Hợp tác dầu khí Việt - Mỹ ở Biển Đông, Rex Tillerson và Phán quyết Trọng tài - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Hợp tác dầu khí Việt - Mỹ ở Biển Đông, Rex Tillerson và Phán quyết Trọng tài


Tôi có thể hiểu được tại sao Giáo sư Carl Thayer hay nhà báo Hellen Clark đánh giá cao về vai trò, ảnh hưởng của Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson.

Theo báo Nhịp cầu Đầu tư ngày 15/1, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, ngày 13/1, PVN đã cùng Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam (Exxon Mobil) ký thỏa thuận khung phát triển dự án và thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh.

Dự án khí Cá Voi Xanh là dự án khí lớn nhất tại Việt Nam cho tới nay. Việc phát triển dự án khí này sẽ cung cấp nguồn khí quan trọng để ổn định và phát triển khu vực miền Trung cũng như khả năng bổ sung năng lượng cho miền Nam, tạo đà cho phát triển công nghiệp hóa dầu.

Từ năm 2007, PVN, PVEP và ExxonMobil đã ký Thoả thuận Nghiên cứu chung, làm cơ sở cho ba bên ký kết hợp đồng chia sản phẩm Dầu khí đối với các Lô ngoài khơi miền Trung Việt Nam vào ngày 30/6/2009. [1]

Hoạt động hợp tác dầu khí này giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhận được sự quan tâm, chú ý của một số nhà quan sát và truyền thông quốc tế.

Sở dĩ dư luận quan tâm là vì mối liên hệ giữa Tập đoàn ExxonMobil với Ngoại trưởng đề cử Hoa Kỳ Rex Tillerson, cũng như phản ứng của Trung Quốc trước các hoạt động thăm dò khai thác tài nguyên hợp pháp của Việt Nam trong quá khứ.

Những bình luận về mối liên hệ giữa Ngoại trưởng đề cử Mỹ Rex Tillerson với ExxonMobil

BBC ngày 16/1 tường thuật lại, tháng 6/2007, dưới áp lực của Trung Quốc, Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) đã ngừng việc thăm dò khảo sát địa chấn tại Nam Côn Sơn trước khi chính thức rút khỏi dự án thăm dò này vào tháng 3/2009.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Vào tháng 7/2008, Trung Quốc cũng đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Dự án bị Trung Quốc phản đối lúc đó nằm trên thềm lục địa phía Nam, gồm các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn.

Exxon lúc đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì về tiến độ dự án.

Đại sứ Hoa Kỳ lúc đó là ông Michael Michalak từng nhận xét với BBC rằng các tập đoàn như ExxonMobil có sức mạnh 'như các quốc gia' và có chính sách của riêng họ.

Trong khi ông Rex Tillerson từng làm Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn ExxonMobil trước khi nghỉ hưu để nhận đề cử làm Ngoại trưởng mới của Hoa Kỳ trong chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Giáo sư Carl Thayer bình luận trên BBC:

"Rex Tillerson chắc chắn có hiểu biết sâu sắc về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm cản trở hoạt động của ExxonMobil tại Việt Nam từ các năm 2007-2008. Tillerson sẽ không nao núng trước các phản đối của Trung Quốc".

Trên VOA, Giáo sư Carl Thayer nhận định, đây là chính sách đối ngoại đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại của Việt Nam mà ông xem như một phần của chiến lược cân bằng quan hệ với các siêu cường.

Theo Giáo sư: "ông Rex Tillerson luôn nhờ tới Bộ Ngoại giao Mỹ, và dựa vào sự trợ giúp của họ trong nhiều năm với các thương vụ ở nước ngoài, kể cả ở Indonesia.

Ông Tillerson không lạ lẫm gì với việc nhờ chính phủ Mỹ bảo vệ các quyền lợi của ông ấy. 

Bây giờ nếu đề cử của ông Trump được thông qua ông Tillerson sẽ trở thành Ngoại trưởng Mỹ, và khi ấy, nếu Trung Quốc phản đối mỏ Cá Voi Xanh, thì công ty của ông ấy sẽ được sự trợ giúp của chính ông".

Thời điểm ký thỏa thuận này diễn ra ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam lần cuối của ông John Kerry với tư cách Ngoại trưởng Mỹ. 

Và chỉ 2 ngày trước khi Ngoại trưởng John Kerry đến Việt Nam, ông Rex Tillerson có một số phát biểu gây chú ý về Biển Đông trước Thượng viện. Hiện Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng nào về hoạt động hợp tác dầu khí Việt - Mỹ.

Xung quanh hoạt độn hợp tác này, Asia Times ngày 23/1 đăng bài phân tích của tác giả Hellen Clark, trong đó nhận định, ông Rex Tillerson sẽ là chỗ dựa ngoại giao mạnh mẽ cho dự án hợp tác này giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Hợp tác dầu khí Việt - Mỹ ở mỏ Cá Voi Xanh vừa bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, vừa góp phần thực hiện Phán quyết Trọng tài

Tôi có thể hiểu được tại sao Giáo sư Carl Thayer hay nhà báo Hellen Clark đánh giá cao về vai trò, ảnh hưởng của Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson đối với hoạt động hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông như vậy.

Về những bình luận này, tôi không đưa ra ý kiến đồng tình hay phản đối, mà chỉ xin lưu ý rằng, hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở khu vực mỏ Cá Voi Xanh là hoàn toàn hợp pháp, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam không có tranh chấp.

Tuy nhiên, trong quá khứ Trung Quốc đã từng có những phản đối vô lý để tìm cách hợp thức hóa yêu sách đường lưỡi bò, cũng như hiện nay, họ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam cùng khai thác khu vực cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng.

Liệu điều này có liên quan gì đến phạm vi vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang muốn mở rộng tối đa khi họ chính thức công bố đường cơ sở bao lấy toàn bộ quần đảo này theo quy chế quốc gia quần đảo?

Nhưng vấn đề là “cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng” đến đâu? Đó chính là câu chuyện phạm vi hợp tác - vùng chồng lấn. Vì vây, tôi xin đưa ra một vài bình luận dưới góc độ pháp lý.

Năm 2011 Trung Quốc đã từng gián tiếp cảnh báo ExxonMobil ngay sau khi công ty công bố phát hiện lượng khí đốt lớn tại Lô 118 trong phạm vi mỏ Cá Voi Xanh.

Bắc Kinh nói rằng, các công ty nước ngoài nên dừng thăm dò ở "khu vực tranh chấp".

Ngoài những thông tin truyền thông quốc tế đề cập về việc Trung Quốc gây áp lực với các công ty dầu khí nước ngoài (Anh, Ấn Độ, Hoa Kỳ), trong đó có ExxonMobil không hợp tác với Việt Nam, năm 2012 họ còn mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Cái gọi là "khu vực tranh chấp" mà Trung Quốc đề cập ám chỉ phần lớn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam theo UNCLOS 1982 mà đường lưỡi bò "đè" lên.

Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới chưa bao giờ thừa nhận sự tồn tại của cái gọi là đường chữ U, đường 9 đoạn hay dân gian gọi là đường lưỡi bò ấy.

Giữa năm 2014, Trung Quốc đã kéo giàn khoan khổng lồ 981 ra cắm trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ giữa hai nước.

Ngày 14/5/2014, ông Rex Tillerson khi đó là Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn ExxonMobil đã gặp Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) Wang Yilin tại Bắc Kinh để bàn khả năng hợp tác, theo Reuters.

Nhưng cho đến nay, cả ExxonMobil lẫn CNOOC đều không công bố bất cứ kế hoạch nào về hợp tác thăm dò khai thác trong cái gọi là "vùng tranh chấp" Trung Quốc cố tình tạo ra bằng đường lưỡi bò, thực tế là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam không có tranh chấp. [2]

Những thông tin này cho thấy 3 nội dung đặc biệt quan trọng. 

Một là, những động thái của Trung Quốc hòng hợp thức hóa đường lưỡi bò bằng cách biến các vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, từ chỗ không có tranh chấp thành có tranh chấp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Sự lựa chọn giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ExxonMobil, ông Rex Tillerson thể hiện rõ trong những hoạt động đàm phán dầu khí năm 2014 mà Reuters phản ánh.

Quyết định hợp tác đến cùng với Việt Nam của ExxonMobil là một sự lựa chọn đúng đắn trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, bảo vệ UNCLOS 1982.

Hai là, Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016 trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc về áp dụng, giải thích UNCLOS được Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII đã tuyên:

Đường lưỡi bò không có giá trị pháp lý, yêu sách “quyền lịch sử” Trung Quốc đòi hỏi ở Biển Đông là vô giá trị.

Đây là bước ngoặc to lớn và có ý nghĩa sâu sắc trong việc giải quyết các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông, giảm tối đa phạm vi tranh chấp do Trung Quốc tạo ra.

Chính điều này cùng với phản ứng quyết liệt của Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, có lẽ đã khiến Trung Quốc phải có những hiệu chỉnh.

Ba là, có thể xem như Trung Quốc đã âm thầm thừa nhận và chấp hành một phần Phán quyết Trọng tài liên quan đến đường lưỡi bò, cho dù hành động và tuyên truyền của họ đều hướng tới hiện thực hóa sợi thòng lọng thắt chặt Biển Đông này.

Do đó khả năng Trung Quốc công khai hủy bỏ đường lưỡi bò là ít xảy ra. Họ có thể âm thầm chấp nhận nếu các bên liên quan luôn cảnh giác và kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, cũng như luật pháp quốc tế, UNCLOS ở Biển Đông.

Nếu các bên chỉ vì lợi ích kinh tế, chính trị  mà lơ là mất cảnh giác, xem nhẹ khía cạnh pháp lý, thì họ sẽ lại lấn tới.

Điều này cho chúng ta thêm một bài học quý trong việc xác định phạm vi “vùng chồng lấn” ngoài cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, mà Trung Quốc rất muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://nhipcaudautu.vn/kinh-te/pvn-exxon-mobil-ky-thoa-thuan-khai-thac-mo-khi-lon-nhat-viet-nam-3317485/

[2]http://www.atimes.com/article/exxon-vietnam-gas-deal-test-tillersons-diplomacy/


Ts Trần Công Trục

(Giáo dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad