Chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta sẽ nói lời chia tay với năm 2016. Có thể nói, 2016 là một năm đầy biến động đối với dân tộc Việt Nam. Sự kiện đầu tiên là cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng CSVN với sự ra đi của ông Nguyễn Tấn Dũng. Sử dụng những thủ đoạn về điều lệ tranh cử và đề cử, ông Nguyễn Phú Trọng đã dễ dàng loại Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vòng đua. Thế là Việt Nam tiếp tục bị kìm hãm dưới bàn tay sắt của một lãnh tụ bảo thủ, giáo điều, mù quáng với ảo tưởng về chủ nghĩa xã hội.
Sự kiện quan trọng thứ hai là phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Đường 9 Đoạn. Tòa xử cho nguyên đơn Phi Luật tân thắng vẻ vang mang lại hy vọng cho Việt Nam trước dã tâm và tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhưng sự xuất hiện của tân Tổng Thống Duterte đã làm đảo lộn mọi vấn đề. Bên thắng kiện không muốn nhắc tới phán quyết của vụ kiện nên Trung Quốc dễ dàng vô hiệu hóa phán quyết của Tòa qua một số sách lược ngoại giao khéo léo.
Thứ ba là TPP. Khi 12 quốc gia thành viên đặt bút ký TPP tại Auckland vào ngày 4/2/2016 sau hơn 7 năm đàm phán vất vả, có nhiều hy vọng là Việt Nam sẽ có cơ hội thoát Trung ít nhất là về mặt kinh tế cũng như tình trạng nhân quyền gồm có quyền lao động và tiếp cận môi trường trong sạch sẽ được cải thiện. Nhưng hy vọng này tiêu tan cùng với chiến thắng của Donald Trump. Với chiều hướng theo đuổi chủ nghĩa biệt lập của Trump, Việt Nam khó tránh khỏi ngày càng bị lệ thuộc và đi sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc. Không có TPP, Việt Nam cũng không có động cơ đẩy mạnh cải cách và áp dụng các chuẩn mực quốc tế về trách nhiệm bảo vệ quyền lao động và môi trường.
Nhưng có lẽ sự kiện quan trọng nhất trong năm là biến cố Formosa. Từ đầu tháng 4, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại Vũng Áng Hà Tĩnh, trụ sở của Công Ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh và nhanh chóng lan sang các tỉnh miền Trung gồm có Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên - Huế. Vào ngày 30/6, chính quyền chính thức công bố 3 chi tiết quan trọng. Thứ nhất, Formosa là thủ phạm xả thải gây ra thảm họa cá chết hàng loạt và làm cả một vùng biển rộng lớn nhiễm độc. Thứ hai là Formosa đã đồng ý bồi thường 500 triệu Mỹ kim và thứ ba là việc truy tố Formosa vi phạm pháp luật sẽ do các cơ quan tư pháp xem xét.
Nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào là Formosa sẽ bị truy tố. Trong một thể chế mà chỉ có một Đảng kiểm soát cả 3 vế chính quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp thì việc này không có gì đáng ngạc nhiên. Còn số tiền 500 triệu do Đảng thỏa hiệp với Formosa cũng chẳng dựa trên chứng cứ thực tế nào cả. Điều đáng chú ý là trong tháng 8 thì có nguồn tin là nhà nước miễn và hoàn thuế cho Formosa và các nhà thầu liên hệ tổng số tiền cũng khoảng 500 triệu đô Mỹ tương đương với số tiền bồi thường của Formosa.
Theo báo cáo của chính chính phủ Việt Nam thì có hơn 100,000 nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong số này có hơn 40,000 ngư dân. Ngoài ra, có khoảng 176,000 người bị ảnh trực gián tiếp hoặc phụ thuộc. Nếu chia đều 500 triệu cho tổng số 276,000 nạn nhân thì mỗi người sẽ nhận chưa tới 2,000 đô Mỹ.
Trong tháng 9, chính phủ công bố Quyết Định 1880 ấn định số tiền bồi thường cho 7 nhóm đối tượng gồm có khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch, thương mại ven biển và thu mua, tạm trữ thủy sản. Số tiền bồi thường khác nhau cho chủ tàu lắp máy có công suất khác nhau. Số tiền bồi thường ngư dân làm trên tàu được ấn định trung bình khoảng 4 triệu đồng một tháng (tức khoảng 180 đô Mỹ). Điều đáng nói là chỉ bồi thường trông 6 tháng từ tháng 4 tới tháng 9, tức là 24 triệu tương đương với 1,000 đô Mỹ. Nhưng sau 6 tháng thì lấy gì để sống? Mà biển thì vẫn chết với "những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa".
So với sự khuất tất và tắc trách của nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) độc lập đã thể hiện đúng trách nhiệm và vai trò đối với ngư dân nạn nhân của Formosa. Chỉ trong 3 tuần lễ sau khi hiện tượng cá chết được phát hiện, 20 tổ chức XHDS vào ngày 29/4/2016 đã cùng ký tên vào bản tuyên bố yêu cầu nhà cầm quyền có biện pháp kiểm soát và ngăn chận hành vi xả thải phá hoại môi trường của Formosa. Sau cuộc họp báo của chính quyền vào ngày 30/6/2016 công bố thủ phạm Formosa, 18 tổ chức XHDS đã phổ biến một bản tuyên bố lên án thái độ lấp liếm và dung túng của nhà cầm quyền đối với Formosa cũng như tự ý chấp nhận số tiền bồi thường 500 triệu.
Cùng lúc, một vài tổ chức XHDS khác đã tiến hành các công tác cứu trợ khẩn cấp cũng như nêu thảm họa này lên công luận quốc tế. Một số luật sư thiện nguyện giúp soạn thảo đơn yêu cầu chính quyền rút giấy phép xả thải của Formosa và các mẫu đơn liệt kê thiệt hại cho ngư dân sử dụng. Nhà Thờ là một phần của XHDS tạo điều kiện để các luật sư có chỗ làm việc giúp đỡ nạn nhân điền đơn. Thành viên của các tổ chức XHDS khác lặn lội xuống từng làng chài giải thích về các biện pháp pháp lý chính đáng mà ngư dân có thể theo đuổi. Tính đến nay thì các tổ chức XHDS đã giúp thành lập hơn 15,000 hồ sơ nạn nhân của Formosa chuẩn bị chờ cơ hội để nộp kiện dù bị nhà cầm quyền đe dọa và quấy nhiễu. Có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới này mà nạn nhân của một cuộc thảm họa môi trường lại bị chính nhà nước của họ đe dọa và tước quyền khiếu kiện.
Trong cuộc đấu tranh pháp lý của nạn nhân Formosa, có hai sự kiện nổi bật đáng chú ý nhất là vào ngày 29/9/2016, Linh Mục Đặng Hữu Nam đã dẫn một đoàn giáo dân hơn 600 người từ Nghệ An vào Hà Tĩnh để nộp đơn kiện tại Tòa Án Nhân Dân Thị xã Kỳ Anh. Hai tuần sau đó, Tòa này trả lại đơn kiện viện dẫn lý do "không nộp đủ chứng cứ" và việc này đã được giải quyết qua Quyết định 1880 của chính phủ.
Sự kiện thứ hai là cuộc biểu tình lên tới hàng chục ngàn người vào ngày 2/10. Dù có một vài xô xát không đáng kể nhưng tựu chung đây là một cuộc biểu tình ôn hòa và thành công. Theo lời của Linh Mục Trần Đình Lai, nếu muốn người dân Hà Tĩnh đã có thể san bằng Formosa. Nhưng họ đã không để lại một cọng rác sau cuộc biểu tình.
Các tổ chức XHDS đã đóng một vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ người dân trực tiếp đứng lên nói lên tiếng nói và đòi hỏi quyền lợi của mình. Đó là cả một quá trình trong chế độ độc tài toàn trị. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến đáng kể của xã hội dân sự. Vào ngày 19/10, nhóm Green Trees (trước đây có tên là Hà Nội Xanh) đã nộp lên Quốc Hội một bản báo cáo "Toàn cảnh Thảm họa Môi Trường Biển Việt Nam". Tập tài liệu gần 200 trang này ghi lại một cách có hệ thống theo trình tự thời gian mọi vấn đề liên hệ gốm có chính sách đầu tư ngoại quốc, pháp lý, môi trường, truyền thông Việt Nam và quốc tế, trách nhiệm của chính quyền và vai trò của các tổ chức XHDS. Tài liệu này cũng đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Trung.
XHDS đã thể hiện được tiềm năng qua thảm họa Formosa. Nhưng chặng đường sắp tới vẫn còn đầy gian nan. Có thể chia các tổ chức XHDS thành 4 loại. Thứ nhất là các tổ chức tranh đấu cho quyền dân sự và chính trị chẳng hạn như Hội Anh Em Dân Chủ, Con Đường Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền. Thư hai là các tổ chức mang tính văn hóa và tác nghiệp gồm có Văn Đoàn Độc Lập, Hội Nhà Báo Độc Lập, Hội Giáo Chức Chu Văn An. Thứ ba là các tổ chức tôn giáo gồm có Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo VNTN, Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Giáo Hội Liên Hữu Lutheran Việt nam - Hoa Kỳ và một số tổ chức tôn giáo khác. Thứ tư là các tổ chức tranh đấu cho quyền xã hội và kinh tế chẳng hạn như Phong Trào Lao Động Việt, Green Trees, Phong Trào Liên Đới Dân Oan, Hội Bầu Bí Tương Thân. Các tổ chức XHDS này đã góp phần nâng cao dân trí, cung cấp thông tin chính xác và trung thực, tham gia cứu trợ tại thực địa và gióng lên tiếng nói phản biện cũng như phê bình những sai sót của nhà cầm quyền. Nói chung, họ đều chia sẻ ước vọng xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và tiến bộ để nâng cao đời sống hàng ngày và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Họ là nền tảng của một thể chế dân chủ đa đảng và đa nguyên mà Việt Nam phải theo đuổi để sánh bước vươn lên cùng với các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, các tổ chức XHDS đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức. Trước hết là từ nhà cầm quyền và hệ thống an ninh luôn rình rập, quấy nhiễu, bắt bớ, đánh đập hoặc cô lập kinh tế. Khó khăn lớn nhất là về mặt tài chánh. Tổ chức XHDS độc lập không có tư cách pháp nhân và không thể gây quỹ cũng như nộp đơn xin tài trợ với nhà nước hoặc các cơ quan tài trợ quốc tế. Vì không có tài chánh nên không thể tuyển dụng nhân sự có khả năng hoạt động chuyên nghiệp.
Người Việt hải ngoại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển tổ chức XHDS hoạt động chuyên nghiệp, có bài bản và hiệu quả. Các đoàn thể, tổ chức XHDS Việt Nam tại hải ngoại có thể yểm trợ tài chánh giúp các tổ chức XHDS trong nước có phương tiện huấn luyện và tuyển dụng những người hoạt động có kỹ năng cao. Chúng ta có thể giới thiệu hoặc cùng đứng đơn với các tổ chức XHDS trong nước xin yểm trợ kỹ năng và tài trợ từ các cơ quan quốc tế cho các dự án liên quan tới nhân quyền, bảo vệ môi trường và quyền của người lao động. Không chỉ các tổ chức XHDS trong nước cần phải liên kết và hỗ trợ lẫn nhau mà các đoàn thể, tổ chức XHDS Việt Nam tại hải ngoại cũng cần làm việc đó để gia tăng sức mạnh hầu có thể đóng góp hiệu quả hơn. Cụ thể trước mắt là vấn nạn Formosa. Trong thời gian qua, cộng đồng người Việt hải ngoại đã tích cực gây quỹ cứu trợ đồng bào miền Trung sau các trận lũ lụt. Đây là một nghĩa cử rất đẹp thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách. Nhưng nỗ lực gây quỹ yểm trợ cho các tổ chức XHDS trong nước giúp nạn nhân Formosa khiếu kiện thì lại rất khiêm nhường. Lụt miền Trung thì năm nào cũng có. Không chỉ thiên tai mà còn có nhân tai chẳng hạn như việc tập đoàn thủy điện Hố Hô tùy tiện xả lũ gây ra cái chết của hơn 20 người. Nếu người dân không có sự yểm trợ của các tổ chức XHDS mạnh dạn đứng lên khiếu kiện thì việc này chắc chắn sẽ tái diễn. Nhóm Cây Xanh gồm có hơn 20 thành viên trẻ và năng động đã bỏ nhiều công sức soạn thảo tài liệu "Toàn cảnh Thảm họa Môi Trường Biển Việt Nam" nhưng không có tiền để in và phổ biến rộng rãi. Chỉ với thiện chí mà không có phương tiện thì Việt Nam sẽ rất khó thay đổi.
Đúng là tương lai của đất nước Việt Nam phải do chính người Việt trong nước định đoạt. Nhưng với hoàn cảnh khó khăn của các tổ chức XHDS trong nước hiện nay, vai trò của người Việt hải ngoại là cực kỳ quan trọng nếu không muốn nói có tính quyết định trong tiến trình đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ, đa nguyên và tiến bộ.
Ls Nguyễn Văn Thân
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét