và chủ quyền đất nước với “hữu nghị viển vông”. Ngộ nhận về bạn và thù thường do ngộ nhận về ý thức hệ. Đến nay, nhiều người vẫn kiên trì “định hướng xã hội chủ nghĩa” (tuy “làm gì có mà tìm”!)
Không phải chỉ trong nước mà cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng đầy ngộ nhận, dễ bị lừa gạt. Trong thập niên 1980, họ đã bị lừa bởi “Mặt trận” của Hoàng Cơ Minh (tiền thân của “Việt Tân”) quyên góp tiền của, xây dựng lực lượng vũ trang để “giải phóng đất nước”. Thật ngây thơ và hồ đồ. Khi có người phát hiện dấu hiệu lừa đảo, dũng cảm nói ra sự thật thì bị thủ tiêu (nghi can là K9 giết người diệt khẩu). Vụ 5 nhà báo gốc Việt bị giết hại một cách mờ ám thực chất là khủng bố, làm cộng đồng hoảng sợ phải im lặng. Nay thời thế đã thay đổi, muốn làm rõ sự thật, phải thoát khỏi nỗi sợ và ngộ nhận, để minh bạch thông tin. Bộ phim “Terror in Little Saigon” là một bước khởi đầu đúng hướng.
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc hơn 40 năm, nhưng nội chiến trong cộng đồng người Việt vẫn chưa hết. Hy vọng thế hệ thứ hai không mắc lại sai lầm, ngộ nhận của thế hệ trước. Thực thi công lý không phải để trả thù, mà để giải độc minh oan, và hóa giải một vết đen trong lịch sử cộng đồng. Muốn dân tộc có tự do, dân chủ thực sự, không thể lấy bạo lực cực đoan này để thay thế bạo lực cực đoan khác, như một nghiệp chướng.
Tóm lại, ngộ nhận có thể làm cho dân trí cao biến thành thấp, thế mạnh biến thành yếu. Hãy đánh thức sự tử tế và nhân cách của người Việt, để từng bước “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (như khẩu hiệu của cụ Phan Chu Trinh). Hãy từ bỏ cuồng tín và cực đoan, độc tài và bạo lực. Muốn hóa giải những lỗ hổng hệ thống, khôi phục lòng tin để hòa giải dân tộc và thoát Trung, nhằm chấn hưng đất nước, phải cải cách thể chế. Nếu không, Việt Nam sẽ tiếp tục mắc kẹt tại ngã ba đường, như vũng lầy của lịch sử.
Nguyễn Quang Dy. 1/9/2016
(Blog Kỳ Duyên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét