Việt Nam đã rất thiện chí và chủ động đề nghị việc mời chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ giải quyết dứt điểm các đoạn biên giới chưa phân giới cắm mốc.
LTS: Ngày 31/8 tờ The Cambodia Daily dẫn lời ông Var Kimhong, Bộ trưởng Cao cấp Campuchia phụ trách vấn đề biên giới nói rằng, cuộc họp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia tại Phnom Penh đã không đạt kết quả vì Việt Nam bác bỏ yêu cầu của Campuchia về "nguyên tắc nên áp dụng để phân định biên giới."
Tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia về biên giới lãnh thổ từng có nhiều năm kinh nghiệm tham gia công tác hoạch định, đàm phán phân định biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng, trong đó có Campuchia gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xung quanh vấn đề này, xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc.
Theo dõi quá trình đàm phán phân giới cắm mốc và quản lý biên giới Việt Nam - Campuchia thời gian qua, tôi nhận thấy các cơ quan chức năng cả hai nước đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy sớm hoàn tất công tác phân giới cắm mốc, để có được một đường biên giới thực sự hợp pháp, hòa bình và hữu nghị.
Tuy nhiên trước những tồn đọng trong công tác phân giới cắm mốc chủ yếu là do kỹ thuật (6 trong tổng số 7 điểm hai bên còn ý kiến khác nhau), có những ý kiến dường như làm phức tạp tình hình, không có lợi cho công việc chung mà lại dễ để các thế lực chính trị lợi dụng chống phá quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Là người may mắn có thời gian được tham gia công tác hoạch định biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng, trong đó có Campuchia, cá nhân tôi xin chia sẻ một vài điều, ngõ hầu góp một tiếng nói nhỏ để khơi thông bế tắc, sớm hoàn tất công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền như mục tiêu lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra.
Cuộc họp cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và những tiếng nói trái chiều từ Phnom Penh
Từ ngày 29 - 30/8/2016, tại Thủ đô Phnom Penh - Campuchia, Việt Nam và Campuchia đã tổ chức Cuộc họp cấp Chủ tịch Uỷ ban liên hợp về phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
Thứ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung làm Trưởng đoàn, phía Campuchia do Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới Campuchia Var Kim Hong làm Trưởng đoàn.
Ông Var Kimhong, Bộ trưởng Cao cấp phụ trách công tác biên giới lãnh thổ Campuchia, ảnh: The Cambodia Daily. |
Hai bên đã cùng nhau trao đổi sâu rộng các nội dung liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp công bằng, hợp lý, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, hai bên đều chấp nhận đối với các vấn đề còn tồn đọng trong công tác phân giới, cắm mốc giữa hai nước. Theo đó, hai bên nhất trí:
- Nghiêm túc tuân thủ các Hiệp ước về hoạch định và Thoả thuận có liên quan khác giữa hai nước về biên giới lãnh thổ;
- Tiếp tục trao đổi về các nội dung liên quan đến việc mời Chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ giải quyết dứt điểm các đoạn biên giới chưa phân giới cắm mốc, nhằm đạt kết quả khách quan, khoa học, chính xác và phù hợp với các Hiệp ước hoạch định biên giới giữa hai nước;
- Sớm trao đổi, thống nhất phương án hoán đổi theo mô hình MOU cho 05 khu vực ở Long An và 01 khu vực ở Đắk Lắk nhằm ổn định đời sống cho người dân hai bên khu vực các đoạn biên giới này;
- Tích cực thúc đẩy triển khai xây dựng mốc phụ, cọc dấu và hoàn thiện các hồ sơ phân giới cắm mốc của 83% đường biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia đã được hai bên phân giới cắm mốc.
Tại cuộc họp này, hai bên đã trao đổi cởi mở và thẳng thắn một số vấn đề phát sinh trong công tác quản lý biên giới giữa hai nước. Trưởng đoàn phía Việt Nam đã nêu rõ lập trường và chủ trương nhất quán của Việt Nam về các vấn đề phía Campuchia trao đổi.
Kết quả, hai bên nhất trí, trong khi chờ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, tiếp tục thực hiện quản lý biên giới theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới năm 1983 và Thông cáo báo chí chung ngày 17/01/1995, nhất là nội dung chính của Điểm 8:
“... Hai bên thoả thuận trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới thì duy trì quản lý hiện nay; không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; giáo dục, không để nhân dân xâm canh, xâm cư và cùng nhau hợp tác giữ gìn an ninh, trật tự biên giới”. [1]
Tuy nhiên, The Phnom Penh Post ngày 31/8 đưa tin: cuộc đàm phán biên giới với Việt Nam ngày 29, 30/8 không đạt được thỏa thuận, không có gì tiến triển so với lần đàm phán trước đó diễn ra đầu tháng này tại thành phố Hồ Chí Minh.
The Phnom Penh Post dẫn lời Trưởng đoàn Campuchia Var Kimhong nói rằng, lý do cuộc họp thất bại là vì phía Việt Nam từ chối bắt đầu thảo luận bằng nguyên tắc Uti- Possidetis.
"Kết quả là không có gì. Chúng tôi không thể đồng ý với nhau về những điểm chính của đường biên giới không thay đổi.
Việt Nam đang thúc đẩy sử dụng các thỏa thuận thời hậu thuộc địa, chẳng hạn như Hiệp ước biên giới năm 1985, 2005 và một biên bản ghi nhớ năm 2011.
Họ không hiểu rõ về nguyên tắc này. Tôi không nghĩ rằng nguyên tắc này ảnh hưởng đến các điều ước quốc tế đã ký kết với nhau. Tôi cố gắng giải thích cho họ, nhưng họ không hiểu. Vì vậy việc ký kết các dự thảo không thể xảy ra."
Ông Var Kimhong được The Phnom Penh Post dẫn lời tuyên bố.
Nghị sĩ phe đối lập Yim Sovann nói với The Phnom Penh Post, nếu không tìm được giải pháp thì chính phủ Campuchia nên nộp đơn khiếu nại ra một tòa án quốc tế.
Tuy nhiên ông Var Kimhong nói rằng, nhờ một bên thứ 3 phân xử không phải là lựa chọn. Campuchia sẽ tiếp tục theo đuổi một giải pháp song phương, bắt đầu bằng cách gửi một bản ghi nhớ về nội dung cuộc họp sang Hà Nội để Thủ tướng Việt Nam ký xác nhận. [2]
Còn tờ The Cambodia Daily ngày 31/8 tường thuật, ông Var Kimhong cho biết, phía Campuchia đã lập luận rằng, nguyên tắc Uti- Possidetis được áp dụng bằng cách sử dụng các bản đồ biên giới của "thực dân Pháp".
Ông Var Kimhong còn nói, phía Việt Nam đã lập luận rằng nguyên tắc Uti- Possidetis không được áp dụng vì nó đã được thay thế bởi một số hiệp ước đã ký từ khi Hà Nội "cài đặt" một chính phủ mới ở Phnom Penh vào năm 1979.
"Tôi giải thích với họ rằng, những gì họ nghĩ là không đúng, bởi vì Uti- Possidetis là một nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mà luật pháp quốc tế thì không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều ước nào." [3]
Khái lược quá trình đàm phán hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia
Nếu chỉ đọc những thông tin từ truyền thông hai nước và phát biểu, bình luận được cho là từ ông Var Kimhong như trên, có lẽ bạn đọc rất khó hình dung chuyện gì đang xảy ra, bản chất tranh chấp ở đây là gì và giải quyết theo cơ chế pháp lý nào mà hai bên đã thỏa thuận.
Tôi đã từng đàm phán với ông Var Kimhong, cho nên tôi không nghĩ những nội dung được trích dẫn nói trên là lời của ông ấy.
Ông Var Kimhong là một tiến sỹ luật được học hành, đào tạo bài bản từ các nước tư bản phát triển, một chuyên gia có tiếng tăm của Campuchia về biên giới lãnh thổ.
Vì vậy ông được Chính phủ Hoàng gia Campuchia tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn đàm phán về biên giới, lãnh thổ với các nước láng giềng trong suốt mấy chục năm qua.
Nếu đó đúng là phát biểu của ông ấy, thì quả là điều rất bất ngờ đối với tôi.
Tuy nhiên, dù sao thì thông tin cũng đã được công khai trong dư luận.
Vì vậy, tôi cũng xin mạn phép có một số bình luận, ngõ hầu góp phần bảo vệ sự công bằng, tính khoa học, khách quan của những thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước trong thời gian qua về lĩnh vực biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Trước hết, tôi xin khái lược lại quá trình đàm phán hoạch định biên giới đất liền giữa các quốc gia theo thông lệ quốc tế, nguyên tắc Uti- Possidetis là gì và vai trò của nó.
Tiến sĩ Var Kimhong và Tiến sĩ Trần Công Trục trong lễ ký biên bản cuộc họp vòng 2 Ủy ban Liên hợp hoạch định biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia tại Hà Nội năm 2000, ảnh do tác giả cung cấp. |
Về cơ bản, quy trình này thường trải qua 4 giai đoạn:
1.Thỏa thuận nguyên tắc
2.Hoạch định
3.Phân giới cắm mốc
4.Thỏa thuận quy chế bảo vệ, quản lý biên giới, mốc giới.
Bước thứ nhất - thỏa thuận nguyên tắc:
Ngày 20 tháng 7 năm 1983, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia đã ký Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, trong đó đã thống nhất áp dụng hai nguyên tắc:
(1) Trên đất liền, hai bên coi đường biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ đã được hai bên xác nhận) là đường biên giới quốc gia giữa hai nước;
(2) Ở nơi nào đường biên giới chưa được vẽ trên bản đồ hoặc hai bên đều thấy chưa hợp lý thì hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc, giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. [4]
Nội dung của Hiệp ước nguyên tắc này đã thể hiện rất rõ ràng: hai bên đã hoàn toàn đồng ý áp dụng nguyên tắc Uti-Possidetis để giải quyết vấn đề biên giới giữa 2 nước.
Bước thứ hai - hoạch định:
Sau bước thứ nhất về thỏa thuận nguyên tắc, hai bên đàm phán để thống nhất mô tả hướng đi của đường biên giới bằng lời văn và thể hiện hướng đi của đường biên giới được mô tả này lên một bộ bản đồ địa hình tốt nhất mà hai bên đã thông nhất lựa chọn.
Kết quả của bước thứ 2 bao gồm:
- Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia được ký ngày 27 tháng 12 năm 1985;
- Hiệp ước giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 tại Hà Nội là Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985.
Rõ ràng là khi đã ký được Hiệp ước hoạch định biên giới thì đương nhiên Hiệp ước nguyên tắc này không còn hiệu lực nữa.
Hiện tại, chúng ta đang ở bước thứ ba - phân giới cắm mốc:
Hai bên căn cứ vào các Hiệp ước hoạch định biên giới nói trên để tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa.
Nghĩa là cùng nhau áp dụng các phương tiện và biện pháp kỹ thuật đo đạc bản đồ để chuyển hướng đi của đường biên giới được mô tả trong Hiệp ước hoạch định và được vẽ trên bộ bản đồ địa hình kèm theo Hiệp ước hoạch định này, ra thực địa và cố định đường biên giới trên thực địa bằng các mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững…
Đến nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam và Campuchia đã phối hợp triển khai và hoàn thành được khoảng 83% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa.
Nguyên tắc Uti- Possidetis và vai trò của nó trong đàm phán hoạch định biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia
Để giải quyết các tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia, thực tiễn quốc tế đã áp dụng các nguyên tắc phổ biến, chủ yếu là:
- Nguyên tắc kế thừa các hiệp ước quốc tế về biên giới lãnh thổ.
- Nguyên tắc dùng các đường biên giới đã có (nguyên tắc Uti- Possidetis).
- Nguyên tắc xác định các đoạn biên giới mới theo các nguyên tắc luật pháp và thông lệ quốc tế.
Nguyên tắc Uti- Possidetis xuất hiện lần đầu tiên tại Châu Mỹ Latinh và đã được khẳng định lại tại Châu Phi tiếp sau thời kỳ phi thực dân hóa trong những năm 1960.
Theo đó, trong phong trào phi thực dân hoá, một vấn đề mới đặt ra với các quốc gia châu Phi mới giành được độc lập là: chấp nhận biên giới thời thuộc địa hay xoá bỏ hết và thương lượng một biên giới mới?
Tại hội nghị thành lập Tổ chức thống nhất Châu Phi (OUA) năm 1958, các đại biểu đề nghị huỷ bỏ các biên giới giả tạo thời thuộc địa, nhưng các quốc gia của Tổ chức thống nhất châu Phi đã chấp thuận Nghị quyết được thông qua tại Cairo ngày 21/7/1964:
“Tất cả các quốc gia thành viên cam kết tôn trọng các đường biên giới tồn tại vào thời điểm giành được độc lập”.
Bản tuyên bố về việc giành độc lập của các quốc gia và dân tộc ngày 14/12/1960 của Liên Hợp Quốc cũng bảo vệ nguyên tắc Uti- Possidetis.
Nguyên tắc này cũng được khẳng định là cơ sở để các cơ quan tài phán quốc tế phân xử tranh chấp lãnh thổ, cụ thể trong những trường hợp sau:
Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 14/2/1985 về phân định biên giới biển Guinée và Guinée Bit - xao.
Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 31/07/1989 về việc xác định đường biên giới giữa Guinea Bissau và Xê-nê-gan.
Phán quyết của tiểu Tòa thuộc Tòa án Công lý quốc tế trong vụ tranh chấp biên giới đất liền, đảo và biển giữa El Salvador với Honduras ngày 11/09/1992.
Về sau, nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho các quốc gia thuộc địa mới giành được độc lập tại Châu Á, Phi, Mỹ- Latinh mà nó đã mở rộng phạm vi áp dụng dến tất cả các nước Châu Âu.
Uti-Possidetis là một trong những cơ sở để giải quyết các tranh chấp về biên giới và lãnh thổ giữa các nước cộng hòa cũ của Liên Xô và liên bang Nam Tư những năm 1991 – 1996, giữa Tiệp và Slovakia.
Nội dung của nguyên tắc này là các ranh giới thuộc địa phải được tôn trọng và duy trì như các đường biên giới quốc tế sau khi các quốc gia mới giành độc lập.
“Uti - possidetis, ita- possideatis: Hãy tiếp tục sở hữu cái gì mà anh đang sở hữu…”.
Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia ký ngày 20/7/1983 rõ ràng đã thể hiện đầy đủ các nguyên tắc pháp lý quốc tế hai bên thống nhất lấy làm căn cứ hoạch định biên giới lãnh thổ và giải quyết tranh chấp, trong đó bao gồm chủ yếu là nguyên tắc Uti- Possidetis và sau đó được cụ thể hóa bằng 2 hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và 2005.
7 điểm tồn đọng trong công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia
Hiện nay công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia còn tồn đọng ở 7 khu vực do có sự nhận thức khác nhau, chủ yếu là về kỹ thuật chuyển đổi bản đồ từ Bonnes của Pháp tỷ lệ 1/100.000 sang UTM của Mỹ tỷ lện 1/50.000. Những khu vực đó là:
Tỉnh Gia lai, mốc 30-40; tỉnh Đắc Lắk, mốc 40-44; tỉnh Đắk Nông, mốc 56 - 60 (Bu Phrăng); tỉnh Tây Ninh (Vàm Trang Châu) mốc 139-147; tỉnh An Giang, mốc 241- 245; khu vực Bình Di mốc 253; tỉnh Kiên Giang, mốc 296-302 (Rạch Giang Thành).
Tiến sĩ Trần Công Trục và cán bộ Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam trong chuyến khảo sát mốc cũ L.2.1, Long An ngày 31/3/1999. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Để giải quyết nốt các điểm tồn đọng, Việt Nam đã rất thiện chí và chủ động đề nghị việc mời chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ giải quyết dứt điểm các đoạn biên giới chưa phân giới cắm mốc, nhằm đạt kết quả khách quan, khoa học, chính xác và phù hợp với các Hiệp ước hoạch định biên giới giữa hai nước.
Tuy nhiên trong số 7 điểm tồn đọng này Việt Nam muốn cùng Campuchia nhờ Pháp hỗ trợ giải quyết, Campuchia lại chỉ đồng ý 2 điểm, 5 điểm còn lại do hai bên tự đàm phán giải quyết với nhau.
Nhưng vấn đề đặt ra là, hai bên không thuyết phục được nhau, đàm phán giẫm chân tại chỗ gây cản trở cho toàn bộ quá trình phân giới cắm mốc thì việc nhờ một bên thứ 3 là cần thiết và hợp lý, miễn là bên thứ 3 có đủ trình độ lẫn công tâm. Vậy là vướng mắc đang đến từ phía Campuchia.
Chính ông Hun Sen đã thừa nhận hoạt động đàm phán phân giới cắm mốc giữa hai nước sau 30 năm vẫn chưa thể hoàn thành là do chính người Khmer. Tôi cho rằng đó là những đánh giá khách quan. [5]
Như vậy, việc xử lý nốt 7 điểm tồn đọng chủ yếu do kỹ thuật không phải vấn đề quá khó, mà cái chính là nội bộ Campuchia có tiếng nói thống nhất để muốn làm hay không.
Lúc này không xúc tiến đàm phán giải quyết nốt 7 điểm tồn đọng, Campuchia lại đi lật lại nguyên tắc Uti- Possidetis phải chăng là nhằm cố tình kéo dài quá trình phân giới cắm mốc, bởi việc này có tác động nhất định trong việc kiếm phiếu trước thềm bầu cử Quốc hội Campuchia 2018?
Lý do của việc này xin được phân tích ở bài sau, mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi.
Tài liệu tham khảo:
[5]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Dong-thai-la-cua-ong-Hun-Sen-trong-van-de-bien-gioi-Viet-NamCampuchia-post160172.gd
Ts Trần Công Trục
(Giáo Dục)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét