Sự thay đổi trong chính trường Mỹ sau 8 năm vắng bóng của Đảng Cộng Hòa, việc ông Donal Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ với khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết", đã làm cho chính sách đối ngoại của Mỹ đối với nền ngoại giao thế giới đã và đang có nhiều sự thay đổi đáng quan tâm.
Chính sách cứng rắn về vấn đề Biển Đông của tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, qua tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson đã khẳng định rằng, Hoa Kỳ cần phải ngăn chận Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Các nhà phân tích cho rằng, cho dù Hoa Kỳ có đủ cơ sở pháp lý để không tôn trọng các quyền hàng hải truyền thống của Trung Quốc và Hải quân Mỹ có quyền ngăn cản các hoạt động của hải quân Trung Quốc gần các đảo nhân tạo mà họ đang xây cất. Và hải quân Mỹ không thể phong tỏa toàn diện các đảo nhân tạo mà không dùng đến vũ lực để ngăn cản Trung Quốc. Điều đó cũng có nghĩa là, khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa 2 cường quốc này trên Biển Đông là hết sức cao. Thậm chí người ta còn tính đến khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Tuy vậy, cũng có không ít người khác thì cho rằng, cho đến lúc này chưa có dấu hiệu gì cho thấy là tân tổng thống Donal Trump muốn chiến tranh với Trung Quốc, mà đây sẽ chỉ là một chiến thuật đánh lạc hướng của Trump nhằm tạo sức ép tới Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Có lẽ cũng vì "Nước xa không cứu được lửa gần", nếu như chiến tranh trên Biển Đông nổ ra, cho dù uy lực vũ khí của Mỹ có áp đảo đến đâu so với Trung Quốc như người ta đồn đoán, thì phía Mỹ cũng phải đối mặt với những bất lợi khi mà chiến trường gần với Trung Quốc hơn. Nghĩa là Trung Quốc có ưu thế về khoảng cách.
Trong bối cảnh chính sách xoay trục sang Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á của Mỹ tỏ ra không hiệu quả, các nước thành viên Asian đa phần ngả sang phía Trung Quốc. Trong đó phải kể đến thái độ quay ngoắt của Tổng thống Rodrigo Duterte khi chống đối sự hiện diện của quân đội Mỹ lâu nay tại Philippines, vốn một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Điều đó cho thấy việc Mỹ tìm được một đồng minh để thay thế cho Philippines là điều vô cùng khó khăn vào thời điểm này.
Nhiều chuyên gia thấy rằng, đã đến lúc buộc Việt Nam trong lúc này cần phải tỏ rõ thái độ cũng như thể hiện vai trò của mình trong vấn đề an ninh của khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam đã sử dụng lá bài đối tác an ninh và thương mại để gia tăng các mối quan hệ ở châu Á, hòng tránh khỏi bị lôi cuốn vào tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong lúc này. Thông qua việc nỗ lực xây dựng quan hệ thương mại và an ninh mạnh mẽ hơn với các nước như Ấn Độ, Pháp và Nhật Bản.
Song động thái ngày 13/01/2017, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ký với tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil thỏa thuận khung phát triển dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh và thỏa thuận khung hợp đồng bán khí của mỏ này. Đáng chú ý là sự kiện này xảy ra khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang ở thăm chính thức Bắc Kinh.
Điều đó cho thấy sự khôn ngoan của Hà Nội trong vấn đề quan hệ quốc tế, vì họ đã nhận ra rằng, một khi chiến tranh trên Biển Đông đã nổ ra thì buộc họ phải có một sự lựa chọn dứt khoát, một bên đứng cho mình. Nhưng trong lúc này, khi chưa nổ ra chiến tranh thì họ còn có quyền lựa chọn khác.
Lâu nay những người có tư tưởng cấp tiến hay những người tham gia đấu tranh cho dân chủ, thậm chí là những người dân bình thường ở Việt Nam thường coi nước Mỹ là một mô hình chuẩn mực để hướng đến và theo đuổi. Thậm chí luôn ấp ủ một giấc mơ Mỹ. Và tư tưởng lấy Mỹ làm chỗ dựa cho công cuộc đấu tranh trong hiện tại và là chỗ dựa trong tương lai là điều có thật, đang diễn ra.
Không thể phủ nhận tính ưu việt của nước Mỹ về sự năng động trong hầu hết mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội v.v... Song do sự khác biệt về quan điểm trong các chính sách, đặc biệt là chính sách đối ngoại của mỗi cá nhân tổng thống Mỹ hay các đảng Cộng Hòa hay Dân chủ thay đổi bất thường, cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với các nước đối tác. Việc mới nhất là Donal Trump vội vàng tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định thương mại TPP là một ví dụ. Hay việc từ trước đến nay, đã có nhiều người chê cựu Tổng thống B. Obama có thái độ cải lương trong chính sách nhân quyền đối với Việt Nam, song nếu biết trong diễn văn nhậm chức của tân Tổng thống Donal Trump không hề nhắc đến và bày tỏ thái độ trong vấn đề bênh vực quyền con người - một vấn đề hết sức khó hiểu.
Những bài học trong lịch sử, như thỏa thuận của tổng thống Nixon tại Bắc Kinh năm 1972 thông qua bản Thông cáo Thượng Hải, đã dẫn đến sự đổ vỡ của chế độ Việt Nam Cộng hòa là một ví dụ rõ ràng nhất. Đó là một nhược điểm của nền chính trị dân chủ nói chung và nền chính trị Mỹ nói riêng, cần phải được những nhà hoạt động chính trị, những người đấu tranh vì dân chủ... nghiêm túc xem xét tính đến.
Các bài học về nước Mỹ chỉ nên coi đó là tấm gương, hình mẫu để theo đuổi, chứ khó có thể coi đó là một chỗ dựa vững chắc. Vấn đề quan trọng là cần phải dựa chính vào nội lực của chính quốc gia mình, mà bài học trong sự phát triển của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đã chứng minh điều đó. Đó là sự khác biệt với các quốc gia khác luôn dựa dẫm kiểu như Philippines.
Điều đó đến lúc này cho thấy vẫn luôn luôn đúng.
Ngày 28 tháng 01 năm 2017
© Kami
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét