Chuyện xảy ra ở miền bắc, cũng xa lắc, xa lơ…từ hồi nước mình chưa thống nhất, còn tạm chia làm hai miền.
Nó được gọi lên ,giao nhiệm vụ:
- Vừa rồi, đồng chí lãnh đạo nước coi thịt chó là “quốc hồn ,quốc túy” sang thăm, nếm thử món thịt chó do chúng ta chế biến, nhất là món rựa mận, đồng chí khen hết lời, nói rằng, ngon hơn bên đồng chí ấy. Đồng chí muốn mời một đầu bếp giỏi chuyên chế biến các món ăn bằng thịt chó sang hướng dẫn cho các đầu bếp, đặc biệt là món rựa mận. Sau khi nghiên cứu lý lịch, tay nghề …thấy anh phù hợp, chúng tôi nhất trí cử anh đi…
Thời gian hướng dẫn chế biến thịt chó cho học viên là ba tháng, bên người ta nói thế ,làm nó phân vân. Hướng dẫn chế biến thịt chó, chậm là ba ngày, tiếp thu nhanh, nửa buổi, ba tháng thì phải làm thế nào???
Trằn trọc mất mấy hôm, nó mới nghĩ ra được…
… Đầu tiên, nó phân loại học viên, vì lớp học có rất nhiều thành phần ưu tú: Nhà văn, công nhân, sỹ quan quân đội…
Với nhà văn, phải học bài lý luận: Phương pháp sáng tác hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa trong thịt chó, nghĩa là tả thịt chó phải tả thực, tránh bôi đen, nói xấu…Giả như nhìn thịt chó có màu vàng ươm phải tả như ánh bình minh, đó là tương lai sáng lạng mà đất nước đang vươn tới…Rồi thảo luận, thu hoạch, đánh giá…
Với sỹ quan quân đội, phải học bài: Phân biệt rõ địch, thù trong thịt chó. Nghĩa là người chế biến thịt chó với đồng đội phải chế biến thật ngon, còn với kẻ thù…không bao giờ có chuyện đó, chỉ có tiêu diệt…Lại thảo luận, thu hoạch, đánh giá…
Với học viên là công nhân phải học bài: Tính chất liên minh công nông trong thịt chó… Thịt chó muốn chế biến ngon phải hiểu tâm lý người nông dân, người công nhân, họ ăn kiểu gì? Lúc nào? Bày biện ra làm sao? Để thể hiện tinh thần đoàn kết…mất bao nhiêu buổi thảo luận, thu hoạch, đánh giá…
….
Cứ thế, riêng thảo luận, thu hoạch, đánh giá… mất hơn hai tháng, chưa kể những buổi thảo luận, thu hoạch, đánh giá chung… Mỗi buổi nó lên lớp là các học viên chăn chú ghi chép. Nó đi dạo, các học viên bu xung quanh, hễ nó nói câu gì là tất cả học viên vội ghi vào sổ…Thậm chí có lần vào nhà xí ( nhà cầu) , ăn bổ nhiều, thải ra quá nhanh, nó kêu lên: “ sướng quá!” ,bên ngoài mấy người học viên cũng vội ghi chép!!!
Xong phần lý luận đến phần thực hành, trực tiếp nó hướng dẫn cách xào lăn, nướng, quay, xáo măng… đặc biệt món rựa mận…Học viên lớp học rất chăn chú xem nó hướng dẫn rồi thực hành…
Buổi tổng kết, đồng chí lãnh đạo nước đó trực tiếp xuống dự và ăn mấy món thịt chó do học viên nấu, nhất là món rựa mận, khen rối rít, cảm ơn, ôm hôn thắm thiết nó…Khi nó về nước, đồng chí còn ra tận cầu thang máy bay ,tiễn…
Nhưng về chưa đầy một tháng, bên đó lại yêu cầu nó sang. Vì món rựa mận mà đồng chí lãnh đạo ưa thích, học viên nấu đúng như nó hướng dẫn, học thuộc lý luận kể cả “phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa, phân biệt địch thù, liên minh công nông” sao không ngon…ăn không có hương thơm đậm đà như nó nấu!
Nó lại sang, lại phải mở mấy lớp lý luận, rồi hướng dẫn thực hành…
… Sang nước bạn, ở khách sạn hạng sang, ăn toàn món ngon, nó tự khen “ …Có mẻ (1) rựa mận mới ngon. Mình dấu, các “bố” không biết…mình tài thật…tài thật… ” Rồi nó cười tủm tỉm.
----------
(1) Mẻ ( Cơm thiu)– Trong món rựa mận, ngoài gia vị cần thiết phải cho mẻ vào rồi trộn đều, khi nấu thịt mau mềm, ăn sẽ có hương vị riêng…
Trần Kỳ Trung
(FB Trần Kỳ Trung)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét