Bạch Hoàn - Cho không 1.500 ha đất? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Bạch Hoàn - Cho không 1.500 ha đất?


Phối cảng quy hoạch cảng Cà Ná
Phối cảnh quy hoạch cảng Cà Ná
Chiều nay, tôi nhận được một văn bản do phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký chấp thuận điều chỉnh công năng, quy mô và quy hoạch Khu bến cảng Cà Ná, Ninh Thuận. Đây là một bước tiến chính thức sau những nỗ lực của Tập đoàn Hoa Sen liên quan đến kế hoạch xây dựng nhà máy thép ở bãi biển Cà Ná.

Gần 4 tháng trước, tức vào đầu 10-2016, sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chấp thuận cho mở rộng diện tích Khu công nghiệp Cà Ná từ 827 ha lên 1.500 ha.

Tôi nhắc đến hai dự án này là vì, cả hai đều nhằm mục đích tạo cơ sở hạ tầng để xây dựng và vận hành tổ hợp luyện cán thép Cà Ná Hoa Sen. Dự án Khu công nghiệp Cà Ná nhằm xây dựng hạ tầng cho dự án thép. Dự án cảng quốc tế Cà Ná nhằm phục vụ nhập khẩu than, quặng, vật tư nguyên liệu và xuất khẩu thép thành phẩm.

Cả ba hạng mục, đương nhiên đều do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư. Nhưng để thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ba pháp nhân, gồm: Công ty TNHH một thành viên đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, Công ty TNHH một thành viên Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và Công ty THNN một thành viên đầu tư Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Vì sao lại tách thành ba pháp nhân để thực hiện một dự án? Để trả lời câu hỏi này, nhất thiết phải trở lại những ưu đãi mà Ninh Thuận muốn dành cho Hoa Sen.

Theo đề xuất của Ninh Thuận, dự án cảng biển và dự án hạ tầng khu công nghiệp được miễn hoàn toàn tiền thuê đất và mặt nước trong suốt vòng đời của dự án. Đơn vị đầu tư, quản lý vận hành dự án hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná được toàn quyền quyết định giá cho thuê đất đối với các nhà đầu tư thứ cấp.

Điểm đáng lưu ý là Khu công nghiệp Cà Ná có quy mô 1.500 ha thì dự án tổ hợp luyện thép nằm trong đó lại có quy mô vừa đúng 1.500 ha. Nếu cơ chế trên được chấp thuận thì Công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná Hoa Sen có thể cho Công ty đầu tư khu liên hợp luyện cá thép Hoa Sen Cà Ná thuê đất.

Theo nghị định 46 hướng dẫn Luật đầu tư 2014, dự án đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp nằm trong danh mục được miễn tiền thuê đất, mặt nước. Trong khi dự án đầu tư nhà máy thép lại không có tên trong danh mục ấy. Do đó, chỉ với động thái tách pháp nhân đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ra khỏi pháp nhân làm thép, thì khoản tiền thuê đất trong 70 năm của dự án thép lẽ ra phải đóng vào ngân sách nhà nước lại vẫn nằm trong túi của Tập đoàn Hoa Sen. Hiểu nôm na, ông Lê Phước Vũ chỉ lấy tiền từ túi này bỏ sang túi kia và cả hai cái túi ấy đều là của ông.

Đó là chưa kể, khi vận hành, việc một chủ đầu tư được tự quyết giá thuê đất cho chính họ, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng dùng nhà máy thép khai giá thuê đất cao để giảm thu nhập phải đóng thuế. Điều này cũng không đẩy thuế sang dự án hạ tầng khu công nghiệp, bởi vốn đầu tư ban đầu của họ đã lên đến 400 triệu USD, chưa kể chi phí vận hành thì không biết khi nào mới phải đóng thuế.

Chưa hết, hạng mục hạ tầng và cảng biển còn xin được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 30 năm. Đây là mức ưu đãi vượt khung. Trong khi theo Hoa Sen, khi các dự án đi vào hoạt động, lợi nhuận trước thuế mỗi năm là 4.200 tỉ đồng. Chỉ trong 8 năm là họ đã có thể hoàn vốn đầu tư.

Nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận lớn, ngành sản xuất nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, cớ gì Ninh Thuận lại muốn xin ưu đãi vượt khung? Cớ gì Ninh Thuận lại không biết tiền thuê đất lẽ ra nhà nước được thu về thì cuối cùng lại chẳng được cắc bạc nào?

Hỏi như vậy nhưng tôi không cần Ninh Thuận phải trả lời. Bởi khi nghĩ đến bản thông cáo báo chí Ninh Thuận phát đi nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho dự án của Hoa Sen dạo trước, nghĩ đến sự rốt ráo nhiệt tình của chính quyền tỉnh này, tôi đã có câu trả lời của mình.

(Còn tiếp...).

Bạch Hoàn

(FB Bạch Hoàn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad