Nguyễn An Dân - Chuyện ông Tô Lâm - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Nguyễn An Dân - Chuyện ông Tô Lâm


Kết quả hình ảnh cho ông Tô Lâm
Ông Tô Lâm
Trong đề nghị của ông Tô Lâm gửi Bộ Chính Trị về chống chệch hướng kinh tế đăng trên tờ VietNamnet thì chúng ta có thể thấy rõ là ông không nhắc tới các nước tư bản giẫy chết và cũng như các thế lực thù địch (vốn là cụm từ lâu nay đảng dùng để ám chỉ những người đối lập). Tôi đánh giá thì đây là phát biểu tích cực.

Nội dung ông Tô Lâm nói là chống việc doanh nghiệp tác động vào chính trị, làm chuyển hướng chính trị.

1/ "Ổn định để phát triển" hay "phát triển để ổn định" ?

Thứ nhất là chúng ta và cả ông Tô Lâm đều biết là VN đang nằm trong sự giằng co ảnh hưởng của tư bản phương Tây ( đứng đầu là Mỹ) và Trung Quốc, cả hai nước đều muốn VN chuyển hóa. Cái khác nhau chỉ là Mỹ muốn VN chuyển hóa trong hòa bình, còn TQ là muốn bành trướng và thôn tính.

Mỹ tác động Việt Nam chuyển hóa là tác động bằng chính sách ngoại giao cấp chính phủ, bằng tài trợ-cho vay có điều kiện cụ thể, bằng hiệp định ký kết giữa hai nước. Các xứ dân chủ như Mỹ thì ngay cả chính phủ cũng phải làm theo luật. Các doanh nghiệp của họ không rảnh và rất khó để đầu tư vào Việt Nam rồi biến doanh nghiệp đó thành 1 tổ chức chính trị vì đó không phải là kiểu chơi của họ.

Cộng đồng đối lập trong và ngoài nước cũng từng suy nghĩ thành lập các doanh nghiệp để qua đó có tiền hoạt động chính trị và còn chưa thành công, nói gì đến việc dùng kinh tế để chuyển hướng chính trị của đảng.

Thế lực đủ sức, đã và đang làm điều này thì chỉ có các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang làm mà thôi, thành ra phe đối lập không cần "tâm tư" về phát biểu này. Hãy dùng phát biểu này để nhắc ông Tô Lâm dùng quyền hạn và tư duy này của ông để xử lý Formosa Hà Tĩnh và dự án thép Hoa Sen Cà Ná thì đúng đắn hơn.

Thứ hai là cũng trong báo cáo này, ông Tô Lâm đề nghị đảng thay đổi quan điểm lâu nay là "Ổn định để phát triển" bằng "Phát triển để ổn định", đây là một điều khá thú vị khi đảng đang hô hào chống tự diễn biến tự chuyển hóa.

Với quan điểm cũ là ổn định (chính trị), hàm nghĩa bóp nghẹt cải cách để từ từ phát triển đã làm đất nước tụt hậu, cũng có phát triển nhưng phát triển bằng tiền vay, bằng bóp nghẹt dân chủ, tự do ngôn luận, bằng bán tài nguyên thiên nhiên...gọi là phát triển không bền vững.

Nhiều chuyên gia trí thức lớn và cả nhiều đảng viên cao cấp đã thấy điều này, và họ đòi hỏi Đổi Mới 2 để phát triển, vì Việt Nam hiện đã hết đà phát triển từ Đổi Mới 1.

Thành ra đề nghị của ông Tô Lâm "phát triển để ổn định" nghĩa là phải đổi mới để ổn định. Đổi mới chính trị để cởi trói sức dân, để đoàn kết dân tộc, để thoát Trung để đất nước phát triển. Phát triển như vậy hàm nghĩa là phát triển bền vững, từ đó mới đưa đến ổn định thật sự. Trong tình hình đảng đang hò hét chống tự diễn biến, tự chuyển hóa mà ông Tô Lâm "dám" đề nghị như vậy thì theo tôi là điều chúng ta cần lưu ý.

2/ Một ít chuyện xưa

Ông Tô Lâm từng được tòa đại sứ Mỹ khen với Bộ Ngoại Giao Mỹ, qua những công điện bị rò rỉ bởi Wikileaks. Mỹ ít khi khen các chính khách cộng sản trừ khi họ thấy có tư duy tiến bộ.

Cuối năm 2015, khi luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà bị bắt, đại sứ Mỹ có sang gặp trực tiếp ông Tô Lâm và chất vất điều này.. Tôi còn nhớ khi đó ông Tô Lâm có vẻ bối rối và nhìn lên trần nhà khi đại sứ Mỹ phát biểu. Đây là điều khá thú vị, nếu chúng ta quan niệm các quan chức lãnh đạo thường có da mặt dày hơn quần chúng.

Cũng trong năm 2015, ông Tô Lâm cùng ông Trần Đại Quang được trao bằng khen và gắn huy chương. Theo dư luận đồn đoán thì là do 2 ông có công trong việc ngăn chặn một âm mưu chính trị nào đó. Điều này dĩ nhiên làm thiên triều không khoái.

Tuy nhiên công an, nhất là ở địa phương,đang có xu hướng biến thành kiêu binh và có nhiều sai phạm trong việc sử dụng chức vụ quyền hạn, nhậm chức hơn nửa năm rồi, ông Tô Lâm cần chấn chỉnh các hiện tượng này thì dân mới ủng hộ và tâm phục khẩu phục hơn.

Ông Tô Lâm cũng cần chú ý phát ngôn, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã về hưu mà họp chính phủ ông cứ "kính thưa thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng" thì coi chừng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trừ lương ông.

Vài nét như vậy để chúng ta thấy ông Tô Lâm có nhiều nét thú vị hơn các bộ trưởng công an tiền nhiệm.

Nguyễn An Dân 30/12/2016

(FB Nguyễn An Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad